Nguyên nhân nào gây viêm da cơ địa ở người lớn

Người lớn bị viêm da cơ địa thường bị quấy rầy nhiều vì bệnh rất dễ tái phát, ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ. Triệu chứng của viêm da cơ địa ở người lớn là các mảng tăng sản liken hóa nổi trên bề mặt da, thường kèm theo khô da và Ngứa nhiều.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Viêm da cơ địa ở người lớn là bệnh gì?

Viêm da cơ địa (tên tiếng anh là atopic dermatitis) hay Chàm cơ địa, Chàm thể tạng, liken đơn dạng mãn tính, eczema, ... là một bệnh lý phổ biến trong cộng đồng. Đây không phải là một bệnh lý nguy hiểm tới tính mạng nhưng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, gây nhiều phiền toái do kéo dài và thường xuyên tái phát. Vì bệnh gây Ngứa nhiều, người bệnh thường xuyên gãi làm bệnh nặng hơn, dẫn đến một vòng bệnh lý luẩn quẩn.

Bệnh viêm da cơ địa có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, trong đó bệnh chủ yếu xuất hiện ở trẻ dưới hai tuổi. Hơn 60% trẻ bị viêm da cơ địa có biểu hiện trong hai tháng đầu đời. Bệnh viêm da cơ địa ở người lớn thông thường là sự nối tiếp tình trạng bệnh lý từ thời thơ ấu và niên thiếu, rất hiếm khi bệnh khởi phát ở lứa tuổi trưởng thành. Tỷ lệ mắc bệnh viêm da cơ địa ở người lớn hiện chưa được thống kê chính xác, không có sự khác biệt rõ ràng giữa hai giới. Bệnh viêm da cơ địa có tính chất di truyền, bố mẹ bị viêm da cơ địa làm tăng khả năng con mắc bệnh lên nhiều lần.

2. Nguyên nhân nào người lớn bị viêm da cơ địa?

Nguyên nhân gây bệnh viêm da cơ địa ở người lớn chưa được hiểu rõ một cách chi tiết và chính xác. Nhiều chuyên gia đồng thuận về mối liên quan giữa bệnh và cơ địa dị ứng sẵn có của người bệnh. Người lớn bị viêm da cơ địa đồng thời cũng có thể mắc các bệnh liên quan đến Dị ứng như hen phế quản, Dị ứng thức ăn, viêm da tiếp xúc, mề đay. Yếu tố nguy cơ của viêm da cơ địa đã được xác định làm tăng khả năng mắc bệnh và tăng tỷ lệ tái phát, bao gồm:

  • Thời điểm giao mùa, cao điểm vào mùa thu đông
  • Bụi nhà, mạt, và một số loại côn trùng
  • Căng thẳng tâm lý đến từ cuộc sống, công việc và học tập
  • Bệnh lý Nhiễm khuẩn cấp tính làm suy giảm miễn dịch
  • Dị ứng thức ăn như trứng, sữa, đậu, cá

Yếu tố nguy cơ không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh, mà chúng chỉ có thể làm tăng khả năng mắc bệnh hoặc thúc đẩy tốc độ phát triển bệnh nhanh hơn. Nhiều người sở hữu các yếu tố nguy cơ kể trên nhưng không mắc bệnh viêm da cơ địa, ngược lại một số trường hợp viêm da cơ địa ở người lớn lại không liên quan đến yếu tố nguy cơ nào của bệnh.

3. Dấu hiệu nhận biết Viêm da cơ địa ở người lớn

Người lớn bị viêm da cơ địa là sự nối tiếp của tình trạng bệnh viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ và thanh thiếu niên. Viêm da cơ địa ở trẻ dưới hai tuổi thường xuất hiện lần đầu tiên khi trẻ được 3 tháng tuổi với biểu hiện nhiều mụn nước trên nền da đỏ ở nhiều vị trí quanh mặt như hai má, trán, cằm và quanh mũi miệng, thỉnh thoảng lan rộng xuống thân và tay chân của trẻ trong những trường hợp nặng. Đến giai đoạn từ 2 đến 12 tháng tuổi, triệu chứng đặc trưng của viêm da cơ địa chuyển từ Mụn nước trên nền da đỏ thành các mảng da lichen hóa, dày nổi gồ lên khỏi bề mặt da và rất ngứa. Thương tổn tập trung thành những mảng lớn hoặc rải rác nhiều vị trí trong cơ thể với phạm vi ảnh hưởng rộng hơn bao gồm cổ tay, khuỷu tay, gối, và mi mắt một hoặc hai bên cơ thể.

