Viêm đại tràng mãn tính: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Viêm đại tràng mãn tính là căn bệnh rất khó để điều trị dứt điểm và hay tái phát, khiến người bệnh không chỉ chịu nỗi khổ tiêu hóa, ăn uống mà còn thường trực nỗi lo ung thư đại tràng.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Viêm đại tràng mãn tính là gì?

Viêm đại tràng mãn tính là Tình trạng viêm đại tràng kéo dài dẫn đến mãn tính, nghĩa là Tình trạng viêm nhiễm đại tràng đã ở mức độ nặng, gây tổn thương khu trú hay lan tỏa đến niêm mạc đại tràng.

Viêm đại tràng mãn tính nhẹ có thể khiến niêm mạc đại tràng dễ tổn thương, chảy máu, nặng sẽ xuất hiện những vết loét, xung huyết, thậm chí là áp xe.

Ở nước ta, viêm đại tràng mãn tính là bệnh đường tiêu hóa thường gặp, ước tính có đến 20% dân số mắc viêm đại tràng mãn tính, tỉ lệ này ngày càng gia tăng nhanh chóng.

2. Nguyên nhân viêm đại tràng mãn tính?

Viêm đại tràng mãn tính được chia thành 2 nhóm bệnh theo nguyên nhân, gồm:

Viêm đại tràng mãn tính có nguyên nhân

  • Do lao, crohn, viêm đại tràng chảy máu...
  • Do nhiễm ký sinh trùng, nhiễm trùng, nhiễm độc, nhiễm nấm gây viêm đại tràng cấp tính nhưng không được điều trị dứt điểm mà diễn tiến thành.

Viêm đại tràng mãn tính không rõ nguyên do

  • Viêm đại tràng mãn tính không rõ nguyên do thường gặp ở bệnh nhân viêm đại tràng mãn tính không đặc hiệu.

Theo đó, các nhóm nguyên nhân thường gặp ở bệnh nhân viêm đại tràng mãn tính được cho là ảnh hưởng gây bệnh gồm:

  • Nhiễm ký sinh trùng: Giun tóc, giun kim, giun đũa...
  • Nhiễm vi trùng gây bệnh đường ruột: Salmonella, Shigella...
  • Chế độ ăn uống không điều độ, ăn nhiều thức ăn gây kích thích, tổn thương dạ dày, niêm mạc đại tràng.
  • Táo bón kéo dài.

3. Dấu hiệu nhận biết viêm đại tràng mãn tính

Không giống như viêm đại tràng cấp tính có thể dễ dàng chữa khỏi, không ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống và sinh hoạt, viêm đại tràng mãn tính có nhiều dấu hiệu đặc trưng:

Đau bụng kéo dài

  • Người bệnh thường bị đau dọc theo khung đại tràng, vị trí nửa khung đại tràng trái và hai hố chậu. Cơn đau xuất hiện theo cơn, đau quặn nhiều lần, có khi đau âm ỉ, cơn đau giảm bớt khi đi tiêu.
  • Đặc biệt, bệnh nhân sẽ cảm thấy bụng luôn căng trướng, căng tức rất khó chịu, nhất là khu trú dọc khung đại tràng.

Phân bất thường

  • Viêm đại tràng mãn tính gây biểu hiện rõ nhất ở phân, nhưng cũng rất đa dạng, chủ yếu là đi tiêu ra phân lỏng, nhiều lần trong ngày, nhiều trường hợp có thể bị táo bón, mót rặn, phân có máu, có nhầy hoặc không kèm nhầy.
  • Có những bệnh nhân viêm đại tràng mãn tính vừa bị Táo bón xen kẽ với tiêu phân lỏng, nhìn chung phân không ổn định khiến bệnh nhân không thấy thoải mái sau khi đi tiêu.

Cơ thể mệt mỏi, suy nhược

  • Viêm đại tràng mãn tính là bệnh đường tiêu hóa ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tiêu hóa và hấp thụ chất Dinh dưỡng nên biểu hiện suy nhược, mệt mỏi cơ thể cũng rõ ràng. Theo đó, bệnh nhân Viêm đại tràng mãn tính thường thấy chán ăn, ăn uống kém, toàn thân mệt mỏi, đầy bụng, giảm trí nhớ, ăn ngủ kém, hay cáu gắt, lo lắng...
  • Có những bệnh nhân Viêm đại tràng mãn tính kéo dài còn bị suy giảm rõ ràng, thể trạng gầy sút, hốc hác thiếu sức sống

4. Chẩn đoán viêm đại tràng mãn tính

Bác sĩ chỉ định một số kỹ thuật để chẩn đoán bệnh viêm đại tràng mãn tính như:

  • Xét nghiệm máu
  • Xét nghiệm phân
  • Nội soi tiêu hóa
  • Chụp X quang

5. Điều trị viêm đại tràng mãn tính

Viêm đại tràng mãn tính nghĩa là bệnh đã tiến đến giai đoạn rất khó điều trị dứt điểm, các phương pháp điều trị có thể làm giảm triệu chứng tạm thời mà không thể chữa khỏi hoàn toàn nên dễ dàng tái phát nhiều lần, càng gây khó khăn cho điều trị.

Do đó, điều trị viêm đại tràng mãn tính cần đảm bảo nguyên tắc chung là kết hợp điều trị nội khoa toàn diện, thay đổi chế độ sinh hoạt, ăn uống, làm việc phù hợp.

Tùy theo tình trạng bệnh và thể trạng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra liệu trình điều trị phù hợp, bao gồm thuốc nội khoa kết hợp với chế độ sinh hoạt.

Thuốc được sử dụng trong điều trị viêm đại tràng mãn tính thường là kết hợp thuốc phục hồi tổn thương và thuốc loại trừ nguyên nhân gây bệnh cũng như tái phát bệnh như: thuốc kháng sinh chống nhiễm trùng, thuốc chống ký sinh trùng, chống nấm, chống tiêu chảy, chống loạn khuẩn, thuốc giảm đau và chống co thắt...

6. Phòng ngừa viêm đại tràng mãn tính

Cùng với việc điều trị, bệnh nhân cần lưu ý:

Chế độ sinh hoạt lành mạnh

  • Kiểm soát stress, căng thẳng, lo lắng, bởi điều này kéo dài gây trầm cảm hay giảm nhu động ruột, đảm bảo tinh thần vui vẻ, thoải mái, lành mạnh.
  • Ngoài ra, tăng cường vận động thể dục thể thao tăng cường sức khỏe và sức đề kháng, uống nhiều nước kết hợp xoa bóp nhẹ vùng thượng vị để kích thích tăng nhu động ruột.

Đảm bảo chế độ ăn hợp lý, lành mạnh

  • Nên ăn nhiều thực phẩm tốt cho đại tràng và sự phục hồi như sữa đậu nành, gạo, khoai tây, cá, tăng cường rau xanh, trái cây, củ quả giàu chất xơ, chuối đu đủ giàu Kali...
  • Hạn chế ăn các loại thực phẩm còn tươi sống như nem chua, tiết canh, rau sống, gỏi các loại, lòng heo... tránh nhiễm khuẩn đường ruột.
  • Hạn chế ăn trứng, nem rán, thịt mỡ, sữa... cùng các chất gây kích thích đường ruột như cà phê, rượu bia, thuốc lá, những đồ ăn chiên nóng khó tiêu. Nên ăn thức ăn dễ tiêu, chia thành nhiều bữa nhỏ, ăn ít vào buổi tối để giảm gánh nặng cho đường ruột.
  • Dù đảm bảo chế độ ăn uống lành mạnh nhưng điều trị bệnh vẫn cần đủ thành phần dinh dưỡng, đảm bảo 1g chất đạm, 30 - 35 kcal cho mỗi 1kg cân nặng mỗi ngày, đồng thời giảm chất béo, tăng cung cấp nước, vitamin và muối khoáng.

Viêm đại tràng mãn tính có những biểu hiện khó chịu tiêu hóa khác nhau, và cách xử lý như sau:

  • Khi bị táo bón: Chế độ ăn cần tăng chất xơ, chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ, giảm chất béo.
  • Khi bị tiêu chảy: Giảm ăn chất xơ thể tránh thành ruột toornt hương, không ăn trái cây khô, đóng hộp, cần bỏ vỏ trái cây tươi, không ăn rau sống, nên ăn trái cây xay nhừ.

Bên cạnh đó, các loại thuốc kháng viêm, giảm đau như: Naprosyn, Voltaren, Aspirin, Ibuprofen, Feldene... cũng có thể tác động làm tăng tổn thương đại tràng, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ khi đang cần sử dụng những loại thuốc này.

7. Biến chứng của viêm đại tràng mãn tính

Bệnh nhân càng cao tuổi, bệnh càng diễn tiến lâu dài thì nguy cơ dẫn tới biến chứng nguy hiểm càng cao.

Xuất huyết ồ ạt

  • Viêm đại tràng mãn tính nên niêm mạc đại tràng đã tổn thương không được phục hồi vô cùng yếu ớt, lại viêm nhiễm nghiêm trọng, lớp lông nhung trơ trụi. Do đó, sau khi chịu những tác nhân kích thích như dùng rượu bia, ăn thực phẩm kém vệ sinh hay sử dụng kháng sinh quá mức... sẽ gây xuất huyết ồ ạt hoặc đại tràng nhiễm độc.

Thủng đại tràng

  • Viêm đại tràng mãn tính sau các đợt điều trị kháng sinh khiến cho lợi khuẩn đường ruột bị tiêu diệt, lớp lông nhung trơ trọi. Vì thế mà các vết Viêm loét đại tràng ăn sâu vào bào mỏng thành đại tràng, tiếp tục phát triển và đến một lúc nào đó sẽ gây thủng đại tràng. Thủng đại tràng nếu không được cứu chữa kịp thời thì nguy hiểm đe dọa đến tính mạng rất nguy hiểm.

Giãn đại tràng cấp tính

  • Viêm đại tràng mãn tính làm chức năng tiêu hóa của đại tràng suy giảm, không chỉ một vài tổn thương mà toàn bộ cấu trúc bị giãn, dẫn đến nguy cơ loét và thủng nguy hiểm. Biến chứng giãn đại tràng cấp tính có thể khiến bệnh nhân bị đau bụng dữ dội, hôn mê, không được cấp cứu kịp thời thì tỉ lệ tử vong rất lớn.

Ung thư đại tràng

  • Biến chứng nguy hiểm không kém của Viêm đại tràng mãn tính là ung thư đại tràng, và tỉ lệ biến chứng này ở nước ta là rất lớn, theo thống kê năm 2015 của Bộ y tế là đến 20%.

Viêm đại tràng mãn tính là niêm mạc đại tràng viêm loét kéo dài, tát phát liên tục, khiến tế bào biểu mô niêm mạc có nguy cơ loạn sản, chuyển sang tế bào ác tính, sau đó phát triển sang ung thư đại tràng, quá trình phát triển tích lũy kéo dài 7 – 10 năm.

9. Ngăn ngừa biến chứng viêm đại tràng mãn tính

Viêm đại tràng mãn tính là bệnh đã chuyển sang giai đoạn rất khó điều trị, cần sự kiên trì và tuân thủ nghiêm ngặt chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt lành mạnh. Trong liệu trình điều trị, qua các Xét nghiệm chẩn đoán, bác sĩ sẽ xác định tình trạng tổn thương của đại tràng và từ đó sẽ sử dụng thuốc ngăn ngừa biến chứng. Trên thị trường cũng có nhiều loại thuốc, thực phẩm Dinh dưỡng ngăn ngừa biến chứng Viêm đại tràng mãn tính, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

Bên cạnh đó, bệnh nhân viêm đại tràng mãn tính cần đảm bảo chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học:

Chế độ dinh dưỡng

  • Các loại thực phẩm được khuyên dùng là: Gạo, khoai tây, thịt nạc, sữa không có lactose, cá, các loại rau xanh, hoa quả...
  • Các loại thực phẩm cần hạn chế là đồ xào rán, thực phẩm khó tiêu hóa như trứng, sữa, thịt mỡ, hành sống... và các chất kích thích như rượu, bia, nước ngọt có ga...
  • Đồng thời tránh ăn các thực phẩm có thể khiến vi khuẩn, nấm... xâm nhập gây hại như thức ăn sống, gỏi, rau sống, tiết canh...

Chế độ sinh hoạt

  • Nếu tính chất công việc quá căng thẳng, bạn có thể điều hòa tâm trạng bằng cách tập thể dục hoặc áp dụng kỹ thuật thư giãn.
  • Cần luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên để tăng cường sức khỏe cơ thể, sức đề kháng để phục hồi bệnh tốt hơn, tránh các tác nhân gây bệnh, ngoài ra còn có tác dụng cải thiện tâm trạng cho bệnh nhân rất tốt. Các môn thể dục thể thao được khuyên chọn cho bệnh nhân viêm đại tràng mãn tính gồm: đi dạo, bơi lội, nhảy múa, leo cầu thang, yoga, đạp xe...

Viêm đại tràng mãn tính nếu không được điều trị kịp thời thì hoàn toàn có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm không ngờ, ảnh hưởng đến không chỉ chất lượng sống mà còn cả tính mạng của bệnh nhân.

 

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung