1. Viêm gan B là bệnh gì?
Viêm gan B là bệnh gan nguy hiểm do siêu vi B (HBV) gây ra. Ước tính mỗi năm có khoảng 250.000 - 500.000 người trên thế giới tử vong vì căn bệnh này.
1.1 Đường lây truyền virus viêm gan B
Bệnh có tốc độ lây lan nhanh, thường qua 3 con đường:
- Lây truyền từ mẹ sang con: Người mẹ bị nhiễm Viêm gan B có thể truyền bệnh cho con;
- Lây truyền qua quan hệ Tình dục không an toàn: Nguy cơ cao bị lây nhiễm HBV khi quan hệ Tình dục không an toàn với người nhiễm virus HBV;
- Lây truyền qua đường máu: Virus HBV có thể lây truyền trong các trường hợp như tiêm, xăm mình, truyền máu, hiến máu,... sử dụng dụng cụ không được tiệt trùng tuyệt đối.
1.2 Phân loại viêm gan B
Viêm gan B được phân thành 2 loại: Viêm gan B cấp tính và viêm gan B mạn tính. Cụ thể là:
- Viêm gan B cấp tính: Các triệu chứng của bệnh xảy ra từ 1 - 4 tháng sau khi nhiễm virus HBV và không kéo dài quá 6 tháng. Nhiều người không có bất kỳ triệu chứng nào, trong khi số khác có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, vàng da, đau vùng bụng trên bên phải, đau khớp hoặc viêm khớp. Chỉ khoảng 0,1 - 0,5% bệnh nhân viêm gan B cấp tính phát triển bệnh nặng hơn thành suy gan. Hầu hết bệnh nhân viêm gan siêu vi B cấp tính đều phục hồi sức khỏe sau 6 tháng mà không gặp phải bất cứ vấn đề gì;
- Viêm gan B mạn tính: Tình trạng nhiễm virus HBV kéo dài trên 6 tháng được gọi là viêm gan mạn tính. Có khoảng 5% người trưởng thành mắc viêm gan B cấp tính tiến triển thành viêm gan B mạn tính. Khả năng tiến triển thành mạn tính phụ thuộc vào độ tuổi và tình trạng miễn dịch của bệnh nhân. Bệnh viêm gan B mạn tính thường không có triệu chứng hoặc chỉ có các triệu chứng không đặc hiệu như chán ăn, mệt mỏi, thỉnh thoảng có đợt tăng men gan. Trong trường hợp khi đã gây ra các tổn thương nặng nề cho gan, bệnh nhân sẽ có triệu chứng của xơ gan. Có khoảng 10 - 20% bệnh nhân viêm gan B mạn tính có biểu hiện ở các bộ phận ngoài gan, thường gặp là Viêm mạch và viêm cầu thận. Hậu quả lớn nhất do viêm gan B mạn tính gây ra là Xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan.
Xơ gan là hậu quả do viêm gan B mạn tính gây ra
2. Viêm gan B có chữa hết không?
Cơ hội chữa khỏi viêm gan B phụ thuộc vào dạng cấp tính hoặc mạn tính. Cụ thể:
- Viêm gan B cấp tính: Không cần điều trị cụ thể theo một phác đồ nào vì có tới 95% bệnh nhân hồi phục sau thời gian tự phát. Phần lớn người bệnh chỉ cần nghỉ ngơi hợp lý và thực hiện các biện pháp điều trị hỗ trợ theo lời khuyên của bác sĩ;
- Viêm gan B mạn tính: Gồm nhóm bệnh nhân có virus viêm gan B không hoạt động và nhóm bệnh nhân có virus viêm gan B hoạt động. Người bệnh có virus ở dạng không hoạt động cần theo dõi định kỳ, chưa cần điều trị đặc trị. Với bệnh nhân có virus hoạt động, bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng cụ thể để lựa chọn thuốc điều trị đặc trị theo dạng uống hoặc dạng tiêm cho phù hợp. Tuy nhiên, mục đích của việc điều trị chỉ là ngăn chặn virus HBV phát triển gây tổn thương gan, hình thành Xơ gan và ung thư gan. Thời gian điều trị tùy thuộc vào từng bệnh nhân, có thể kéo dài từ một vài năm đến cả đời. Cơ hội chữa khỏi bệnh dứt điểm rất thấp.
3. Biện pháp phòng ngừa bệnh viêm gan B
Viêm gan B mạn tính có khả năng chữa khỏi rất thấp. Trong khi đó, virus HBV có khả năng lây lan rất nhanh nên việc phòng ngừa là vô cùng cần thiết. Các biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất gồm:
- Tiêm vắc-xin ngừa viêm gan B;
- Sinh hoạt tình dục chung thủy, an toàn;
- Không dùng chung vật dụng cá nhân như dao cạo râu, bơm kim tiêm, kìm cắt móng, kéo cắt tóc,...