1. Viêm đại tràng giả mạc là gì?
Viêm đại tràng giả mạc (còn gọi là viêm đại tràng liên quan tới kháng sinh, viêm đại tràng Clostridium difficile) là một Tình trạng viêm ở đại tràng có liên quan tới sự sinh sản quá mức của vi khuẩn Clostridium difficile (C. difficile).
Sự sinh sản quá mức của C. difficile thường liên quan tới quá trình nằm viện có điều trị kháng sinh trước đó. Nhiễm khuẩn C. difficile thường gặp ở những bệnh nhân trên 65 tuổi.
2. Các triệu chứng của viêm đại tràng giả mạc
Các dấu hiệu viêm đại tràng giả mạc có thể xuất hiện là:
- Tiêu chảy (với phân rất nhiều nước).
- Đau bụng, đau quặn hoặc ấn đau thực thể.
- Sốt.
- Phân có nhày hoặc có mủ.
- Buồn nôn.
- Mất nước.
Các triệu chứng của viêm đại tràng giả mạc có thể xuất hiện rất sớm, chỉ sau khi sử dụng thuốc kháng sinh từ 1 đến 2 ngày; nhưng cũng có thể rất lâu sau khi đã kết thúc sử dụng kháng sinh, tới hàng tháng (hoặc thậm chí lâu hơn) bệnh mới khởi phát.
Hãy liên hệ với bác sĩ nếu xuất hiện tiêu chảy (dù chỉ là tiêu chảy nhẹ) khi đang (hoặc gần đây có) sử dụng thuốc kháng sinh. Hãy đi khám càng sớm càng tốt nếu như tiêu chảy mức độ nặng, kèm theo sốt, đau quặn bụng, hoặc xuất hiện nhày hoặc máu trong phân.
3. Nguyên nhân gây viêm đại tràng giả mạc
Trong đại tràng của con người chứa rất nhiều loại vi khuẩn nhưng chúng tồn tại hòa bình với nhau trong một sự cân bằng. Việc sử dụng các thuốc điều trị, bao gồm cả kháng sinh, có thể khiến sự cân bằng này mất đi. Viêm đại tràng giả mạc xảy ra khi có loại vi khuẩn nhất định (thường là C. difficile) phát triển quá nhanh, lấn át các loại vi khuẩn khác. Số lượng các độc tố do vi khuẩn C. difficile tiết ra cũng vì thế mà tăng cao hơn hẳn, gây tổn thương tới đại tràng.
Mặc dù loại kháng sinh nào cũng có nguy cơ gây ra viêm đại tràng giả mạc, nhưng trên thực tế có một số loại kháng sinh có mối liên hệ với viêm đại tràng giả mạc nhiều hơn so với những loại khác, bao gồm:
- Fluoroquinolone, chẳng hạn như ciprofloxacin (Cipro) và levofloxacin.
- Penicillin, chẳng hạn như amoxicillin và ampicillin.
- Clindamycin (Cleocin).
- Cephalosporin, chẳng hạn như cefixime (Suprax).
Bên cạnh kháng sinh, việc sử dụng các thuốc điều trị khác đôi khi cũng gây ra viêm đại tràng giả mạc. Các thuốc sử dụng trong hóa trị để điều trị ung thư cũng có khả năng làm mất sự cân bằng bình thường của hệ vi khuẩn trong đại tràng.
Một số bệnh lí nhất định cũng ảnh hưởng tới đại tràng, chẳng hạn như Viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn cũng có thể dẫn tới viêm đại tràng giả mạc.
Các bào tử của C. difficile có khả năng kháng với nhiều chất diệt khuẩn thông thường và có thể lan truyền thông qua bàn tay. Thậm chí C. difficile được báo cáo cả ở những người không có bất kì yếu tố nguy cơ nào, bao gồm cả những người không sử dụng dịch vụ y tế hay không dùng kháng sinh trong quá khứ gần. Những trường hợp này gọi là mắc phải C. difficile cộng đồng.
4. Các yếu tố nguy cơ của viêm đại tràng giả mạc
Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện viêm đại tràng giả mạc bao gồm:
- Sử dụng thuốc kháng sinh.
- Nằm điều trị tại bệnh viện hoặc các cơ sở y tế.
- Tuổi cao, đặc biệt là những người trên 65 tuổi.
- Có hệ miễn dịch bị suy yếu.
- Đã mắc bệnh lí đại tràng, chẳng hạn như bệnh Viêm loét đại tràng hoặc ung thư đại trực tràng.
- Đã trải qua phẫu thuật tiêu hóa.
