Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Viêm mũi dị ứng ở trẻ nhỏ: Những điều cần biết

20/10/2021
Viêm mũi dị ứng ở trẻ nhỏ: Những điều cần biết

Viêm mũi dị ứng là căn bệnh rất thường gặp ở trẻ em, dù không nguy hiểm đến tính mạng nhưng khiến trẻ cảm thấy khó chịu, tái đi tái lại, khó dứt điểm bệnh.

1. Bệnh Viêm mũi dị ứng ở trẻ em đang gia tăng

Thời gian gần đây, môi trường, không khí ô nhiễm, thời tiết thất thường, trẻ em sức đề kháng kém là điều kiện thuận lợi dẫn đến các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là hiện tượng viêm mũi Dị ứng ở trẻ nhỏ ngày càng xuất hiện nhiều.

Các trẻ mắc bệnh có biểu hiện Ngứa mũi, hắt hơi, chảy nước mũi, quấy khóc vào ban đêm. Tuy không nguy hiểm tới tính mạng, nhưng bệnh khiến cho trẻ cảm thấy rất khó chịu. Nếu không được điều trị hợp lý, Viêm mũi dị ứng ở trẻ em có thể gây ra nhiều biến chứng khác, chẳng hạn như viêm tai, viêm họng, viêm phế quản,... Tuy nhiên, công tác điều trị bệnh còn gặp nhiều khó khăn và khó dứt điểm hoàn toàn.

2. Nguyên nhân khiến viêm mũi Dị ứng ở trẻ nhỏ khó trị dứt điểm

Viêm mũi dị ứng ở trẻ em khó điều trị khỏi hoàn toàn, thường xuyên tái phát vì cơ chế gây bệnh liên quan đến dị ứng. Chất gây dị ứng được gọi là dị ứng nguyên, vốn xuất hiện đầy rẫy trong môi trường sống. Vì vậy, chỉ khi loại bỏ hoàn toàn dị ứng nguyên, nghĩa là không để trẻ tiếp xúc với chúng nữa, thì mới mong trị khỏi bệnh. Trên thực tế, điều này không dễ thực hiện.

Các tác nhân gây viêm mũi dị ứng ở trẻ em tồn tại trong môi trường, trong nguồn không khí hàng ngày trẻ hít phải, như mạt bụi nhà, nấm mốc, con gián, lông vật nuôi, các hạt phấn hoa, các loại cỏ dại, mỹ phẩm, chất tẩy rửa,... Bệnh liên quan đến những yếu tố nguy cơ sau: cơ địa trẻ vốn nhạy cảm với dị ứng nguyên, gia đình có bố hoặc mẹ thường bị dị ứng hoặc trong phả hệ có người bị dị ứng, trẻ hay tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng, như hít phải bụi nhà, lông chó mèo, phấn hoa, mỹ phẩm như nước hoa, phấn rôm, mùi thơm từ nước giặt, xả quần áo. Bệnh còn gây ra bởi yếu tố nhiễm khuẩn, yếu tố môi trường khí hậu do thời tiết đột ngột thay đổi (trời trở lạnh, tăng giảm độ ẩm), môi trường ô nhiễm, nồng độ chất độc tăng cao trong không khí, gây kích thích niêm mạc hốc mũi, tạo điều kiện để viêm mũi dị ứng xuất hiện. Ngoài ra, yếu tố dị hình về cấu trúc và giải phẫu của hốc mũi cũng là nguyên nhân dẫn đến viêm mũi dị ứng ở trẻ em. Một số loại dị ứng nguyên xuất hiện quanh năm, trong khi số khác xuất hiện nhiều hơn trong các mùa đặc biệt, ví dụ như mạt nhà, nấm mốc, côn trùng thường tăng cao vào mùa hè nhiều mưa, độ ẩm cao, còn phấn hoa, phấn cỏ thường gặp hơn vào dịp cuối năm, gần Tết.

Điều này giải thích tại sao triệu chứng viêm mũi dị ứng ở trẻ nhỏ thường xuất hiện quanh năm, khó điều trị và có thể nặng hơn vào một số khoảng thời gian trong năm. Các dị nguyên này thường rất nhỏ, tồn tại trong không khí và rất khó để xác định được chính xác loại dị nguyên nào gây ra Tình trạng viêm mũi của bé. Do đó, các bác sĩ phải thực hiện các Xét nghiệm dị ứng chuyên biệt để giúp bố mẹ tìm ra nguyên nhân, từ đó tìm ra phương án điều trị hiệu quả.

3. Điều trị viêm mũi dị ứng ở trẻ em

Mục tiêu điều trị viêm mũi dị ứng ở trẻ em nhỏ chủ yếu là giảm các triệu chứng xuống mức tối thiểu và lựa chọn các thuốc phù hợp, vừa hiệu quả vừa ít gây tác dụng phụ không mong muốn. Có nhiều thuốc trị viêm mũi dị ứng cho trẻ em, được phân ra 2 nhóm: thuốc uống và thuốc dùng tại chỗ (xông hoặc phun xịt trực tiếp vào mũi).

3.1. Nhóm thuốc uống

  • Thuốc kháng histamin trị dị ứng (như clorpheniramin, loratadin, cetirizin) giúp giảm triệu chứng Ngứa mũi, chảy mũi, sổ mũi, chảy nước mắt, nhưng không có tác dụng điều trị nghẹt mũi;
  • Thuốc kháng sinh được dùng khi nguyên nhân gây bệnh liên quan đến nhiễm khuẩn;
  • Thuốc uống nhóm glucocorticoid, như prednison, prednisolon, dexamethason, chỉ dùng khi bị viêm Mũi xoang nặng và mạn tính.

3.2. Nhóm thuốc dùng tại chỗ

Thuốc nhỏ mũi chứa hoặc phun xịt có chứa NaCl 0,9% (còn gọi là dung dịch “nước muối sinh lý”) giúp làm thông thoáng, sạch mũi. Đây là loại thuốc viêm mũi dị ứng phù hợp cho trẻ em, nhũ nhi, phụ nữ có thai và cả người lớn.

Khi nhận thấy triệu chứng viêm mũi dị ứng ở trẻ em xuất hiện kéo dài mà bố mẹ không rõ nguyên nhân thì nên đưa đi thăm khám ở bệnh viện hoặc phòng khám bác sĩ chuyên về Nhi khoa hoặc dị ứng để bé được khám kỹ lưỡng, chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh, tầm soát các bệnh lý dị ứng khác có thể đồng mắc và để bé được điều trị đúng và đầy đủ.