Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Trào ngược dạ dày thực quản gây ho nhiều: Nguyên nhân và phòng ngừa

14/09/2020
Trào ngược dạ dày thực quản gây ho nhiều: Nguyên nhân và phòng ngừa

Trào ngược dạ dày gây ho là tình trạng xảy ra phổ biến ở những người mắc bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa. Bệnh có thể dẫn đến một số rủi ro nếu như không điều trị kịp thời. Vì vậy, để nhận biết được tình trạng này thì người bệnh nên đi thăm khám để được chẩn đoán và điều trị đúng hướng

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản, hay tên viết tắt quen thuộc theo tiếng Anh là GERD (Gastroesophageal reflux disease), là một Rối loạn tiêu hóa có nguồn gốc là từ cơ thắt thực quản dưới, một vòng cơ nằm ở ranh giới giữa thực quản và dạ dày. Trong sinh lý vận động hệ tiêu hóa trên bình thường, cơ thắt thực quản dưới sẽ mở ra để cho phép thức ăn từ thực quản đi vào dạ dày và đóng lại nhằm ngăn chặn thức ăn cũng như dịch dạ dày có tính axit di chuyển lên ngược vào thực quản.

Tình trạng trào ngược dạ dày thực quản sẽ xảy ra khi vòng cơ này yếu đi hoặc gặp phải điều kiện thư giãn không thích hợp, tạo thuận lợi cho dịch dạ dày chảy vào thực quản. Từ đó, người bệnh biểu hiện ra các triệu chứng, cả về đường tiêu hóa lẫn khoang miệng, họng và đường hô hấp, như cảm giác nóng rát ở ngực hay ợ nóng, ợ chua, thường là sau khi ăn, nặng hơn vào ban đêm; đau ngực, khó nuốt, Ho nhiều, viêm thanh quản, Hen suyễn mới xuất hiện hoặc làm xấu đi và cả rối loạn giấc ngủ.

Có rất nhiều người, bao gồm cả phụ nữ Mang thai và trẻ em, bị ợ nóng hoặc khó tiêu do axit gây ra bởi GERD. Tuy nhiên, vấn đề điều trị có thể vừa đơn giản lại vừa phức tạp. Trong hầu hết các trường hợp, GERD có thể thuyên giảm thông qua chế độ ăn uống và thay đổi lối sống; mặc dù vậy, một số người có thể cần phải cần dùng thuốc trong thời gian kéo dài hoặc thậm chí là phẫu thuật.

2. Nguyên nhân trào ngược dạ dày thực quản gây Ho nhiều?

Người mắc bệnh trào ngược dạ dày gây ho sẽ có những nguyên nhân hình thành khá tương đồng với tình trạng trào ngược dạ dày thông thường được kể đến:

  • Viêm Loét dạ dày – tá tràng: Vùng dạ dày bị viêm loét sẽ ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của hệ tiêu hóa, dẫn đến tình trạng thức ăn bị ứ đọng khiến vùng dạ dày tiết nhiều acid dịch vị dẫn đến sự kích thích dạ dày bị trào ngược.
  • Béo phì: Trọng lượng cơ thể cũng có thể gây nên sự ảnh hưởng, bởi trọng lượng sẽ tạo ra áp lực cho cơ thắt thực quản dưới bị giãn nở khiến xảy ra tình trạng trào ngược dạ dày.
  • Ăn uống không khoa học: Người mắc bệnh thường có thói quen ăn nhanh, không nhai kỹ thức ăn, ăn quá no hoặc để bụng quá đói, vận động sau khi ăn gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa.
  • Căng thẳng quá mức: Khi để tình trạng căng thẳng kéo dài khiến cho cơ thể tiết ra chất Cortisol, chất này làm nồng độ acid dạ dày tăng cao, trương lực co bóp đẩy mạnh kích thích dịch vị dạ dày bị trào ngược lên thực quản.
  • Cơ chế Thần kinh cơ: Quá trình trào ngược dạ dày lên thực quản có thể lan sang đến vùng phổi. Lúc này, cơ chế phản xạ nằm ở phần dưới đường Hô hấp bị kích thích khiến cho cơ thể bị ho.
  • Cơ chế loại bỏ chất kích thích trong đường hô hấp: Tình trạng trào ngược dạ dày xảy ra khiến cho cơ quan cơ thắt thực quản yếu và hoạt động không bình thường. Khi đó, axit thực quản có thể đi vào mạng lưới đường thở nằm bên trong phổi.

