6 dấu hiệu phổ biến của bệnh tim mạch

Nhận biết sớm 6 dấu hiệu của bệnh tim mạch cũng chính là bảo vệ cho bản thân và người thân trong gia đình bạn tránh những biến chứng nguy hiểm.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Bệnh Tim mạch là gì?

Bệnh tim mạch là các tình trạng liên quan tới sức khỏe của trái tim. Các bệnh tim liên quan bao gồm:

  • Các bệnh mạch máu, ví dụ như bệnh động mạch vành;
  • Vấn đề về nhịp tim, hay còn gọi là loạn nhịp tim;
  • Khuyết tật tim bẩm sinh.

Thuật ngữ “bệnh tim” thường được sử dụng thay thế cho thuật ngữ “bệnh tim mạch.” Bệnh tim mạch thường đề cập đến các vấn đề liên quan đến việc hẹp hoặc tắc nghẽn mạch máu có thể dẫn đến một cơn đau tim, đau ngực (đau thắt ngực) hoặc đột quỵ. Một số vấn đề về tim khác, ví dụ như những người có ảnh hưởng đến cơ bắp, van tim hoặc nhịp tim, cũng được coi là một dạng của bệnh tim.

2. 6 dấu hiệu thường gặp của bệnh tim mạch

2.1. Đau ngực nghĩ do tim

Mặc dù đau ngực thường gặp ở bệnh tim mạch, tuy nhiên một số trường hợp người bệnh tim mạch chỉ cảm giác mơ hồ chứ chưa hẳn là đau thực sự. Mô tả về một cơn đau ngực do nhồi máu cơ tim hoặc bệnh tim mạch thông thường có một hoặc vài dấu hiệu sau:

  • Cảm giác căng, nóng, ép chặt hay bóp nghẹt lồng ngực
  • Đau lan sau lưng, vùng cổ, hàm, vai và 1 hoặc cả 2 cánh tay
  • Cơn đau kéo dài hơn vài phút, cảm giác nặng hơn khi gắng sức hay vận động, cơn đau hết sau đó quay trở lại tần suất và cường độ có thể thay đổi.
  • Khó thở
  • Đổ mồ hôi
  • Chóng mặt hoặc cảm giác yếu ớt hẳn
  • Nôn ói hoặc ói

Ngoài ra, đau tức ngực còn là biểu hiện của nhiều bệnh lý khác từ nhẹ đến nặng, tuy nhiên bệnh tim mạch là phổ biến nhất, và cũng là nguy hiểm nhất, cần phải phát hiện và điều trị sớm. Vì vậy nên bạn đừng bao giờ phớt lờ triệu chứng đau tức ở vùng ngực, cho dù chỉ là thoáng qua.

2.2. Đánh trống ngực là dấu hiệu bệnh tim mạch

Đánh trống ngực là tình trạng đập bất thường của tim, và cũng là triệu chứng khá phổ biến báo hiệu bệnh tim mạch. Hầu hết bệnh nhân mô tả về tình trạng đánh trống ngực giống như sự lệch nhịp của tim (gần như tim tạm dừng hoạt động, thường theo sau một nhịp đập đặc biệt mạnh) hoặc nhịp tim nhanh, chậm bất thường.

Như vậy, rối loạn nhịp tim, hay nhịp tim bất thường, chính là nguyên nhân gây ra tình trạng đánh trống ngực của bệnh nhân. Có rất nhiều loại Loạn nhịp tim mà bệnh nhân có thể gặp phải, và gần như tất cả chúng đều có xu hướng khiến cho tim đập nhanh hơn. Bệnh nhân có thể nhận ra tình trạng này trong hồ sơ bệnh án của mình với những cái tên như: ngoại tâm thu nhĩ , Ngoại tâm thu thất, Rung nhĩ Nhịp tim nhanh trên thất. Một số trường hợp đánh trống ngực khi tim bất chợt đập rất nhanh (như rung nhĩ, nhịp nhanh trên thất) và cần phải đến bệnh viện ngay lập tức.

2.3. Cảm thấy hoa mắt chóng mặt

Chóng mặt, choáng váng thường gặp ở bệnh nhân trên 65 tuổi, khoảng 30% trường hợp.

Chóng mặt có thể do Não không nhận đủ máu, bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân sau:

  • Xơ vữa động mạch
  • Thiếu máu
  • Thiếu nước/mất nước
  • Tăng đường huyết
  • Rối loạn nhịp tim
  • Tụt huyết áp tư thế
  • Đột quỵ
  • Cơn thoáng thiếu máu não

2.4. Ngất xỉu và mất ý thức báo hiệu bệnh tim mạch

Ngất xỉu được lý giải là sự mất tạm thời hoặc đột ngột của ý thức. Đây cũng là triệu chứng khá phổ biến đối với hầu hết mọi người. Chúng ta thường nhận xét rằng, ngất xỉu là do tình trạng căng thẳng, hốt hoảng hoặc lo sợ, chỉ cần nghỉ ngơi, giữ bình tĩnh là hết. Tuy nhiên, đôi khi ngất xỉu lại là dấu hiệu của một bệnh tim mạch nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng. Đó là khi lượng máu đến Não hoặc oxy trong máu bị giảm đột ngột, cơ thể phải phản ứng lại bằng cách “tắt bớt” hoạt động của các cơ quan. Vì vậy, khi thấy một người đột ngột ngất đi, thì ngay sau đó phải tìm ra nguyên nhân. Một số bệnh lý tim mạch khiến cho bệnh nhân có thể ngất xỉu, bao gồm: Ngất do nhịp tim chậm, hội chứng nhịp nhanh-nhịp chậm, hạ huyết áp tư thế, hẹp van động mạch chủ, hẹp động mạch phổi, ...

Ngoài ra, còn có những nguyên nhân khác gây ra ngất, được tập hợp thành các nhóm: nhóm thần kinh, nhóm chuyển hóa, nhóm vận mạch. Tuy nhiên, chỉ có ngất do tim mạch có thể dẫn đến cái một chết đột ngột, không báo trước (đột tử).

2.5. Mệt mỏi và buồn ngủ vào ban ngày

Mệt mỏi và hay ngủ vào ban ngày là một trong những triệu chứng của bệnh tim mạch. Mệt mỏi có thể được xem là không thể tiếp tục hoạt động như ở mức của một người khỏe mạnh bình thường. Một trong những nguyên nhân tim mạch gây ra hiện tượng này là suy tim.

Buồn ngủ vào ban ngày thường là do người bệnh bị rối loạn giấc ngủ vào ban đêm, chẳng hạn như ngưng thở khi ngủ, hoặc đơn thuần là mất ngủ. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là tất cả các loại Rối loạn giấc ngủ đều thường gặp hơn ở các bệnh nhân tim mạch.

2.6. Bệnh tim mạch gây triệu chứng khó thở

Suy tim và bệnh Mạch vành là một trong những nguyên nhân nghiêm trọng gây ra dấu hiệu khó thở. Bệnh nhân suy tim thường khó thở khi gắng sức, nặng hơn có thể khó thở cả khi nằm nghỉ. Vào ban đêm, đôi khi bệnh nhân đang ngủ đột nhiên thức dậy rồi thở hổn hển, tình trạng này được gọi là “khó thở kịch phát về đêm”. Một số bệnh lý tim mạch khác, như các bệnh liên quan đến van tim, rối loạn nhịp tim, bệnh lý hô hấp, đều có thể gây ra khó thở.

Ngay khi có những dấu hiệu trên, cần đi khám sớm để được chẩn đoán bệnh và điều trị kịp thời.

3. Phòng ngừa bệnh Tim mạch

Làm thế nào bạn có thể hạn chế diễn tiến của bệnh tim (bệnh tim mạch)?

Bệnh tim mạch có thể được cải thiện – hoặc thậm chí ngăn ngừa được – bằng cách thay đổi lối sống nhất định. Những thay đổi sau đây có thể giúp bạn cải thiện sức khỏe tim mạch:

  • Bỏ hút thuốc;
  • Kiểm soát các tình trạng sức khỏe khác, chẳng hạn như huyết áp cao, cholesterol cao và bệnh tiểu đường;
  • Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày trong tuần;
  • Ăn một khẩu phần ăn ít muối và chất béo bão hòa;
  • Duy trì trọng lượng khỏe mạnh;
  • Giảm căng thẳng;
  • Giữ vệ sinh tốt.

4. Chế độ ăn hỗ trợ tim mạch

Các nhà khoa học chứng minh chế độ ăn hợp lý sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch. Một số điểm cần lưu ý trong chế độ ăn phù hợp với sức khỏe tim mạch như sau:

  • Giảm muối: chế độ ăn giảm muối giúp giảm và kiểm soát tăng huyết áp.
  • Giàu kali: thiếu kali làm ảnh hưởng tới huyết áp, gây rối loạn nhịp tim. Chế độ ăn bổ sung kali giúp kiểm soát huyết áp hiệu quả hơn. Các thức ăn giàu kali bao gồm chuối, cam, lê, mận chín…
  • Nhiều rau, trái cây, ngũ cốc..
  • Tránh thức ăn chế biến sẵn.
  • Dùng dầu ăn thay vì dùng mỡ động vật để tránh chất béo bão hòa.
  • Mua thịt chưa chế biến, bạn chế biến bằng đồ không có chất béo bão hòa và transfat.
  • Tránh thức ăn và đồ uống có nhiều đường.
  • Bạn đừng dùng bơ kèm mayonaise khi chế biến thức ăn, bạn chỉ nên dùng một trong hai thứ này mà thôi.
  • Bạn có thể uống rượu với lượng rượu vừa phải
  • Nếu có thể, bạn nên đến bác sỹ dinh dưỡng để được tư vấn về chế độ ăn hợp lý.
  • Chế độ ăn vùng Địa Trung Hải giúp làm giảm yếu tố nguy cơ tim mạch. Nguyên lý của chế độ ăn này là: nhiều rau, nhiều quả, nhiều cá ăn kèm với bánh mì, ngũ cốc, khoai tây, đậu, củ, sữa chua… ngoài ra chế độ ăn này có rất ít thịt, ít chất béo (bơ, dầu dừa, dầu cọ, thịt) thay vào đó là nhiều chất béo không bão hòa (dầu ôliu); cuối cùng chế độ ăn này kèm theo một chút rượu đỏ.
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung