1. Virus Viêm gan B và con đường lây truyền
Virus viêm gan B (hepatitis B virus - HBV) là một loại virus DNA thuộc chi Orthohepadnavirus, họ Hepadnaviridae. Virus viêm gan B là 1 trong 3 loại virus gây viêm gan phổ biến nhất hiện nay (2 loại kia là virus Viêm gan A và virus viêm gan C).
Virus viêm gan B có khả năng lây truyền mạnh hơn từ 50 tới 100 lần so với virus gây Suy giảm miễn dịch ở người (human immunodeficiency virus - HIV) - loại virus gây nên hội chứng Suy giảm miễn dịch mắc phải (acquired immunodeficiency syndrome - AIDS). Những người nhiễm virus viêm gan B mạn tính là những người có kháng nguyên bề mặt của virus viêm gan B (hepatitis B surface antigen - HBsAg) trong huyết tương tồn tại kéo dài từ 6 tháng trở lên, và đây là nguồn lây truyền chính của virus viêm gan B.
Virus viêm gan B lây truyền bằng cách máu hoặc dịch cơ thể tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc, với các chỗ da không toàn vẹn hoặc qua con đường xuyên qua da. Virus viêm gan B có nồng độ cao nhất trong máu; tinh dịch, dịch tiết âm đạo, dịch Não tủy, dịch khớp, dịch màng phổi, dịch màng bụng, dịch màng tim, và dịch ối cũng là những loại dịch có thể gây lây nhiễm. Ngoài ra virus viêm gan B còn có thể được tìm thấy trong nước bọt, nước mắt, dịch mật, phân, nước tiểu, chất nôn, dịch rửa tỵ hầu, đờm và mồ hôi cũng như sữa mẹ, nhưng số lượng virus không nhiều nên hiếm khi có nguy cơ lây truyền, trừ khi chúng có lẫn máu.
2. Vì sao mẹ nhiễm virus viêm gan B mà vẫn an toàn nếu cho con bú?
Kháng nguyên bề mặt của virus viêm gan B tuy đã được phát hiện có trong sữa mẹ nhưng với một lượng nhỏ. Trong nhiều năm nghi ngại về sự an toàn của việc nuôi con bằng sữa mẹ ở những người nhiễm virus viêm gan B không phải là không có cơ sở. Để xác định tính an toàn, nhiều nghiên cứu đã được tiến hành như:
- Một nghiên cứu ở Đài Loan theo dõi trên 147 trẻ được sinh ra có mẹ đã xác định là người mang virus viêm gan B không tìm thấy sự khác biệt về tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B giữa 92 trẻ được bú mẹ và 55 trẻ bú bình.
- Một nghiên cứu khác ở Vương quốc Anh trên 126 trẻ cũng không thấy sự gia tăng nguy cơ ở những trẻ bú mẹ so với trẻ bú bình. Nghiên cứu này cũng khảo sát cả tình trạng HBeAg của người mẹ, nhưng không tìm thấy mối liên hệ giữa tình trạng kháng nguyên e và khả năng lây truyền.
Từ những kết quả nghiên cứu trên có thể thấy nguy cơ lây truyền virus viêm gan B qua sữa mẹ là rất không đáng kể so với nguy cơ cao từ việc phơi nhiễm với máu và dịch của mẹ trong quá trình sinh nở. Tuy nhiên các chuyên gia về gan vẫn có những lo ngại đối với trường hợp đầu vú mẹ bị nứt hoặc chảy máu, hoặc tồn tại vết thương chảy dịch nặng có thể làm cho đứa trẻ bị phơi nhiễm với virus viêm gan B. Trong những trường hợp này, người mẹ nên tạm ngừng việc cho con bú. Để không bị mất sữa, người mẹ có thể vắt bỏ sữa cho đến khi vết thương lành hẳn, sau đó tiếp tục cho con bú như bình thường.
3. Phòng ngừa lây nhiễm cho trẻ mới sinh có mẹ là người nhiễm virus viêm gan B
Khuyến cáo của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (Centers for Disease Control and Prevention - CDC) Hoa Kỳ đối với những trẻ sinh ra có mẹ HBsAg dương tính:
- Sử dụng cho trẻ cả kháng thể miễn dịch đặc hiệu kháng virus viêm gan B và vắc - xin phòng virus viêm gan B trong vòng 12 giờ kể từ khi trẻ được sinh ra (tiêm ở 2 vị trí khác nhau). Chỉ nên sử dụng loại vắc - xin phòng virus viêm gan B đơn giá.
- Toàn bộ liệu trình sử dụng vắc - xin phòng virus viêm gan B nên được hoàn thành theo lịch khuyến cáo cho trẻ sinh ra có mẹ HBsAg dương tính. Liều cuối cùng của vắc - xin không nên được sử dụng trước tuần tuổi thứ 24 (ngày tuổi thứ 164).
- Nếu trẻ sinh ra có cân nặng dưới 2000 gram, liều vắc - xin phòng virus viêm gan B đầu tiên khi mới sinh sẽ không được tính vào tổng 3 liều vắc - xin phòng virus viêm gan B sử dụng sau này, bởi những trẻ này có thể xuất hiện khả năng giảm đáp ứng miễn dịch. 3 liều vắc - xin sẽ bắt đầu được sử dụng khi trẻ 1 tháng tuổi, liều cuối cùng của vắc - xin không nên được sử dụng trước tuần tuổi thứ 24 (ngày tuổi thứ 164).
- Khi trẻ được 9 đến 12 tháng tuổi cần làm xét nghiệm HBsAg và anti - HBs (xét nghiệm anti - HBs cần được làm theo phương pháp có thể phát hiện nồng độ anti - HBs có ý nghĩa bảo vệ là ≥ 10 mIU/mL). Xét nghiệm không nên được thực hiện trước khi trẻ đủ 9 tháng tuổi để tránh anti - HBs từ việc sử dụng kháng thể miễn dịch đặc hiệu kháng virus viêm gan B có thể vẫn còn dương tính dẫn tới làm sai lệch kết quả xét nghiệm, và làm tối đa khả năng phát hiện nhiễm virus viêm gan B muộn. Anti - HBc không khuyến cáo làm bởi anti - HBc truyền từ mẹ sang có thể tồn tại tới khi trẻ được 24 tháng.
Trẻ có HBsAg âm tính với nồng độ anti - HBs ≥ 10 mIU/mL đồng nghĩa trẻ đã được bảo vệ và không cần xử trí gì thêm.
Trẻ có HBsAg âm tính với nồng độ anti - HBs < 10 mIU/mL nên được sử dụng lại 1 liều vắc - xin phòng virus viêm gan B và xét nghiệm lại sau đó 1 - 2 tháng. Nếu nồng độ anti - HBs vẫn < 10 mIU/mL, trẻ sẽ cần được sử dụng tiếp 2 liều vắc - xin nữa, sau đó xét nghiệm lại sau 1 - 2 tháng kể từ liều vắc - xin cuối.
Dựa trên tình huống lâm sàng hoặc lựa chọn của gia đình, trẻ có HBsAg âm tính với nồng độ anti - HBs < 10 mIU/mL có thể sử dụng lại vắc - xin với 3 liều hoàn chỉnh rồi mới tiến hành xét nghiệm lại sau liều cuối cùng từ 1 - 2 tháng.
Các dữ liệu hiện có không gợi ý bất kì lợi ích nào của việc sử dụng thêm vắc - xin phòng virus viêm gan B ở trẻ không đạt được nồng độ anti - HBs ≥ 10 mIU/mL sau khi đã dùng 2 liệu trình vắc - xin hoàn chỉnh.
Những trẻ có HBsAg dương tính nên được theo dõi thích hợp sau này.
- Mẹ nhiễm virus viêm gan B cho con bú được ngay lập tức sau sinh nếu trẻ đã được dự phòng miễn dịch sau lây nhiễm.
- Nếu trẻ chuyển tới chăm sóc ở cơ sở y tế khác, thông tin về việc sử dụng vắc - xin phòng virus viêm gan B cũng như việc sử dụng kháng thể miễn dịch đặc hiệu kháng virus viêm gan B cần được thông báo đầy đủ cho nơi chuyển tới để có kế hoạch thích hợp.
Bài viết tham khảo nguồn: WHO và CDC