Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Dấu hiệu nhận biết bệnh xơ gan và cách chăm sóc

05/11/2020
Dấu hiệu nhận biết bệnh xơ gan và cách chăm sóc

Xơ gan là tình trạng các tế bào gan bị tổn thương liên tục trong một thời gian dài, các mô sẹo sẽ liên tục thay thế các mô bị tổn thương dẫn tới xơ gan. Khi các mô sẹo xuất hiện ngày càng nhiều sẽ ngăn chặn dòng máu lưu thông qua gan, làm suy giảm chức năng gan nghiêm trọng.

1. Xơ gan Là bệnh gì?

Xơ gan Là bệnh gan mãn tính dẫn đến sự phá hủy tế bào của gan. Gan thực hiện một số chức năng cần thiết, chẳng hạn như giải độc chất có hại trong cơ thể, làm sạch máu và sản xuất các chất dinh dưỡng quan trọng. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới xơ gan, uống nhiều bia rượu và nhiễm virus là nguyên nhân phổ biến nhất. Ngoài ra, Viêm gan B và C là những bệnh nhiễm virus phổ biến nhất gây lên xơ gan. Nguyên nhân ít phổ biến của xơ gan bao gồm các bệnh Tự miễn dịch, Thừa sắt và bệnh Wilson.

2. Nguyên nhân dẫn đến xơ gan

Rượu: Người Nghiện rượu chiếm tỉ lệ bị xơ gan cao nhất vì họ thường uống các loại rượu chưa được khử các chất độc có trong rượu nên các chất độc này càng ngày càng làm tổn hại tế bào gan và gây xơ gan. Sở dĩ xơ gan xảy ra ở người uống nhiều là vì bị ngấm các chất độc có trong rượu một cách từ từ, ban đầu gan sẽ bị nhiễm mỡ, rồi gây nên tình trạng viêm gan mạn tính rồi sau đó chuyển thành xơ gan, vì vậy xơ gan xảy ra trong một khoảng thời gian khá dài có khi đến hàng chục năm sau khi nghiện rượu.

Xơ gan do ứ mật: Là trường hợp mật bị ứ đọng do viêm, do tắc đường mật cả đường mật và mật sẽ tác động làm ảnh hưởng đến gan, làm tổn thương tế bào gan dần dần dẫn đến xơ gan.

Xơ gan do viêm gan virút: Khi bị viêm gan do virút có thể tiến triển thành xơ gan và ung thư gan nhất là viêm gan virút B và C.

Xơ gan do ký sinh trùng: Có 3 loại ký sinh trùng thường gặp là amíp, ký sinh trùng Sốt rét và sán lá gan làm tổn thương tế bào gan và gây ra bệnh xơ gan.
Xơ gan do ứ đọng máu kéo dài:
Là những bệnh lý làm giảm lưu lượng máu như: suy tim, viêm tắc tĩnh mạch trên gan làm tổn thương gan.

  • Những người có phản ứng bất thường với một vài loại thuốc điều trị bệnh hay do tiếp xúc lâu ngày với chất độc cũng có nguy cơ bị xơ gan.
  • Một số bất thường do tích tụ chất độc trong gan dẫn đến phá hủy mô và gây xơ gan như ứ đọng chất sắt do hấp thu quá mức chất sắt từ thức ăn rồi dần dà gây nên các bệnh như: viêm khớp, suy tim do chất sắt làm phá hủy cơ tim, rối loạn chức năng tinh hoàn và xơ gan, hay ứ đọng chất đồng trong bệnh Wilson.
  • Trẻ sinh ra không có ống dẫn mật do bị teo ống dẫn mật cũng dẫn đến xơ gan.

3. Các giai đoạn của xơ gan

3.1. Giai đoạn 1

Giai đoạn này không có dấu hiệu gan bị tổn thương. Tuy nhiên, gan đã bắt đầu bị viêm. Do các tế bào gan bị viêm liên tục nên gan tự cố gắng đảo ngược lại quá trình này và hình thành sự xơ hóa. Bệnh nhân sẽ cảm thấy mệt mỏi và thiếu năng lượng tại giai đoạn này, rất khó để hiểu vấn đề gì đang xảy ra với gan.

