Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Viêm họng mạn tính là bệnh gì? Nguyên nhân và cách điều trị

18/10/2021
Viêm họng mạn tính là bệnh gì? Nguyên nhân và cách điều trị

Viêm họng mãn tính xuất phát từ viêm họng cấp kéo dài, gây ảnh hưởng đến việc ăn uống, sinh hoạt hàng ngày. Nếu không có biện pháp điều trị viêm họng phù hợp thì sẽ dẫn đến viêm họng mãn tính dai dẳng kéo dài, dễ tái phát làm cơ thể mệt mỏi, làm việc kém hiệu quả và ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt hàng ngày.

1. Viêm họng mạn tính là gì?

Viêm họng mạn tính là Tình trạng viêm họng xảy ra lặp đi lặp lại nhiều lần. Tình trạng này có thể là kết quả của nhiều bệnh lý khác nhau, trong đó có những tình trạng nhiễm trùng nguy hiểm.

Viêm họng mạn tính xuất phát từ viêm họng cấp kéo dài, gây ảnh hưởng đến việc ăn uống, nghỉ ngơi và các sinh hoạt hàng ngày. Nếu không có biện pháp điều trị viêm họng phù hợp thì sẽ dẫn đến viêm họng mãn tính. Không như viêm họng thông thường sẽ giảm dần sau một vài ngày, Viêm họng mạn tính có thể kéo dài hơn 3 – 4 tuần.

Các dấu hiệu viêm họng mạn tính thường được nhận thấy ở người bệnh là:

  • Sốt
  • Ho
  • Khó nuốt
  • Khàn tiếng
  • Đau đầu
  • Khó chịu hoặc đau ở cổ họng
  • Cảm giác Ngứa ngáy trong cổ họng
  • Cảm giác như có dị vật trong cổ họng

2. Nguyên nhân gây viêm họng mãn tính

  • Các dạng dị ứng: Là nguyên nhân gây viêm họng mạn tính. Các chất gây dị ứng phổ biến thường là thực phẩm, lông thú cưng, bụi, phấn hoa... Bạn đặc biệt sẽ dễ bị viêm họng mạn tính nếu bị dị ứng với những thứ mình hít phải (phấn hoa, bụi, nước hoa, nấm mốc...).
  • Hội chứng chảy dịch mũi sau: Hội chứng chảy dịch mũi sau xuất hiện khi có lượng chất nhầy dư thừa chảy ra từ xoang vào phía sau cổ họng, khiến cổ họng bị khô và đau rát. Tình trạng này có thể được kích hoạt do thời tiết thay đổi, các loại thuốc điều trị, thực phẩm cay, vách ngăn mũi lệch, các dạng dị ứng, không khí khô...
  • Thở bằng miệng: Thường xuyên thở bằng miệng, đặc biệt là khi ngủ thì, sẽ rất dễ dẫn đến Tình trạng viêm họng mạn tính. Khi ấy, cơn đau họng thường xuất hiện vào buổi sáng và thuyên giảm dần trong ngày khi bạn uống nhiều nước hơn.
  • Trào ngược dạ dày thực quản: Trào ngược dạ dày thực quản hay trào ngược axit là tình trạng xảy ra khi cơ vòng dưới thực quản (LES) trở nên suy yếu và không thể đóng chặt lại, khiến những chất trong dạ dày sau đó sẽ đi ngược trở lại vào thực quản. Đôi khi trào ngược dạ dày thực quản có thể dẫn đến đau họng.
  • Viêm amidan: Nếu bạn bị đau họng kéo dài và không có cách nào làm thuyên giảm thì nhiều khả năng là do tình trạng viêm amidan gây nên. Thông thường, viêm amidan được chẩn đoán ở trẻ em, nhưng bạn vẫn có thể bị viêm amidan ở những lứa tuổi khác. Viêm amidan thường là do nhiễm trùng bởi vi khuẩn hoặc virus.
  • Bệnh bạch cầu đơn nhân: Do nhiễm virus Epstein-Barr (EBV). Mặc dù bệnh có thể kéo dài đến 2 tháng nhưng trong nhiều trường hợp, bệnh không diễn biến nghiêm trọng. Người bệnh mắc bệnh bạch cầu đơn nhân có thể bị viêm họng kéo dài trong suốt giai đoạn nhiễm trùng.
  • Bệnh lậu: Bệnh Lậu là một dạng bệnh lây truyền qua đường Tình dục (STI) do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae gây ra. Nhiễm trùng Lậu ở cổ họng vẫn có thể xảy ra do quan hệ tình dục bằng miệng không được bảo vệ.
  • Ô nhiễm không khí
  • Áp xe quanh amidan: Áp xe quanh amidan là một bệnh nhiễm trùng vi khuẩn nghiêm trọng trong amidan có thể gây đau họng nghiêm trọng kéo dài.

3. Cách chữa viêm họng mãn tính

Việc sử dụng thuốc chữa viêm họng mạn tính nhằm ức chế sự phát triển của các bệnh lý liên quan là nguyên nhân gây bệnh. Bác sĩ sẽ đưa biện pháp điều trị phù hợp tùy theo mức độ bệnh. Bác sĩ thường sẽ chỉ định một số loại thuốc bên dưới đây để điều trị chứng viêm họng mạn tính bằng các thuốc kháng sinh theo từng căn nguyên. Kết hợp điều trị đồng thời các bệnh lý là tác nhân gây ra bệnh.

Người bệnh viêm họng mạn tính không nên chủ quan tự mua thuốc uống bởi có thể dẫn đến tình trạng nhờn thuốc hay kháng thuốc. Bệnh viêm họng mạn tính khó chữa trị dứt điểm nhưng một số cách dưới đây có thể giúp hạn chế sự tái phát của bệnh.

  • Uống nhiều nước: Khi bị viêm họng, bạn nên tìm cách bổ sung nhiều nước để giữ ẩm cho cổ họng. Nước cũng rất cần thiết để giúp loại bỏ bớt vi khuẩn ở cổ họng. Nước lọc để nguội là tốt nhất cho sức khỏe và giúp bạn nhanh khỏi cơn đau họng kéo dài. Bạn cũng có thể mang theo một chai nước để gần giường ngủ để việc đầu tiên bạn làm sau khi thức dậy là uống nước.
  • Xông mũi họng: Khi xông mũi họng, bạn có thể dùng những loại lá cây có chứa tinh dầu như lá khuynh diệp, lá sả, bạc hà, lá chanh, lá tía tô, lá ổi, lá kinh giới... Bạn chỉ cần cho các loại lá vào nồi, đổ đầy nước, đậy kín nắp đun sôi rồi đem xông khoảng 10-15 phút để sát trùng khu vực mũi – họng và giảm bớt sự khó chịu.
  • Súc miệng bằng nước muối: Nước muối giúp tiêu diệt vi khuẩn, đồng thời mang thêm nhiều tế bào bạch cầu đến khu vực bị nhiễm trùng. Nếu bạn có công việc phải nói nhiều mà lại bị đau họng, cách súc miệng nước muối sẽ làm dịu dây thanh âm để bạn nhanh chóng lấy lại giọng. Sau khi súc miệng với nước muối, bạn nhớ súc miệng lại bằng nước sạch để tránh làm thay đổi môi trường pH trong miệng.
  • Ngậm viên chữa đau họng: Viên ngậm chữa đau họng giúp kích thích tăng tiết nước bọt, tăng tính giữ ẩm giúp khu vực họng không bị khô. Trong thành phần của đa số viên ngậm giảm đau họng đều có chứa thành phần giúp tăng cường hệ miễn dịch của bạn như vitamin C, pectin, kẽm...
  • Uống nước trà nóng: Nước trà nóng có tác dụng sát khuẩn và làm dịu cổ họng. Nếu thêm vào một ít mật ong hoặc gừng thì sẽ tăng cường sức đề kháng, giúp giảm cơn đau họng hiệu quả. Tuy nhiên, điều đặc biệt cần lưu ý là bạn chỉ nên uống nước trà ấm vừa phải để tránh viêm trở nên nặng hơn.
  • Cần vệ sinh răng, miệng, họng hằng ngày như đánh răng, súc họng bằng nước muối loãng. Thay bàn chải định kỳ. Khi có các bệnh về răng, miệng, xoang, mũi... cần được điều trị dứt điểm tránh để mầm bệnh tồn tại và lây lan vào vùng họng hầu và vệ sinh răng miệng, họng hầu cũng để khai thông đường thở, làm cho thở thông thoáng, nhẹ nhàng hơn.
  • Nên đeo khẩu trang khi ra đường để tránh bụi vì trong bụi có vô vàn vi sinh vật gây bệnh, ngoài ra đeo khẩu trang còn có nhiều tác dụng khác như hạn chế hít phải không khí ô nhiễm khi đi qua vùng không khí không được sạch. Những người hay bị viêm họng không nên uống nước lạnh quá hoặc nước đá, đặc biệt là mùa hè hay dùng trong giải khát như bia lạnh, nước giải khát ướp lạnh...
  • Giữ ấm cho cơ thể
  • Lên lịch nghỉ ngơi hợp lý
  • Duy trì chế độ ăn uống đủ chất
  • Không đứng gần người đang mắc bệnh
  • Không dùng chung chén, muỗng, đũa...

Viêm họng mạn tính gây ảnh hưởng đến sức khỏe, làm cản trở các hoạt động sinh hoạt thường ngày và cũng rất khó điều trị. Bạn nên sớm đến bác sĩ để được chẩn đoán ngay khi có những dấu hiệu bất thường ở vùng họng. Khi thầy thuốc khám bệnh và xác định có viêm họng, cần điều trị thật nghiêm túc, đúng phác đồ.

Những loại kháng sinh thầy thuốc kê đơn, người bệnh cần dùng đúng liều, đúng thời gian. Không nên tự mua thuốc để điều trị ngay cả các thuốc điều trị triệu chứng, đặc biệt là kháng sinh để tránh vi khuẩn nhờn thuốc (kháng thuốc) làm cho những đợt viêm họng sau này rất khó điều trị. Ngoài ra, hãy chú ý đến những thói quen trong sinh hoạt hàng ngày để chủ động phòng tránh viêm họng mạn tính từ sớm.