Trào ngược dạ dày thực quản gây ho nhiều: Nguyên nhân và phòng ngừa - ảnh 1

3. Chẩn đoán mối liên quan giữa trào ngược dạ dày và ho nhiều như thế nào?

Để chẩn đoán GERD và ho mạn tính có liên quan với nhau, các bác sĩ sẽ khai thác tiền sử bệnh lý thật chi tiết và đánh giá các triệu chứng của từng cá nhân.

Bên cạnh đó, cách tốt nhất để chẩn đoán GERD là theo dõi pH trong lòng thực quản liên tục trong 24 giờ. Xét nghiệm này được thực hiện bằng cách đặt đầu dò qua mũi vào thực quản. Người bệnh vẫn ăn uống và sinh hoạt như bình thường, kể cả việc đi lại, nằm ngồi. Khi có dòng trào ngược axit lên thực quản, cảm biến sẽ ghi nhận lại tần suất. Chính vì là một thủ thuật, tương đối phức tạp, cần làm trong bệnh viện, xét nghiệm này được sử dụng ít hơn so với các chẩn đoán trên lâm sàng vốn chỉ cần dựa trên các triệu chứng và tiền sử theo từng trường hợp.

Ngoài ra, việc chẩn đoán GERD còn dựa trên kinh nghiệm khi cho bệnh nhân được điều trị thử nghiệm với thuốc ức chế bơm proton (PPIs), đây là một trong các loại thuốc điều trị GERD. Nếu các triệu chứng ho cải thiện đồng thời trong thời gian này, điều này có thể giúp nhận định là tình trạng ho nhiều này là có liên quan đến vấn đề trào ngược dạ dày.

Trào ngược dạ dày thực quản gây ho nhiều: Nguyên nhân và phòng ngừa - ảnh 2
4. Phòng ngừa ho nhiều do trào ngược dạ dày thực quản

Một số thay đổi lối sống như mặc quần áo rộng, ăn chậm rãi và bỏ hút thuốc có thể giúp những người bị Ho mãn tính do trào ngược dạ dày cải thiện khó chịu này rất hiệu quả, đặc biệt đối với những người có triệu chứng nhẹ đến trung bình. Theo đó, những người bị ho mạn tính do trào ngược axit có thể thử thực hiện các thay đổi lối sống sau đây để cải thiện các triệu chứng của mình:

  • Duy trì chỉ số khối cơ thể khỏe mạnh (BMI): Điều này có thể làm giảm một lượng áp lực nhất định lên dạ dày, làm giảm lượng axit dạ dày buộc lên thực quản
  • Mặc quần áo rộng: Điều này cũng gián tiếp làm giảm áp lực lên dạ dày
  • Ngừng hút thuốc: Những người hút thuốc có nguy cơ mắc GERD cao hơn
  • Ăn chậm và tránh ăn quá nhiều: Các bữa ăn lớn sẽ ức chế sự đóng kín của cơ thắt thực quản dưới, cho phép axit dạ dày dâng lên vào thực quản
  • Không nằm xuống ngay sau hoặc trong bữa ăn: Mọi người nên đợi khoảng 3 giờ sau bữa ăn cho dịch trong dạ dày được tiêu hóa bớt trước khi nằm xuống.
  • Kê cao đầu giường: Những người bị trào ngược dạ dày thực quản vào ban đêm có thể thử nâng đầu giường để làm giảm lượng axit vào thực quản.
  • Thay đổi chế độ ăn uống: Một số thực phẩm và đồ uống kích hoạt trào ngược axit nên cần phải hạn chế như rượu, cafein, sôcôla, cam quýt, thức ăn giàu mùi vị như chua, cay, bạc hà, tỏi, hành, thực phẩm chiên xào hay thực phẩm giàu chất béo.

Ho nhiều đôi khi là một triệu chứng thầm lặng của chứng trào ngược dạ dày thực quản. Nếu không nghĩ đến để điều trị thì tình trạng ho mạn tính gây ảnh hưởng không ít đến sinh hoạt hằng ngày. Vì vậy, khi bị ho kéo dài, cần đến thăm khám, tìm nguyên nhân và điều trị đúng cách, tránh để dài đôi khi dẫn đến các biến chứng khó kiểm soát.

Tổng hợp theo: Vinmec.com