Viêm tiểu khung là bệnh gì? Vì sao có thể gây hiếm muộn ở nữ?

Viêm tiểu khung dù đã được điều trị vẫn có nguy cơ gây ra những biến chứng, nghiêm trọng nhất là vô sinh vĩnh viễn, đặc biệt là ở những người bị tái nhiễm nhiều lần. Nguy cơ mang thai ngoài tử cung cũng lớn hơn vì di chứng để lại sẹo ở vòi trứng, khiến cho quá trình làm tổ của trứng gặp nhiều khó khăn.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Viêm tiểu khung là bệnh gì?

Viêm tiểu khung là bệnh nhiễm khuẩn ở nội mạc tử cung, 2 vòi trứng và buồng trứng. Hầu hết các trường hợp viêm tiểu khung cũng là do các vi khuẩn gây nên các bệnh lây truyền qua đường tình dục như Lậu cầu khuẩn, vi khuẩn chlamydia, mycoplasma, tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn. Mặc dầu viêm tiểu khung chủ yếu lây truyền qua đường tình dục nhưng vi khuẩn cũng có thể xâm nhập cơ thể sau các thao tác phụ khoa như đặt dụng cụ tử cung, sau sinh đẻ, sảy thai, nạo phá thai và làm sinh thiết nội mạc tử cung. Viêm tiểu khung là bệnh khá phổ biến, mỗi năm ở Mỹ có khoảng 1 triệu phụ nữ bị viêm tiểu khung; trong số vị thành niên có hoạt động tình dục thì tỷ lệ ước tính là 1/8 bị viêm tiểu khung trước khi đến tuổi 20. Những con số nói trên còn xa sự thật vì viêm tiểu khung chưa được phát hiện đầy đủ.

2. Yếu tố nguy cơ gây viêm tiểu khung

Có quan hệ tình dục ngay từ tuổi vị thành niên, có nhiều bạn tình, có tiền sử bị viêm tiểu khung, có tiền sử bị bệnh lây truyền qua đường tình dục, có đặt dụng cụ tử cung.

Viên thuốc tránh thai trong một số trường hợp cũng có thể dẫn đến lộn cổ tử cung, một tổn thương dễ làm cho vi khuẩn phát triển ở mô nhưng thuốc tránh thai lại làm cho niêm dịch cổ tử cung trở nên dính hơn nên có thể bảo vệ người phụ nữ không bị viêm tiểu khung do tinh dịch khó đưa được vi khuẩn xâm nhập tử cung.

Cũng như các loại bệnh khác, càng phơi nhiễm thì càng dễ mắc bệnh, phụ nữ có quan hệ tình dục với hơn một bạn tình nam thì khả năng bị viêm tiểu khung có thể tăng lên đến 500%. Nếu đặt dụng cụ tử cung thì nguy cơ bị viêm tiểu khung cũng tăng lên nhiều lần vì sợi dây gắn với dụng cụ tử cung nằm lơ lửng trong âm đạo là đường để vi khuẩn xâm nhập và đi lên. Có đến 70% phụ nữ bị viêm tiểu khung do lậu ngay trong tuần lễ đầu tiên sau Hành kinh vì quan hệ tình dục làm cho vi khuẩn lậu bám đuôi tinh trùng, dễ dàng lan lên trên gây nhiễm khuẩn cho tử cung, vòi trứng và buồng trứng.

3. Những biểu hiện bệnh viêm tiểu khung

Triệu chứng lâm sàng phổ biến nhất của bệnh viêm tiểu khung là :

  • Bị đau bụng dưới.
  • Rét run và sốt, kèm theo đó là mệt mỏi, có thể bị tiêu chảy.
  • Rối loạn kinh nguyệt.
  • Đau khi có “quan hệ vợ chồng”.
  • Ra khí hư có mủ ở cổ tử cung.
  • Đau căng cổ tử cung và phần phụ.

Tuy nhiên, các triệu chứng trên thực tế của những người phụ nữ bị viêm tiểu khung thường không rõ ràng hoặc rất nhẹ, khiến các chị em không thể nhận ra được bệnh dẫn đến điều trị chậm trễ.

4. Viêm tiểu khung gây ra những biến chứng gì?

  • Thường gặp nhất là xuất tiết âm đạo có màu sắc bất thường, mùi hôi (có khi như mủ), đau vùng bụng dưới, Sốt (không thường xuyên).
  • Ngoài ra, có thể có gai rét, ra kinh không đều hay ra máu giữa kỳ, đau bụng kinh nhiều hơn, mất kinh, đau vào thời điểm rụng trứng nhiều hơn, đau khi quan hệ tình dục, đau vùng thắt lưng, mỏi mệt, ăn kém ngon, buồn nôn, có thể kèm nôn hoặc không, đái vặt nhiều lần, đái buốt, dễ đau khi đụng chạm vào vùng tiểu khung.
  • Cũng cần lưu ý rằng có thể không có triệu chứng gì và nhiều trường hợp Chửa ngoài tử cung hay hiếm muộn không bộc lộ bệnh cảnh viêm tiểu khung rõ rệt và thường do nhiễm khuẩn chlamydia.
  • Để chẩn đoán, có thể làm một số test như cấy vi khuẩn niêm dịch cổ tử cung tìm vi khuẩn lậu, chlamydia, siêu âm vùng tiểu khung hay chụp cắt lớp vi tính, soi ổ bụng.
  • Viêm tiểu khung có thể gây ra sẹo dính ở các cơ quan trong tiểu khung, vì thế có thể dẫn đến hiếm muộn, chửa ngoài tử cung và đau vùng tiểu khung mạn tính. Ngay cả khi đã điều trị viêm tiểu khung cũng có thể để lại biến chứng vô sinh vĩnh viễn cho khoảng 12% phụ nữ; nếu bị tái nhiễm lần thứ hai thì có đến 1/4 mất khả năng sinh con dù được chữa trị. Tái viêm nhiễm tiểu khung đến lần thứ ba thì có đến quá nửa bệnh nhân không bao giờ có thể có thai. Và dù có thai thì nguy cơ bị chửa ngoài tử cung cũng rất cao vì vòi trứng có Sẹo làm cho trứng đã thụ tinh khó di chuyển vào tử cung để làm tổ.

5. Phòng ngừa và điều trị viêm tiểu khung

Vì là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiếm muộn nên phụ nữ cần đặc biệt chú ý trong việc phòng ngừa bệnh, nhất là tránh để tái nhiễm. Phòng ngừa hiếm muộn do viêm tiểu khung gây ra sẽ đỡ tốn kém hơn nhiều so với việc điều trị vô sinh. Phòng bệnh chủ yếu là giáo dục, hướng dẫn thực hành tình dục an toàn, vệ sinh cơ quan sinh dục đúng cách (không thụt rửa), dùng bao cao su bảo vệ, tiến hành tầm soát bệnh, đồng thời điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục, đặc biệt là chlamydia.

Về điều trị, cần sử dụng kháng sinh theo hướng dẫn của bác sĩ. Hiện nay đã có nhiều loại kháng sinh dùng trong phác đồ chữa trị bệnh này. Nếu dùng thuốc không giải quyết được bệnh thì cần phải can thiệp bằng phẫu thuật.

Cách phòng bệnh chủ yếu là giáo dục, hướng dẫn thực hành tình dục an toàn, vệ sinh vùng kín đúng cách (không thụt rửa), dùng bao cao su bảo vệ, tiến hành tầm soát bệnh. Đồng thời, chị em nên thường xuyên thăm khám phụ khoa để kiểm tra cũng như điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục (nếu có).

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung