Vẹo cột sống: Những điều cần biết

Vẹo cột sống là sự cong vẹo bất thường của cột sống. Có nhiều loại tùy theo nguyên nhân và độ tuổi phát hiện bệnh. Bên cạnh đó, cũng tùy theo mức độ nặng của đường cong, nguy cơ tăng nặng thêm mà vẹo cột sống có thể được điều trị bằng cách điều chỉnh tư thế và theo dõi, mang áo nẹp chỉnh hình, hoặc mổ nắn chỉnh.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Vẹo cột sống là gì?

Cột sống bình thường khi nhìn ngang có đường cong uyển chuyển, ngửa ra trước ở đoạn cổ, cong ra sau ở đoạn lưng, ưỡn nhẹ ra trước ở đoạn thắt lưng và xương cùng cụt tạo thành một khối cong ra phía sau. Khi nhìn thẳng từ sau ra trước hoặc từ trước ra sau đều là một đường thẳng từ đỉnh đầu xuống đỉnh xương cùng cụt.

Vẹo cột sống là sự cong vẹo bất thường của cột sống. Có nhiều loại tùy theo nguyên nhân và độ tuổi phát hiện bệnh. Tùy theo mức độ nặng của đường cong, nguy cơ tăng nặng thêm mà vẹo cột sống có thể được điều trị bằng cách điều chỉnh tư thế và theo dõi, mang áo nẹp chỉnh hình, hoặc mổ nắn chỉnh.

Nếu cột sống bị cong gập ra trước quá mức, gọi là còng cột sống; cột sống cong ngửa ra sau quá mức, gọi là ưỡn cột sống. Nhiều trường hợp cột sống bị biến dạng kết hợp nhiều kiểu: vừa vẹo, vừa xoay vặn xoắn; vừa vẹo vừa còng; hoặc vừa vẹo vừa ưỡn,... Vẹo cột sống gặp ở bé gái nhiều gấp đôi bé trai, thường gặp nhất là sau 10 tuổi.

Vẹo cột sống: Những điều cần biết - ảnh 1
Hình X-quang EOS bệnh nhân nữ, 13 tuổi bị vẹo cột sống do bệnh lý Thần kinh (di chứng Não úng thủy - bệnh đầu nước). Cột sống bị vẹo rất nặng: N3-TL2 = 98 độ. Cột sống vừa bị vẹo vừa bị xoay và ưỡn đoạn thắt lưng: ngực 11 – Thiêng 1 = 65,2 độ. Làm biến dạng nặng lồng ngực ảnh hưởng chức năng tim và hô hấp. Bệnh nhân này có kèm theo bệnh Tim bẩm sinh đã mổ.

2. Nguyên nhân gây vẹo cột sống?

Khoảng 80% trường hợp vẹo cột sống là vẹo cột sống vô căn (Idiopathic scoliosis), tức không tìm ra được nguyên nhân. Trong đó, có 3 loại được phân theo 3 nhóm tuổi khởi phát bệnh:

  • Loại 1: Dưới 3 tuổi gọi là vẹo cột sống vô căn tuổi ấu Nhi (infantile idiopathic scoliosis);
  • Loại 2: Từ 3 – 10 tuổi gọi là vẹo cột sống vô căn tuổi thiếu niên (juvenile idiopathic scoliosis);
  • Loại 3: Trên 10 tuổi gọi là vẹo cột sống vô căn tuổi thành niên (adolescent idiopathic scoliosis).

3. Những nguyên nhân khác gây vẹo cột sống

Ngoài những nguyên nhân chính thì còn có nhiều nguyên nhân khác gây vẹo cột sống như sau:

