Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Yếu tố nguy cơ gây ung thư vú mà phụ nữ không thể thay đổi

16/04/2021
Yếu tố nguy cơ gây ung thư vú mà phụ nữ không thể thay đổi

Tỷ lệ ung thư vú đã tăng lên vì cuộc sống hiện đại đã thay đổi môi trường cả bên ngoài lẫn bên trong cơ thể chúng ta. Những khác biệt chính giữa cuộc sống hiện đại và cuộc sống cách đây nửa thế kỷ giúp giải thích tại sao ung thư vú ngày càng trở nên phổ biến ngày nay. Dưới đây chúng tôi sẽ chia sẻ những kiến thức về các yếu tố nguy cơ về lối sống, các mối nguy hiểm môi trường mới xuất hiện cũng có thể làm tăng khả năng phát triển ung thư vú.

 

1. Ung thư vú là gì?

 

Ung thư vú là dạng u vú ác tính. Một khối u có thể là lành tính (không ung thư) hoặc ác tính (ung thư). Đa số các trường hợp ung thư vú bắt đầu từ các ống dẫn sữa, một phần nhỏ phát triển ở túi sữa hoặc các tiểu thùy. Ung thư vú nếu phát hiện và điều trị muộn có thể đã di căn vào xương và các bộ phận khác, đau đớn sẽ càng nhân lên.

 

2. Dấu hiệu cảnh báo ung thư vú

 

2.1. Đau vùng ngực

Vùng ngực có cảm giác đau âm ỉ, không có quy luật rõ ràng. Có nhiều khả năng đây là tín hiệu cảnh báo ung thư vú ác tính giai đoạn sớm. Nếu vùng ngực đau, nóng rát liên tục hoặc ngày càng dữ dội thì bạn nên cần đi khám ngay.

2.2. Thay đổi vùng da

Hầu hết những người mắc phải căn bệnh này thường thay đổi màu sắc và tính chất da ở vùng ngực. Vùng da thường có thể xuất hiện nhiều nếp nhăn hoặc lõm giống như lúm đồng tiền, vùng da xung quanh thường có mụn nước, Ngứa lâu không dứt điểm.

2.3. Sưng hoặc nổi hạch

Sưng hạch bạch huyết không chỉ là dấu hiệu của các bệnh thông thường như cảm cúm, nhiễm trùng mà còn cả bệnh ung thư vú. Nếu có khối u hoặc vết sưng đau dưới vùng da kéo dài trong vài ngày mà bạn không rõ nguyên nhân thì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư vú.

2.4. Đau lưng, vai hoặc gáy

Một số phụ nữ khi mắc phải bệnh này thay vì đau ngực thì thường có cảm giác đau lưng hoặc vai gáy. Những cơn đau thường xảy ra ở phía lưng trên hoặc giữa 2 bả vai, có thể nhầm lẫn với việc giãn dây chằng hoặc các bệnh liên quan trực tiếp đến cột sống.

 

3. Những yếu tố nguy cơ gây ung thư vú mà phụ nữ không thể thay đổi

3.1. Là phụ nữ

Giới tính nữ là yếu tố nguy cơ chính mắc ung thư vú, đàn ông cũng có thể mắc ung thư vú, nhưng chủ yếu xuất hiện ở nữ.

3.2. Tuổi tác

Tuổi càng cao thì nguy cơ mắc ung thư vú càng tăng, hầu hết ung thư vú được tìm thấy ở phụ nữ tuổi từ 55 trở lên

3.3. Di truyền gen ung thư

Khoảng 5-10% ung thư vú được cho là có tính di truyền, là kết quả di truyền trực tiếp gen đột biến từ cha mẹ.

BRCA1 và BRCA2: Nguyên nhân chủ yếu của ung thư vú di truyền là đột biến trong gen BRCA1 và BRCA2. Trong tế bào bình thường, những gen này giúp để tạo ra các protein có thể sửa chữa ADN, đột biến của các gen này sẽ có thể dẫn đến tạo thành các tế bào bất thường gây ung thư. Nếu bạn có mang những gen đột biến này di truyền từ bố mẹ, nguy cơ ung thư sẽ cao hơn.

Tính trung bình, một người phụ nữ có gen BRCA1 hoặc BRCA2 có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn so với người bình thường khoảng từ 7-10 lần khi nhỏ hơn 80 tuổi. Khả năng mắc này cũng bị ảnh hưởng tăng hơn nếu số người trong gia đình mắc ung thư vú cao hơn.

Phụ nữ với một trong hai đột biến này thường được chẩn đoán ung thư vú khi tuổi trẻ và thường có ung thư vú hai bên.

Phụ nữ có một trong hai gen này cũng thường có nguy cơ mắc Ung thư buồng trứng cao hơn và một số các loại ung thư khác. Đàn ông có di truyền gen này thường có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn, ung thư tiền liệt tuyến và các loại ung thư khác cao hơn.

