1. Phế cầu khuẩn s.pneumoniae là gì?
Phế cầu khuẩn bao gồm một nhóm các bệnh lý gây ra do vi khuẩn Streptococcus pneumoniae. Đây là một loại vi khuẩn Gram dương thuộc chi Streptococcus. Có rất nhiều chủng vi khuẩn Streptococcus pneumoniae khác nhau, nhiều chủng thường trú trong mũi, họng và đường thở của người khỏe mạnh mà không gây ra bệnh những người này được gọi là người lành mang trùng. Khi cơ thể xảy ra các vấn đề bất thường về sức khỏe như suy giảm miễn dịch, người già, trẻ em hệ miễn dịch chưa hoàn thiện... sẽ tạo điều kiện cho phế cầu khuẩn phát triển gây nên bệnh.
Bệnh do phế cầu khuẩn lây lan thông qua đường hô hấp khi tiếp xúc, va chạm với người bị bệnh qua các hành động như hắt hơi, ho, hôn hay sử dụng chung đồ dùng cá nhân.
Vi khuẩn streptococcus pneumoniae gây ra nhiều bệnh lý khác nhau bao gồm những bệnh nhiễm trùng thường gặp với tần suất cao như Viêm tai giữa hoặc viêm xoang, và những bệnh nhiễm trùng nặng và nguy hiểm đến tính mạng như viêm phổi cộng đồng (nhiễm khuẩn ở phổi), nhiễm trùng máu và viêm màng Não (màng bao bọc xung quanh nhu mô não).
2. Những bệnh lý gây ra do phế cầu khuẩn s.pneumoniae
2.1 Viêm phổi cộng đồng
Đây là một bệnh viêm nhiễm trùng tại phổi, làm cho các túi khí ở một bên hoặc hai bên phổi bị tổn thương và viêm. Bệnh có thể tiến triển nhanh và gây nhiều biến chứng viêm phổi cộng đồng nếu không được chẩn đoán và chữa trị kịp thời. Biểu hiện lâm sàng bao gồm Sốt cao kèm theo rét run hoặc Giảm thân nhiệt ở người có hệ miễn dịch yếu, đau ngực kèm theo khó thở, Ho có đờm hoặc máu.
2.2. Viêm tai giữa
Viêm tai giữa hay còn gọi là nhiễm trùng ở tai giữa nguyên nhân chính là do các bệnh lý đường hô hấp trên không được điều trị dứt điểm hoặc điều trị không đúng cách mà dẫn tới viêm tai giữa. Viêm tai giữa hay gặp ở trẻ nhỏ với tỉ lệ khá cao 80%. Triệu chứng của bệnh có sự khác nhau giữa trẻ em và người lớn.
- Đối với trẻ nhỏ thường xuất hiện các triệu chứng như sốt cao, quấy khóc, bỏ bú và có phản xạ dụi tai, tiêu chảy,..
- Đối với trẻ lớn và người lớn có biểu hiện đau vùng tai, sốt, gặp vấn đề về thính giác. Người mắc thường cáu gắt, buồn nôn và có dịch chảy từ tai ra ngoài.
2.3. Viêm màng não
Viêm màng Não là bệnh do phế cầu khuẩn gây ra khó phát hiện nhất và để lại nhiều di chứng nặng nề cho người mắc. Bệnh lý này được biểu hiện với 2 triệu chứng chính là đau đầu và nôn ói nên dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý đường tiêu hóa khác. sốt cao và đau đầu có thể xuất hiện trong vòng một vài giờ hoặc từ 1 đến 2 ngày. Bên cạnh đó, người nhiễm phế cầu khuẩn còn nhạy cảm với ánh sáng, cứng cổ, mất cảm giác ngon miệng, rối loạn ý thức, bứt rứt, và Lơ mơ ngủ gà. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể để lại di chứng Thần kinh cho trẻ.
3. Cách phòng bệnh phế cầu khuẩn
Chủng ngừa bằng vắc-xin phế cầu sớm cho trẻ từ 6 tuần tuổi là một trong những biện pháp hữu hiệu phòng ngừa bệnh phế cầu khuẩn, được WHO khuyến khích đưa vào chương trình tiêm ngừa quốc gia. Với mức độ gây ra nhiều bệnh nguy hiểm cho con người thì việc phòng bệnh phế cầu khuẩn là một cách để giảm thiểu các tỉ lệ tử vong đáng tiếc, cũng như là giảm thiểu các chi phí và thời gian chữa bệnh.
Trẻ từ 5 tuần tuổi đến 5 tuổi được khuyến cáo nên tiêm vắc-xin để phòng các bệnh do Phế cầu khuẩn gây ra. Tiêm vắc-xin được xem là một biện pháp hữu hiệu giúp trẻ được bảo vệ khỏi phế cầu nhằm giảm thiểu các tai biến cũng như giảm thiểu chi phí và việc sử dụng kháng sinh bừa bãi (một trong những vấn đề đang được quan tâm hàng đầu hiện nay). Tùy theo độ tuổi, số lượng mũi tiêm sẽ khác nhau tùy từng trường hợp.
Bên cạnh đó, để phòng bệnh do phế cầu khuẩn gây ra, cần phải:
- Giữ ấm cho trẻ khi thời tiết thay đổi
- Vệ sinh sạch sẽ vùng mũi họng
- Tăng cường sức đề kháng (cho trẻ ăn đầy đủ dinh dưỡng, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời,..).