Mặc dù gan bị tổn thương nhưng bệnh nhân thường không có dấu hiệu đáng chú ý vì sự xơ hóa là chưa nhiều. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, nếu được điều trị đúng cách gan vẫn có thể hồi phục và trở lại như bình thường.

3.2. Giai đoạn 2

Ở giai đoạn này áp lực tĩnh mạch cửa đang tăng dần. Các mô xơ hóa xuất hiện nhiều hơn. Cần phải loại bỏ nguyên nhân gây bệnh thì mới có thể làm tăng cơ hội khỏi bệnh.

3.3. Giai đoạn 3

Tại giai đoạn 3, bệnh nhân xuất hiện hiện tượng cổ trướng. Lượng dịch tại ổ bụng tăng nhanh báo hiệu gan đã bị xơ hóa rất nhiều. Giai đoạn này gan không thể trở lại bình thường, ghép gan thường được đề xuất để chữa khỏi bệnh. Trong giai đoạn này, có rất nhiều dấu hiệu đáng chú ý bao gồm: Ăn không ngon. Sụt cân nhanh. Mệt mỏi. Bối rối. Da vàng, nhợt nhạt, thở nhanh. Viêm da, Ngứa không hồi phục. Eczema. Đường huyết tăng giảm thất thường. Phù chân, mắt cá. Dấu hiệu sang giai đoạn cuối.

3.4. Giai đoạn 4

Bước vào giai đoạn này, quá trình xơ hóa đã xảy ra hoàn toàn trên gan. Các biến chứng như xuất huyết tiêu hóa, bệnh Não gan hay tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Nếu những dấu hiệu này không được phát hiện thì bệnh nhân cũng sẽ không thể tiến hành ghép gan. Thời gian sống cho bệnh nhân sẽ vào khoảng 12 tháng. Dấu hiệu cũng giống như giai đoạn 3 và có thêm một vài triệu chứng:

  • Mệt mỏi về tinh thần
  • Rất buồn ngủ
  • Lòng bàn tay son
  • Tính cách thay đổi
  • Suy thận và dẫn tới thiểu niệu
  • Sốt cao
  • Viêm màng bụng.

Do không có phương pháp điều trị cho Xơ gan giai đoạn 4, cách tốt nhất là điều trị sớm nhất có thể.

Dấu hiệu nhận biết bệnh xơ gan và cách chăm sóc - ảnh 1

4. Những dấu hiệu nhận biết sớm bệnh xơ gan?

4.1. Nhận biết qua triệu chứng:

Bệnh nhân thường không có triệu chứng ở giai đoạn đầu. Nhưng theo thời gian khi gan bị tổn thương nặng hơn, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng bệnh xơ gan như:

  • Mệt mỏi, choáng váng.
  • Ăn không ngon, sụt cân.
  • Buồn nôn
  • Bệnh nhân có thể dễ bị chảy máu hoặc bầm tím, và sưng ở chân bụng. Đôi khi da của bệnh nhân cũng có sự thay đổi như:
  • Vàng da.
  • Ngứa
  • Sao mạch. (mạch nổi lên như mạng nhện)
  • Lòng bàn tay son hay móng tay trắng.

Bệnh nhân còn có những sự thay đổi về trí tuệ, ví dụ như gặp các vấn đề về sự tập trung hay trí nhớ. Nếu phụ nữ mắc bệnh xơ gan, bệnh nhân có thể không còn kinh nguyệt. Nếu bệnh nhân là nam giới, có thể mất khả năng quan hệ tình dục, bắt đầu từ việc ngực phát triển và chảy.

