Các nhu cầu cơ bản của con người trong chăm sóc sức khỏe được liệt kê theo thứ tự cấp thiết sau đây:
1. Con người cần oxy
Oxy là điều cần thiết nhất trong tất cả các nhu cầu sinh tồn cơ bản, đảm bảo quá trình hô hấp, tạo năng lượng hoạt động cho các tế bào. Không có đủ lượng oxy lưu thông trong máu, một người sẽ chết trong vài phút.
Người bệnh cần được liên tục đánh giá tình trạng oxy hóa trong máu bằng cách duy trì sự thông thoáng trong đường thở và nồng độ oxy đầy đủ. Điều này là đặc biệt cần thiết ở các bệnh nhân điều trị tại khoa hồi sức tích cực hay có bệnh lý phổi mãn tính như khí phế thũng, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn.
2. Nhu cầu của con người là nước
Nước là một thành phần cơ bản của cơ thể sống và cũng cần thiết để duy trì sự sống. Người ở vùng khí hậu nóng phải cần tiêu thụ nhiều nước hơn người ở vùng khí hậu lạnh. Ngoài ra, mỗi thể trạng cá nhân và mỗi bệnh lý cần có nhu cầu về chất lỏng khác nhau, phù hợp với chức năng của tim và thận. Nếu dư nước và tim, thận suy yếu, cơ thể sẽ giữ nước trong các mô, gây phù nề. Ngược lại, nếu thiếu nước, các quá trình chuyển hóa sẽ gặp khó khăn.
3. Thực phẩm và chất dinh dưỡng
Thức ăn là nguồn năng lượng để duy trì sự sống mặc dù cơ thể vẫn có thể tồn tại trong vài ngày hoặc vài tuần mà không cần ăn gì. Tuy nhiên, nếu ăn uống không đủ các chất dinh dưỡng hay thói quen ăn uống không điều độ hoặc rối loạn tiêu hóa như không có khả năng nhai hoặc nuốt, buồn nôn và nôn ói, dị ứng thực phẩm... cũng là mối đe dọa cho tình trạng dinh dưỡng của cơ thể.
Mặt khác, ở những bệnh nhân mắc bệnh nội khoa nặng hay hậu phẫu, nhu cầu năng lượng cũng cao hơn. Lúc này, bác sĩ cần đánh giá và theo dõi lượng calo tiêu thụ được, xem xét các phương tiện hỗ trợ dinh dưỡng như cho ăn bằng ống hoặc truyền tĩnh mạch.
4. Loại bỏ chất thải
Việc loại bỏ các sản phẩm thải sau quá trình chuyển hóa cũng rất cần thiết giúp cơ thể cảm thấy thoải mái. Sự đào thải này diễn ra theo nhiều cách, qua phổi, da, gan, thận và đường ruột.
Vì bất kỳ nguyên nhân nào khiến cho các chất thải rắn và chất lỏng tích tụ, các tình trạng nghiêm trọng có thể xảy ra. Do đó, cần theo dõi sát nhu cầu này của người bệnh và hỗ trợ kịp thời, nhất là ở người già yếu, khuyết tật, bệnh nhân đang hôn mê.
5. Ngủ và nghỉ ngơi
Giấc ngủ và nghỉ ngơi rất quan trọng trong việc tái tạo năng lượng để duy trì sức khỏe bền bỉ. Yếu tố này cũng thay đổi theo nhu cầu của mỗi người. Tuy nhiên, việc ngủ rất ít hay không ngủ, không có thời gian nghỉ ngơi mặc dù không đe dọa đến tính mạng ngay lập tức nhưng có thể gây ra các rối loạn khác nhau như một số dạng bệnh tâm thần.
Vậy nên, nhu cầu này của người bệnh cũng cần được chú trọng, bắt đầu bằng các liệu pháp không dùng thuốc như xoa lưng nhẹ nhàng, tắm bồn nước ấm, uống sữa ấm... để thúc đẩy mau vào giấc ngủ.
6. Hoạt động và tập thể dục
Bất kỳ hoạt động nào cũng kích thích cả tâm trí và sức cơ. Tuy nhiên, tập thể dục đúng cách sẽ giúp duy trì sự toàn vẹn về cấu trúc và sức khỏe của cơ thể bằng cách tăng cường lưu thông tuần hoàn và hô hấp.
Tuy đây không là nhu cầu cần thiết cho sự sống còn, bác sĩ cũng nên thực hiện các bài tập vận động tại giường cho những bệnh nhân Bất động nhằm tránh teo cơ, cứng khớp hay khuyến khích đi lại sớm sau phẫu thuật ngay khi vết thương đã ổn.
7. Sự thỏa mãn về tình dục
Tình dục cũng là một yếu tố quan trọng, dù không giống như các nhu cầu sinh lý cơ bản khác, sự thỏa mãn tình dục có thể giúp sức khỏe thể chất lẫn tinh thần được thăng hoa. Bác sĩ hay nhân viên chăm sóc cần phải nhận thức được nhu cầu này, như một bệnh nhân nam lớn tuổi có thể sẽ không thoải mái với một y tá nữ trẻ tuổi hay những lo ngại liên quan đến các vấn đề Tình dục sau phẫu thuật, chấn thương, đột quỵ.
8. Ổn định thân nhiệt
Cơ thể con người hoạt động trong một phạm vi sinh tồn tương đối hẹp của nhiệt độ. Đây chính là thân nhiệt, một trong các điều kiện cần đảm bảo để những quá trình chuyển hóa của cơ thể diễn ra tốt nhất. Vì vậy, chú trọng hạ thân nhiệt nếu bệnh nhân bị Bỏng nặng, Sốt cao, say nắng và cả bệnh nhân hôn mê để bảo vệ Não bộ. Ngược lại, bệnh nhân bị hạ thân nhiệt, tê Cóng cần được sưởi ấm tích cực và theo dõi nhiệt độ để điều chỉnh phù hợp.
