1. Rối Loạn nhịp tim là gì?
- Rối loạn nhịp tim là tình trạng bất thường về mặt điện học của tim, có thể là bất thường về việc tạo nhịp hoặc bất thường về mặt dẫn truyền điện học trong buồng tim và biểu hiện trên lâm sàng là: Nhịp quá nhanh (tần số > 100 lần/ phút) hoặc quá chậm (tần số < 60 lần/phút), không đều hoặc lúc nhanh lúc chậm,...
- Rối loạn nhịp tim có thể không có triệu chứng hoặc chỉ gây ra các triệu chứng như: cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực, cảm giác tim đập nhanh hoặc không đều,... Tuy nhiên nhiều trường hợp rối loạn nhịp có thể đe doạ tính mạng của người bệnh và khiến người bệnh phải nhập viện trong tình trạng cấp cứu.
- Rối loạn nhịp là bệnh lý hay gặp trong thực hành lâm sàng hàng ngày, người bệnh có thể được phát hiện khi đi khám sức khỏe tổng quát, hoặc một chuyên khoa khác. Có một số lượng không nhỏ người bệnh cao tuổi được phát hiện bệnh lý rối loạn nhịp tim khi phải nhập viện điều trị các bệnh lý tiểu đường, tăng huyết áp và đặc biệt là phát hiện Rung nhĩ ở người bệnh nhập viện vì tai biến mạch máu não.
2. Như thế nào gọi là Nhịp tim bình thường?
Nhịp tim bình thường là một nhịp tim được bắt nguồn từ nút xoang (Sinoatrial) được dẫn truyền gây khử cực nhĩ, sau đó dẫn truyền qua hệ thống nút nhĩ thất - bó His và mạng lưới Purkinjer (the AV node/His-Purkinje system) gây khử cực thất giúp tâm thất. Hoạt động này diễn ra một cách nhịp nhàng tạo thành các chu kỳ và tương đối đều đặn.
Vậy nếu nhịp tim bình thường thì bạn sẽ thấy gì?
- Tần số tim lúc nghỉ dao động từ 60 - 100 chu kỳ / phút
- Nhịp xoang bình thường sẽ không gây ra bất cứ triệu chứng gì, đôi khi bạn cảm giác hồi hộp, cảm giác tim đập nhanh trong một số hoàn cảnh như: xúc cảm, lo lắng, sốt,... và những triệu chứng này sẽ nhanh chóng trở về bình thường.
3. Nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim
Nguyên nhân dẫn đến rối loạn nhịp tim rất đa dạng. Nếu là do bệnh tim thì thường sẽ nguy hiểm hơn và cần điều trị lâu dài. Ngoài ra còn có những yếu tố ngoài tim làm tăng khả năng bị loạn nhịp tim.
Rối loạn nhịp tim do bệnh tim:
- Bệnh tim mạch: bệnh mạch vành, bệnh cao huyết áp, suy tim, hẹp van tim, hở van tim, cholesterol cao...
- Mất cân bằng điện giải (như natri và kali) làm rối loạn hệ thống điện tim
- Thay đổi cấu trúc cơ tim (ví dụ như biến chứng của cao huyết áp lâu ngày, di chứng sau nhồi máu cơ tim)
- Sau khi làm can thiệp, phẫu thuật tim mạch làm tổn thương hệ thống điện tim, cơ tim.
Rối loạn nhịp không phải do bệnh tim
- Chế độ ăn nhiều chất béo, béo phì
- Chứng ngưng thở lúc ngủ
- Hút thuốc
- Hoạt động thể chất nhiều và mạnh, điển hình nhất là chạy khiến tim đập nhanh.
- Thay đổi nội tiết tố trong suốt chu kỳ kinh nguyệt, tiền mãn kinh hoặc nhịp tim nhanh khi mang thai.
- Đối với một số cơ địa, khi sử dụng cafein, uống nhiều rượu, bia và các chất kích thích.
- Lo âu, sợ hãi hoặc căng thẳng cũng gây nhịp tim nhanh.
- Sử dụng thuốc giảm cân, thuốc làm thông mũi, thuốc Hen suyễn dạng hít, một số thuốc chữa Cảm cúm chứa epinephrine, pseudoephedrine, ma hoàng (trong các loại siro trị Ho hen)…dễ khiến tim đập nhanh.
- Mắc bệnh tuyến giáp, đường huyết thấp, thiếu máu, sốt và mất nước,…cũng làm tim đập nhanh hơn bình thường.