Một số triệu chứng khác bệnh nhân có thể gặp như: Nôn ra máu. Yếu cơ. Nước tiểu màu nâu. Sốt. Bệnh về xương, xương dễ gãy. Cần chú ý rằng bệnh nhân xơ gan sẽ có thể không biểu hiện hết toàn bộ triệu trứng trên, và một số triệu chứng trên có thể là dấu hiệu của bệnh khác.

Khám sức khỏe định kỳ là phương pháp tốt nhất phát hiện các vấn đề về gan

4.2. Nhận biết qua nguyên nhân

Bệnh gan tiến triển thành xơ gan phải trải qua một thời gian dài. Những nguyên nhân gây bệnh xơ gan thường gặp bao gồm:

  • Uống rất nhiều rượu.
  • Béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh xơ gan.
  • Viêm gan mạn tính như Viêm gan B hay viêm gan C.

4.3. Nhận biết Qua các xét nghiệm

Do bệnh gan khi đã tiến triển thành xơ gan thì việc điều trị sẽ rất khó khăn và thường tiên lượng bệnh sẽ rất xấu. Do đó thay vì đặt ra câu hỏi “làm thế nào để phát hiện sớm bệnh xơ gan” thì ta nên đổi thành câu hỏi “làm thế nào để phát hiện sớm các bệnh về gan”thì sẽ hợp lý hơn rất nhiều.

Cách tốt nhất là nên Sàng lọc gan mật định kỳ 1 năm ít nhất 2 lần. Chi phí bỏ ra cho việc khám định kỳ sẽ rẻ hơn rất nhiều so với việc điều trị bệnh về gan. Phát hiện ra nguyên nhân gây tổn thương gan sẽ đóng vai trò quan trọng trọng việc định hướng điều trị. Bác sĩ sẽ bắt đầu bằng việc hỏi tiền sử về sức khỏe hay kiểm tra vật lý. Sau đó bệnh nhân sẽ được tư vấn:

  • Kiểm tra máu: Xét nghiệm máu có thể sẽ cho bác sĩ biết bệnh nhân đang gặp vấn đề gì về gan.
  • Hình ảnh: Siêu âm, CT scan hay chụp cộng hưởng từ sẽ chỉ ra gan bị tổn thương hay không.
  • Sinh thiết gan: Bác sẽ sẽ lấy một mô mẫu từ gan, sau đó mang đến phòng thí nghiệm rồi phân tích mẫu sinh thiết gan đó của bệnh nhân. Đây là một xét nghiệm thường quy và có độ tin cậy rất cao.
Dấu hiệu nhận biết bệnh xơ gan và cách chăm sóc - ảnh 2

5. Các biến chứng của bệnh xơ gan

Bệnh xơ luôn gây ra những biến chứng rất nguy hiểm đe dọa tính mạng, bao gồm các biến chứng sau:

  • Giãn to các tĩnh mạch ở thực quản, có thể gây vỡ và gây xuất huyết tiêu hóa với biểu hiện ói ra máu hoặc tiêu phân đen.
  • Bệnh Não do suy gan còn gọi là hôn mê gan, vì khi gan bị suy không thải lọc được các độc chất trong cơ thể nên gây ra tình trạng ngủ gà ngủ gật, Lơ mơ mất ý thức, tay chân run rẩy.
  • Xơ gan lâu ngày có thể xuất hiện các khối u trên nền gan xơ gọi là xơ gan có biến chứng ung thư hóa.
  • Nhiễm trùng nước trong ổ bụng gây căng chướng bụng, đau bụng nhiều hoặc sốt.

6. Điều trị bệnh xơ gan 

Điều trị bệnh xơ gan phụ thuộc vào tình trạng tổn thương gan của bệnh nhân. Mục tiêu của việc điều trị là làm chậm quá trình xơ quá tại gan, giảm triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng của xơ gan. Bệnh nhân có thể nằm viện dài ngày nếu tổn thương gan nặng.

Điều trị bệnh xơ gan thường theo nguyên nhân gây bệnh. Nếu tại giai đoạn sớm của xơ gan, giảm thiểu tối đa tổn thương tại gan là mục tiêu hàng đầu.

  • Điều trị xơ gan do rượu: Bệnh nhân mắc xơ gan do uống quá nhiều rượu nên dừng việc uống rượu. Nếu việc ngừng uống rượu là quá khó đối với bệnh nhân, bác sĩ có thể tư vấn liệu trình cai rượu.
  • Giảm cân: Nếu bệnh nhân xơ gan không do rượu mà do gan nhiễm mỡ, tình trạng bệnh có thể cải thiện nếu bệnh nhân giảm được cân và kiểm soát được lượng đường huyết.
  • Thuốc điều trị bệnh gan: Một số thuốc có thể làm ngăn ngừa quá trình tổn thương tế bào gan do viêm gan B và viêm gan C.
  • Thuốc kiểm soát triệu chứng xơ gan: Một số thuốc có thể làm chậm quá trình diễn biến bệnh xơ gan.

Bệnh xơ gan hay xảy ra biến chứng. Một số biến chứng thường gặp:

  • Dịch cơ thể tăng cao: Chế độ ăn ít Natri và thuốc có thể ngăn ngừa việc tăng dịch trong cơ thể để kiểm soát phù. Chọc dịch ổ bụng có thể được sử dụng đến nếu bệnh nhân phù quá nặng.
  • Tăng áp lực tĩnh mạch cửa.
  • Nhiễm trùng: Kháng sinh sẽ được sử dụng cho bệnh nhân bị nhiễm trùng.
  • Nguy cơ phát triển thành ung thư gan.
  • Bệnh não gan.

Điều trị biến chứng trên nền bệnh nhân xơ gan rất phức tạp và đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều trị cũng như làm tăng chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Ghép gan cho bệnh nhân nếu tình trạng bệnh quá nặng. Nhưng việc tìm ra người hiến gan phù hợp là rất khó khăn, chưa kể đến tình trạng xã hội Việt Nam vẫn rất dè dặt trong việc hiến nội tạng.

Việc để các bệnh lý về gan phát triển thành bệnh xơ gan là việc rất nguy hiểm và gây rất nhiều khó khăn cho các bác sĩ để điều trị. Cách tốt nhất là phát hiện sớm về điều trị triệt để các vấn đề về gan khi còn chưa phát triển quá nhanh.

7. Chăm sóc người bệnh xơ gan

Ở người bệnh xơ gan giai đoạn muộn, phù hai chân ngày càng nhiều do chức năng tổng hợp protein giảm dẫn đến lượng protein máu giảm làm cho nước thoát ra ngoài tế bào gây phù, đi lại nặng nề, ăn uống kém. Do đó, cần cho người bệnh nằm kê chân cao hơn so với tim vì ở tư thế này sẽ góp phần cải thiện tình trạng phù và hàng ngày cần vệ sinh mũi miệng sạch sẽ, đặc biệt là khi có chảy máu cam, chảy máu chân răng, để đề phòng nhiễm trùng răng, miệng và tạo cho người bệnh cảm giác ngon miệng. Ngoài ra, vì người bệnh rất mệt mỏi cho nên cần tạo không gian thoáng mát, yên tĩnh, hạn chế người ra vào thăm hỏi nhiều.

Bên cạnh đó, cần theo dõi cân nặng của người bệnh hàng tuần để kiểm tra tình trạng phù và cổ trướng của người bệnh có giảm hay không. Ở những người bệnh nặng, cổ trướng quá nhiều sẽ gây khó thở cho người bệnh khi đó cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế để rút nước trong ổ bụng ra ngoài, giúp người bệnh dễ chịu hơn và sau khi được chọc tháo dịch xong, cần theo dõi người bệnh trong 30 phút, nếu có điều gì khác thường phải báo cho bác sĩ ngay.

