1. Bệnh tâm thần
Bệnh tâm thần hay còn được gọi là rối loạn sức khỏe tâm thần, sẽ đề cập đến một loạt các tình trạng sức khỏe tâm thần như: rối loạn ảnh hưởng đến tâm trạng, suy nghĩ và hành vi của một người. Ví dụ về bệnh tâm thần bao gồm trầm cảm, rối loạn lo âu, tâm thần phân liệt, rối loạn ăn uống và hành vi gây nghiện.
Bệnh tâm thần có thể khiến người bệnh cảm thấy đau khổ hoặc có thể gây ra các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày như ở nơi làm việc hoặc trong các mối quan hệ. Hầu hết các trường hợp với các triệu chứng của bệnh có thể được kiểm soát bằng sự kết hợp giữa thuốc và liệu pháp nói chuyện (tâm lý trị liệu).
Bệnh tâm thần được cho là gây ra bởi một loạt các yếu tố di truyền và môi trường:
- Bệnh tâm thần phổ biến hơn ở những người có cùng huyết thống cũng bị bệnh tâm thần. Một số gen nhất định có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tâm thần và đôi khi tình trạng cuộc sống cũng có thể là yếu tố kích hoạt nó.
- Trong quá trình mang thai luôn tiếp xúc với các tác nhân gây stress từ môi trường, tình trạng viêm, độc tố, rượu hoặc ma túy cũng có thể liên quan đến bệnh tâm thần.
- Chất dẫn truyền thần kinh là hóa chất Não xuất hiện tự nhiên mang tín hiệu từ Não đến các bộ phận khác của cơ thể. Khi các mạng lưới thần kinh liên quan đến các hóa chất này bị suy yếu, chức năng của các thụ thể thần kinh và hệ thống thần kinh thay đổi, dẫn đến trầm cảm và các rối loạn cảm xúc khác.
2. Các loại bệnh tâm thần thường gặp
2.1. Rối loạn lo âu
Những người bị rối loạn lo âu thường phản ứng với một số đối tượng hoặc tình huống bằng cách sợ hãi, cũng như với các dấu hiệu thể chất của sự lo lắng, hoảng loạn chẳng hạn như Nhịp tim nhanh và đổ mồ hôi.
Rối loạn lo âu được chẩn đoán nếu phản ứng của người đó không phù hợp với tình huống thực tại, hoặc nếu người đó không thể kiểm soát được phản ứng của bản thân cũng như sự lo lắng quá mức khiến cản trở các hoạt động bình thường.
Rối loạn lo âu bao gồm rối loạn lo âu tổng quát, rối loạn lo âu hoảng sợ, rối loạn lo âu xã hội và ám ảnh cụ thể.
2.2. Rối loạn tâm trạng
Rối loạn tâm trạng còn được gọi là rối loạn cảm xúc, liên quan đến cảm giác buồn bã kéo dài hoặc những giai đoạn cảm thấy hạnh phúc quá mức hoặc dao động từ hạnh phúc tột độ đến buồn bã cùng cực. Các rối loạn tâm trạng phổ biến nhất là trầm cảm, rối loạn lưỡng cực và rối loạn cyclothymic.
2.3. Rối loạn tâm thần
Rối loạn tâm thần thường liên quan đến nhận thức và suy nghĩ lệch lạc. Hai trong số các triệu chứng của rối Loạn tâm thần là ảo giác và ảo tưởng. Ảo giác là trải nghiệm về hình ảnh hoặc âm thanh không có thật, chẳng hạn như giọng nói. Còn ảo tưởng đó là niềm tin cố định sai lầm mà người bệnh chấp nhận là đúng, mặc dù có bằng chứng cho sự trái ngược này. Ví dụ về rối Loạn tâm thần là tâm thần phân liệt.
2.4. Rối loạn ăn uống
Rối loạn do ăn uống liên quan đến cảm xúc, thái độ và hành vi cực đoan đến các vấn đề về cân nặng và thực phẩm. Chứng chán ăn, chứng ăn vô độ là những rối loạn ăn uống phổ biến nhất.
2.5. Rối loạn kiểm soát bốc đồng và nghiện
Những người bị rối loạn kiểm soát bốc đồng không thể chống lại được và thường thực hiện các hành vi có hại cho bản thân hoặc người khác. Chứng cuồng phong hỏa, thói ăn cắp vặt, và đánh bài bạc là những ví dụ về chứng rối loạn kiểm soát sự bốc đồng.
Rượu và ma tuý là nguy cơ phổ biến của nghiện. Thông thường, những người mắc chứng rối loạn này trở nên gắn bó với các đối tượng nghiện ngập đến mức họ có thể bỏ qua trách nhiệm và các mối quan hệ khác.
2.6. Rối loạn nhân cách
Những người rối loạn nhân cách có đặc điểm tính cách cực đoan và không linh hoạt, thường gây khó chịu cho chính bản thân hoặc gây ra các vấn đề trong công việc cũng như những mối quan hệ xã hội.
Ngoài ra, lối suy nghĩ và hành vi của người mắc bệnh này thường có hành vi khác biệt so với kỳ vọng của xã hội và cứng nhắc khi tham gia vào các hoạt động bình thường. Ví dụ như rối loạn nhân cách chống đối xã hội, rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế, rối loạn nhân cách hoang tưởng.
2.7. Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)
Những người mắc bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường bị quấy rối bởi suy nghĩ hoặc nỗi sợ hãi liên tục tạo thành thói quen nhất định. Ví dụ, một người có nỗi sợ hãi vô lý đối với vi trùng nên họ liên tục rửa tay.
2.8. Rối loạn căng thẳng sau Chấn thương (PTSD)
Đây là một tình trạng có thể phát triển sau một sự kiện chấn thương chẳng hạn như cái chết bất ngờ của người thân, thảm họa tự nhiên hay sự tấn công về thể xác. Những người bị rối loạn căng thẳng sau Chấn thương thường có những suy nghĩ và ký ức lâu dài đáng sợ về những điều này đồng thời có xu hướng bị tê liệt về cảm xúc.
2.9. Các hội chứng phản ứng căng thẳng (rối loạn điều chỉnh)
Các hội chứng phản ứng căng thẳng xảy ra khi một người phát triển các triệu chứng cảm xúc hoặc hành vi để đáp ứng với một sự kiện hoặc tình huống căng thẳng.
Các yếu tố gây căng thẳng có thể bao gồm: các thảm họa tự nhiên như một trận động đất hoặc lốc xoáy, các sự kiện hoặc khủng hoảng như tai nạn xe, chẩn đoán bệnh nặng, người thân mất,...
Các hội chứng phản ứng căng thẳng thường bắt đầu trong vòng ba tháng kể từ khi sự kiện hoặc tình huống xảy ra và kết thúc trong vòng sáu tháng sau khi các tác nhân gây căng thẳng dùng lại hoặc đã bị loại bỏ.
2.10. Rối loạn phân ly
Rối loạn phân ly trước đây còn được gọi là rối loạn đa nhân cách. Những người mắc rối loạn phân ly sẽ bị rối loạn nghiêm trọng hoặc thay đổi về trí nhớ, ý thức, nhận thức chung về bản thân và môi trường xung quanh.
Những rối loạn này thương liên quan đến căng thẳng quá mức, có thể là kết quả của sự kiện chấn thương, tai nạn hay thảm họa.
2.11. Rối loạn giả tạo
Rối loạn giả tạo là tình trạng rối loạn mà một người cố ý tạo ra hoặc phàn về các triệu chứng về thể chất hoặc cảm xúc để người đó được đóng vai là người bệnh hoặc người cần được giúp đỡ.
2.12. Rối loạn Tình dục và giới tính
Chúng bao gồm các rối loạn ảnh hưởng đến ham muốn tình dục, hiệu suất và hành vi. Rối loạn chức năng tình dục, rối loạn nhận dạng giới tính là những ví dụ về tình trạng bệnh này.
2.13. Rối loạn triệu chứng Somatic
Một người bị rối loạn triệu chứng Somatic trước đây được gọi là rối loạn tâm lý, sẽ trải qua các triệu chứng thực thể của bệnh hoặc sẽ bị đau ở mức đau quá mức.
2.14. Rối loạn Tic
Những người bị rối loạn Tic tạo ra âm thanh hoặc hiển thị qua các chuyển động cơ thể không có mục đích và thường được lặp đi lặp lại nhanh chóng, đột ngột và không thể kiểm soát. Hội chứng Tourette là một ví dụ về rối loạn Tic.
Ngoài ra, một số vấn đề liên quan đến rối loạn giấc ngủ, sa sút trí tuệ hay cả bệnh Alzheimer đôi khi cũng được phân loại là bệnh tâm thần vì nó có liên quan đến não.
Tóm lại, không có cách nào chắc chắn để ngăn ngừa bệnh tâm thần. Tuy nhiên, nếu bạn bị tâm thần thì nên thực hiện các bước kiểm soát căng thẳng, để tăng khả năng phục hồi và kiểm soát các triệu chứng của bệnh. Ngoài ra, bạn nên duy trì cuộc sống với thói quen lành mạnh như ngủ đủ giấc, ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất thường xuyên...
Nguồn tham khảo: webmd.com