1. Viêm phổi hít là gì?
Viêm phổi hít là tình trạng hít phải một lượng lớn dị vật từ miệng, hầu họng hoặc dạ dày vào phổi hai bên. Các dị vật này có thể là thức ăn, nước bọt, hóa chất, acid dịch vị, chất nôn,...khi vào phổi sẽ gây phản ứng viêm và tạo tiền đề cho vi khuẩn xâm nhập. Viêm phổi hít được chia thành hai nhóm chính đó là:
- Viêm phổi với các tổn thương do trào ngược dịch vị dạ dày vào trong phổi (hội chứng Mendelson). Mức độ tổn thương tùy thuộc vào số lượng acid dịch vị vào phổi, độ pH và tính chất của dịch.
- Viêm phổi do sặc thức ăn, dịch tiết hầu họng,..Các chất này khi vào phổi có thể gây nhiễm trùng phổi, tổn thương nhu mô phổi do chứa một lượng lớn vi khuẩn gây bệnh.
Trong điều kiện sức khỏe bình thường, việc hít phải dị vật vào phổi rất ít khi xảy ra. Tuy nhiên, bệnh viêm phổi hít rất dễ xảy ra, thậm chí còn là một trong những nguyên nhân gây tử vong phổ biến ở các đối tượng sau đây:
- Những người có tổn thương thần kinh- cơ như xuất huyết não, nhồi máu não, bệnh Parkinson, đa u tủy xương, xơ cứng cột bên teo cơ, nhược cơ, sa sút trí tuệ,...
- Người mắc các bệnh lý như tuyến giáp to, Túi thừa Zenker, phì đại đốt sống cổ, ung thư,...
- Những người nằm viện được thực hiện các can thiệp y tế như: đặt nội khí quản, ống thông dạ dày, thở máy... Các nghiên cứu cho thấy, lòng ống nội khí quản sau khi đặt sẽ nhanh chóng bị phủ bởi một lớp màng sinh học có thể chứa hàng triệu vi khuẩn/cm2. Sự phát triển của vi sinh vật ký sinh ở ống nội khí quản và khí quản do vi khuẩn từ chất tiết đọng phía trên bóng chèn của ống nội khí quản đi vào và phát triển ở khí quản. Ngoài ra, đặt ống thông mũi-dạ dày làm tăng vi sinh vật ký sinh ở vùng mũi-hầu, gây trào ngược dịch dạ dày, vi khuẩn từ dạ dày theo đường ống đến đường hô hấp trên.
- Người mắc các bệnh lý như hẹp tắc đường tiêu hóa, trào ngược dạ dày, hẹp môn vị, tật hàm nhỏ, tật lưỡi lớn, viêm lợi, sâu răng,...
- Do hiện tượng suy thai, thai bị thiếu oxy kích thích hệ Thần kinh phó giao cảm tống xuất phân xu vào nước ối, thai Nhi hít phải phân su dẫn đến suy hô hấp.
- Trẻ em bị sinh non, mắc hội chứng Down hoặc có vấn đề về nuốt do sứt môi, hở hàm ếch, dị tật thực quản.
- Trẻ có thói quen chạy nhảy, đùa nghịch khi ăn có thể dẫn đến nguy cơ hít các chất từ nước bọt, thức ăn, đờm dãi,.. vào phổi.
- Những bệnh nhân có nguy cơ bị viêm phổi hít khi khởi mê nếu bệnh nhân mổ cấp cứu mà không có thời gian chuẩn bị, dạ dày còn đầy thức ăn và dịch vị.
2. Triệu chứng viêm phổi hít
Bệnh nhân mắc viêm phổi hít sẽ có các triệu chứng thường gặp như:
- Ho và sặc thường xuất hiện sau khi nuốt nước bọt và ăn uống.
- Bệnh nhân thở khò khè, khó thở, tím tái, tụt huyết áp, phù phổi,...
- Sau khi các chất tiết đường hầu họng, hô hấp,.. vào phổi, sẽ xuất hiện các triệu chứng nhiễm khuẩn như Ho khạc đờm vàng, Sốt cao, đau ngực, Xét nghiệm máu thấy bạch cầu, procalcitonin, CRP tăng cao. Khám phổi thấy giảm âm phế bào, gõ đục, có tiếng ran, tiếng cọ màng phổi.
- Mức độ nặng của viêm phổi hít rất khác nhau, các triệu chứng bệnh có thể rất mờ nhạt do đáp ứng miễn dịch kém ở người già, hoặc có thể rất nặng nề nếu viêm phổi hít dẫn đến các biến chứng viêm phổi áp xe, suy hô hấp nặng, viêm phổi có sốc nhiễm khuẩn,...Trong trường hợp nặng, bệnh nhân nhanh chóng có các triệu chứng tím tái, thở rít, co thắt thanh môn, nếu không được kịp thời bệnh nhân có thể tử vong.
3. Điều trị viêm phổi hít như thế nào?
Với trường hợp bệnh nhân viêm phổi hít do trào ngược acid dạ dày vào phổi, người bệnh bị rối loạn tri giác, không tự thở được phải tiến hành hút hầu họng, đặt nội khí quản, tiến hành soi rửa phế quản. Trong quá trình soi rửa phế quản cần đảm bảo cung cấp đủ oxy cho bệnh nhân. Không sử dụng kháng sinh để dự phòng nhiễm khuẩn vì có thể gây kháng thuốc, nhưng nếu sau 48 giờ Tình trạng viêm phổi không cải thiện thì phải dùng kháng sinh. Nên dùng các kháng sinh phổ rộng cho đến khi có kết quả nuôi cấy theo kháng sinh đồ thì dùng kháng sinh theo kháng sinh đồ.
Đối với bệnh nhân mắc viêm phổi hít do dị vật rơi vào phổi gây nhiễm trùng thì phải điều trị bằng kháng sinh. Trên lâm sàng, phối hợp kháng sinh thường sử dụng là sự kết hợp một kháng sinh nhóm beta lactam và một kháng sinh aminosid hoặc quinolon. Cho bệnh nhân sử dụng các thuốc hạ sốt, chống viêm, long đờm, bù nước, điện giải. Đảm bảo cung cấp đầy đủ Dinh dưỡng cho bệnh nhân.
Điều trị phục hồi chức năng nuốt ở những bệnh nhân có rối loạn chức năng nuốt bằng các phương pháp như: hỗ trợ bù khi nuốt, luyện tập khi đang trong quá trình nuốt, luyện tập tăng cường chức năng các cơ nhai- nuốt. Các liệu pháp này giúp giảm ứ đọng thức ăn trong miệng và giảm khả năng sặc thức ăn vào phổi. Người chăm sóc bệnh nhân có rối loạn nuốt cần chú ý tìm thức ăn thích hợp cho bệnh nhân, nếu bệnh nhân khó nuốt thức ăn cứng thì chuyển sang chế độ ăn mềm hơn, nếu bệnh nhân dễ bị sặc khi ăn thức ăn lỏng thì chuyển sang chế độ ăn đặc, nên nghỉ ngơi 30 phút trước khi ăn, khi ăn nên tập trung, không nên vừa ăn vừa trò chuyện, xem tivi, đọc sách báo. Cần biết các thao tác cấp cứu ban đầu khi bệnh nhân đang ăn bị sặc.