  • Vẹo cột sống chức năng (functional scoliosis): Cột sống bình thường nhưng bị cong vẹo do sự bất thường ở một nơi nào đó trên cơ thể, ví dụ như do tật chân cao chân thấp, do co thắt cơ lưng ...
  • Vẹo cột sống thần kinh – cơ (neuromuscular scoliosis): Sự bất thường xảy ra trong quá trình hình thành xương sống. Trong quá trình phát triển thai nhi, sự tạo thành xương sống không hoàn chỉnh hoặc các đốt sống không tách rời nhau được. Những trẻ bị vẹo cột sống này thường có kèm theo các bệnh lý khác, bao gồm các khuyết tật bẩm sinh, loạn dưỡng cơ, bại Não hoặc bệnh Marfan. Những trẻ này, cột sống thường bị uốn cong hình chữ C và yếu cơ 1 bên, không thể tự giữ tư thế đứng thẳng được. Nếu vẹo cột sống xuất hiện ngay lúc mới sinh, gọi là vẹo cột sống bẩm sinh (congenital scoliosis). Loại này nặng hơn các loại khác rất nhiều và cần phải can thiệp điều trị sớm hơn.
Vẹo cột sống: Những điều cần biết - ảnh 2
  • Vẹo cột sống do thoái hóa (degenerative scoliosis): Các loại vẹo cột sống khác chỉ gặp ở trẻ nhỏ và tuổi teen (dưới 20 tuổi), vẹo cột sống do thoái hóa chỉ xảy ra ở người lớn tuổi do biến đổi thoái hóa. Do sự suy yếu của hệ thống dây chằng và các cấu trúc mô mềm khác quanh cột sống, kết hợp với sự tạo các gai xương bất thường gây nên sự cong vẹo bất thường của cột sống. Vẹo cột sống thoái hóa cũng có thể do loãng xương, gãy lún đốt sống hoặc do thoái hóa đĩa đệm.
Vẹo cột sống: Những điều cần biết - ảnh 3 Vẹo cột sống: Những điều cần biết - ảnh 4
Hình X quang trước và sau mổ cùng một bệnh nhân bị vẹo cột sống thắt lưng do thoái hóa. Mổ nắn chỉnh, cố định dụng cụ 8 ốc chân cung, 2 thanh nối dọc, hàn liên thân đốt.

Ngoài ra, có nhiều nguyên nhân khác có thể dẫn tới vẹo cột sống như bướu xương sống: bướu xương dạng xương (osteoid osteoma). Đây là bướu lành có thể ở cột sống và gây đau. Vì khối u gây đau nên bệnh nhân đi nghiêng về bên kia để giảm chịu lực tì nén bên đau, lâu ngày dẫn đến biến dạng vẹo cột sống.

4. Các triệu chứng của vẹo cột sống?

Triệu chứng thường gặp nhất là nhìn thấy cột sống cong vẹo bất thường, thường được phát hiện bởi bạn bè hoặc những người trong gia đình. Cột sống cong vẹo từ từ nên ít ai để ý, cho tới khi bệnh trở nên quá nặng mới thấy. Vẹo cột sống cũng có thể được khám sàng lọc phát hiện trong trường học. Có thể phát hiện khi thấy áo quần mặc không vừa vặn như trước hoặc thấy ống quần bên thấp bên cao.

Vẹo cột sống có thể làm đầu lệch sang 1 bên hoặc 2 vai, 2 hông mất cân xứng, bên thấp bên cao. Vẹo cột sống có thể làm lồng ngực hoặc lưng bên thấp bên cao. Nếu vẹo nặng sẽ làm cản trở các hoạt động của tim, phổi (suy tim, hạn chế hô hấp); có thể làm hơi thở ngắn hoặc đau ngực. Hầu hết vẹo cột sống không gây đau nhưng cũng có loại gây đau lưng. Hơn nữa, cũng có thể bệnh nhân đau lưng do những nguyên nhân khác. Do đó, bệnh nhân cần được bác sĩ thăm khám cẩn thận.

Vẹo cột sống: Những điều cần biết - ảnh 5
Nhìn từ phía sau bệnh nhân thất 2 chậu hông bên cao bên thấp, hai vai bên cao bên thấp, lưng và thắt lưng biến dạng bên lồi bên lõm.

5. Chẩn đoán vẹo cột sống như thế nào?

Khi có những triệu chứng như trên hoặc nghi bị vẹo cột sống, bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa cột sống. Thường bác sĩ sẽ đưa ra những câu hỏi tầm soát như:

  • Gia đình có ai bị vẹo cột sống không ?
  • Có đau lưng, yếu chân hoặc các vấn đề khác liên quan đến cột sống không?

Bác sĩ sẽ quan sát hình dáng cột sống, 2 vai, 2 chậu hông từ bên hông, từ trước và từ sau. Tìm những biến đổi trên da có liên quan đến các dị tật bẩm sinh. Quan sát ở tư thế cúi người ra trước tối đa, xem có sự mất cân xứng 2 bên không? Khám tầm vận động và độ mềm dẻo của cột sống cũng như các dấu hiệu tổn thương thần kinh, tủy sống. Đo chiều cao, cân nặng để đánh giá tình trạng dinh dưỡng và để so sánh với lần tái khám sau đó. Dự hậu khả năng tiến triển nặng thêm của vẹo cột sống thông qua giai đoạn dậy thì, các dấu hiệu dậy thì của trẻ, tuổi bắt đầu hành kinh...

Vẹo cột sống: Những điều cần biết - ảnh 6
Bệnh nhân nữ 14 tuổi bị vẹo cột sống vô căn tuổi thành niên (adolescent idiopathic scoliosis): Nhìn từ phía sau bệnh nhân thất 2 chậu hông bên cao bên thấp, hai vai bên cao bên thấp, lưng và thắt lưng biến dạng bên lồi bên lõm. Cho bệnh nhân cúi lưng ra trước thấy phần lưng bên phải nhô cao so với bên trái cho thấy bệnh nhân có bị vẹo cột sống cấu trúc (Nghiệm pháp Adam's forward bend test (+)).

Bệnh nhân được cho chụp X-quang cột sống từ cổ đến khung chậu thẳng và nghiêng để đo độ Cong vẹo cột sống (đo góc Cobb, góc còng lưng, góc ưỡn thắt lưng). Chụp X-quang tư thế nghiêng trái và phải tối đa để dự đoán độ mềm dẻo của cột sống. Nếu phát hiện có các dấu hiệu tổn thương thần kinh, tủy sống, bác sĩ sẽ chỉ định chụp cộng hưởng từ để đánh giá các tổn thương liên quan đến vẹo cột sống.

Cuối cùng, bác sĩ sẽ đưa ra chiến lược điều trị và kế hoạch theo dõi diễn tiến bệnh tùy thuộc mức độ nặng nhẹ của đường cong, bệnh lý kèm theo và thể trạng của bệnh nhân.

6. Điều trị vẹo cột sống như thế nào?

Điều trị vẹo cột sống dựa vào mức độ vẹo và các nguy cơ làm vẹo nặng thêm. Có những loại vẹo có nhiều nguy cơ tăng nặng hơn các loại khác, vì thế việc phân loại vẹo cột sống sẽ giúp có hướng điều trị đúng. Có 3 chiến lược điều trị chính là:

  • Quan sát theo dõi diễn tiến bệnh (observation);
  • Nẹp thân (bracing)
  • Mổ nắn chỉnh vẹo (surgery).

6.1. Vẹo cột sống chức năng (functional scoliosis)

Cột sống bị cong vẹo do bất thường một nơi nào đó trên cơ thể. Nên chỉ điều chỉnh những bất thương đó. Ví dụ vẹo cột sống do chân thấp chân cao, người ta điều chỉnh cho 2 chân dài bằng nhau hoặc cho bệnh nhân mang giày bên cao-bên thấp ngược lại để bù trừ. Không điều chỉnh trực tiếp lên cột sống.

6.2. Vẹo cột sống do bệnh thần kinh cơ (neuromuscular scoliosis)

Do sự phát triển bất thường của xương sống. Loại này có rất nhiều nguy cơ tăng nặng. Hầu hết bệnh nhân được phẫu thuật ngay khi có dấu hiệu tiến triển nặng thêm.

