Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Các loại vắc xin cần tiêm cho trẻ thanh thiếu niên 11 - 19 tuổi

14/10/2021
Các loại vắc xin cần tiêm cho trẻ thanh thiếu niên 11 - 19 tuổi

Với thanh thiếu niên 11-19 tuổi, những loại vắc-xin cần tiêm để phòng bệnh hiệu quả bao gồm: vắc-xin thủy đậu, viêm gan A, viêm gan B, cúm, HPV, bại liệt,... Tuân thủ đúng lịch tiêm vắc-xin cho trẻ giúp gia củng cố hệ miễn dịch, phòng bệnh hiệu quả nhất.

1. Vì sao cần tiêm vắc-xin?

1.1 Tiêm vắc-xin là gì?

Tiêm vắc-xin là biện pháp đưa kháng nguyên của virus hoặc vi khuẩn gây bệnh vào cơ thể người chưa từng bị nhiễm bệnh và có hệ thống miễn dịch còn nguyên vẹn để kích thích hệ miễn dịch sản xuất các kháng thể chống lại virus, vi khuẩn đó. Đây là biện pháp phòng bệnh chủ động hiệu quả nhất, đang được ứng dụng rộng rãi hiện nay.

1.2 Lợi ích của tiêm vắc-xin

Các bệnh truyền nhiễm gây ảnh hưởng tiêu cực đối với bản thân người bệnh cũng như gia đình và xã hội. Trong đó, trẻ em, thanh thiếu niên là đối tượng bị ảnh hưởng sức khỏe nhiều nhất, do các bệnh truyền nhiễm gây ra. Và biện pháp giúp chủ động phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm hiệu quả nhất chính là tiêm vắc-xin. Lợi ích của việc tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch là:

  • Tạo sức đề kháng chống lại một số bệnh nguy hiểm;
  • Giảm số ngày ốm và nhập viện, giảm chi phí chăm sóc y tế;
  • Tránh được nguy cơ suy dinh dưỡng, biến chứng nguy hiểm hoặc thậm chí là tử vong do các bệnh truyền nhiễm gây ra.

1.3 Các bệnh cần được tiêm vắc-xin phòng ngừa

Trong chương trình tiêm chủng mở rộng, các các mũi tiêm vắc-xin bắt buộc bao gồm: Viêm gan virus B, Ho gà, bạch hầu, lao, uốn ván, bại liệt, sởi, viêm Não Nhật Bản B, bệnh do vi khuẩn Haemophilus influenzae tuýp B (Hib) và Rubella. Trong số 10 loại vắc-xin trên, 2 vắc-xin được chỉ định tiêm bắt buộc cho trẻ sơ sinh là vắc-xin Viêm gan B và cần đyợc tiêm trong vòng 24 giờ đầu sau sinh. Vắc-xin lao tiêm một lần cho trẻ trong vòng 1 tháng đầu sau sinh.

Các loại vắc xin cần tiêm cho trẻ thanh thiếu niên 11 - 19 tuổi - ảnh 1
Tiêm vắc-xin là biện pháp phòng bệnh chủ động hiệu quả nhất, đang được ứng dụng rộng rãi hiện nay

2. Các loại vắc-xin cần tiêm cho trẻ thanh thiếu niên 11 - 19 tuổi

Các loại vắc-xin tiêm chủng cho trẻ lớn gồm:

  • Thủy đậu: Những người chưa từng tiêm vắc-xin thủy đậu và chưa từng bị thủy đậu cần tiêm 2 mũi vắc-xin để phòng bệnh hiệu quả. Với các trường hợp mới tiêm 1 liều, cần tiêm bổ sung liều thứ 2;
  • Virus Papilloma ở người (HPV): Thanh thiếu niên từ 11 tuổi trở lên cần tiêm vắc-xin phòng ngừa HPV để bảo vệ cơ thể trước virus HPV. Vắc-xin này có tác dụng phòng ngừa mụn cóc sinh dục, ung thư cổ tử cung, ung thư hậu môn, ung thư tinh hoàn và ung thư vòm họng;
  • Viêm gan A: Với những người muốn bảo vệ bản thân trước bệnh viêm gan A hoặc có nguy cơ mắc viêm gan A (sắp đi du lịch nước ngoài) nên tiêm 2 liều vắc-xin viêm gan A theo chỉ định của bác sĩ;
  • Viêm gan B: Mọi đối tượng từ 0-18 tuổi, chưa từng chủng ngừa viêm gan B đều cần tiêm các mũi vắc-xin ngừa virus này để tránh nguy cơ gặp phải các biến chứng nguy hiểm của bệnh;
  • Cúm: Trẻ em từ 8 tháng tuổi trở lên đều cần được tiêm ngừa vắc-xin phòng cúm hằng năm, đặc biệt là trước mùa dịch để bảo vệ sức khỏe hữu hiệu;
  • Viêm màng não mủ do Hib: Các đối tượng chưa từng chủng ngừa Hib và có nguy cơ mắc bệnh cao (trường hợp lá lách không còn hoạt động) thì nên tiêm vắc-xin ngừa Hib;
  • Viêm Màng não cầu khuẩn ACWY (MenACWY, MCV4): Lịch tiêm phòng thanh thiếu niên cho vắc-xin MenACWY là tiêm 2 liều, liều đầu tiên khi 11 - 12 tuổi và liều thứ hai khi đủ 16 tuổi;
  • Viêm Màng não cầu khuẩn B (MenB): Các đối tượng thanh thiếu niên muốn tránh phải nguy cơ mắc bệnh viêm màng não tuýp B hoặc người có nguy cơ mắc bệnh (do chức năng của lá lách không còn hoạt động) nên tiêm 2 liều vắc-xin MenB bắt đầu từ năm 16 tuổi theo đúng lịch tiêm phòng cho trẻ 11 - 19 tuổi;
  • Sởi, quai bị, rubella (MMR): Các đối tượng chưa từng tiêm vắc-xin sởi - quai bị - rubella cần tiêm 2 liều theo đúng lịch tiêm chủng;
  • Phế cầu khuẩn (Pneumovax, PPSV; Prevnar, PCV): Tiêm 1 hoặc 2 liều vắc-xin phòng bệnh phế cầu khuẩn theo chỉ định của bác sĩ;
  • Bại liệt (IPV): Những người chưa từng tiêm vắc-xin ngừa Bại liệt cần được tiêm ít nhất 3 liều;
  • Uốn ván, Bạch hầu Ho gà (pertussis; Tdap): Thanh thiếu niên và người lớn đều cần tiêm 1 liều vắc-xin Tdap - loại vắc-xin giúp ngăn chặn nguy cơ mắc bệnh uốn ván, Bạch hầu Ho gà. Sau khi tiêm 1 liều Tdap, cần tiêm bổ sung Td mỗi mười năm một lần. Với phụ nữ, cần tiêm thêm một liều Tdap trong mỗi lần mang thai và thời điểm tiêm tốt nhất là trong 3 tháng cuối của thai kỳ.
Các loại vắc xin cần tiêm cho trẻ thanh thiếu niên 11 - 19 tuổi - ảnh 2
Vắc-xin HPV là một trong số những loại vắc-xin cần tiêm chủng cho thanh thiếu niên

3. Các đối tượng không được tiêm vắc-xin

Chống chỉ định tiêm chủng hoặc hoãn tiêm khi người được tiêm chủng có các biểu hiện gồm:

  • Đang mắc bệnh cấp tính hoặc bệnh mãn tính tiến triển;
  • Sốc, phản ứng nặng sau lần tiêm chủng trước;
  • Đang hoặc vừa kết thúc liệu trình điều trị corticoid/gammaglobulin;
  • Sốt từ 37,5 độ C ở trên hoặc hạ thân nhiệt từ 35,5 độ C ở xuống;
  • Nghe tim bất thường;
  • Nhịp thở bất thường;
  • Có triệu chứng tri giác bất thường và các chống chỉ định khác.

Tiêm vắc-xin là biện pháp phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm hữu hiệu nhất hiện nay. Các loại vắc-xin được chỉ định tiêm cho thanh thiếu niên nhóm tuổi 11 - 19 cần tiêm đúng, đủ các loại vắc-xin được khuyến cáo để chủ động phòng bệnh một cách tối ưu.