Vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản những điều cần biết

Bệnh viêm não Nhật Bản đã xuất hiện ở Việt Nam từ rất lâu nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về căn bệnh cũng như vắc-xin viêm não Nhật Bản. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho các thông tin đầy đủ và chính xác về loại vắc-xin này.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Bệnh viêm não Nhật Bản là bệnh gì?

Viêm Não Nhật Bản là bệnh lý Truyền nhiễm thường gặp ở Châu Á - Thái Bình Dương, lây truyền qua Muỗi đốt (muỗi Culex) nhưng chưa có điều trị đặc hiệu, với tỉ lệ mắc là: 67.900 ca/năm (tỉ lệ mắc mới: 1.8/100.000 dân), tỉ lệ tử vong là 25 - 30%, 50% bệnh nhân sống sẽ có di chứng Thần kinh nặng nề. Tại Việt Nam, bệnh lưu hành trong cả nước. Ở Miền Nam, bệnh có rải rác quanh năm; ở Miền Bắc, bệnh thường lưu hành theo mùa, hay gặp từ tháng 4 đến tháng 10 là mùa mưa, đỉnh cao là tháng 6- tháng 7, với các ổ dịch hay gặp ở Miền núi trung du phía Bắc.

Vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản những điều cần biết - ảnh 1
Trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc viêm não Nhật Bản nhất

Bệnh có thể gặp ở mọi đối tượng nhưng thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi. Dấu hiệu của bệnh thường đa dạng, Thường 200 - 300 ca thể ẩn sẽ gặp 1 ca viêm não Nhật Bản điển hình với thời gian ủ bệnh 5 - 15 ngày (thường 1 tuần), khởi phát 1-4 ngày với dấu hiệu sốt, đau đầu, nôn; giai đoạn toàn phát kéo dài 1 - 2 tuần với Sốt 39 - 40 độ C, thay đổi ý thức (li bì, hôn mê), có các triệu chứng thần kinh (co giật, liệt, Rối loạn thần kinh thực vật), có dấu hiệu màng não, liệt chi, dấu hiệu tháp... Bệnh tiên lượng xấu, có thể tử vong đến 20 - 30%, 70 - 80% sống với 50% di chứng tàn tật (30% rối loạn vận động, 20% co giật, 20% rối loạn nhận thức hay ngôn ngữ) ; 50% không có hay có di chứng tàn tật nhẹ (khó khăn học tập, có vấn đề trong ứng xử và di chứng thần kinh khác).

2. Các loại vắc-xin viêm não Nhật Bản cho trẻ Vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản những điều cần biết - ảnh 2

Vắc-xin Imojev 0.5 ml
  • Theo WHO năm 2015 có khoảng 15 loại vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản đang sử dụng dựa trên genotype của 3 dòng virus: Nakayama, Beijing, SA-14.
  • Các vắc-xin viêm não Nhật Bản được chia thành 4 nhóm:Hiện nay tại Việt Nam đang lưu hành 2 loại vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản là Jevax 1ml và Imojev 0.5 ml.
    • Vắc-xin sống giảm độc lực từ tế bào Vero.DV).
    • Vắc-xin bất hoạt điều chế từ tế bào Vero.
    • Vắc-xin sống giảm độc lực.
    • Vắc-xin sống tái tổ hợp (recombinant).
  • Vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản (JEVAX®) là vắc-xin bất hoạt, được sản xuất theo quy trình công nghệ của Viện BIKEN, trường Đại học Osaka, Nhật Bản do Vibiotech sản xuất. Vắc-xin này dùng để dự phòng đặc hiệu bệnh viêm não Nhật Bản. Đây là một dung dịch trong, không màu, được chỉ định tiêm cho trẻ từ 1 tuổi trở lên đến dưới 15 tuổi theo phác đồ:
    • Mũi tiêm đầu tiên: Khi trẻ tròn 12 tháng tuổi trở lên.
    • Mũi tiêm thứ 2: Sau khi tiêm mũi đầu tiên từ 1 đến 2 tuần.
    • Mũi tiêm 3: Sau mũi tiêm thứ 2: 1 năm.
    • Sau đó, nhắc lại mỗi 3 năm / lần cho đến 15 tuổi.

Hiện nay, cục Y tế Dự phòng thuộc Bộ Y tế đã và đang triển khai Tiêm chủng miễn phí vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản Jevax cho trẻ từ 1-5 tuổi trong chương trình “Tiêm chủng mở rộng quốc gia” tại các trạm y tế xã phường với lịch tiêm 3 mũi cơ bản như trên

  • Vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản Imojev 0.5ml: là vắc-xin sống, giảm độc lực, tái tổ hợp với virus Sốt vàng. Vắc-xin được sản xuất từ chủng virus viêm não Nhật Bản giảm độc lực SA-14-14-2. Vắc-xin được chỉ định phòng ngừa Viêm não Nhật Bản cho người từ 9 tháng tuổi trở lên:
    • 9 tháng – 18 tuổi: 2 liều 0.5ml tiêm dưới da cách nhau 12 - 24 tháng
    • Trên 18 tuổi: tiêm dưới da 1 liều 0.5 ml duy nhất
    • Có thể sử dụng chủng ngừa nhắc lại 1 liều duy nhất cho TE trước đó đã tiêm vắc-xin Jevax bất hoạt đủ liệu trình cơ bản 3 mũi.
    • Không tiêm cho phụ nữ mang thai
Vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản những điều cần biết - ảnh 3
Tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản là biện pháp phòng ngừa bệnh tối ưu hiện nay

3. Vì sao nên tiêm vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản cho trẻ?

Hiện nay, Việt nam vẫn là vùng lưu hành dịch viêm não Nhật Bản mà bệnh lại không có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh nhân viêm não Nhật Bản. Vì vậy, việc tiêm vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản giúp phòng tránh được nguy cơ mắc bệnh cũng như các rủi ro do bệnh lý gây ra.

4. Tác dụng phụ khi tiêm vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản Vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản những điều cần biết - ảnh 4

Sau khi tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản chỗ tiêm có thể bị sưng đỏ
  • Giống như các loại vắc-xin khác, khi tiêm vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản cũng có một tỷ lệ nhất định gặp tác dụng phụ:
    • Phản ứng tại chỗ: chỗ tiêm có dấu hiệu sưng đỏ hoặc đau
    • Phản ứng toàn thân: đau đầu, mệt mỏi, đau cơ, người ớn lạnh hoặc sốt nhẹ...
    • Phản ứng sốc phản vệ: trường hợp này rất hiếm gặp, rơi vào tỷ lệ 1/ 1 triệu.
  • Sau khi tiêm xong cho trẻ nghỉ ngơi, theo dõi 30 phút tại cơ sở tiêm chủng trước khi về nhà, đồng thời sau khi về vẫn tiếp tục kiểm tra và theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ ít nhất 24 giờ, nếu có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường cần nhanh chóng đưa trẻ tới các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời như:
    • Sốt cao trên 38,5 độ C và không đáp ứng với thuốc hạ sốt
    • Sốt kéo dài > 48 giờ hoặc trẻ sốt 1 - 2 ngày, hạ sốt sau đó lại sốt lại.
    • Sốt kèm theo một số triệu chứng khác: ho, hắt hơi, chảy nước mũi, ỉa lỏng, phát ban....
    • Trẻ bỏ ăn, thở nhanh, khó thở, tím tái ...hay kích thích, quấy khóc liên tục, co giật, li bì, hôn mê..

Vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phòng bệnh viêm não Nhật Bản cho trẻ ngay từ những năm tháng đầu đời. Các bậc phụ huynh cần chú ý đưa trẻ đi tiêm theo đúng lịch, tiêm đủ liệu trình và theo đúng phác đồ sẽ ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh, giúp trẻ phát triển toàn diện và khỏe mạnh.

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung