1. Vi khuẩn proteus là gì?
Vi khuẩn proteus là vi sinh vật bình thường của ruột người và khu trú các hốc tự nhiên của cơ thể, bình thường vi khuẩn proteus không gây bệnh khi gặp điều kiện thuận lợi mới gây bệnh. Là loại vi khuẩn cơ hội, ngoài gây tiêu chảy, nếu chúng ở ngoài đường tiêu hóa có thể gây ra viêm đường tiết niệu, ngoài ra còn có thể gây viêm tai giữa, nhiễm khuẩn huyết, viêm mủ vết thương, viêm màng Não sau viêm tai giữa...
Vi khuẩn proteus là vi khuẩn gram âm, có lông và di động mạnh, chúng có thể sinh sống tốt khi nuôi cấy trên môi trường thông thường. Người ta nhận thấy có 3 loại Proteus gây bệnh cho người bao gồm mirabilis (mirabilis), vulgaris (vulgaris) và penneri (penneri). Hay gây bệnh hàng đầu trong số đó là mirabilis (P. mirabilis).
Ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn proteus hay thường gặp do nguồn thức ăn có chứa lượng lớn vi khuẩn. Vi khuẩn gây bệnh có thể xâm nhập từ môi trường bên ngoài vào cơ thể qua các phường thức sau:
- Thức ăn: Là nguồn chính gây lây nhiễm vi khuẩn proteus này, người ta thấy nó có số lượng lớn trong những thực phẩm quá hạn sử dụng từ nguồn động vật.
- Nước nhiễm vi sinh vật gây bệnh có thể là do tắm ở ao hồ hoặc uống nước ở khu vực gần nơi nuôi động vật. Tuy nhiên trường hợp do nguồn nước ít xảy ra hơn.
- Trong gia đình hay trong khu vực sống gần nhà có người nhiễm trùng proteus và tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh, sau đó không vệ sinh sạch sẽ tay trước khi ăn.
2. Bệnh đường ruột do vi khuẩn proteus
Nhiễm khuẩn ruột do vi khuẩn proteus có thể gây ra một số bệnh đường ruột như: Viêm dạ dày, Viêm dạ dày ruột và viêm đại tràng.
- Có thể gặp sau ăn thức ăn không sạch: Thịt sống, thịt cá quá hạn sử dụng...
- Nôn: Từ nhẹ vài lần đến nặng nôn nhiều lần, nếu do lây từ người mắc bệnh thường số lượng vi khuẩn ít, triệu chứng không nặng. Trường hợp ăn phải số lượng lớn vi khuẩn sẽ gây ra các triệu chứng rầm rộ.
- Đau bụng: Cảm giác đau quặn bụng, vị trí đau thay đổi từng thể bệnh như viêm dạ dày, viêm đại tràng...
- Tiêu chảy: Phân mùi rất hôi có bọt trong phân, từ ngày thứ 2 của bệnh thấy có chất nhầy màu xanh trong phân.
- Xuất hiện hội chứng nhiễm khuẩn: Sốt thường Sốt từ 38 độ, môi khô, lưỡi bẩn, hơi thở có mùi hôi.
- Hình thức Ngộ độc thực phẩm vừa phải và nhẹ với điều trị đầy đủ được giải quyết trong vòng 2-3 ngày.
3. Điều trị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa do vi khuẩn proteus
- Bù nước và điện giải: Bệnh nhân thương có dấu hiệu nôn nhiều, tiêu chảy gây ra Mất nước và điện giải, vì vậy cần bù nước và điện giải. Do bệnh nhân nôn nhiều nên thường bù dịch bằng cách truyền dịch, lượng dịch cần bù tùy thuộc vào mức độ mất nước.
- Hạ sốt: Nếu sốt cao trên 38,5 độ C cần uống thuốc hạ sốt. Thường dùng Paracetamol liều 10-15mg/kg cân nặng, uống cách nhau ít nhất 4 giờ nếu sốt lại.
- Chống co giật: Trường hợp Mất nước nhiều gây ra hiện tượng co giật, cần dùng thuốc chống co giật.
- Điều trị nguyên nhân: Kháng sinh điều trị vi khuẩn proteus thường được dùng là loại kháng sinh cephalosporin thế hệ 3 và thế hệ 4, tuy nhiên do vi khuẩn có khả năng kháng thuốc cao nên sử dụng kháng sinh theo kết quả kháng sinh đồ.
4. Phòng bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn proteus
- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay với xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi làm việc tiếp xúc với môi trường không sạch.
- Đảm bảo ăn chín uống sôi, không ăn đồ ăn sống và tái.
- Chú ý hạn sử dụng khi mua các thực phẩm đóng gói sẵn.
- Nâng cao sức đề kháng bằng cách ăn uống đủ dinh dưỡng, tập luyện thể dục thể thao thường xuyên.
- Vi khuẩn proteus có khả năng đề kháng với kháng sinh cao, nên không tự ý sử dụng kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
- Điều trị sớm ổ nhiễm khuẩn tiên phát do vi khuẩn proteus gây ra, đề phòng nguy cơ nhiễm khuẩn huyết.
Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và nâng cao thể trạng là biện pháp phòng bệnh đường ruột do vi khuẩn proteus gây ra, ngoài ra khi nhận thấy các triệu chứng bất thường nghi ngờ bệnh lý do vi khuẩn proteus gây ra cần đến cơ sở y tế để khám và được điều trị đúng cách, tránh sử dụng thuốc nhất là kháng sinh bừa bãi gây ra hiện tượng đề kháng với kháng sinh.