4. Ai có nguy cơ mắc các bệnh lý rối loạn nhịp
Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi và gặp ở cả hai giới, tuy nhiên theo các nghiên cứu thống kê thì bệnh lý rối loạn nhịp gặp nhiều hơn ở các đối tượng sau:
- Tuổi trên 60
- Người bệnh tăng huyết áp
- Bệnh động mạch vành
- Suy tim
- Bệnh lý van tim
- Tiền sử phẫu thuật tim mở
- Ngừng thở khi ngủ
- Bệnh lý tuyến giáp
- Đái tháo đường
- Bệnh phổi mạn tính
- Lạm dụng rượu hoặc sử dụng chất kích thích
- Tình trạng nhiễm trùng hoặc bệnh lý nội ngoại khoa nặng Tuổi trên 60
5. Dấu hiệu nhận biết rối loạn nhịp tim
Rối loạn nhịp đôi khi không gây nên các triệu chứng khó chịu cho người bệnh đặc biệt là các bệnh lý rối loạn nhịp mãn tính khiến cho người bệnh có thể không cảm nhận thấy những triệu chứng mà nó gây ra, tuy nhiên bệnh lý rối loạn nhịp cũng có thể gây ra những triệu chứng nghiêm trọng mà bạn cần phải biết. Một số triệu chứng rối loạn nhịp tim đáng chú ý bao gồm:
- Đánh trống ngực – triệu chứng điển hình và hay gặp của bệnh lý rối loạn nhịp: Đây là triệu chứng thường gặp nhất của người bệnh đến với bác sĩ với bệnh cảnh của rối loạn nhịp: cảm giác tim đập mạnh trong lồng ngực, có thể kèm theo cảm giác hẫng hụt, cảm giác như tim ngừng đập rồi lại đập mạnh trở lại, triệu chứng này thường được người bệnh kể lại với cảm giác hồi hộp - đánh trống ngực
- Cảm giác đột ngột xuất hiện cơn khó thở - cảm giác khó chịu ở ngực đi kèm: Khó thở là triệu chứng khá phổ biến trong các bệnh lý nội khoa, tuy nhiên cơn khó thở kèm theo cảm giác tim đập không đều, cảm giác hồi hộp hoặc tức nặng là một trong những dấu hiệu gợi ý có thể bạn đang có vấn đề nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim, hoặc rối loạn nhịp nguy hiểm.
- Chóng mặt do rối loạn nhịp tim: Chóng mặt thường được mô tả là cảm giác choáng váng, mọi vật xung quanh quay vòng, hoặc chính bản thân người bệnh quay vòng, đồng thời kèm theo cảm giác mất cân bằng. Chóng mặt không phải là bệnh mà là triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau và một trong những bệnh lý nguy hiểm luôn được nhắc tới là bệnh lý rối loạn nhịp.
- Ngất xỉu – triệu chứng báo hiệu rối loạn Nhịp tim nhanh nguy hiểm: Ngất là tình trạng người bệnh đột ngột mất ý thức trong một khoảng thời gian ngắn. Đây là một triệu chứng rất đáng lo ngại bởi nó có thể dẫn tới Chấn thương nghiêm trọng, đặc biệt khi bạn bị ngất xỉu trong khi đang lái xe hoặc leo cầu thang. Ngày nay với nhiều phương pháp để có thể chẩn đoán ra nguyên nhân Ngất và đặc biệt có hai phương pháp hiện đại đang được dùng tại bệnh viện Vinmec Times City là: nghiệm pháp bàn nghiêng và kỹ thuật thăm dò điện sinh lý và điều trị triệt đốt bằng năng lượng Radio (RF) để chẩn đoán và điều trị các rối loạn nhịp nguy hiểm
6. Rối loạn nhịp tim có nguy hiểm không?
Nếu không được điều trị kịp thời, hầu hết các loại rối loạn nhịp tim đều có thể gây ra biến chứng nguy hiểm như rung nhĩ, huyết khối, thậm chí ngừng tim.
Với rối loạn nhịp tim nhanh, dù tim đập rất nhanh nhưng tình trạng này không đồng nghĩa với việc máu tống ra khỏi tim nhiều hơn. Mà nó làm cho tim không đủ thời gian co bóp. Máu bị ứ tại tim, dẫn đến máu đi nuôi cơ thể quá ít. Quá trình này diễn ra lâu dài có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như hình thành cục máu đông (huyết khối), đột quỵ, suy tim, trụy tim, thậm chí là ngừng tim.
Còn với rối loạn nhịp tim tim chậm, bệnh cũng rất nguy hiểm. Vì khi đó tim đập rất chậm, không bơm đủ máu nên các cơ quan nên gây ra mệt mỏi, choáng váng ngay khi có cơn nhịp chậm và kéo dài 1 thời gian sau đó.
7. Khi nào rối loạn nhịp tim cần đến bác sĩ?
Nếu người bệnh rối loạn nhịp tim có những triệu chứng đánh trống ngực, hồi hộp kèm khó thở, đau tức ngực, mệt mỏi, hay choáng ngất sẽ cần đến gặp bác sĩ.
Đánh trống ngực kèm theo choáng váng, chóng mặt: cảnh báo lượng máu được bơm đi nuôi cơ thể bị giảm sút. Nặng có thể gây thiếu máu não đột ngột khiến người bệnh ngất xỉu.
Đánh trống ngực kèm đau ngực: có thể là dấu hiệu cơn nhồi máu cơ tim, bạn hãy lập tức tới bệnh viện ngay.
Đánh trống ngực kèm theo tim đập nhanh khó thở và đau ở ngực, cổ vai, cánh tay hoặc lưng: cảnh báo nguy cơ thiếu máu cơ tim cục bộ.
8. Điều trị rối loạn nhịp tim hiệu quả
Để nói là chữa dứt điểm rối loạn nhịp tim thì rất khó nhưng không phải là không có cách để ổn định nhịp. Tùy vào từng loại rối loạn nhịp tim nhanh hay chậm mà có nhiều phương pháp điều trị khác nhau.
Điều trị rối loạn nhịp tim chậm
- Nhịp chậm được điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân và triệu chứng. Nếu nhịp chậm không gây triệu chứng, nó thường không cần thiết phải điều trị.
- Nếu tổn thương hệ thống điện học làm tim của bạn đập quá chậm, bạn có thể cần phải đặt máy tạo nhịp. Đó là một thiết bị được cấy dưới da nhằm giúp điều hòa lại nhịp tim. Người trên 65 tuổi thường có rối loạn nhịp chậm đòi hỏi phải đặt máy tạo nhịp.
- Nếu bạn có các vấn đề y khoa khác gây nhịp chậm như suy giáp hoặc rối loạn điện giải, việc điều trị các bệnh lý này có thể chữa khỏi nhịp chậm. Nếu nhịp chậm gây ra bởi thuốc, bác sĩ của bạn sẽ chỉnh lại liều hoặc kê toa thuốc khác. Nếu bạn bắt buộc phải uống các thuốc này, bạn có thể cần phải đặt máy tạo nhịp.
- Mục tiêu của việc điều trị là làm tăng nhịp tim đủ để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Nếu nhịp tim chậm quá mức, nó có thể đưa đến các vấn đề nghiêm trọng như ngất xỉu, Chấn thương do té ngã, co giật hoặc thậm chí tử vong.
Điều trị rối loạn nhịp tim nhanh
Có nhiều phương pháp để điều trị nhịp tim nhanh, cụ thể là:
Thuốc: thuốc chống loạn nhịp tim phổ biến nhất là thuốc chẹn beta (Concor, Betaloc, Betaloc Zok, Nebilet…) giúp làm giảm nhịp tim.
Khi sử dụng thuốc chống loạn nhịp, bạn cần ghi nhớ 1 số điều sau:
- Luôn mang tất cả thuốc điều trị bên cạnh người, kể cả khi đi làm hoặc đi du lịch
- Không được ngừng thuốc kê đơn mà không hỏi ý kiến bác sỹ.
- Nếu bạn có bất kỳ tác dụng phụ nào khi sử dụng thuốc, hãy hỏi ý kiến bác sỹ và nhớ liệt kê tất cả các thuốc khác mà bạn đang sử dụng, trong đó có cả vitamin và thực phẩm bổ sung.
9. Những lưu ý dành cho người rối loạn nhịp tim
Trước tiên, nếu bạn có các triệu chứng nghi ngờ có bệnh lý rối loạn nhịp tim bạn hãy đến với bác sĩ tim mạch, để được tư vấn và kiểm tra.
Sau đây là những lưu ý dành cho bệnh nhân rối loạn nhịp tim:
- Một chế độ ăn uống tốt cho sức khỏe tim mạch: nên tăng cường ăn thật nhiều các loại trái cây, các loại ngũ cốc nguyên hạt, rau, củ, quả, và thịt gia cầm bỏ da, đậu và các sản phẩm không có chứa các chất béo. Hạn chế các loại thực phẩm có chứa nhiều chất béo bão hòa, và cholesterol như là lòng đỏ trứng, hay các loại thịt đỏ. Nên ăn cắt giảm lượng muối và lượng đường.
- Về chế độ luyện tập hàng ngày: Bạn có thể thường xuyên luyện tập một số bộ môn thể thao yêu thích, và quan trọng hơn là phải phù hợp với sức khỏe, tốt nhất là nên duy trì từ 30 - 45 phút mỗi ngày, ở mức độ đều đặn thường xuyên.
- Thay đổi lối sống thường ngày: Dừng việc hút thuốc và tránh xa môi trường có chứa nhiều khói thuốc. Duy trì tốt trọng lượng khỏe mạnh, phải giảm cân (nếu có thừa cân, béo phì). Giảm cân sẽ giúp cho việc ổn định lại chỉ số cholesterol và huyết áp.
- Khi nhịp tim tăng nhanh hoặc có cảm giác khó chịu ở ngực, chếnh choáng,... nên ngồi nghỉ ngay tại chỗ, tìm người hỗ trợ và đừng quên việc đến khám và tư vấn chuyên khoa tim mạch khi triệu chứng đó khiến bạn thực sự khó chịu và bị lặp lại nhiều lần.
- Học một số phương pháp giúp cho kiểm soát hơi thở và cả nhịp tim như hít sâu thở chậm sẽ giúp cho việc ổn định lại nhịp tim.
Mọi thắc mắc các bạn có thể đặt câu hỏi bác sĩ, phòng khám và bệnh viện trên nền tảng bcare.vn để được giải đáp