Triệu chứng lâm sàng bệnh viêm da cơ địa ở người lớn có nhiều điểm tương đồng với giai đoạn trẻ lớn trên hai tuổi. Đặc trưng của bệnh là các mảng da lichen hóa, các sẩn đỏ, gồ lên khỏi bề mặt da, xuất hiện rải rác hoặc tập trung ở các vị trí như khuỷu tay, khoeo chân, núm vú, quanh khu vực hậu môn sinh dục. Dạng thương tổn này thường gây ngứa rất nhiều, người bệnh gãi làm xuất hiện nhiều vết xước và tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Trường hợp bệnh viêm da cơ địa ở người lớn không điển hình, bệnh nhân còn phải trải qua các triệu chứng khác như da khô, viêm da lòng bàn chân và lòng bàn tay, chàm và Dày sừng xung quanh chân lông, nang lông. Ngoài ra, một số dấu hiệu khác như viêm kết mạc, viêm mũi dị ứng, hen cũng có thể đi kèm với các dấu hiệu khác của bệnh viêm da cơ địa. Bệnh viêm da cơ địa có thể tự thoái lui khi đến độ tuổi thanh thiếu niên, các trường hợp còn lại sẽ diễn ra trong thời gian dài nếu không được điều trị hợp lý.

Thiết lập chẩn đoán viêm da cơ địa ở người lớn thường chỉ cần dựa vào các triệu chứng lâm sàng điển hình như đặc điểm thương tổn, vị trí các mảng lichen hóa và tiền sử bệnh lý của cá nhân và gia đình người bệnh.

4. Điều trị bệnh viêm da cơ địa ở người lớn như thế nào?

Điều trị bệnh viêm da cơ địa không phải là việc dễ dàng vì bệnh có xu hướng diễn tiến kéo dài và xuất hiện lặp lại nhiều lần. Nguyên tắc điều trị viêm da cơ địa ở người lớn phải đảm bảo đồng thời các yếu tố sau:

  • Điều trị thuốc tại chỗ và toàn thân
  • Thay đổi điều trị phù hợp với từng giai đoạn bệnh
  • Giải quyết các bệnh lý khác liên quan đến cơ địa
  • Dự phòng bệnh viêm da cơ địa tái phát

Bệnh viêm da cơ địa có chỉ định dùng các thuốc bôi tại chỗ để làm giảm nhẹ các triệu chứng ở da. Trong giai đoạn cấp và bán cấp, nước muối sinh lý, dung dịch Jarish, hay dung dịch hồ nước là các loại thuốc bôi ngoài được lựa chọn nhằm giữ vệ sinh cho các thương tổn trên da và phòng tránh bội nhiễm. Khi viêm da cơ địa ở người lớn tiến triển thành mạn tính, corticoid với chế phẩm dạng kem hoặc mỡ được sử dụng kết hợp với các thuốc có tác dụng giữ ẩm và làm mềm da.

Điều trị toàn thân được chỉ định song song với các phương pháp điều trị tại chỗ để mang lại hiệu quả tốt và dự phòng bệnh tái phát. Kháng histamin là thuốc được sử dụng để giảm cảm giác ngứa trên da. Khi có bội nhiễm ở những thương tổn Dày sừng trên bề mặt da, người bệnh cần sử dụng kháng sinh đặc hiệu, tốt nhất là soi tươi hoặc cấy bệnh phẩm lấy từ các tổn thương này.

Bác sĩ cũng cần tư vấn cho người bệnh cách sử dụng thuốc và một số điều cần lưu ý để tránh tái phát bệnh như hạn chế gãi, chà xát làm tổn thương da; loại bỏ các tác nhân nghi ngờ gây dị ứng cho người bệnh.

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung