1. Viêm đại tràng là bệnh gì?
Đại tràng là bộ phận quan trọng của đường ruột, còn được gọi là ruột già, là nơi hấp thụ nước, muối khoáng từ thức ăn, đồng thời chuyển đổi bã thức ăn thành phân, bài tiết qua trực tràng. Chính vì vậy, nơi đây thường chứa nhiều vi sinh vật phát triển và gây bệnh.
Viêm đại tràng là Tình trạng viêm nhiễm gây tổn thương khu trú hoặc lan toả ở niêm mạc đại tràng với nhiều mức độ khác nhau. Trường hợp nhẹ, người bệnh xuất hiện các vết viêm gây đau đớn. Giai đoạn nặng có thể xuất hiện các ổ loét, xuất huyết, hay có thể là những ổ áp xe ở đại tràng.
Đây là bệnh lý kéo dài dai dẳng, khó điều trị dứt điểm và ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, sinh hoạt của người bệnh.
2. Nguyên nhân viêm đại tràng
Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do nhiễm khuẩn đường tiêu hóa khi sử dụng các loại thực phẩm hoặc đồ uống không đảm bảo vệ sinh, Lạm dụng thuốc tây…
2.1. Nhiễm khuẩn đường ruột
Đường ruột bị nhiễm khuẩn do ăn phải thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, thức ăn chưa được nấu chín hay do nguồn nước uống bị ô nhiễm.
Các loại vi khuẩn (E. coli, Salmonella, Shigella), virus Rota, lỵ amip, sán và một số loại nấm xâm nhập vào cơ thể, giải phóng độc tố gây viêm nhiễm, tổn thương niêm mạc đại tràng.
2.2. Bệnh Crohn
Bệnh Crohn có tính chất khu trú tổn thương trên từng đoạn, từng vùng của đại tràng.
Bệnh thường diễn biến chậm và để lại biến chứng nguy hiểm như: tắc ruột, thủng ruột, xuất huyết tiêu hóa…
2.3. Bệnh lao
Một số trường hợp bị bệnh lao phổi, lao thực quản… có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người khác.
Các vi khuẩn lao đi vào đường ruột sẽ gây viêm nhiễm. Nếu không điều trị kịp thời thì có thể gây tắc ruột và trở thành mạn tính rất khó điều trị triệt để.
2.4. Tác dụng phụ của thuốc tây
Việc lạm dụng thuốc kháng sinh trong thời gian dài có thể tiêu diệt các vi khuẩn có lợi, gây mất cân bằng hệ vi sinh đường tiêu hóa.
Lúc này, hại khuẩn phát triển mạnh gây tổn thương đại tràng. Đặc biệt, nếu sử dụng kháng sinh dài ngày ở trẻ em và người già thì có thể khiến vi khuẩn nhờn thuốc, kháng kháng sinh, chức năng đại tràng ngày càng yếu đi và dễ bị viêm nhiễm.
2.5. Các nguyên nhân khác
Ngoài ra, người bệnh có thể mắc phải viêm đại tràng nếu gặp phải những vấn đề như sau:
- Táo bón kéo dài: Táo bón kéo dài kèm theo các hiện tượng như đi ngoài ra máu, bụng đau âm ỉ là yếu tố tác động khiến bạn mắc bệnh viêm đại tràng cấp tính.
- Một số bệnh lý về đường ruột: Các bệnh lý như: thiếu máu cục bộ đại tràng, viêm ruột… cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh.
- Nhiễm độc: bệnh cũng có thể xuất hiện khi người bệnh bị nhiễm độc asen, chì, thủy ngân, thuốc diệt cỏ…
- Căng thẳng, stress: Những người thường xuyên chịu áp lực công việc, lo lắng, stress kéo dài, ăn uống thất thường…
3. Tác dụng của thuốc Mezapulgit là gì?
Thuốc Mezapulgit được sử dụng để chữa trị các triệu chứng bệnh đại tràng không đặc hiệu cấp hay mãn tính, Hội chứng ruột kích thích và hỗ trợ điều trị bệnh viêm đại tràng.
Một số tác dụng khác của thuốc không được liệt kê trên nhãn thuốc đã được phê duyệt, bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng. Bạn chỉ sử dụng thuốc này để điều trị một số bệnh lý khác khi có chỉ định của bác sĩ.
4. Liều dùng Mezapulgit
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Bạn hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.
Liều dùng thuốc Mezapulgit cho người lớn như thế nào?
- Bạn uống 2-4 gói/ngày.
Liều dùng thuốc Mezapulgit cho trẻ em như thế nào?
- Đối với trẻ em từ 6-12 tuổi: bạn cho trẻ uống 1 gói/lần, ngày 2 lần.
- Đối với trẻ em dưới 6 tuổi: bạn cho trẻ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
5. Cách dùng Mezapulgit
Bạn nên dùng thuốc Mezapulgit như thế nào?
- Bạn nên sử dụng Mezapulgit đúng theo chỉ dẫn trên nhãn hoặc theo chỉ định của bác sĩ. Không sử dụng với lượng lớn hơn, nhỏ hơn hoặc lâu hơn so với chỉ định.
- Bạn hãy pha Mezapulgit trong nửa ly nước, thuốc có thể uống trước hoặc sau bữa ăn và khi có triệu chứng đau. Nếu bạn bị tiêu chảy, hãy dùng 1/2 gói ngay sau khi đi vệ sinh.
- Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào trong quá trình sử dụng thuốc, hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ.
Bạn nên làm gì trong trường hợp dùng quá liều?
- Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, bạn hãy gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.
- Ngoài ra, bạn cần ghi lại và mang theo danh sách những loại thuốc đã dùng, bao gồm cả thuốc kê toa và thuốc không kê toa.
Bạn nên làm gì nếu quên một liều?
- Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, bạn hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Bạn không nên dùng gấp đôi liều đã quy định.
6. Tác dụng phụ Mezapulgit
- Bạn có thể bị các tác dụng phụ khi dùng thuốc Mezapulgit như táo bón, chát miệng, cứng bụng, phân rắn, buồn nôn, nôn, phân trắng, nhuyễn xương, bệnh não, Sa sút trí tuệ và thiếu máu hồng cầu.
- Bên cạnh đó, một số tác dụng phụ ít gặp khác như giảm phốt pho máu, giảm magiê máu.
Đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả các tác dụng phụ và có thể xảy ra những tác dụng phụ khác. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.