1. Bệnh tay chân miệng là gì
Bệnh tay - chân - miệng là một bệnh lý nhiễm trùng do virut gây nên. Những virut gây bệnh chủ yếu là Coxackievirus (nhóm A16) và Enterovirus týp 71 (EV71). Đặc biệt, các trường hợp có biến chứng nặng thường do EV 71.
Đây là bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 3 tuổi, hiếm gặp hơn ở nhóm trẻ dưới 6 tháng và trên 5 tuổi. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng tập trung nhiều vào tháng 2 - 4 và tháng 9 - 12.
Biểu hiện lâm sàng chủ yếu của bệnh tay - chân - miệng là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng nốt phỏng nước trên da và loét niêm mạc miệng.
Điều đáng lưu ý là bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi... Để đề phòng các biến chứng nguy hiểm này, cha mẹ và gia đình cần theo dõi sát trẻ, phát hiện sớm các biểu hiện diễn biến xấu như: Sốt cao, thở bất thường, kích thích hoặc li bì, bỏ bú, nôn trớ, co giật...
Nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời thì nguy cơ tử vong sẽ rất cao và nhanh chóng xảy ra, nhất là trong bệnh cảnh trụy mạch và phù phổi cấp.
2. Thuốc điều trị bệnh tay chân miệng
Đây là bệnh do virut gây ra nên không có thuốc điều trị đặc hiệu.Các biện pháp điều trị nhằm giải quyết các triệu chứng và biến chứng của bệnh.
2.1. Điều trị sốt và loét miệng
- Hạ nhiệt: Khi trẻ sốt cao từ 38,5oC trở lên cần cho trẻ dùng ngay thuốc hạ nhiệt acetaminophen (paracetamol).
- Bổ sung đủ nước: Cho trẻ uống dung dịch điện giải (oresol; hydrit).
- Khi trẻ có sốt và Loét miệng cần bổ sung vitamin C, kẽm...
- Điều trị Loét miệng họng: Dùng dung dịch glycerin borat lau sạch miệng trước và sau ăn. Gel rơ miệng (kamistad; zyttee...) có tác dụng sát khuẩn và giảm đau giúp trẻ ăn uống dễ dàng hơn.
2.2. Khi có triệu chứng Não - màng não
- Cần dùng thuốc chống co giật: phenobarbital.
- Dùng kháng sinh: Cefotaxim điều trị như viêm màng não vi khuẩn.
- Theo dõi sát các triệu chứng hô hấp.
2.3. Triệu chứng màng não - não kèm liệt, rối loạn tri giác
- Thuốc chống co giật.
- Kháng sinh: cefotaxim hoặc ceftriaxon.
- Điều chỉnh rối loạn nước, điện giải, thăng bằng kiềm toan, đường máu.
- Theo dõi sát mạch, nhiệt, huyết áp, nhịp thở, kiểu thở, tri giác, SpO2.
2.4. Suy hô hấp, trụy tim mạch
- Điều trị suy hô hấp: thông đường thở, thở ôxy, điều chỉnh rối loạn thăng bằng kiềm - toan (nếu có).
- Điều trị sốc.
- Điều trị bằng kháng sinh như trên.
Ngoài ra, đối với các trường hợp có biến chứng thần kinh, rối loạn tri giác có chỉ định điều trị bằng gammaglobulin trong 6-8 giờ, 2 ngày liên tiếp. Tuy nhiên, chưa có chứng cứ hiệu quả chắc chắn của biện pháp điều trị này.
2.5. Lưu ý khi dùng thuốc
Khi sử dụng thuốc điều trị bệnh TCM cho trẻ tại nhà, cha mẹ cần chú ý:
- Khi dùng thuốc hạ sốt không nên dùng quá liều lượng khuyến cáo của nhà sản xuất; không dùng các loại thuốc có chứa aspirin vì có thể gây Hội chứng Reye rất nguy hiểm; khi dùng nước muối để sát khuẩn, súc miệng thì nên dùng đúng nồng độ 0,9%, tránh pha mặn, gây xót khiến trẻ đau đớn.
- Đây là bệnh do virut gây ra nên cha mẹ không được tự ý dùng kháng sinh, vì thuốc kháng sinh không có tác dụng với virut (chỉ dùng khi có bội nhiễm vi khuẩn và có sự chỉ định của bác sĩ). Với các tổn thương trên da nếu muốn dùng thuốc bôi ngoài da thì cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại nào để tránh gây kích ứng hoặc nhiễm khuẩn.
3. Thuốc bôi điều trị tay chân miệng ở trẻ em
3.1. Su bạc
Su bạc là sản phẩm cũng được dùng điều trị các bệnh về da như herpes, zona, thủy đậu, sởi, tay chân miệng… Hoặc các bệnh nhiễm trùng da như viêm da, lở loét, Chốc lở, mụn nước và các trường hợp bị Bỏng nhẹ, vết côn trùng cắn, muỗi đốt… Sản phẩm giúp làm sạch và sát khuẩn da, niêm mạc miệng. Để điều trị tay chân miệng cho bé, bạn cần thoa kem 3-4 lần/ ngày vào vùng da bị tổn thương sau khi đã lau sạch bằng khăm mềm và nước ấm.
3.2. Kamistad
Kamistad là sản phẩm có công dụng chữa trị viêm, đau niêm mạc miệng và môi, kể cả những trường hợp có mụn nước, viêm lợi và nứt nẻ môi do trời lạnh. Bạn cũng có thể hỏi ý kiến của bác sĩ về sản phẩm này để bôi lên những vết mụn nước do bị tay chân miệng của bé. Ngoài ra, Kamistad còn được dùng cho người mang Răng giả để bôi lợi, vòm miệng, niêm mạc bị kích ứng và mẫn cảm. Ngăn ngừa các triệu chứng khi Mọc răng sữa, răng khôn…
3.3. Kin Baby
Kin Baby cũng là một sản phẩm gợi ý dành cho bạn nếu muốn chữa tay chân miệng cho bé. Sản phẩm được chiết xuất hoa cúc Chamomile giúp chữa lành vết thương, kháng khuẩn. Tinh chất của cây hoa cúc và cây hoa xôn kháng viêm mạnh, sát trùng nhẹ, làm dịu cảm giác đau rát ở trẻ. Vitamin B5 có trong Kin Baby giúp hàn kín vết thương, liền sẹo giúp vết thương mau lành hơn. Bạn có thể xin ý kiến của bác sĩ để biết thêm thông tin cũng như cách sử dụng.
3.4. Xanh Methylen
Xanh Methylen là một dạng của hemoglobin có tác dụng vận chuyển oxy và mang đến các mô và cơ quan. Xanh Methylen có tác dụng sát khuẩn và nhuộm màu các mô, được dùng điều trị nhiễm virus ngoài da như herpes simplex, điều trị Chốc lở, viêm da mủ và có thể chữa trị bệnh tay chân miệng theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Về cách sử dụng như thế nào, liều lượng ra sao bạn làm theo chỉ dẫn của bác sĩ.
3.5. Acyclovir
Acyclovir cũng là loại thuốc được sử dụng chữa trị bệnh tay chân miệng. Sản phẩm còn được dùng để điều trị nhiễm herpes như chốc mép, bệnh zona, thủy đậu… Acyclovir giúp làm giảm khó chịu và tăng tốc độ phục hồi. Bạn có thể tham khảo thêm ý kiến bác sĩ để nắm bắt thông tin kỹ hơn và tuyệt đối tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ khi sử dụng điều trị tay chân miệng cho các bé nhé.
4. Phòng tránh bệnh tay chân miệng
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, tình hình bệnh tay - chân - miệng vẫn ở mức báo động, đặc biệt đề phòng đỉnh dịch vào tháng 9 - 10 tới. Để ngăn chặn dịch tay - chân - miệng bùng phát thì các biện pháp dự phòng đóng vai trò quan trọng.
Hiện tại vẫn chưa có vaccine phòng bệnh chân tay miệng. Trong vùng dịch, biện pháp hữu hiệu nhất để khống chế dịch là phòng lây lan bệnh sang người lành. Các biện pháp phòng ngừa là:
- Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân nếu không thực sự cần thiết.
- Sau khi chăm sóc bệnh nhân, cần rửa tay kỹ với xà phòng.
- Không được chọc vỡ các mụn nước bọng nước trên da bệnh nhân.
- Giặt các đồ dùng của bệnh nhân và lau phòng ở của bệnh nhân bằng các dung dịch sát khuẩn.
- Cần theo dõi chặt chẽ những trẻ có biểu hiện sốt trong vùng dịch.
- Cho trẻ nghỉ học cho đến khi khỏi bệnh.