9. An ninh và an toàn
Đây là nhu cầu ở cấp độ cao hơn, người bệnh cần được thoải mái cả về thể chất và tâm lý. Cụ thể là nhu cầu này có thể được đáp ứng bằng cách hỗ trợ, giúp đỡ người bệnh sử dụng xe tập đi, nạng chống và sẵn sàng sử dụng các vị trí trên cơ thể như cánh tay, thân mình để dự đoán nâng đỡ cho người bệnh trong những trường hợp bị mất thăng bằng.
Bên cạnh đó, việc giải thích, tư vấn cho người bệnh về quy trình phẫu thuật sẽ thực hiện cũng như bất kỳ phương pháp điều trị nào khác cũng là để đáp ứng nhu cầu này. Chính điều này sẽ giúp bệnh nhân cảm thấy an toàn hơn, tuân thủ điều trị và phục hồi tốt hơn.
10. Nơi ở
Khác với bệnh nhân nội trú của bệnh lý cấp tính, đối với bệnh nhân ngoại trú của các bệnh lý nội khoa mãn tính, nhu cầu về một nơi trú ẩn an toàn, đầy đủ, vệ sinh và cả hạnh phúc là một yếu tố giúp sức khỏe luôn được giữ ổn định.
Thực vậy, nếu nơi ở không đáp ứng được đầy đủ các nhu cầu cơ bản, mặc dù không gây đe dọa đến tính mạng nhưng sẽ khiến sức khỏe mau giảm sút hơn, khả năng tuân thủ điều trị cũng kém hơn.
11. Các nhu cầu cao cấp của con người trong chăm sóc sức khỏe
- Nhu cầu xã hội
Nhu cầu xã hội được xếp ở cấp độ thứ ba của hệ thống phân cấp Maslow. Nhu cầu này được cung cấp và đáp ứng trong mối quan hệ với các cá thể sống xung quanh, biểu hiện bằng tình yêu, tình cảm và cảm xúc. Mặc dù đây không phải là những nhu cầu cơ bản của con người cũng như con người phải được đáp ứng tốt các nhu cầu sinh tồn và an ninh trước khi họ có thể giải quyết các nhu cầu xã hội, đây cũng là một yếu tố gây stress thực thể và tâm thần nếu không được đáp ứng.
Điều này sẽ dễ dàng nhận thấy hơn thông qua sự khác biệt khi chăm sóc trẻ sơ sinh Sinh non có mẹ ôm ấp, trò chuyện với các trẻ bị bỏ rơi. Tương tự như vậy, một người bị Chấn thương gây tàn phế nặng sẽ suy nghĩ rất tiêu cực do cảm giác vô dụng, trở thành gánh nặng, nhất là khi không nhận được sự chia sẻ từ gia đình, bạn bè hay những người xung quanh.
- Nhu cầu tâm linh
Không ít người có một niềm tin rất lớn vào các nguồn sức mạnh vô hình và quan trọng hóa cao hơn cả chính sức khỏe của bản thân. Sức mạnh này có hình thức khác nhau, tùy thuộc vào nền tảng giáo dục, tôn giáo, dân tộc và kinh nghiệm sống.Việc chăm sóc sức khỏe cho các người bị bệnh hoặc bị thương có thể thoải mái hơn khi được đáp ứng về nhu cầu tâm linh. Nhân viên y tế có thể hỗ trợ người bệnh bằng cách tạo điều kiện cho họ thực hiện các nghi thức hành lễ, thờ phượng ngay tại giường bệnh trong điều kiện cho phép hay bằng cách cung cấp các tài liệu đọc như sách vở, băng hình.
- Nhu cầu tự trọng
Lòng tự trọng là nhận thức của một người về các giá trị của bản thân họ. Theo đó, lòng tự trọng tích cực chỉ đạt được là khi nhận được sự tôn trọng, đánh giá cao từ những người xung quanh ngay cả khi bệnh tật và mọi chăm sóc phải phụ thuộc người khác.
Những người đang mắc bệnh lý nặng, bệnh ác tính hoặc di chứng sau phẫu thuật, Chấn thương có thể đã thay đổi mức độ tự trọng của bản thân mình do mất quyền quyết định, chức năng vận động hay những khiếm khuyết trên cơ thể. Tuy nhiên, tình trạng này có thể tiềm ẩn cho các rối loạn tâm thần, tâm lý về sau, dễ dẫn đến các hành vi tự gây hại như Ngộ độc thuốc, tự tử.
- Nhu cầu được công nhận
Nhu cầu ở cấp độ này là nhu cầu cao cấp nhất của con người, sẽ đạt được khi một người tự thực hiện, đạt được tiềm năng đầy đủ của mình và được công nhận. Biểu hiện rõ nhất của nhu cầu này là các đối tượng sống trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, chính trị.
Do đó, công tác chăm sóc sức khỏe cho người bệnh có nhu cầu này tương đối cao hơn cộng đồng chung có thể trở nên phức tạp hơn, khó khăn hơn để đạt được một sức khỏe tốt toàn diện. Lúc này, sự lắng nghe, thấu hiểu và đồng cảm từ hai phía sẽ là mấu chốt giúp giải quyết vấn đề.
Tóm lại, các nhu cầu cơ bản của con người luôn cần được tôn trọng trong cuộc sống hàng ngày và cả khi mắc bệnh. Hiểu rõ và đáp ứng tốt các nhu cầu cơ bản của người bệnh trong quá trình chăm sóc sức khỏe sẽ giúp họ mau chóng lành bệnh và xây dựng ý thức bảo vệ sức khỏe về lâu dài.