1. Viêm mũi họng mạn tính là bệnh gì?
Viêm mũi họng mạn tính là trường hợp niêm mạc, tổ chức lympho hoặc những tuyến nhầy ở vùng mũi họng bị quá phát, phù nề kéo dài, lặp đi lặp lại nhiều lần gây ra những tổn thương đường Hô hấp cho cơ thể. Họng là vị trí giao nhau giữa ống tiêu hóa và đường thở nên đây là một trong những môi trường thuận lợi cho những tác nhân gây bệnh xâm nhập và phát triển, đặc biệt là những tác nhân gây bệnh đường hô hấp.
Nguyên nhân viêm mũi họng mạn tính thường gặp đó là nhiễm khuẩn mũi họng cấp không điều trị triệt để, lặp lại nhiều lần dẫn đến bệnh lý. Cụ thể là những tình trạng như viêm mũi xoang, viêm Amidan, nhiễm khuẩn răng miệng, Viêm họng... đã làm dịch nhầy tiết ra chảy xuống họng gây viêm nhiễm họng, lâu ngày kéo theo viêm mũi họng mạn tính. Hoặc trường hợp xuất hiện polyp mũi, viêm mũi dị ứng, vẹo vách ngăn, u vòm họng... khiến bệnh nhân có thói quen thở bằng miệng kéo theo đó là hàng loạt tác nhân gây bệnh từ môi trường bên ngoài đi vào, hoặc không khí đi vào không được làm ấm, làm ẩm cũng gây ra bệnh.
Một số nguyên nhân khác có thể kể đến đó là ô nhiễm môi trường, nhất là những khí thải từ công nghiệp hay khói bếp cũng gây viêm mũi họng mạn tính. Những người có thói quen hút thuốc lá, sử dụng nhiều bia rượu, ăn thức ăn cay, quá nóng, quá lạnh, thức ăn có nhiều gia vị, cơ địa dị ứng... cũng dễ có khả năng mắc bệnh. Bệnh thường phổ biến với những đối tượng trong độ tuổi trưởng thành, một số trường hợp cũng có thể gặp phải viêm mũi họng mạn tính ở trẻ em.
Triệu chứng điển hình của bệnh lý viêm mũi họng mạn tính: đau họng, ngứa, vướng trong họng, khạc đờm nhiều lần, ho... Đối với những bệnh nhân viêm mũi họng mạn tính do nguyên nhân viêm xoang, viêm mũi dị ứng... thường có biểu hiện nghẹt mũi, thở bằng miệng khiến cho luồng không khí lạnh và những loại vi khuẩn như phế cầu, liên cầu, tụ cầu..., virus xâm nhập vào cơ thể để phát triển và gây bệnh dẫn đến tình trạng hơi thở có mùi hôi. Những tác nhân từ môi trường bên ngoài như khói bụi, khói thuốc, phấn hoa, nấm mốc, những hóa chất có mùi hương... cũng kích thích đường hô hấp gây ra những phản ứng như ho, sổ mũi, nghẹt mũi.
2. Điều trị viêm mũi họng mạn tính hiệu quả
Điều trị viêm mũi họng mạn tính hiệu quả thì cần xác định rõ nguyên nhân gây bệnh, có thể là vi khuẩn, virus, nấm... để áp dụng đúng phác đồ điều trị. Phương pháp điều trị nội khoa thường là sử dụng những thuốc kháng viêm, thuốc tiêu đờm, giảm Ho để giảm nhẹ triệu chứng trên bệnh nhân. Ngoài ra, còn có thể sử dụng thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh, thuốc xịt co mạch để giúp bệnh nhân hồi phục hoàn toàn. Nếu bệnh nặng và đã gây ra những biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, Viêm thanh quản - khí quản mạn tính... thì có thể phải tiến hành phẫu thuật trong một số trường hợp cần thiết.
Vì viêm mũi họng mạn tính là bệnh lý gây suy Nhược cơ thể và Thần kinh của con người, nhất là khi trời chuyển mùa thì bệnh sẽ trở nặng và tái phát. Đặc biệt, nếu bệnh nhân có tiền sử viêm xoang, viêm tai, Viêm mũi dị ứng thì cần phải điều trị nghiêm túc, triệt để, tuân thủ theo những chỉ định, lời khuyên của bác sĩ để việc điều trị đạt được hiệu quả tối ưu nhất. Nếu không tuân theo chặt chẽ phác đồ điều trị mà bác sĩ đã đưa ra mà tự ý ngưng thuốc khi các triệu chứng đã thuyên giảm phần nào thì hiện tượng tái phát sẽ xảy ra và làm tình trạng bệnh lý sẽ diễn ra trầm trọng hơn.
Bên cạnh những loại thuốc bác sĩ đã chỉ định, bệnh nhân có thể bổ sung những thực phẩm có chứa nhiều vitamin C để nâng cao sức đề kháng của cơ thể, ngăn cản sự phát triển và tấn công của những tác nhân gây bệnh viêm Mũi xoang mạn tính.
Vệ sinh mũi họng mỗi ngày bằng Dung dịch nước muối sinh lý, nước ấm... là yếu tố quan trọng trong việc đề phòng ngừa viêm mũi họng mạn tính và tái phát bệnh diễn ra.
Luôn giữ nhiệt độ cơ thể ở mức ổn định, tránh để cơ thể bị nhiễm lạnh vì đây là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh phát triển.
Nếu có những triệu chứng của viêm mũi họng, viêm mũi Dị ứng thì cần đến ngay những trung tâm y tế uy tín để được khám, chẩn đoán và điều trị sớm nhất, tránh khỏi nguy cơ tiến triển thành viêm mũi họng mạn tính.
Trong lối sống sinh hoạt hằng ngày, cũng cần có một chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học, không ăn những thức ăn quá cay nóng hay quá lạnh, nhiều gia vị, không sử dụng bia rượu, không hút thuốc lá... Việc duy trì một chế độ tập luyện thể dục thể thao đều đặn, phù hợp với sức khỏe của bản thân cũng giúp đẩy lùi bệnh tật.
Viêm mũi họng mạn tính là bệnh lý mà ai cũng có thể mắc phải, đặc biệt là những đối tượng trong độ tuổi thanh thiếu niên. Tuy nhiên, nếu phát hiện và tìm ra chính xác nguyên nhân gây bệnh, cũng như có lối sống lành mạnh theo lời khuyên của chuyên gia thì vẫn có thể điều trị triệt để căn bệnh này và không gây ra tái phát.