Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Viêm tai xương chũm cấp tính ở trẻ em - Triệu chứng - Điều trị và phòng bệnh

14/12/2020
Viêm tai xương chũm cấp tính ở trẻ em - Triệu chứng - Điều trị và phòng bệnh

Viêm xương chũm cấp tính là tình trạng viêm các thông bào xương chũm trong xương thái dương.Tình trạng này luôn kèm theo một viêm tai giữa cấp tính và có thể là một bước tiến triển nặng hơn của một viêm tai giữa mạn tính.

1. Viêm tai xương chũm cấp ở trẻ em là bệnh gì?

Xương chũm là một khối xương nhỏ, nằm ở ngay sau tai có thể sờ thấy được, xương chũm là loại xương xốp có chứa nhiều thông bào, thông bào lớn nhất được gọi là sào bào. Sào bào là vị trí xương chũm thông với hòm tai hòm tai .

Viêm xương chũm cấp tính là Tình trạng viêm các thông bào của xương chũm trong xương thái dương. Vì thông bào này thông với hòm tai nên nguyên nhân chính dẫn đến viêm xương chũm là do viêm tai giữa cấp tính hoặc biến chứng của viêm tai giữa mạn tính, chính vì vậy thường gọi là viêm tai xương chũm.

Viêm tai xương chũm có thể gặp ở mọi đối tượng tuy nhiên trẻ em là đối tượng hay bị viêm tai giữa và có sức đề kháng kém nên rất thường bị viêm tai xương chũm nhất là trẻ trong độ tuổi từ 6-13 tháng tuổi.

Tác nhân thường gây ra viêm tai xương chũm là do các loại vi khuẩn như: Phế cầu, Haemophilus influenzae, liên cầu nhóm A. Các loại vi khuẩn khác có thể gặp nhưng ít hơn gồm trực khuẩn mủ xanh(Pseudomonas aeruginosa), các vi khuẩn kị khí...

Nguyên nhân Viêm xương chũm cấp tính:

  • Nguyên nhân thường do các loại vi trùng: Streptococcus pneumoniae,  Hemophilus influenzae và Streptococci nhóm A (GAS). Ngoài ra có thể còn do: Pseudomonas aeruginosa, vi khuẩn gram âm và kị khí.

Triệu chứng viêm tai xương chũm:

  • Các dấu hiệu viêm tai giữa cấp tính: Đau tai, nghe kém, chảy mủ tai.
  • Trong đợt viêm tai giữa cấp tính thấy các triệu chứng viêm tai giảm dần, thấy xuất hiện các dấu hiệu như: Đau tại theo nhịp đập, chảy mủ tai nhiều hơn, thính lực giảm nhanh, vị trí xương chũm (ở sau vành tai) đau và sưng đỏ, đẩy vành tai ra phía trước.
  • Triệu chứng toàn thân: Xuất hiện Sốt lại, có thể Sốt cao hoặc không cao; ăn kém; mệt mỏi; trẻ bứt rứt hoặc quấy khóc.

Những biến chứng của viêm tai xương chũm:

  • Nhiễm khuẩn huyết: Viêm tai xương chũm thường do các vi khuẩn có độc tính cao, hoặc trên cơ địa những trẻ có sức đề kháng kém. Nếu không được kiểm soát có thể dẫn tới Nhiễm khuẩn huyết rất nguy hiểm, biểu hiện trẻ sốt cao rét run, nhịp tim nhanh, huyết áp thay đổi. Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm nguy cơ tử vong cao.
  • Ảnh hưởng tới thính lực: Giảm thính lực do viêm mê nhĩ gây ra.
  • Liệt dây thần kinh sọ não: Có thể gây liệt dây thần kinh VI hoặc VII.
  • Do vị trí của xương chũm sát với các thành phần quan trọng gồm não, màng não, các mạch máu nên có thể gây những biến chứng rất nguy hiểm như: Áp-xe màng não, viêm Não màng não, viêm tĩnh mạch bên, áp-xe não.

2. Chẩn đoán Viêm xương chũm cấp tính ở trẻ

2.1. Chẩn đoán xác định

2.1.1. Lâm sàng

Triệu chứng bệnh thay đổi theo tuổi và giai đoạn bệnh, có thể gặp:

  • Triệu chứng toàn thân: sốt, có thể sốt cao hoặc không cao; ăn kém; mệt mỏi; bứt rứt hoặc quấy khóc.
  • Triệu chứng cơ năng: chảy mủ tai; nghe kém; đau tai, sưng nề, viêm tấy đỏ sau tai, đẩy vành tai ra trước, có dấu phập phều sau tai.
  • Triệu chứng thực thể: màng nhĩ viêm đỏ, phồng, có hình ảnh vú bò.

2.1.2. Cận lâm sàng

  • Soi tai kính hiển vi: tình trạng viêm tai giữa.
  • X-quang Schuller: vách thông bào dày không rõ + có chỗ thành những hốc rỗng do mất vách ngăn giữa các thông bào.
  • CT scan xương thái dương: hình ảnh đọng dịch và mất các thông bào.
  • Công thức máu: Bạch cầu/máu tăng do tình trạng nhiễm trùng, tăng tỉ lệ trung tính.

2.2. Chẩn đoán phân biệt

2.2.1. Phân loại với viêm tai cấp tính có mủ

Chúng ta dựa vào những đặc điểm sau đây: trong viêm tai cấp tính, những triệu chứng đau tai, sốt, mệt mỏi, Mất ngủ đều hết sau khi màng nhĩ được chích hoặc bị vỡ; đến cuối tuần lễ đầu, ngón tay ấn vào xương chũm không gây đau nữa. Chụp Xquang xương chũm: thông bào chũm còn tốt.

2.2.2. Viêm tai xương chũm mạn tính hồi viêm

Trong trường hợp này bệnh nhân có tiền sử chảy tai kéo dài, khi nhiều khi ít không dứt hẳn. Mấy ngày gần đây bệnh nhân bị sốt, đau tai, chảy tai tăng lên, mủ thối, thính lực trước đây kém rồi bây giờ lại tụt nhanh, người mệt nhọc bơ phờ, ăn kém, ngủ ít... Trên phim thấy hình ảnh cholesteatoma hoặc xương bị tiêu hủy rộng.

2.2.3. Viêm hạch sau tai

Viêm hạch sau tai do viêm ống tai ngoài, do viêm Da đầu có thể làm cho chúng ta nhầm với viêm xương chũm cấp tính. Trong viêm ống tai có những hiện tượng sau: nhai đau, ấn nắp tai gây đau, kéo vành tai cũng đau, rãnh sau tai còn nguyên vẹn. Trong Chốc da đầu, bệnh tích có thể bị tóc che kín, thầy thuốc phải sờ toàn bộ đa đầu mới phát hiện được bệnh.

3. Điều trị viêm tai xương chũm cấp tính ở trẻ em

3.1. Mục tiêu điều trị

  • Cần điều trị càng sớm càng tốt bằng kháng sinh, tốt nhất là có kháng sinh đồ.
  • Trường hợp nếu điều trị nội khoa không đáp ứng hay tình trạng nặng cần được phẫu thuật sớm để phòng ngừa nguy cơ biến chứng.
  • Kết hợp với chế độ ăn uống nâng cao thể trạng.

3.2. Điều trị nội khoa

  • Kháng sinh liều cao, có phổ rộng được chỉ định cho bệnh nhân: Các nhóm kháng sinh thường được sử dụng gồm nhóm cephalosporin thế hệ 2, 3.
  • Thuốc chống viêm, giảm đau: Các thuốc chống viêm nhóm steroid thường được chỉ định bằng đường tiêm trong những ngày đầu, sau đó dùng đường uống và giảm dần liều.
  • Thuốc hạ sốt: Paracetamol liều từ 10-15mg/kg cân nặng khi bệnh nhân có sốt cao trên 38,5 độ C. Nếu sốt dưới 38,5 độ C hạ sốt cho trẻ bằng các phương pháp vật lý như chườm ấm, mặc quần áo thoáng mát.
  • Thuốc nhỏ tai: Thường được dùng là các kháng sinh nhằm mục đích diệt khuẩn tại chỗ.
  • Điều trị bệnh đường hô hấp: Sử dụng các loại thuốc để làm sạch mũi họng, giảm tiết dịch. Thường xuyên vệ sinh mũi họng bằng các dung dịch sát khuẩn, hút mũi nếu có nhiều dịch.
  • Ngoài ra: Cần chích rạch màng nhĩ rộng hơn lỗ dẫn lưu dịch ở màng nhĩ.

3.3. Điều trị ngoại khoa

Được chỉ định để điều trị trong một số trường hợp để tránh biến chứng nguy hiểm. Các biện pháp ngoại khoa được sử dụng gồm:

  • Mở sào bào dẫn lưu dịch mủ và làm sạch mô viêm, tạo sự thông thương giữa tai giữa và các tế bào chũm để dịch thoát ra qua màng nhĩ.
  • Phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn xương chũm được tiến hành nếu điều trị bằng thuốc kháng sinh không đạt hiệu quả mong đợi.
  • Ngoài ra, có các phương pháp phẫu thuật khác như phẫu thuật loại bỏ tế bào xương chũm và chỉnh sửa xương chũm.

3.4. Các biện pháp nâng cao thể trạng

  • Trẻ được nghỉ ngơi đầy đủ, ăn uống đủ dinh dưỡng, bổ sung vitamin C, uống nhiều nước.
  • Nếu trẻ còn bú mẹ tính cực cho trẻ bú mẹ. Đảm bảo nguồn dinh dưỡng.

4. Phòng bệnh viêm tai xương chũm

  • Phương pháp phòng bệnh tốt nhất là không để cho tai bị viêm giữa bằng cách: Điều trị các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp triệt để, tiêm chủng vắc-xin, tránh tiếp xúc với những người mắc bệnh truyền nhiễm.
  • Nếu đã bị viêm tai giữa cần điều trị đúng phác đồ, theo dõi bởi các bác sĩ chuyên khoa.
  • Không cai sữa cho trẻ quá sớm, trước 12 tháng tuổi. Trẻ ăn dặm cho ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất.

Bệnh viêm tai xương chũm cấp tính ở trẻ cần phát hiện và điều trị đúng lúc để phòng tránh những biến chứng có thể xảy ra. Nên nếu phát hiện trẻ sau khi bị viêm tai giữa xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ viêm tai xương chũm cần đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế ngay.