1. Viêm gan B là gì?
Viêm gan B là một bệnh Truyền nhiễm nguy hiểm, gây tổn thương gan cấp tính và mạn tính, gây ra bởi virus viêm gan B . Bệnh Viêm gan B là một vấn đề sức khỏe toàn cầu hiện nay, được quan tâm không kém bệnh Ung thư và các bệnh lý không lây nhiễm.
Trên thế giới, 2 tỷ người đã từng bị nhiễm virus viêm gan B tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời họ. Hiện nay có khoảng gần 400 triệu người mắc viêm gan B trên toàn cầu và khoảng gần 1 triệu người tử vong mỗi năm, chủ yếu do các biến chứng như xơ gan, ung thư gan.
Việt Nam nằm trong khu vực có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B khá cao. Hiện có gần 9 triệu người nhiễm virus viêm gan B (khoảng 9% ở nữ và 12% ở nam). Đây là nguyên nhân chính gây Ung thư gan và Xơ gan tại nước ta.
2. Virus viêm gan B lây như thế nào?
Virus viêm gan B có nhiều ở trong máu và các dịch cơ thể như tinh dịch và dịch âm đạo. Virus viêm gan B cũng có trong các dịch khác như: Nước bọt, nước mắt, sữa, nước tiểu tuy nhiên với lượng rất nhỏ nên không đủ để lây truyền qua các đường này. Do đó có 3 con đường lây nhiễm viêm gan B: Qua đường máu, đường quan hệ Tình dục và lây truyền từ mẹ sang con.
2.1. Lây qua đường máu
Một người có thể bị lây nhiễm viêm gan B qua đường máu khi: Máu người bị nhiễm viêm gan B được đưa vào máu người chưa bị nhiễm và không được bảo vệ. Các hoàn cảnh hay bị lây nhiễm viêm gan B qua đường máu như:
- Truyền máu của người bị viêm gan B cho người khác
- Dùng chung xilanh, tiếp xúc trực tiếp với máu của người bị nhiễm qua vết thương hở
- Dùng chung các đồ dùng có nguy cơ dính máu cao như bàn chải đánh răng, dao cạo râu... với người bị nhiễm, thực hiện các thủ thuật chảy máu ( nhổ răng, xăm hình...)
- Dùng chung dụng cụ phẫu thuật mà không xử trí vô trùng tốt...
2.2. Lây từ mẹ sang con
Mẹ bị nhiễm viêm gan B nguy cơ cao lây cho con trong quá trình mang thai. Đây là con đường lây truyền chính viêm gan B trên thế giới hiện nay. Khoảng 1/2 số trường hợp lây nhiễm thông qua con đường này. Lây truyền từ mẹ sang con chủ yếu xảy ra trong quá trình đẻ, quá trình Mang thai tỉ lệ lây nhiễm rất thấp, chỉ khoảng 2%.
Nguy cơ lây nhiễm từ mẹ sang con phụ thuộc vào mức độ nhân lên của virus viêm gan B trong cơ thể mẹ và tải lượng virus viêm gan B trong máu mẹ. Tỷ lệ lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con sẽ cao hơn nếu mẹ bị nhiễm viêm gan B có sự hiện diện của HBeAg. Sự hiện diện của kháng nguyên HBeAg chứng tỏ lượng virus trong máu đang nhân lên và người bệnh có khả năng lây nhiễm cao. Nếu HBeAg dương tính, tỉ lệ mẹ lây sang con là khoảng 90%.
2.3. Lây qua đường quan hệ tình dục
Viêm gan B có thể lây qua con đường quan hệ tình dục do tiếp xúc với tinh dịch, dịch âm đạo, máu (nếu có tổn thương da), viêm gan B lây qua đường tình dục dễ hơn so với virus HIV từ 50 - 100 lần.
Các hình thức quan hệ tình dục gây tổn thương niêm mạc, chảy máu thì nguy cơ lây nhiễm virus viêm gan B càng cao như: Quan hệ tình dục đường miệng, đường hậu môn, quan hệ đồng giới nam, quan hệ với nhiều bạn tình hay quan hệ với trai, gái mại dâm.
3. Tiêm vacxin viêm gan B có phòng được bệnh không?
Rất may là viêm gan B có thể phòng được bằng tiêm vacxin đầy đủ.
Vacxin viêm gan B được bắt đầu sử dụng từ năm 1982, hiện nay được sử dụng tại hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, vacxin viêm gan B đã được đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia áp dụng cho tất cả trẻ em được sinh ra. Trẻ được tiêm 4 mũi vacxin viêm gan B vào 24h đầu sau sinh, tháng thứ 2, 3, 4 trong vắc xin phối hợp 5 trong 1 chứa thành phần viêm gan B. Ngoài ra, trong tiêm chủng dịch vụ, viêm gan B còn được nhắc lại lần 1 lúc trẻ từ 18 – dưới 24 tháng trong vắc xin 6 trong 1 phòng bạch hầu- Ho gà- Uốn ván – bại liệt- viêm phổi do HiB và viêm gan B.
Tiêm Vacxin viêm gan B chỉ có tác dụng phòng bệnh cho những người chưa bị nhiễm virus viêm gan B. Tiêm phòng vacxin giúp cơ thể sinh ra các kháng thể để chống lại virus viêm gan B tránh lây nhiễm virus khi có tiếp xúc sau này. Nếu được tiêm phòng đầy đủ và đúng, hiệu quả bảo vệ của vacxin viêm gan B có thể đạt khoảng 95% đối với trẻ em và người lớn. Đối với người trên 40 tuổi hiệu quả bảo vệ khoảng 90%. Hiệu quả bảo vệ có thể kéo dài trong khoảng 15-20 năm và có thể lâu hơn tùy thuộc vào từng người.
4. Có bị viêm gan B lây qua đường tình dục khi đã tiêm vacxin đầy đủ?
Hiệu quả bảo vệ sau khi tiêm vacxin viêm gan B sẽ được quyết định bởi nồng độ của kháng thể kháng HBsAg ( gọi là anti HBs hay HBsAb) có trong máu người được tiêm phòng. Nồng độ anti HBs càng cao hiệu quả bảo vệ càng cao. Nồng độ anti HBs trên 10 mIU/ml thì có hiệu quả bảo vệ, nồng độ anti HBs trên 100 mIU/ml thì có hiệu quả miễn dịch rất cao, còn nồng độ anti HBs dưới 10 mIU/ml chưa có khả năng bảo vệ. Nồng độ HBsAb giảm dần theo thời gian và khác nhau ở mỗi người, đó là lý do hiệu quả bảo vệ của vacxin viêm gan B giảm dần theo thời gian. Chính vì vậy, có thể định lượng nồng độ HBsAb định kì để tiêm bổ sung vắc xin phòng viêm gan B nếu nồng độ HBsAb < 10 mUI/ml.
Mặc dù hiệu quả bảo vệ của vacxin viêm gan B là rất cao, tuy nhiên không phải là 100%. Do đó, một người đã tiêm vacxin viêm gan B đầy đủ vẫn có thể bị lây bệnh qua đường tình dục nếu đồng thời có các điều kiện sau:
- Quan hệ tình dục không an toàn với người bị nhiễm viêm gan B, nguy cơ sẽ cao hơn nếu người nhiễm viêm gan B đang ở giai đoạn virus nhân lên mạnh và nồng độ virus trong cơ thể người đó cao
- Nồng độ kháng thể kháng HBsAg trong người đã tiêm vacxin thấp, không đạt hiệu quả bảo vệ (HBsAb trong máu < 10 mIU/ml )
Kết luận: Dù một người đã được tiêm phòng vacxin viêm gan B, vẫn cần có các biện pháp phòng bệnh khác, không được chủ quan. Cần duy trì cuộc sống lành mạnh, không quan hệ tình dục mà không có các biện pháp bảo vệ với người bị nhiễm viêm gan B. Nếu có quan hệ tình dục không an toàn với người nhiễm viêm gan B nên đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để khám, tư vấn và theo dõi.