1. Xét nghiệm NAT là gì
Xét nghiệm NAT sinh học phân tử (Nucleic acid test) là một trong những phương pháp kỹ thuật xét nghiệm tân tiến đang được sử dụng phổ biến rộng rãi trong ngành y học ngày nay. Thuật ngữ này dùng để nói về các Xét nghiệm nhằm phát hiện các loài, phân loài cụ thể của sinh vật ở mức độ phân tử như các đoạn acid nucleic, các gen hoàn chỉnh hay thậm chí là các bộ gen của vi sinh vật.
Kỹ thuật này ra đời vào cuối thế kỷ XX dựa trên nguyên lý phản ứng khuếch đại nhân lên gấp bội các vật liệu di truyền có nguồn gốc từ các virus gây bệnh và tăng khả năng phát hiện khi lượng virus này quá ít trong máu. Xét nghiệm NAT là một bước tiến nhảy vọt từ thành công của kỹ thuật nhận dạng và giải trình gen.
Kỹ thuật này nhằm giúp việc xác định nguyên nhân gây bệnh được nhanh chóng và chính xác hơn để phục vụ cho quá trình điều trị được hiệu quả hơn. Việc áp dụng NAT đã góp phần ngăn ngừa hữu hiệu nguy cơ lây truyền virus do người hiến máu nhiễm tác nhân gây bệnh ở giai đoạn cửa sổ.
2. Xét nghiệm NAT phát hiện sớm Viêm gan B – Viêm gan C
Tại phần lớn các Labo xét nghiệm hiện nay, việc phát hiện các virus lây qua đường truyền máu được thực hiện bằng các xét nghiệm Huyết thanh gián tiếp, thông qua sự có mặt của virus hoặc kháng thể của cơ thể phản ứng với virus.
Tuy nhiên, ở những bệnh nhân mới nhiễm bệnh, lượng virus còn quá ít, cơ thể chưa tạo ra kháng thể để chống lại virus thì các kỹ thuật xét nghiệm Huyết thanh học chưa thể phát hiện ra. Quãng thời gian này được gọi là giai đoạn cửa sổ. Do đó nguy cơ người nhận máu bị lây nhiễm một trong các bệnh lây qua đường truyền máu vẫn còn đó.
Chính vì thế, các cán bộ y tế luôn coi "giai đoạn cửa sổ” như một nỗi ám ảnh. Việc làm sao để có thể rút ngắn được "giai đoạn cửa sổ”, làm sao để phát hiện sớm nhất các bệnh lây qua đường truyền máu luôn là câu hỏi lớn, là nỗi trăn trở thường trực mỗi ngày.
Ngày 19/12/2014, lần đầu tiên ở Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương và cũng là ở Việt Nam, xét nghiệm sinh học phân tử (Nucleic acid test - NAT) được đưa vào sử dụng để sàng lọc các bệnh nguy hiểm lây qua đường truyền máu bao gồm viêm gan B, C và HIV. Kỹ thuật NAT là một bước đột phá, mở ra một kỷ nguyên mới về xét nghiệm sàng lọc đảm bảo an toàn truyền máu.
3. Tại sao xét nghiệm NAT phát hiện sớm Viêm gan B ?
Hiện nay phương pháp này được ứng dụng phổ biến trong chẩn đoán các bệnh lý như HIV, HBV, HCV ... Tại sao xét nghiệm NAT phát hiện sớm viêm gan B? Kỹ thuật này cho phép rút ngắn thời gian cửa sổ từ 90 ngày xuống còn từ 30 đến 40 ngày đối với viêm gan C, từ 60 ngày xuống còn 20 đến 30 ngày đối với viêm gan B.
Đặc biệt, NAT có thể phát hiện HIV chỉ 11 ngày sau khi nhiễm bệnh, trong khi với xét nghiệm điện hóa phát quang phải cần tới 20 ngày. Vì thế, NAT giúp phát hiện các mẫu máu dương tính với 3 loại vi rút trên trong giai đoạn cửa sổ sớm hơn, độ chính xác cao hơn các phương pháp cũ.
Bên cạnh đó, kỹ thuật NAT còn có thể phát hiện những trường hợp nhiễm virus thể ẩn, tức là những người đã nhiễm bệnh một thời gian dài, nhưng virus chỉ tồn tại tiềm tàng trong các tế bào và cơ thể người nhiễm không sản sinh ra kháng thể, do đó không thể phát hiện được bằng các xét nghiệm gián tiếp.
Xét nghiệm sinh học phân tử là một kỹ thuật xét nghiệm cao, đòi hỏi người thực hiện phải có chuyên môn nghiệp vụ cao, có kinh nghiệm , đồng thời chi phí thực hiện cũng khá tốn kém. Bởi vậy, xét nghiệm sinh học phân tử chỉ được chỉ định đưa ra khi các phương pháp kỹ thuật xét nghiệm truyền thống không đáp ứng hoặc không thể đưa ra được chẩn đoán chính xác cho phía điều trị.