- Đang điều trị ung thư bằng hóa trị.
5. Biến chứng của viêm đại tràng giả mạc
Việc điều trị viêm đại tràng giả mạc thường sẽ thành công, tuy nhiên ngay cả khi được chẩn đoán và điều trị kịp thời thì viêm đại tràng giả mạc cũng có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân. Các biến chứng có thể xảy ra bao gồm:
- Mất nước: Tiêu chảy mức độ nặng có thể dẫn tới Mất nước và điện giải nặng. Điều này khiến cơ thể khó có thể hoạt động bình thường và tình trạng tụt huyết áp nguy hiểm có thể xảy ra.
- Suy thận: Trong một số trường hợp tình trạng Mất nước có thể diễn tiến rất nhanh khiến chức năng thận cũng suy giảm nhanh chóng.
- Phình đại tràng nhiễm độc: Đây là một tình huống hiếm khi xảy ra, đại tràng không có nhu động để đẩy phân và hơi xuống dưới, khiến chúng ứ lại và làm cho đại tràng dãn to (phình đại tràng). Nếu không được điều trị, đại tràng phình to có thể vỡ ra, gây nhiễm khuẩn khoang ổ bụng. Phình đại tràng (và trường hợp phình đã bị vỡ) là cấp cứu ngoại khoa cần can thiệp phẫu thuật, bởi nó có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân.
- Thủng đại tràng: Đây cũng là biến chứng hiếm gặp và là hậu quả của tổn thương lan rộng của đại tràng hoặc của phình đại tràng nhiễm độc. Thủng đại tràng sẽ khiến vi khuẩn từ lòng đại tràng xâm nhập vào khoang ổ bụng và gây viêm phúc mạc.
- Tử vong: Dù nhiễm khuẩn C. difficile chỉ ở mức độ nhẹ hay trung bình nhưng không được điều trị kịp thời sẽ tiến triển rất nhanh và có thể dẫn tới tử vong
Bên cạnh đó, viêm đại tràng giả mạc đôi khi tái phát, có thể là sau vài ngày hoặc thậm chí là nhiều tuần kể từ khi điều trị thành công.
6. Chẩn đoán viêm đại tràng giả mạc
Để chẩn đoán xác định và chẩn đoán biến chứng của viêm đại tràng giả mạc, bác sĩ có thể cần chỉ định:
- Xét nghiệm phân: Có nhiều loại xét nghiệm phân khác nhau để phát hiện việc nhiễm C. difficile ở đại tràng.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu có thể xác định tình trạng viêm đang diễn ra.
- Nội soi toàn bộ đại tràng hoặc Nội soi đại tràng sigma: Qua nội soi bác sĩ có thể xác định được tình trạng viêm của đại tràng qua các dấu hiệu tổn thương.
- Chẩn đoán hình ảnh: Bác sĩ có thể chỉ định chụp X-quang ổ bụng, hoặc chụp cắt lớp vi tính ổ bụng để tìm các biến chứng của bệnh.
7. Điều trị viêm đại tràng giả mạc
Chiến lược điều trị đối với viêm đại tràng giả mạc bao gồm:
- Ngừng sử dụng thuốc kháng sinh hoặc thuốc điều trị gây ra các dấu hiệu và triệu chứng (nếu có thể).
- Sử dụng thuốc kháng sinh có hiệu quả chống lại vi khuẩn C. difficile: Thuốc kháng sinh có thể được dùng qua các đường sử dụng khác nhau (uống, tiêm tĩnh mạch,...) và loại thuốc được chọn có khả năng chống lại C. difficile như metronidazole (Flagyl), vancomycin, fidaxomicin (Dificid),...
- Cấy ghép vi sinh vật trong phân (fecal microbial transplantation - FMT): Được thực hiện trong các trường hợp bệnh rất nghiêm trọng.
- Phẫu thuật: Khi có các biến chứng như phình đại tràng, thủng đại tràng,...
8. Phòng tránh viêm đại tràng giả mạc
Để phòng tránh viêm đại tràng giả mạc, các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn đối với C. difficile (và phòng chống nhiễm khuẩn nói chung) cần được tuân thủ chặt chẽ. Các biện pháp bao gồm:
- Rửa tay: Thực hiện rửa tay theo các thời điểm được khuyến cáo của phòng chống nhiễm khuẩn.
- Cách ly bệnh nhân.
- Thực hiện tiệt khuẩn cẩn thận để tiêu diệt bào tử của C. difficile.
- Không Lạm dụng thuốc kháng sinh, chỉ được sử dụng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.
Nguồn tham khảo: mayoclinic.org