1. Globulin miễn dịch là gì?
Globulin miễn dịch (tên tiếng Anh là immune Globulin và viết tắt là IG) là chế phẩm vô trùng của các kháng thể đậm đặc được sản xuất từ huyết tương người bằng phương pháp phân đoạn ethanol lạnh (cold ethanol fractionation).
Tại Hoa Kỳ, Globulin miễn dịch chỉ được sản xuất từ người hiến máu có huyết tương âm tính với kháng nguyên bề mặt của virus viêm gan B, âm tính với kháng thể virus Suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV) và âm tính với kháng thể virus viêm gan C (HCV).
Ngoài ra, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) yêu cầu quy trình sản xuất IG phải có các bước khử hoạt tính của virus hoặc sản phẩm cuối cùng phải được kiểm tra âm tính với HCV-RNA bằng phản ứng chuỗi polymerase.
2. Globulin miễn dịch (IG) hoạt động như thế nào?
Globulin miễn dịch giúp người được tiêm phòng chống bệnh viêm gan A do nhiễm trùng virus Viêm gan A bằng cách truyền kháng thể thụ động. Tùy thuộc vào liều Globulin miễn dịch, khả năng bảo vệ kéo có thể kéo dài từ 1 đến 2 tháng, cụ thể như sau:
- Khi điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (pre-exposure prophylaxis), liều 0,1 ml/kg sẽ bảo vệ đến 1 tháng và liều 0,2 ml/kg sẽ bảo vệ đến 2 tháng. Đối với liều 0,2 ml/kg có thể được lặp lại sau mỗi 2 tháng.
- Khi điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (postexposure prophylaxi), liều khuyến cáo là 0,1 ml/kg. Hiện nay không có liều Globulin miễn dịch tối đa trong điều trị dự phòng viêm gan A.
Globulin miễn dịch tiêm bắp có sẵn trong các lọ sử dụng một lần với liều lượng là 2 mL và 10 mL. Vị trí tiêm tốt nhất là ở cạnh trước của đùi và cơ deltoid của cánh tay. Không nên tiêm ở mông do vì có nguy cơ gây tổn thương dây Thần kinh tọa.
3. Ai nên tiêm Globulin miễn dịch?
Globulin miễn dịch được sử dụng để tăng cường khả năng của hệ thống miễn dịch nhằm làm giảm nguy cơ nhiễm trùng ở người có hệ miễn dịch yếu. Globulin miễn dịch được sản xuất từ máu của người khỏe mạnh có hàm lượng kháng thể cao, giúp chống nhiễm trùng.
Ngoài ra, Globulin miễn dịch cũng được sử dụng để tăng số lượng tiểu cầu ở những người bị rối loạn đông máu nhất định (như Giảm tiểu cầu vô căn) do tiểu cầu là thành phần cần thiết để cầm máu và hình thành cục máu đông.
Một số sản phẩm globulin miễn dịch cũng có thể được sử dụng để điều trị một số vấn đề liên quan đến yếu cơ như bệnh dây thần kinh vận động đa ổ (Multifocal motor neuropathy) hoặc bệnh đa dây thần kinh hủy myelin do viêm mạn tính (chronic inflammatory demyelinating polyneuropathy) hoặc để điều trị một số rối loạn mạch máu ở những người mắc hội chứng Kawasaki.
Đối với người khỏe mạnh, có thể phòng ngừa hiệu quả bệnh viêm gan A bằng cách tiêm vắc-xin viêm gan A tại các cơ sở Y tế có nguồn vắc-xin đảm bảo chất lượng và nguồn cung cấp ổn định.
4. Tác dụng phụ của tiêm Globulin miễn dịch là gì?
Một số tác dụng phụ có thể gặp phải sau tiêm Globulin miễn dịch bao gồm:
- Đỏ bừng mặt, nhức đầu, chóng mặt, ớn lạnh, chuột rút cơ bắp, đau lưng / khớp, sốt, buồn nôn hoặc nôn có thể xảy ra sau khi tiêm Globulin miễn dịch.
- Hãy cho bác sĩ biết ngay lập tức nếu bạn có bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm: dễ chảy máu/bầm tím, Ngất xỉu, nhịp tim nhanh/ nhịp tim không đều, mệt mỏi bất thường.
- Hiếm khi, sản phẩm này có thể chứa các tác nhân gây bệnh như virus do được làm từ máu người. Mặc dù rủi ro rất thấp do các chế phẩm này đã được sàng lọc rất cẩn thận từ máu của người hiến, tuy nhiên nếu xuất hiện các triệu chứng như như đau họng/sốt kéo dài, mắt/da vàng hoặc nước tiểu sẫm màu thì hãy đến cơ sở Y tế để khám càng sớm càng tốt.
- Phản ứng Dị ứng nghiêm trọng hiếm khi xảy ra với người được tiêm Globulin miễn dịch. Tuy nhiên, đến cơ sở Y tế ngay lập tức nếu bạn xuất hiện phản ứng Dị ứng nghiêm trọng như: phát ban, ngứa/sưng (đặc biệt là sưng ở mặt/lưỡi/cổ họng), Chóng mặt nghiêm trọng, khó thở.
Bài viết tham khảo nguồn: immunize.org