1. Tìm hiểu về hang vị dạ dày và viêm xung huyết hang vị dạ dày
1.1 Hang vị dạ dày nằm ở đâu, có chức năng gì?
Về mặt giải phẫu, dạ dày được chia thành nhiều phần gồm tâm vị, phình vị, thân vị, hang vị và hang môn vị.
Hang vị nằm ở vị trí từ bờ cong nhỏ dạ dày tới lỗ môn vị, có kích thước 3 - 5cm. Hang vị làm nhiệm vụ hỗ trợ cắt thức ăn thành từng mảnh nhỏ, giúp cơ thể dễ dàng chuyển hóa và hấp thu các chất dinh dưỡng. Thức ăn hầu như luôn chứa ở hang vị nên khu vực này rất dễ bị viêm nhiễm.
1.2 Viêm xung huyết hang vị dạ dày mức độ vừa là gì?
Viêm xung huyết hang vị dạ dày là tình trạng niêm mạc hang vị dạ dày bị viêm loét, khiến các mạch máu ở vùng đó bị giãn nở do ứ máu và có màu đỏ hơn các vùng khác.
Khi các vết loét bị xung huyết ngày càng phát triển mà không được chẩn đoán, điều trị kịp thời thì sẽ dẫn đến chảy máu, có nguy cơ gây thủng hang vị, xuất huyết, thậm chí là ung thư dạ dày, khiến bệnh nhân tử vong.
Viêm xung huyết hang vị dạ dày được chia thành các mức độ là nhẹ, vừa và nặng. Viêm xung huyết hang vị vừa là loại tổn thương thường gặp trong các vấn đề ở dạ dày với dấu hiệu vùng hang vị có các vết hồng ban dạng đốm.
2. Triệu chứng bệnh viêm xung huyết hang vị mức độ vừa
Ở mức độ nhẹ, bệnh nhân Viêm xung huyết hang vị dạ dày chỉ có triệu chứng nổi bật là đau vùng thượng vị, hiếm khi có các triệu chứng lâm sàng khác. Tuy nhiên, khi bệnh chuyển sang giai đoạn vừa, các triệu chứng bệnh bắt đầu xuất hiện rõ rệt như:
- Buồn nôn, nôn ói, đầy hơi, chướng bụng: Hang vị dạ dày bị viêm, các mao mạch trong dạ dày phình to khiến quá trình tiêu hóa thức ăn bị cản trở. Thức ăn không được phân giải ngay sẽ bị ứ đọng, cùng với lượng axit dư thừa trong dạ dày gây buồn nôn hoặc trào ngược dạ dày - thực quản;
- Ợ hơi, ợ chua: Bệnh nhân hay bị ợ hơi, ợ chua, xảy ra từng cơn hoặc liên tục. Triệu chứng này khiến vùng ngực và cổ họng bị đau rát, cơ thể mệt mỏi;
- Đau rát vùng thượng vị: Người bệnh có thể bị đau từng cơn, đau gợn nhẹ hoặc đau âm ỉ kéo dài, cơn đau tăng lên khi về đêm, sau khi ăn no hoặc khi thời tiết thay đổi. Một số trường hợp bị đau thắt dữ dội, cơn đau có thể lan lên ngực, vai và sau lưng;
- Da xanh tái: Khi thức ăn không được tiêu hóa một cách bình thường, dạ dày sẽ không thể hấp thụ được hết các chất Dinh dưỡng từ thực phẩm, khiến cơ thể thiếu chất, da dẻ xanh xao hơn. Đồng thời, viêm xung huyết hang vị dạ dày cũng khiến bệnh nhân dễ bị sụt cân nhanh.
Khi nội soi, quan sát niêm mạc hang vị dạ dày, bác sẽ sẽ thấy xuất hiện các vết hồng ban trên niêm mạc hang vị. Đây là triệu chứng cận lâm sàng đặc trưng giúp phân biệt viêm xung huyết hang vị dạ dày mức độ vừa với các bệnh dạ dày khác.
Với trường hợp Viêm hang vị dạ dày mức độ nặng, các triệu chứng tương tự như bệnh ở mức độ vừa nhưng có tính chất trầm trọng hơn.
3. Nguyên nhân gây viêm xung huyết hang vị dạ dày
- Nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori;
- Căng thẳng Tâm lý thường xuyên, trạng thái tinh thần không ổn định;
- Sử dụng thuốc giảm viêm, giảm đau không đúng cách;
- Sử dụng nhiều rượu, bia, thuốc lá, cà phê,... làm bào mòn lớp nhầy bảo vệ thành dạ dày và làm tăng dịch vị, khiến niêm mạc hang vị bị viêm;
- Có chế độ ăn uống không khoa học: Thường xuyên bỏ bữa, ăn quá bữa, không tập trung khi ăn uống,... tạo áp lực khiến dạ dày phải tiết nhiều dịch axit để tiêu hóa thức ăn;
- Nhiễm nấm Candida.
4. Biến chứng của viêm xung huyết dạ dày mức độ vừa
Khi mới chớm bị viêm xung huyết dạ dày mức độ vừa, việc điều trị không quá khó khăn nếu bệnh nhân thực hiện theo đúng chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, về lâu dài, nếu không được điều trị thì vùng hang vị có thể bị chảy máu tùy mức độ như:
- Chảy máu nhẹ - bình thường: Bệnh nhân có biểu hiện đau bụng, đi ngoài phân màu đen như bã cà phê hoặc màu mận chín, phân có mùi khó chịu;
- Chảy máu nghiêm trọng: Đau bụng dữ dội, chóng mặt, đổ mồ hôi hột, da tái xanh, tụt huyết áp, có thể bị Ngất xỉu hoặc sốc, nôn ra máu đỏ tươi hoặc máu cục và đi ngoài ra máu tươi.
Bệnh có thể dẫn tới nhiều biến chứng nghiêm trọng như thủng dạ dày, ung thư dạ dày.
5. Điều trị viêm xung huyết hang vị dạ dày mức độ vừa
5.1 Sử dụng thuốc Tây
- Bệnh nhân cần được làm Xét nghiệm để xác định xem có bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori hay không. Nếu bệnh do vi khuẩn Helicobacter Pylori thì sẽ được điều trị bằng kháng sinh, kết hợp với thuốc trung hòa axit trong dịch vị dạ dày, thuốc băng se niêm mạc dạ dày và thuốc nuôi dưỡng niêm mạc dạ dày;
- Đối với trường hợp viêm xung huyết hang vị dạ dày do dùng thuốc kháng viêm, thuốc giảm đau sai cách thì nên ngừng dùng thuốc hoặc đổi sang sử dụng các loại thuốc khác phù hợp hơn;
- Với trường hợp hang vị dạ dày bị viêm xung huyết do thói quen ăn uống hoặc tâm lý căng thẳng thì cần thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt để hỗ trợ điều trị bệnh, phòng bệnh tái phát.
Bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm túc phác đồ điều trị của bác sĩ và không được ngưng điều trị giữa chừng, tự ý đổi thuốc mà chưa có sự cho phép của bác sĩ để tránh tình trạng không thể chữa khỏi bệnh triệt để.
5.2 Sử dụng các bài thuốc dân gian
- Nghệ: Trộn bột nghệ với 3 thìa mật ong theo lượng phù hợp, dùng 3 lần mỗi ngày trước bữa ăn. Duy trì sử dụng bài thuốc này trong khoảng 15 ngày sẽ thấy cải thiện rõ rệt các triệu chứng của bệnh;
- Trà gừng: Cho một lát gừng tươi vào cốc nước nóng, hòa thêm một lượng nhỏ mật ong, để khoảng 5 - 10 phút rồi uống khi nước còn ấm. Trà gừng mật ong có tác dụng giảm nhanh tình trạng đau bụng, hỗ trợ phục hồi các tổn thương ở dạ dày;
- Mật ong + nha đam: Lột vỏ lá nha đam, chỉ lấy phần gel bên trong, cắt thành miếng nhỏ, xay nhuyễn rồi trộn đều với một chút mật ong. Mỗi ngày sử dụng 2 - 3 lần hỗn hợp trên, mỗi lần 30ml để hỗ trợ điều trị viêm xung huyết hang vị dạ dày.
6. Biện pháp phòng ngừa viêm xung huyết hang vị dạ dày
- Ăn uống đúng giờ và điều độ, không nên ăn quá nhanh, không ăn quá no và không để bụng đói, ưu tiên các thức ăn mềm, dễ tiêu và uống nhiều nước;
- Tránh sử dụng rượu, bia, cà phê, thuốc lá, đồ uống có ga,...;
- Bổ sung thêm rau xanh, trái cây tươi vào chế độ ăn;
- Tránh đồ ăn cay nóng, cứng, nhiều dầu mỡ hoặc thực phẩm chế biến sẵn;
- Sau ăn không nên vận động ngay lập tức mà cần nghỉ ngơi khoảng 30 phút rồi mới tập luyện;
- Giữ tâm trạng thoải mái, lạc quan, tránh căng thẳng, lo âu;
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện, điều trị bệnh.
Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, tích cực, viêm xung huyết hang vị mức độ vừa có thể tiến triển nặng thêm, làm tăng nguy cơ biến chứng. Do vậy, khi thấy cơ thể có các biểu hiện bất thường cảnh báo bệnh, người bệnh nên đi khám để được điều trị kịp thời.