Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Trẻ bị sốt có tiêm phòng được không?

28/06/2021
Trẻ bị sốt có tiêm phòng được không?

Rất nhiều cha mẹ thắc mắc có nên tiêm vắc-xin khi bị sốt cho trẻ theo lịch không, và việc tiêm này ảnh hưởng thế nào đến tình trạng bệnh của trẻ? Nếu lùi lại để con ổn định rồi mới tiêm thì có ảnh hưởng đến tác dụng của vắc-xin hay không? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết sau đây.

1. Có nên tiêm vắc-xin khi bị Sốt cho trẻ không?

Tiêm vắc-xin phòng bệnh là việc làm rất cần thiết, phải thực hiện nhằm giúp cho trẻ có hệ miễn dịch tốt, phòng chống lại các bệnh truyền nhiễm và nhiều bệnh khác có trong thành phần vắc-xin, đảm bảo sự phát triển toàn diện của trẻ. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ lại e ngại khi tiêm phòng cho con vì sợ phản ứng với vắc-xin, đặc biệt khi trẻ có sốt. Vậy trẻ bị sốt có tiêm phòng được không?

Theo quyết định 2470/QĐ-BYT ban hành ngày 14/6/2019 về hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng đối với trẻ em đã quy định rõ:

  • Trẻ em từ 1 tháng tuổi trở lên sẽ tạm hoãn tiêm chủng nếu trẻ sốt ≥ 37.50C hoặc hạ thân nhiệt ≤ 35.50C đối với các cơ sở tiêm chủng ngoài bệnh viện và tạm hoãn tiêm nếu trẻ sốt ≥ 380C hoặc hạ thân nhiệt ≤ 35.50C đối với các cơ sở tiêm chủng tại bệnh viện.
  • Trẻ sơ sinh sẽ tạm hoãn tiêm chủng chủng nếu trẻ sốt ≥ 37.50C hoặc hạ thân nhiệt ≤ 35.50C đối với cả cơ sở tiêm chủng tại bệnh viện và ngoài bệnh viện.

Như vậy, trẻ bị sốt nhẹ vẫn có thể tiêm vắc-xin phòng ngừa bình thường theo lịch tiêm chủng. Tuy nhiên, trẻ cần được khám sàng lọc trước khi cho chỉ định tiêm vắc-xin để loại trừ nguyên nhân sốt của trẻ do các bệnh lý cấp tính, bệnh nhiễm trùng. Nếu trẻ có biểu hiện bệnh lý cấp tính hoặc bệnh nhiễm trùng thì trẻ cần được điều trị cho đến khi sức khỏe ổn định mới tiếp tục tiêm phòng. Nếu trẻ có các biểu hiện sốt nhẹ, cảm lạnh, chảy nước mũi, Ho nhẹ, viêm mũi dị ứng hay tiêu chảy nhẹ... mà chưa cần điều trị thì bác sỹ vẫn có thể tiến hành tiêm chủng cho trẻ theo lịch bình thường.

Tiêm chủng đúng theo lịch sẽ tạo kháng thể bảo vệ trẻ tối ưu nhất. Tuy nhiên, trong một số trường hợp trẻ không đủ điều kiện sức khỏe để tiêm chủng thì vẫn cần phải hoãn tiêm và trẻ cần phải tiêm bổ sung mũi vắc-xin thiếu khi sức khỏe trẻ ổn định. Việc tiêm vắc-xin bổ sung này sẽ thực hiện sớm nhất khi có thể; trẻ không cần phải tiêm vắc-xin lại từ đầu nếu tiêm trễ lịch và kháng thể sinh ra vẫn có khả năng bảo vệ cho trẻ.

Trong một số trường hợp như tiêm vắc-xin phòng dại, tiêm vắc-xin phòng uốn ván sau khi trẻ bị súc vật (chó, mèo, khỉ...) cắn với tình trạng trẻ sốt cao vì vết thương nhiễm trùng..., chúng ta vẫn có thể tiêm vắc-xin, Huyết thanh kháng Dại đồng thời với điều trị hạ sốt và điều trị kháng sinh chống nhiễm trùng.

2. Tiêm vắc-xin có làm bệnh trở nặng hơn?

Vắc-xin có chứa các kháng nguyên kích thích cơ thể sinh kháng thể đặc hiệu chống lại vi khuẩn, virus có trong thành phần vắc-xin. Hệ miễn dịch của trẻ sẽ sinh ra kháng thể để trung hòa các kháng nguyên trong vắc-xin, tạo trí nhớ miễn dịch để chống lại vi khuẩn, virus gây bệnh thực sự khi xâm nhập vào cơ thể những lần sau nhằm bảo vệ cơ thể không bị nhiễm bệnh hoặc nhiễm bệnh rất nhẹ, không gây các biến chứng nguy hiểm cho cơ thể.

Các biểu hiện phản ứng sau tiêm vắc-xin ở trẻ có thể là sốt nhẹ, sưng đỏ nhẹ hoặc đau nhức vùng tiêm. Một số trường hợp sau tiêm vắc-xin phòng cúm có thể có biểu hiện hắt hơi, chảy nước mũi trong, nhức đầu, đau mỏi cơ là triệu chứng giả cúm. Các triệu chứng này thường tự hết sau khi tiêm vắc-xin 1 đến 2 ngày mà không cần điều trị gì. Đây là những phản ứng phụ có thể cho phép được sau khi sử dụng vắc-xin. Cha mẹ hoàn toàn có thể yên tâm, vì tiêm vắc-xin không làm cho bệnh của trẻ nặng hơn.

Trẻ bị sốt có tiêm phòng được không? - ảnh 1
Vắc-xin tiêm phòng có chứa các kháng nguyên miễn dịch chống lại virus

3. Trường hợp nào trẻ không được chủng ngừa vắc-xin hoặc cần hoãn tiêm vắc-xin?

Không tiêm (chống chỉ định) với các trường hợp trẻ:

  • Có tiền sử sốc hoặc phản ứng nặng sau tiêm chủng vắc-xin lần trước (có cùng thành phần): sốt cao trên 39°C kèm co giật hoặc dấu hiệu não/màng não, tím tái, khó thở.
  • Suy giảm miễn dịch (bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh, trẻ nhiễm HIV giai đoạn lâm sàng IV hoặc có biểu hiện suy giảm miễn dịch nặng) chống chỉ định tiêm chủng các loại vắc-xin sống.
  • Không tiêm vắc-xin BCG cho trẻ sơ sinh sinh ra từ mẹ nhiễm HIV mà mẹ không được điều trị dự phòng tốt lây truyền từ mẹ sang con
  • Các trường hợp chống chỉ định khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vắc-xin.

Đối với cơ sở tiêm chủng ngoài bệnh viện hoãn tiêm với các trường hợp sau:

  • Có tình trạng suy chức năng các cơ quan (suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy thận, suy gan, hôn mê...) hoặc mắc các bệnh cấp tính, các bệnh nhiễm trùng. Tiêm chủng khi sức khỏe ổn định.
  • Sốt ≥ 37,5°C hoặc hạ thân nhiệt ≤ 35,5°C (đo nhiệt độ tại nách) với cả trẻ sơ sinh và trẻ em.
  • Tạm hoãn tiêm chủng vắc-xin sống giảm độc lực cho những trẻ:
  • Mới dùng các sản phẩm Globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng (trừ kháng Huyết thanh viêm gan B)
  • Đang hoặc mới kết thúc đợt điều trị corticoid (uống, tiêm) liều cao (tương đương prednisone ≥ 2mg/kg/ngày), hóa trị, xạ trị trong vòng 14 ngày.
  • Chuyển khám sàng lọc và tiêm chủng tại bệnh viện cho những trẻ:
  • Có cân nặng dưới 2000g:
  • Có tiền sử phản ứng tăng dần sau các lần tiêm chủng trước của cùng loại vắc-xin (ví dụ: lần đầu không sốt, lần sau sốt cao trên 39°C...)
  • Mắc các bệnh bẩm sinh hoặc bệnh mạn tính ở tim, phổi, hệ thống tiêu hóa, tiết niệu, máu, ung thư chưa ổn định.
  • Trẻ Sinh non có tuổi thai < 34 tuần: Nếu mẹ có HBsAg (-) tạm hoãn tiêm vắc-xinviêm gan B sơ sinh, tiêm chủng khi trẻ đủ 34 tuần tuổi (tính cả tuổi thai). Nếu mẹ có HBsAg (+) hoặc mẹ không xét nghiệm chuyển khám sàng lọc và tiêm chủng tại bệnh viện.
  • Trẻ Sinh non có tuổi thai < 34 tuần tạm hoãn tiêm vắc-xin BCG. Tiêm chủng khi trẻ đủ 34 tuần tuổi (tính cả tuổi thai).

Đối với cơ sở tiêm chủng tại bệnh viện: hoãn tiêm với các trường hợp sau:

  • Có tình trạng suy chức năng các cơ quan (suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy thận, suy gan, hôn mê...) hoặc mắc các bệnh cấp tính, các bệnh nhiễm trùng. Tiêm chủng khi sức khỏe ổn định.
  • Sốt ≥ 38°C (với trẻ em từ 1 tháng tuổi trở lên) và ≥ 37.50C (với trẻ sơ sinh) hoặc hạ thân nhiệt ≤ 35,5°C (đo nhiệt độ tại nách) .
  • Tạm hoãn tiêm chủng vắc-xin sống giảm độc lực cho trẻ:
  • Mới dùng các sản phẩm Globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng (trừ kháng huyết thanh viêm gan B)
  • Đang hoặc mới kết thúc đợt điều trị corticoid (uống, tiêm) liều cao (tương đương prednisone ≥ 2mg/kg/ngày), hóa trị, xạ trị trong vòng 14 ngày.
  • Trẻ mắc các bệnh tim bẩm sinh hoặc mạn tính kèm theo tăng áp lực động mạch phổi (≥40mmHg).
  • Trẻ sơ sinh có tuổi thai < 28 tuần. Tiêm vắc-xin phòng Viêm gan B khi trẻ đủ 28 tuần tuổi (tính cả tuổi thai).
  • Trẻ sơ sinh có tuổi thai < 34 tuần tạm hoãn tiêm vắc-xin BCG. Tiêm chủng khi trẻ đủ 34 tuần tuổi (tính cả tuổi thai).
  • Trẻ có cân nặng < 2000g mà mẹ có HbsAg (-). Trường hợp mẹ có HBsAg (+) hoặc không xét nghiệm cho mẹ thì cần tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ.
  • Các trường hợp tạm hoãn tiêm chủng khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vắc-xin.