6.3. Vẹo cột sống vô căn (idiopathic scoliosis)

Vẹo cột sống vô căn được điều trị tùy theo tuổi phát bệnh

  • Vẹo cột sống vô căn tuổi ấu nhi (infantile idiopathic scoliosis): Đa số trường hợp cột sống tự chỉnh mà không cần bất kỳ điều trị gì. Vì vậy, chỉ cần theo dõi và chụp X-quang định kỳ để theo dõi tiến triển của đường cong. Nẹp thân không hiệu quả trong trường hợp này.
  • Vẹo cột sống vô căn tuổi thiếu niên (juvenile idiopathic scoliosis): Có nhiều nguy cơ tăng nặng nhất trong nhóm vẹo cột sống vô căn. Nếu vẹo chưa nặng, có thể cho bệnh nhân mang nẹp thân. Mục đích là ngăn chặn không cho vẹo nặng thêm cho tới khi cơ thể ngừng tăng trưởng. Vì vẹo cột sống xuất hiện khá sớm và thời gian tăng trưởng của cơ thể còn khá dài, do đó cần can thiệp điều trị hoặc phải mổ nắn chỉnh.
  • Vẹo cột sống vô căn tuổi thành niên (adolescent idiopathic scoliosis): Là thể vẹo cột sống thường gặp nhất. Nếu vẹo nhẹ có thể theo dõi và chụp X-quang định kỳ, do góc vẹo (góc Cobb) để so sánh tiến triển. Nếu góc vẹo vẫn dưới 25 độ, không cần điều trị gì thêm. Tái khám khoảng 3-4 tháng 1 lần để xem vẹo có nặng thêm không? Chụp X-quang định kỳ và đo góc vẹo mỗi năm. Nếu góc vẹo trong khoảng từ 25-40 độ và bệnh nhân còn trong giai đoạn tăng trưởng chiều cao, có thể cho mang nẹp thân. Nếu bệnh nhân đã hết tăng trưởng chiều cao thì không cần mang nẹp thân nữa. Trường hợp góc vẹo trên 40 độ, cần mổ nắn chỉnh.

Vẹo cột sống thường không gây đau lưng nhưng nếu bệnh nhân có đau lưng thì triệu chứng cũng giảm thông qua các biện pháp vật lý trị liệu, mát xa, tập vận động, bao gồm cả tập yoga. Các biện pháp này chỉ giúp tăng cường sức mạnh khối cơ lưng chứ không chữa khỏi vẹo và không giúp nắn chỉnh vẹo.

Vẹo cột sống: Những điều cần biết - ảnh 7
Nẹp thân dưới nách điển hình trong vẹo cột sống

Có nhiều loại nẹp thân khác nhau. Một số loại nẹp bệnh nhân cần mang hầu như 24 giờ mỗi ngày và chỉ bỏ ra lúc tắm. Số khác bệnh nhân chỉ mang vào ban đêm. Hiệu quả của nẹp thân cũng tùy từng người và phải theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. Nẹp thân được thiết kế không phải để nắn chỉnh vẹo, mà chỉ để giúp vẹo chậm tiến triển hoặc dừng tiến triển. Nếu góc vẹo dưới 40 độ khi cơ thể dừng phát triển chiều cao, thì sau đó vẹo sẽ không có khuynh hướng nặng thêm. Nhưng nếu vẹo trên 40 độ thì mỗi năm sau đó có khuynh hướng tăng thêm từ 1-2 độ nữa cho đến già và có nguy cơ ảnh hưởng chức năng tim, phổi. Mục tiêu của mổ là để nắn chỉnh vẹo, ổn định cột sống, giảm đau và khôi phục đường cong của cột sống về gần như bình thường.

Vẹo cột sống: Những điều cần biết - ảnh 8
Hình chụp X quang EOS bệnh nhân nữ 14 tuổi ở trên bị vẹo cột sống vô căn tuổi thành niên (adolescent idiopathic scoliosis): vẹo cột sống ngực: N4-N11 = 67 độ; vẹo cột sống thắt lưng: N11-TL4 = 68 độ. Mất độ còng sinh lý của cột sống ngực: N4-N12 chỉ còn 1 độ.

Phẫu thuật gồm việc nắn chỉnh cột sống về càng gần như bình thường càng tốt, bằng dụng cụ ốc chân cung và thanh nối dọc phía sau, và hàn xương để cố định cột sống (thường dùng xương ghép lấy từ mào chậu của chính bệnh nhân). Dụng cụ thường để luôn trong cơ thể không cần mổ lấy ra. Sự phục hồi sau mổ cũng khác nhau tùy từng người. Sau mổ bệnh nhân được truyền máu (nếu mất máu nhiều), truyền dịch, kháng sinh, thuốc giảm đau. Bệnh nhân được khuyến cáo tập ngồi và đi lại càng sớm càng tốt nếu có thể với sự trợ giúp của chuyên viên vật lý trị liệu, để giúp phục hồi sức mạnh khối cơ.

Vẹo cột sống: Những điều cần biết - ảnh 9
Hình X quang EOS sau mổ của bệnh nhân trên

Giống như bất kỳ cuộc mổ nào, mổ chỉnh vẹo cột sống cũng có những nguy cơ (dù tỉ lệ rất thấp), tùy thuộc vào tuổi, mức độ vẹo, nguyên nhân và độ nắn chỉnh cần đạt được. Ở các nước phát triển, các bác sĩ phẫu thuật dùng máy theo dõi chức năng tủy sống trong suốt quá trình mổ (Việt Nam chưa có). Nếu có nguy cơ tổn thương tủy sống, máy sẽ báo động và phẫu thuật viên sẽ giảm thao tác nắn chỉnh để giảm nguy cơ tổn thương thần kinh. Các nguy cơ khác gồm nhiễm trùng, tổn thương mạch máu, thần kinh, mất máu, vẹo tiếp tục tăng sau mổ, gãy ốc, gãy thanh nối, cần phải mổ lại. Nếu vẹo cột sống do bướu xương dạng xương thì mổ cắt bỏ bướu cũng sẽ làm hết vẹo cột sống.

6.4. Vẹo cột sống do thoái hóa (degenerative scoliosis)

Thường gây đau lưng và chân do có liên quan đến bệnh Viêm khớp ở cột sống, chèn ép rễ thần kinh gây đau lan xuống chân. Điều trị bảo tồn gồm vật lý trị liệu, tập vận động, xoa bóp nắn chỉnh nhẹ nhàng cũng có thể giúp giảm đau. Nếu bệnh không cải thiện với các biện pháp trên thì có thể mổ. Cần chụp X-quang và cộng hưởng từ (MRI) cột sống để lên kế hoạch mổ. Mổ có thể chỉ giải ép thần kinh, cắt bỏ các gai xương chèn ép thần kinh. Một số trường hợp cần nắn chỉnh vẹo, cố định bằng dụng cụ và hàn xương.

7. Tiên lượng vẹo cột sống như thế nào?

Tổ chức các chương trình khám sàng lọc trong trường học sẽ giúp phát hiện nhiều trường hợp vẹo cột sống sớm. Điều này giúp việc điều trị một cách nhẹ nhàng, dễ dàng, chỉ cần theo dõi hoặc mang nẹp thân mà không cần phải mổ trong đa số trường hợp. Hầu hết bệnh nhân vẹo cột sống đều có thể có một cuộc sống, lao động hoàn toàn bình thường, có thể Mang thai và sanh con hoàn toàn bình thường mà không có bất kỳ nguy cơ biến chứng nào. Nhưng bệnh nhân có thể tăng nguy cơ đau thắt lưng lúc mang thai.

Phẫu thuật xâm lấn tối thiểu trong vẹo cột sống hiện đang còn nghiên cứu, nhưng kết quả bước đầu rất khả quan, giúp bệnh nhân ít đau, ít mất máu, phục hồi nhanh.

Cho đến nay, vẹo cột sống không thể chữa khỏi. Có nhiều phương pháp điều trị tốt được chọn lựa như đã mô Tả như trên. Các nhà nghiên cứu đang cố gắng tìm nguyên nhân của từng loại vẹo cột sống, để giúp điều trị tốt hơn hoặc có thể chữa khỏi bệnh.

 

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung