1. Viêm gan lây qua đường nào?
Trong số các bệnh về gan, có 4 loại chính được nhiều người biết đến là viêm gan, gan nhiễm mỡ, Xơ gan và ung thư gan. Bệnh sẽ không có khả năng lây nhiễm nếu nguyên nhân bắt nguồn từ thói quen sống, như lạm dụng bia rượu, thuốc lá, chế độ ăn uống không hợp lý,... Tuy nhiên, các bệnh viêm gan do virus thì nguy cơ lây nhiễm tương đối cao.
Có đến 6 loại virus khác nhau là nguyên nhân của các bệnh lý về gan, bao gồm virus viêm gan A, B, C, D, E và G. Trong đó, hai loại phổ biến và nguy hiểm nhất là virus Viêm gan B và virus viêm gan C. Mỗi loại virus sẽ có con đường lây nhiễm riêng biệt, khi xâm nhập vào cơ thể sẽ xảy ra 2 trường hợp sau:
- Trường hợp 1: Virus không hoạt động, do đó mức độ lây nhiễm sẽ thấp;
- Trường hợp 2: Virus tấn công mạnh vào gan nên khả năng lây nhiễm lớn.
Nhận biết được viêm gan lây qua đường nào sẽ giúp chúng ta có biện pháp phòng tránh bệnh hiệu quả hơn. Cụ thể, Viêm gan A và E sẽ lây qua con đường ăn uống:
- Viêm gan A: Lây lan khi thường xuyên ăn thực phẩm bẩn, không nấu chín, không hợp vệ sinh hoặc dùng chung dụng cụ ăn uống. Ngoài ra, tiếp xúc với các đồ vật nhiễm phân của bệnh nhân viêm gan A cũng tạo khả năng lây nhiễm.
- Viêm gan E: Cũng tương tự như trên, viêm gan E sẽ lây từ người sang người qua đường tiêu hóa. Nguồn thực phẩm bẩn và nước uống ô nhiễm sẽ tạo điều kiện cho virus xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh.
Trong khi đó, bệnh do virus viêm gan B, C và D sẽ có những con đường lây nhiễm khác như sau:
- Đường máu
Phần lớn cả 3 loại viêm gan B, C và D đều lây nhiễm qua đường máu, cụ thể là trong quá trình truyền máu, tiêm chích hoặc phẫu thuật. Sử dụng chung dụng cụ cá nhân, như dao cạo râu hoặc bàn chải đánh răng có dính máu, cũng sẽ khiến virus xâm nhập vào cơ thể qua vết trầy xước.
- Mẹ truyền sang con
Phụ nữ Mang thai bị nhiễm virus viêm gan sẽ truyền sang cho em bé trong bụng. Trong 3 tháng đầu, tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con là 2%, tam cá nguyệt thứ 2 là 10% và tăng lên 70% vào 3 tháng cuối thai kỳ. Nguy cơ lây nhiễm virus Viêm gan B và C trong khi mang thai sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của thai nhi.
- Đường tình dục
Quan hệ Tình dục không an toàn sẽ tăng nguy cơ lây nhiễm virus viêm gan, nhất là virus viêm gan C có ở trong tinh dịch của đàn ông. Do đó, mọi người cần áp dụng các biện pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục.
2. Viêm gan C lây qua đường hô hấp không?
Viêm gan C là một bệnh Truyền nhiễm về gan nguy hiểm, do Hepatitis C virus (HCV) gây nên. Loại virus này thường lây truyền qua đường máu, vì vậy bạn phải tiếp xúc với máu của người bệnh thì mới bị nhiễm. Trong đó, cách truyền bệnh viêm gan C phổ biến nhất là: tiêm thuốc bằng kim bị nhiễm virus, tái sử dụng các thiết bị y tế chưa được khử trùng, nhận truyền máu không được sàng lọc đầy đủ. Những con đường truyền viêm gan C ít phổ biến hơn bao gồm: tiếp xúc với ống tiêm nhiễm máu có chứa virus, quan hệ Tình dục với người bệnh, truyền giữa mẹ và con, sử dụng chung vật dụng cá nhân có tiếp xúc với máu....
Trả lời cho câu hỏi “Viêm gan C lây qua đường hô hấp không?”, các bác sĩ chuyên khoa cho biết bệnh không truyền nhiễm qua con đường này. Nghĩa là việc tiếp xúc, nói chuyện thông thường hoặc bắt tay với người bệnh sẽ không tạo nguy cơ lây lan virus. Do đó, nếu trong gia đình có người thân mắc viêm gan C, bạn vẫn có thể yên tâm và thoải mái sống chung vì căn bệnh này không lây nhiễm qua đường thở.
Tuy nhiên, vẫn cần phải thận trọng vì việc tiếp xúc trực tiếp và quá gần gũi với nước bọt của bệnh nhân viêm gan sẽ tạo nguy cơ lây nhiễm, mặc dù khá hiếm gặp. Ví dụ, nếu bạn hôn sâu vào bên trong khoang miệng người bệnh đang bị viêm loét, chảy máu thì xác suất lây nhiễm là khá cao.
Nhìn chung, tuyến nước bọt của người bệnh là con đường có khả năng lây truyền virus, nên mọi người nên chú ý để phòng tránh bệnh hiệu quả.
3. Phòng ngừa viêm gan C
Làm sao để phòng ngừa viêm gan C hiệu quả là vấn đề được nhiều người quan tâm. Để ngăn ngừa sự lây nhiễm của virus này, các chuyên gia thường khuyến nghị:
- Chế độ ăn uống lành mạnh: Nên tiêu thụ nhiều rau xanh, trái cây để bổ sung vitamin và khoáng chất giúp cơ thể tăng sức đề kháng, chống lại tác nhân gây bệnh. Ví dụ như rau mồng tơi, súp lơ, cải xoăn, nước ép trái cây thanh nhiệt cơ thể và giải độc gan, giúp gan hoạt động khỏe mạnh. Giảm ăn đồ cay nóng, dầu mỡ và những món nhiều cholesterol có hại cho gan.
- Giữ vệ sinh cá nhân và an toàn thực phẩm: Để tránh lây nhiễm virus, cần rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn, sử dụng nguồn thực phẩm sạch, ăn chín uống sôi để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh.
- Tránh xa chất kích thích: Lạm dụng cà phê, thuốc lá hoặc rượu bia lâu ngày sẽ làm tích tụ các chất độc hại, dẫn đến suy giảm hệ miễn dịch. Ngoài ra, cũng nên tránh lạm dụng thuốc, tự ý mua thuốc uống mà không có chỉ định của bác sĩ. Thói quen này sẽ gây suy gan, rối loạn chức năng gan và tạo điều kiện cho virus gây bệnh.
- Ngủ đúng giờ, không thức khuya: Ngủ không đủ giấc và thức khuya thường xuyên sẽ làm ảnh hưởng xấu đến chức năng gan.
- Tập thể dục: Vận động thường xuyên giúp nâng cao sức khỏe nói chung và chức năng gan nói riêng
- Không dùng chung các vật dụng cá nhân: Các món đồ có thể dính máu cũng có nguy cơ lây nhiễm virus, như kim tiêm, dụng cụ xăm hình, xăm môi, bàn chải đánh răng, dao cạo râu, kềm bấm móng tay,...
- Quan hệ tình dục an toàn: Dùng biện pháp bảo vệ như bao cao su, quan hệ một vợ một chồng để tránh lây nhiễm.
- Tiêm vắc-xin: Chủng ngừa vắc-xin là cách chủ động phòng ngừa các virus gây bệnh gan đơn giản và hiệu quả. Tuy nhiên hiện chưa có vắc-xin đặc hiệu cho viêm gan C, vì vậy việc ngăn chặn sự lây truyền của virus là điều rất quan trọng.
Bệnh gan do virus sẽ rất nguy hiểm nếu được không phát hiện và điều trị kịp thời, lâu dần sẽ dẫn đến viêm gan mạn tính, tăng nguy cơ xơ gan, suy gan, hay thậm chí là ung thư gan. Vì vậy, không nên có thái độ chủ quan, thay vào đó cần tuân thủ chặt chẽ các biện pháp phòng ngừa viêm gan C để hạn chế nguy cơ bị lây nhiễm. Người mắc bệnh cần điều trị càng sớm càng tốt để ngăn ngừa tổn thương hoặc biến chứng gan nghiêm trọng.