Dấu hiệu nhận biết bệnh xơ gan và cách chăm sóc - ảnh 3

Chế độ ăn dành cho người xơ gan là những thức ăn đảm bảo đầy đủ từ 2.500 - 3.000cal mỗi ngày, với hành phần thức ăn phù hợp, đầy đủ các chất gồm chất đạm như: thịt, cá, trứng, sữa…, giàu glucid như khoai, ngũ cốc… và nên dùng dầu thực vật, tránh dùng mỡ động vật, tránh dùng thực phẩm lạ, thực phẩm dễ gây dị ứng, dễ gây rối loạn tiêu hóa, thức ăn cần phải nấu chín, đảm bảo vệ sinh, hợp khẩu vị. Các món ăn nên thay đổi để gan không phải làm việc quá sức, thức ăn được hấp thu tốt hơn, tránh rối loạn tiêu hóa, tốt nhất nên chia nhỏ khẩu phần ăn, cho người bệnh ăn 4 - 5 bữa một ngày và bổ sung vitamin bằng các loại nước hoa quả ép và trái cây.

Cần hạn chế muối và nên ăn lạt hoàn toàn khi có phù và bụng to nhiều vì khi ăn muối nhiều, sẽ gây tích nước trong tế bào, càng làm cho tình trạng phù tăng lên. Khi bị phù phải dùng một số thuốc lợi tiểu sẽ làm mất kali làm cho người bệnh mệt mỏi hơn cho nên người bệnh cần ăn thêm thực phẩm giàu kali để bổ sung lượng kali đã mất. Tuy nhiên, người bệnh xơ gan ở giai đoạn muộn thì cần phải hạn chế thực phẩm giàu đạm, đề phòng hôn mê gan.

8. Những lưu ý khi chăm sóc người bệnh Xơ gan

Đối với người bệnh cần phải thực hiện những điều sau đây:

  • Không nên quá lo lắng và căng thẳng vì việc tuân thủ điều trị tốt sẽ giúp bệnh ngừng tiến triển và hạn chế biến chứng.
  • Không nên dùng các thuốc gây hại cho gan như thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau paracetamol.
  • Tuyệt đối phải tránh xa các loại bia rượu.
  • Nên tuân thủ đúng thuốc điều trị theo hướng dẫn của thầy thuốc.

Để phòng bệnh xơ gan, cần chủ động bảo vệ gan của mình bằng các cách sau:

  • Tiêm phòng vắcxin viêm gan B cho trẻ em và những người lớn chưa bị bệnh.
  • Có lối sống lành mạnh, không lạm dụng rượu bia.
  • Tránh ăn thức ăn sống, nên ăn chín uống chín để không bị nhiễm ký sinh trùng.
  • Sử dụng thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm để phòng ngừa nhiễm hóa chất, phẩm màu độc hại gây tổn hại gan.
  • Không dùng thuốc làm ảnh hưởng gan.
  • Đối với những người đã bị viêm gan B hoặc C mạn tính cần theo dõi định kỳ 3 tháng hoặc 6 tháng một lần để phát hiện và điều trị sớm những trường hợp viêm gan tiến triển, nhằm hạn chế các biến chứng nặng như xơ gan và ung thư gan.
  • Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý gây viêm gan do các nguyên nhân khác như suy tim, tắc mật…

Xơ gan là một bệnh nặng tiên lượng xấu, nhất là khi xơ gan đã có cổ trướng hoặc vàng da thì tỉ lệ tử vong khoảng gần 70% trong năm đầu và khoảng 85% sau 2 năm bị xơ gan. Tuy vậy, bệnh tiến triển như thế nào còn tùy thuộc vào chế độ dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt, chế độ làm việc cũng như việc phòng tránh các bệnh nhiễm khuẩn khác.

Mọi thắc mắc các bạn có thể đặt câu hỏi bác sĩ, phòng khám và bệnh viện trên nền tảng bcare.vn để được giải đáp

Đặt lịch khám bác sĩ gan mật Hà Nội tại bcare.vn

Đặt lịch khám bác sĩ gan mật Hà Nội tại bcare.vn