1. Viêm gan là gì?
Viêm gan là Tình trạng viêm diễn ra ở gan - một cơ quan thuộc hệ tiêu hóa của cơ thể. Có nhiều yếu tố khác nhau có thể dẫn tới viêm gan, chẳng hạn như virus, hóa chất, lạm dụng rượu hoặc thuốc điều trị.
Virus là nguyên nhân gây viêm gan phổ biến nhất, và ba loại virus thường gặp nhất là virus viêm gan A, virus Viêm gan B và virus viêm gan C.
Viêm gan virus có thể không biểu hiện triệu chứng trong thời gian đầu sau khi nhiễm virus. Các dấu hiệu thường gặp khi bệnh biểu hiện bao gồm: mệt mỏi, buồn nôn, chán ăn, đau bụng, Sốt nhẹ, vàng da, vàng củng mạc mắt.
2. Virus Viêm gan A và viêm gan virus A
Viêm gan virus A là một bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan nhanh từ người sang người. Đây thường là một bệnh nhẹ, đôi khi nhẹ đến mức người mắc bệnh không nhận ra mình bị bệnh. Viêm gan virus A thường tự khỏi, và cơ thể sẽ đào thải hết virus Viêm gan A (không có tình trạng nhiễm virus mạn tính).
Virus viêm gan A lây truyền qua con đường tiêu hóa (đường phân - miệng), chính vì vậy tiêu thụ đồ ăn, thức uống không đảm bảo vệ sinh sẽ có nguy cơ cao lây nhiễm. Những đồ ăn hay bị ô nhiễm virus nhất gồm các loại động vật có vỏ, trái cây, rau xanh, các đồ ăn sống,... Những nơi đông đúc, chật chội, những địa điểm sinh sống tập thể, những nơi ý thức vệ sinh kém sẽ chịu ảnh hưởng nặng nhất của virus viêm gan A..
3. Virus Viêm gan B và viêm gan virus B
Nhiều người bị viêm gan virus B nhưng chỉ xuất hiện các triệu chứng nhẹ trong thời gian ngắn, sau đó tự bình phục.
Nhưng có một số người không có khả năng đào thải virus khỏi cơ thể, dẫn tới nhiễm virus viêm gan B mạn. Riêng trẻ nhỏ nhiễm virus viêm gan B chiếm 90% trường hợp sẽ mang virus mạn. Theo thời gian virus viêm gan B sẽ gây tổn thương gan, khiến chức năng gan suy giảm, và tình huống xấu nhất là xảy ra ung thư gan.
Virus viêm gan B lây nhiễm cho người không mang virus khi họ tiếp xúc với máu, dịch cơ thể có chứa virus, trong các trường hợp như sử dụng chung bơm kim tiêm, quan hệ Tình dục không an toàn,...
Nếu thai phụ mang virus viêm gan B thì có thể lây truyền sang thai nhi trong quá trình sinh nở. Sử dụng chung những vật dụng có khả năng dính máu (dao cạo râu, bàn chải đánh răng,...) cũng là những hành động tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm. Virus viêm gan B không lây truyền qua những động tác như ôm, ho, hắt hơi, ăn uống chung,...
4. Virus viêm gan C và viêm gan virus C
Khoảng 25% số người nhiễm virus viêm gan C sẽ đào thải được virus ra khỏi cơ thể sau một thời gian, còn những trường hợp còn lại sẽ mang virus viêm gan C mạn tính.
Viêm gan virus C mạn gây rất nhiều hậu quả, trong đó nghiêm trọng nhất là Suy gan và ung thư gan. Tuy nhiên hiện đã có những phác đồ điều trị viêm gan virus C hiệu quả.
Virus viêm gan C lây truyền qua tiếp xúc với máu nhiễm virus, bao gồm các hành động như: Sử dụng chung bơm kim tiêm, xăm mình hoặc đeo khuyên với các dụng cụ không đảm bảo vô khuẩn,...
Quan hệ Tình dục không an toàn. Thai phụ mang virus viêm gan C cũng có thể lây truyền sang thai nhi, dù hiếm gặp.
5. Có thể phòng tránh virus viêm gan bằng vắc - xin được không?
Phòng tránh các bệnh do virus gây ra bằng vắc - xin là phương pháp hiệu quả nhất cho tới nay. Virus viêm gan C hiện chưa có vắc - xin, nhưng Virus viêm gan A và virus viêm gan B có thể được phòng ngừa hiệu quả bằng nhiều loại vắc - xin khác nhau.
Bài viết tham khảo nguồn: Webmd.com