1. Con đường lây truyền từ mẹ sang con của virus Viêm gan B
Khoảng 90% số trẻ có mẹ có cả HBsAg và HBeAg dương tính và từ 5 tới 20% số trẻ có mẹ HBsAg dương tính, HBeAg âm tính bị lây nhiễm virus viêm gan B mà không được dự phòng. Yếu tố nguy cơ quan trọng trong đường lây truyền từ mẹ sang con là nồng độ HBV DNA của người mẹ. Đa số các trường hợp dự phòng sau phơi nhiễm từ mẹ sang con ở trẻ thất bại xảy ra khi nồng độ HBV DNA của người mẹ ở ngưỡng ≥ 106 đến ≥ 108 copies/mL. Nếu bị nhiễm virus Viêm gan B trong lúc đang Mang thai thì nhiễm khi đang ở ba tháng cuối thai kỳ sẽ có nguy cơ lây truyền từ mẹ sang con cao nhất. Lây truyền từ mẹ sang con có thể xảy ra trong quá trình Mang thai hoặc trong lúc sinh nở.
- Tiền phôi và biện pháp hỗ trợ sinh sản: virus viêm gan B đã được phát hiện trong tinh trùng, noãn và phôi. Một số dữ liệu giới hạn gợi ý sự lây truyền virus viêm gan B có thể xảy ra từ những dòng tế bào mầm. Nguy cơ lây truyền virus viêm gan B từ những người mang virus mạn trong quá trình hỗ trợ sinh sản hiện chưa rõ ràng, nhưng đường lây truyền trên lý thuyết là có thể xảy ra.
- Trước khi sinh: nguy cơ lây truyền trong tử cung hiện chưa rõ nhưng được đánh giá là có nguy cơ thấp. Sự hiện diện của HBeAg ở người mẹ có mối liên hệ với nồng độ HBV DNA cao hơn, và HBeAg là cấu trúc protein duy nhất của virus viêm gan B có thể đi qua hàng rào nhau thai. Một số tác giả phỏng đoán HBeAg có thể gây ra nhiễm virus viêm gan B mạn dựa trên cơ sở rằng trong tử cung virus viêm gan B không bị tế bào T tiêu diệt. Một nghiên cứu bệnh - chứng đã cho thấy nguy cơ lây truyền từ mẹ sang con sau khi chọc dịch ối (3/6) cao hơn đáng kể so với nhóm chứng (3/67) chỉ khi nồng độ HBV DNA của thai phụ ≥ 107 copies/mL.
- Trong khi sinh nở: lây truyền từ mẹ sang con trong quá trình sinh nở là thường gặp nhất. Sự phơi nhiễm xảy ra thông qua truyền máu giữa máu mẹ và thai nhi, thông qua sự xâm nhập tại niêm mạc hoặc qua vết thương ở da. Phát hiện HBV DNA trong máu cuống rốn có thể là chỉ điểm đã xảy ra lây truyền từ mẹ sang con, nhưng cũng có thể chỉ là sự truyền máu giữa mẹ và con trong quá trình chuyển dạ và sinh nở, hoặc là mẫu máu cuống rốn đã bị ô nhiễm.
Trong đa số các nghiên cứu không tìm thấy sự khác biệt của việc lây truyền từ mẹ sang con giữa sinh con bằng phẫu thuật và sinh con qua đường âm đạo ở những đứa trẻ được thực hiện dự phòng sau phơi nhiễm. Tuy có một nghiên cứu cho thấy những ca mổ đẻ có chọn lọc có thể làm giảm nguy cơ lây truyền từ mẹ sang con ở những người mẹ HBeAg dương tính với nồng độ HBV DNA trước sinh ≥ 106 copies/mL, nhưng tại Hoa Kỳ không khuyến cáo hình thức Sinh mổ để làm giảm nguy cơ lây truyền từ mẹ sang con.
2. Sàng lọc thai phụ để ngăn ngừa nhiễm virus viêm gan B chu sinh
Theo khuyến cáo của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (Centers for Disease Control and Prevention - CDC) Hoa Kỳ, để xác định và quản lý việc nhiễm virus viêm gan B ở các thai phụ cần phải:
- Tất cả các phụ nữ mang thai cần phải được làm xét nghiệm HBsAg từ ngay những lần khám thai đầu (ví dụ như trong ba tháng đầu) đối với mỗi một lần mang thai, thậm chí ngay cả khi trước đây đã từng được sử dụng vắc - xin phòng virus viêm gan B hay đã từng được xét nghiệm viêm gan. Xét nghiệm những thai phụ đã biết nhiễm virus viêm gan B mạn cung cấp dữ liệu về kết quả HBsAg dương tính trong thai kỳ và để đảm bảo chắc chắn đứa trẻ sẽ được dự phòng đúng lúc.Những thai phụ chưa được xét nghiệm trước sinh, những người bị viêm gan, và những người có nguy cơ nhiễm virus viêm gan B cao (ví dụ như đã hoặc đang tiêm chích ma túy, quan hệ Tình dục với hơn một người trong 6 tháng gần nhất, có chồng là người HBsAg dương tính, đã từng được chẩn đoán và điều trị bệnh lây truyền qua đường tình dục,...) nên được xét nghiệm ngay khi nhập viện để chuẩn bị cho chuyển dạ.
- Tất cả các thai phụ có HBsAg dương tính nên được kiểm tra HBV DNA để có định hướng sử dụng liệu pháp kháng virus nhằm ngăn ngừa nhiễm virus viêm gan B trước sinh.
- Hiệp hội nghiên cứu bệnh lý gan Hoa Kỳ (American Association for the Study of Liver Diseases - AASLD) đề xuất liệu pháp kháng virus sẽ được sử dụng khi HBV DNA của thai phụ > 200 000 IU/mL.
- Tất cả thai phụ có HBsAg dương tính đều cần được quản lý thai nghén đầy đủ và được đảm bảo chắc chắn rằng đứa trẻ khi sinh ra được thực hiện dự phòng lây nhiễm đúng lúc và theo dõi đầy đủ. Kết quả HBsAg dương tính cần được cung cấp cho cơ sở y tế nơi thai phụ định chọn làm nơi sinh nở và nơi đứa trẻ mới sinh sẽ được chăm sóc.
- Tất cả các thai phụ có HBsAg dương tính cần được tư vấn đầy đủ thông tin về virus viêm gan B, về liệu pháp kháng virus, tầm quan trọng của việc dự phòng cho đứa trẻ mới sinh (sử dụng vắc - xin phòng virus viêm gan B và kháng thể miễn dịch đặc hiệu kháng virus viêm gan B trong 12 giờ đầu sau sinh), hoàn thành liệu trình sử dụng vắc - xin phòng virus viêm gan B, và xét nghiệm Huyết thanh học miễn dịch sau khi sử dụng vắc - xin.
Bài viết tham khảo nguồn: CDC và NCBI