1. Dấu hiệu lâm sàng của bệnh suy tim
Suy tim là bệnh lý lâm sàng phức tạp, gồm các triệu chứng như:
- Triệu chứng cơ năng: Khó thở, thở dốc, khó thở đến mức phải ngồi dậy, người mệt mỏi, gặp khó khăn khi hoạt động gắng sức hoặc thậm chí là trong các hoạt động thường ngày... Một số người lớn tuổi còn có các triệu chứng như: Kiệt sức, rối loạn giấc ngủ, rối loạn hành vi, tăng cân, không có khả năng tự chăm sóc bản thân...
- Triệu chứng thực thể: Tim đập nhanh, tiếng tim T3, ran phổi, phù ngoại vi, gan to, tĩnh mạch cổ nổi...
Phân độ suy tim theo chức năng của Hội Tim mạch New York NYHA dựa trên sự đánh giá mức độ các hoạt động thể lực và các triệu chứng cơ năng của bệnh nhân, được chia thành 4 mức độ, gồm:
- Suy tim độ I: Không hạn chế vận động thể thực. Vận động thể lực thông thường không gây mệt, khó thở, hồi hộp
- Suy tim độ II: Hạn chế nhẹ vận động thể lực. Bệnh nhân khỏe khi nghỉ ngơi, vận động thể lực thông thường dẫn đến mệt, khó thở, hồi hộp, đau ngực
- Suy tim độ III: Hạn chế nhiều vận động thể lực. Bệnh nhân khỏe khi nghỉ ngơi nhưng khi vận động nhẹ sẽ có triệu chứng cơ năng
- Suy tim độ IV: Không vận động thể lực nào không gây khó chịu. Triệu chứng cơ năng của suy tim xuất hiện ngay cả khi nghỉ ngơi. Một vận động thể lực nhẹ cũng có thể làm các triệu chứng cơ năng gia tăng.
Trong đó, suy tim độ I và suy tim độ II là giai đoạn nhẹ của bệnh. Người bệnh hầu như không có các triệu chứng rõ ràng của bệnh, chỉ cảm thấy mệt nhẹ khi hoạt động gắng sức. Ở giai đoạn này, người bệnh thường không nhận ra các dấu hiệu tiềm ẩn của bệnh suy tim, khi đi khám cũng rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý Hô hấp thông thường.
Suy tim độ III và suy tim độ IV là giai đoạn tiến triển nặng của bệnh. Các triệu chứng của suy tim đã xuất hiện rõ ràng hơn, ảnh hưởng lớn tới công việc, hoạt động thường ngày của người bệnh. Nếu không được điều trị có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
3.1. Có nguy cơ suy tim
- Giai đoạn A: Bệnh nhân không có triệu chứng suy tim, không có bệnh tim thực tổn nhưng lại có các yếu tố nguy cơ cao dẫn đến suy tim như: Xơ vữa động mạch, béo phì, bệnh mạch vành, tiểu đường, huyết áp cao, rối loạn chuyển hóa, gia đình có tiền sử bệnh cơ tim, bệnh nhân sử dụng thuốc chống độc tim...
- Giai đoạn B: Bệnh nhân chưa có các dấu hiệu suy tim nhưng có các bệnh lý ảnh hưởng tới cấu trúc tim mạch như: tiền căn nhồi máu cơ tim, thiếu máu cục bộ cơ tim, bệnh van tim, rối loạn chức năng tâm thu thất trái...
3.2. Suy tim
- Giai đoạn C: Bệnh nhân có các triệu chứng của các bệnh gây tổn thương cấu trúc tim hoặc có liên quan tới các bệnh gây tổn thương cấu trúc tim. Đồng thời xuất hiện các triệu chứng của suy tim như: Tim đập nhanh, khó thở, mệt mỏi, Ho nhiều về đêm, giảm khả năng gắng sức...
- Giai đoạn D: Bệnh nhân suy tim kháng trị, cần phải sử dụng các phương pháp điều trị đặc biệt như: Sử dụng máy trợ tim, ghép tim...
Trong thực hành lâm sàng, để chẩn đoán chính xác tính trạng bệnh, mức độ nặng của bệnh cũng như nguyên nhân gây bệnh cần kết hợp cả phân độ chức năng và phân giai đoạn của suy tim.