Phân biệt giữa bệnh thiếu máu não và rối loạn tiền đình

Nhắc đến rối loạn tiền đình, người ta thường nghĩ đến các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, nôn mửa...có 2 nhóm nguyên nhân lớn gây ra rối loạn tiền đình bao gồm: Rối loạn tiền đình trung ương (thiếu máu não thuộc nhóm này) và ngoại biên.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Tìm hiểu về bệnh thiếu máu não

1.1. Biểu hiện thiếu máu não

Thiếu máu não, còn gọi là thiểu năng tuần hoàn não, là một bệnh rất thường gặp ở lứa tuổi trên 50 và những người mắc các bệnh cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, thừa cân béo phì, bệnh lý tim mạch... Các biểu hiện đặc trưng của thiếu máu Não thường gặp vào lúc nửa đêm hoặc gần sáng, bao gồm:

  • Nhức đầu, chóng mặt, mất thăng bằng;
  • Buồn nôn hoặc ói mửa;
  • Rối loạn vận động/cảm giác: liệt tê yếu nửa người, liệt mặt..
  • Rối Loạn thị giác: Song thị, nhìn mờ, có ám điểm, ảo thị, hoặc rung giật nhãn cầu;
  • Rối loạn thính giác: Ù tai và giảm thính lực;
  • Rối loạn nuốt, đại tiểu tiện..

1.2. Nguyên nhân thiếu máu não

Bao gồm 3 nhóm nguyên nhân chính gây ảnh hưởng đến lưu lượng máu lên não:

  • Do huyết khối: do cục máu đông hình thành ở nhóm các động mạch lớn nuôi não (động mạch cảnh trong, động mạch não giữa, động mạch đốt sống..), chủ yếu do hiện tượng xơ vữa động mạch
  • Do thuyên tắc: gây tắc nghẽn bởi các cục máu đông hình thành ở nơi khác và di chuyển lên não gây tắc mạch, thường có nguồn gốc từ tim (rung nhĩ, bệnh lý van tim, nhồi máu cơ tim..)
  • Do huyết động: như tụt huyết áp, nhồi máu cơ tim, rối loạn đông cầm máu..
Phân biệt giữa bệnh thiếu máu não và rối loạn tiền đình - ảnh 1
Căng thằng đầu óc có thể gây thiếu máu não

2. Tìm hiểu về bệnh Rối loạn tiền đình

2.1. Định nghĩa rối loạn tiền đình

Hệ thống tiền đình (vestibule) nằm ở ốc tai, cấu tạo gồm:

  • Túi xoang với tai giữa bằng cửa sổ bầu dục;
  • Túi cầu liên hệ bằng cửa sổ tròn;
  • Ba ống bán khuyên;
  • Dây thần kinh tiền đình (1 nhánh của dây thần kinh số 8 có chức năng giữ thăng bằng cho cơ thể và và định hướng trong không gian).

2.2. Triệu chứng rối loạn tiền đình

Rối loạn tiền đình thường gặp ở phụ nữ tiền mãn kinh, người có nghề nghiệp lao động trí óc căng thẳng, làm việc văn phòng ít vận động, ngồi nhiều trong phòng lạnh và tiếp xúc thường xuyên với máy tính. Khi hệ thống xương tiền đình có dịch chảy bất thường sẽ làm người bệnh cảm thấy:

  • Chao đảo, mất thăng bằng, khó đứng hoặc ngồi vững;
  • Hoa mắt, chóng mặt;
  • Đau cả đầu;
  • Ù tai;
  • Có thể rơi vào trạng thái mất ý thức hoặc ngất.

Bệnh thường tiến triển mạn tính và dần trở thành Rối loạn tiền đình nặng, ban đầu chỉ là một cơn Chóng mặt đột ngột thoáng qua, sau đó các dấu hiệu này xảy ra thường xuyên hơn.

Phân biệt giữa bệnh thiếu máu não và rối loạn tiền đình - ảnh 2
Rối loạn tiền đình gây đau đầu

2.3. Nguyên nhân rối loạn tiền đình

Rối loạn tiền đình xảy ra khi có sự hoạt động không bình thường ở hệ thống này, có thể là do tổn thương của:

  • Do trung ương:
    • thiếu máu não
    • xuất huyết não
    • u não vùng hố sau
    • xơ cứng rải rác..
  • Do ngoại biên:
    • Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính
    • Chóng mặt sau Chấn thương đầu
    • Bệnh lý Méniere
    • Viêm mê đạo
    • Viêm thần kinh tiền đình
    • Bệnh lý nhiễm độc tiền đình
Phân biệt giữa bệnh thiếu máu não và rối loạn tiền đình - ảnh 3
Tai biến, U não là biến chứng do rối loạn tiền đình

3. Mối liên hệ giữa rối loạn tiền đình thiếu máu não

Nhìn chung, rối loạn tiền đình và thiếu máu não đều có những biểu hiện rất giống nhau bao gồm các triệu chứng của hệ thống tiền đình: hoa mắt, chóng mặt, nôn mửa... Xét về định nghĩa và nguyên nhân, Thiếu máu não chỉ là một trong nhiều yếu tố gây nên rối loạn tiền đình. Ở một bệnh nhân bị thiếu máu não nếu không được chẩn đoán sớm thì sẽ dẫn đến di chứng và tàn tật hay có thể dẫn đến tử vong.

Để điều trị dứt điểm và ngăn ngừa tái phát, người bệnh nên hiểu rõ căn nguyên của 2 căn bệnh rối loạn tiền đình thiếu máu não, tránh nhầm lẫn và đặc biệt là không được tự ý mua thuốc uống. Thay vào đó, nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa khám để tìm ra nguyên nhân gây đau đầu, Chóng mặt thường xuyên và có hướng điều trị kịp thời.

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung