1. Calprotectin là gì?
Calprotectin là một phức hợp protein được cấu tạo từ calci và kẽm liên kết với protein, có khả năng kìm chế sự phát triển của vi khuẩn. Nó chiếm hơn 60% tổng số protein trong bào tương của bạch cầu trung tính, xâm nhập vào niêm mạc ruột như một phần của đáp ứng viêm. Do đó, các bệnh đường tiêu hóa thường gây tăng Calprotectin trong phân. Nồng độ Calprotectin trong phân phản ánh số lượng bạch cầu xuất hiện và cung cấp thông tin giá trị biểu hiện cho Tình trạng viêm đường tiêu hóa. Định lượng Calprotectin là một trong những công cụ chẩn đoán nhanh, hiệu quả và theo dõi điều trị đối với các bệnh đường tiêu hóa như viêm đại tràng.
2. Chỉ định Calprotectin khi nào ?
- Bệnh nhân có biểu hiện viêm đường tiêu hóa, Rối loạn tiêu hóa như thay đổi thói quen đại tiền, thay đổi số lần đại tiện, thay đổi khuôn phân và tính chất của phân như rắn, lỏng, táo bón, đau bụng tái diễn...
- Chẩn đoán phân biệt viêm đại tràng và hội chứng ruột kích thích.
Viêm đại tràng (IBD) là một Tình trạng viêm mạn tính bao gồm loét đại tràng và bệnh Crohn. Triệu chứng bệnh là các cơn đau bụng và tiêu chảy mãn tính hoặc tái phát. Các biểu hiện lâm sàng của IBD không đặc hiệu và các triệu chứng tương tự như các bệnh khác như Hội chứng ruột kích thích (IBS), đòi hỏi phải có Nội soi để xác nhận chẩn đoán. Phương pháp định lượng không xâm lấn Calprotectin trong phân được cân nhắc như một công cụ hữu ích để sàng lọc và phân biệt IBD và IBS, giúp giảm chỉ định nội soi đại tràng.
3. Các chỉ số này như thế nào là bất thường? Khi nào cần lo lắng?
Ở bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích, calprotectin < 50 μg/g phân. Tuy nhiên cần loại trừ các bệnh lý huyết học gây giảm bạch cầu hạt dẫn đến giảm giả tạo Calprotectin trong phân.
Calprotectin 50-150 μg/g phân: cần loại trừ các yếu tố viêm khác như: Viêm dạ dày do sử dụng thuốc kháng viêm non-steroid (NSAIDs), ung thư đường tiêu hóa, bệnh lý túi thừa...Sau đó cần tiến hành định lượng lại calprotectin trong phân, nếu kết quả < 50 μg/g phân, bệnh nhân có thể chỉ mắc hội chứng ruột kích thích. Nếu kết quả vẫn 50-150 μg/g, cần chỉ định soi đại tràng để tìm nguyên nhân.
Calprotectin > 150 μg/g phân: Bệnh lý thực thể, cần Nội soi đại tràng để chẩn đoán xác định
Bệnh nhân viêm đại tràng thường có 2 giai đoạn bệnh: hoạt động (viêm) và không hoạt động (không tăng hoặc tăng nhẹ nồng độ calprotectin trong phân). Các giai đoạn này phải được cân nhắc khi giải thích kết quả của xét nghiệm Calprotectin. Các bệnh đường tiêu hóa khác, bao gồm nhiều bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa và ung thư đại tràng, có thể gây ra tình trạng tăng nồng độ Calprotectin. Do đó, chẩn đoán tình trạng viêm đại tràng phải được kết hợp nhiều loại xét nghiệm khác nhau và tình trạng lâm sàng của bệnh nhân.