Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Tiêm vắc xin phòng virus viêm gan B theo kết quả xét nghiệm

14/10/2021
Tiêm vắc xin phòng virus viêm gan B theo kết quả xét nghiệm

Việt Nam hiện đang có tỉ lệ người nhiễm virus viêm gan B ở mức cao và có xu hướng ngày càng gia tăng. Giống như nhiều căn bệnh có căn nguyên virus khác, sử dụng vắc - xin ngừa virus viêm gan B là cách phòng tránh hiệu quả nhất.

1. Virus Viêm gan B và biểu hiện của nhiễm virus Viêm gan B trên lâm sàng

Virus viêm gan B (hepatitis B virus - HBV) là một loại virus DNA thuộc chi Orthohepadnavirus, họ Hepadnaviridae. Virus viêm gan B là 1 trong 3 loại virus gây viêm gan phổ biến nhất hiện nay (2 loại kia là virus Viêm gan A và virus viêm gan C). Virus viêm gan B có khả năng tồn tại rất cao ở những điều kiện khắc nghiệt, chẳng hạn như ở 100 độ C virus tồn tại được khoảng 30 phút, ở -20 độ C virus tồn tại được tới 20 năm. Virus viêm gan B có thể kháng được eter nhưng bị bất hoạt trong formalin. Ở môi trường tự nhiên, khi rời khỏi cơ thể con người virus viêm gan B có thể sống sót được trong ít nhất 7 ngày.

Có khoảng từ 30% đến 50% số người từ 5 tuổi trở lên biểu hiện các dấu hiệu và triệu chứng khi bị nhiễm virus viêm gan B cấp. Trẻ em dưới 5 tuổi và những người trưởng thành bị Suy giảm miễn dịch nhiễm mới virus viêm gan B hiếm khi biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào. Thời gian trung bình xuất hiện biểu hiện đầu tiên của việc nhiễm virus viêm gan B là sau khoảng 90 ngày kể từ thời điểm bị phơi nhiễm (dao động từ 60 đến 150 ngày). Các dấu hiệu và triệu chứng thường thấy của nhiễm virus viêm gan B cấp là buồn nôn và nôn, chán ăn, cực kỳ mệt mỏi, đau cơ khớp, đau bụng, sốt, tiêu chảy, đau đầu, nước tiểu sẫm màu, phân bạc màu, vàng da, vàng củng mạc mắt.

Thống kê tại Hoa Kỳ cho thấy vào năm 2015 ước tính số trường hợp nhiễm mới virus viêm gan B là khoảng 21900 trường hợp, số ca tử vong có liên quan tới viêm gan virus B được báo cáo là 1714 ca, và nhóm đối tượng có nguy cơ tử vong cao nhất là những người trong độ tuổi từ 55 tới 64 tuổi.

Những người nhiễm virus viêm gan B mạn tính là những người có kháng nguyên bề mặt của virus viêm gan B (hepatitis B surface antigen - HBsAg) trong huyết tương tồn tại kéo dài từ 6 tháng trở lên, và đây là nguồn lây truyền chính của virus viêm gan B. Tình trạng mang virus viêm gan B mạn tính có thể không biểu hiện triệu chứng, không có gợi ý về bệnh gan, hoặc có thể gây ra một loạt các vấn đề với gan từ viêm gan mạn cho tới Xơ gan hoặc ung thư biểu mô tế bào gan (hepatocellular carcinoma - HCC) - một loại của ung thư gan.

Tiêm vắc xin phòng virus viêm gan B theo kết quả xét nghiệm - ảnh 1
Virus viêm gan B (hepatitis B virus - HBV)

2. Kết quả Xét nghiệm thường làm của viêm gan virus B và khuyến cáo sử dụng vắc - xin phòng virus viêm gan B theo kết quả xét nghiệm

Các xét nghiệm thường làm đối với viêm gan virus B bao gồm HBsAg, anti - HBc, anti - HBs, và IgM anti - HBc:

  • HBsAg (hepatitis B surface antigen): là kháng nguyên bề mặt của virus viêm gan B (một loại protein có ở vỏ của virus viêm gan B). HBsAg có thể xuất hiện với nồng độ cao trong huyết tương trong thời kỳ nhiễm virus cấp hoặc mạn. HBsAg là xét nghiệm để quyết định chẩn đoán nhiễm virus viêm gan B.
  • Anti - HBc (total Hepatitis B core antibody): là những kháng thể được hệ miễn dịch của cơ thể tạo ra nhằm chống lại kháng nguyên lõi của virus viêm gan B (hepatitis B core antigen - HBcAg). Kháng nguyên lõi của virus viêm gan B không lưu hành trong máu mà chỉ tồn tại bên trong các tế bào gan. Trong điều kiện thuận lợi thì anti - HBc sẽ xuất hiện sau khi HBsAg hiện diện từ 1 tới 2 tuần, và sẽ tồn tại suốt đời. Sự có mặt của anti - HBc chứng tỏ đã hoặc đang nhiễm virus viêm gan B, mà không mang ý nghĩa xác định chính xác thời điểm nhiễm virus viêm gan B.
  • IgM anti - HBc (immunoglobulin M antibody to Hepatitis B core antigen): là một loại kháng thể chỉ xuất hiện ở giai đoạn nhiễm virus cấp (từ 6 tháng trở xuống), được hệ miễn dịch của cơ thể tạo ra nhằm chống lại kháng nguyên lõi của virus viêm gan B.
  • Anti - HBs (hepatitis B surface antibody): là những kháng thể được hệ miễn dịch của cơ thể tạo ra nhằm chống lại kháng nguyên bề mặt của virus viêm gan B. Những kháng thể này được cơ thể sinh ra khi nhiễm virus viêm gan B tự nhiên hoặc sinh ra sau khi sử dụng vắc - xin. Việc xuất hiện anti - HBs đồng nghĩa cơ thể đã hoàn toàn loại trừ được virus viêm gan B.

Dưới đây là khuyến cáo sử dụng vắc - xin phòng virus viêm gan B theo kết quả xét nghiệm:

Xét nghiệmKết quảĐánh giáSử dụng vắc - xin?
HBsAgAnti - HBcAnti - HBsÂm tính Âm tính Âm tínhKhông nhiễm virus, chưa có miễn dịch; cơ thể vẫn có thể bị nhiễm virus trong tương laiSử dụng vắc - xin nếu có chỉ định
HBsAgAnti - HBcAnti - HBsÂm tínhÂm tínhDương tính với ≥ 10 mIU/mL *Đã có miễn dịch do sử dụng vắc - xinKhông cần thiết sử dụng vắc - xin
HBsAgAnti - HBcIgM anti - HBcAnti - HBsÂm tính Dương tính Âm tính Dương tínhĐã có miễn dịch sau khi nhiễm virus tự nhiênKhông cần thiết sử dụng vắc - xin
HBsAgAnti - HBcIgM anti - HBcAnti - HBsÂm tính Dương tínhDương tínhDương tínhCơ thể đã loại trừ được tình trạng nhiễm virus cấpKhông cần thiết sử dụng vắc - xin
HBsAgAnti - HBcIgM anti - HBcAnti - HBsDương tínhDương tínhDương tínhÂm tínhĐang nhiễm virus cấpKhông cần thiết sử dụng vắc - xin
HBsAgAnti - HBcIgM anti - HBcAnti - HBsDương tínhDương tínhÂm tính Âm tínhNhiễm virus mạn tínhKhông cần thiết sử dụng vắc - xin (nhưng có thể cần điều trị)
HBsAgAnti - HBcAnti - HBsÂm tính Dương tính Âm tínhXảy ra 4 khả năng **Tùy thuộc lâm sàng quyết định

Ghi chú:

Xét nghiệm sau khi sử dụng vắc - xin (nếu có chỉ định) nên được thực hiện sau khi sử dụng liều cuối của vắc - xin từ 1 tới 2 tháng. Trẻ sinh ra có mẹ HBsAg dương tính nên được xét nghiệm HBsAg và anti - HBs sau khi hoàn thành ít nhất 3 liều vắc - xin phòng virus viêm gan B theo phác đồ, khi trẻ được 9 - 18 tháng tuổi.

4 khả năng bao gồm:

  • Đã có miễn dịch, nhưng xét nghiệm không đủ nhạy để phát hiện được nồng độ anti - HBs rất thấp trong huyết tương.
  • Anti - HBc dương tính giả, cơ thể không nhiễm virus, và vẫn có khả năng nhiễm trong tương lai.
  • Nhiễm virus viêm gan B mạn, và nồng độ HBsAg trong huyết tương ở mức không phát hiện được.
  • Nhận được kháng thể thụ động qua liệu pháp điều trị miễn dịch hoặc từ người mẹ HBsAg dương tính cho đứa con mới đẻ.

Bài viết tham khảo nguồn: immunize.org