Ở Mỹ, gen đột biến này thường phổ biến ở người Jewish (Tây Âu), tuy nhiên bất kỳ ai cũng có thể mang gen này. Xét nghiệm gen đột biến có thể làm để phát hiện gen đột biến. Đây là một phương pháp lựa chọn của phụ nữ để phát hiện gen đột biến, đánh giá nguy cơ, đặc biệt là những người có tiền sử gia đình. Xét nghiệm gen là cần thiết, nhưng không phải phụ nữ nào cũng cần xét nghiệm, việc cân nhắc yếu tố lợi hại cần phải đánh giá cẩn thận.

3.4. Có tiền sử gia đình bị ung thư vú

Một điều rất quan trọng cần phải lưu ý rằng hầu hết phụ nữ có ung thư vú không có tiền sử gia đình, nhưng những người có tiền sử gia đình thường có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn.

Có gia đình trực hệ mắc ung thư vú (mẹ, chị em gái hay con gái), thường tăng nguy cơ mắc gấp đôi, có hai người trong gia đình trực hệ thường tăng nguy cơ mắc gấp ba.

Phụ nữ có cha hoặc anh em trai bị ung thư vú thường có nguy cơ mắc ung thư vú cao.

3.5. Tiền sử cá nhân bị ung thư vú

Phụ nữ có ung thư vú ở một bên vú thường có nguy cơ mắc ung thư vú ở bên đối diện hoặc phần khác trong vú cao hơn, thường những người này có nguy cơ cao hơn, tuy nhiên không quá nhiều.

3.6. Chủng tộc

Nhìn chung, phụ nữ da trắng có nguy cơ mắc ung thư vú cao nhẹ hơn chút so với phụ nữ châu Mỹ, mặc dù gần đây cũng không khác biệt nhiều lắm. Ở độ tuổi < 45 tuổi, ung thư vú thì phổ biến hơn ở phụ nữ châu Mỹ, và tỷ lệ tử vong cũng cao hơn ở những người này. Phụ nữ châu Á thường có tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong thấp hơn do ung thư vú. Các loại ung thư vú khác nhau cũng có tỷ lệ mắc khác nhau theo chủng tộc, ví dụ như phụ nữ Châu Mỹ thường ít gặp thể loại ung thư bộ ba âm tính.

3.7. Chiều cao

Nhiều nghiên cứu tìm thấy rằng phụ nữ cao thường có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn so với những người thấp. Nguyên nhân hiện tại chưa được biết rõ, và được cho rằng có ảnh hưởng bởi một số các yếu tố như dậy thì sớm, yếu tố hormone, gen hoặc Dinh dưỡng quá nhiều.

3.8. Có tuyến vú đặc

Tuyến vú gồm có mô mỡ, tuyến và tổ chức xơ. Hình ảnh vú xuất hiện đặc trên phim X-quang vú khi có nhiều xơ tuyến hơn mỡ. Những người phụ nữ có vú đặc thường có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn khoảng từ 1.5 lần đến 2 lần so với những phụ nữ có mật độ vú trung bình. Hơn nữa vú đặc cũng gây khó khăn trong việc phát hiện ung thư vú. Do vậy, phụ nữ cần phải hiểu biết về mật độ nhu mô tuyến vú của mình để cùng thảo luận với bác sĩ của mình lựa chọn phương pháp sàng lọc thích hợp.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới mật độ nhu mô tuyến vú, ví dụ như tuổi, tình trạng mãn kinh, sử dụng các thuốc như liệu pháp hormone, có thai, yếu tố gen.

3.9. Có các khối u lành tính

Phụ nữ được chẩn đoán có khối U lành tính có nguy cơ có ung thư vú cao hơn. Một vài trường hợp có liên quan chặt chẽ tới khả năng mắc ung thư vú. Thông thường các khối u này được chia làm 3 nhóm, phụ thuộc vào nguy cơ ảnh hưởng.

Nhóm u không tăng sản: Thường không làm tăng nguy cơ ung thư vú, nếu có thì là rất ít, gồm có:

  • Xơ/nang vú (biến đổi Xơ nang tuyến vú)
  • Tăng sản nhẹ
  • Bệnh tuyến (không xơ hóa)
  • U diệp thể (lành tính)
  • U nhú đơn độc
  • Hoại tử mỡ
  • Giãn ống tuyến
  • Xơ hóa quanh ống tuyến
  • Chuyển sản dạng tiết apocrine
  • Vôi hóa có nguồn gốc biểu mô
  • Các khối u khác (u mỡ, u mô thừa, U mạch máu, u xơ thần kinh, u cơ tuyến biểu mô...)
  • Viêm vú (nhiễm trùng ở vú) không phải là khối u và không tăng nguy cơ bị ung thư vú

Nhóm u tăng sản điển hình (có tế bào bất thường): Trong trường hợp này có sự tăng sản của các tế bào biểu mô ở ống tuyến và tiểu thùy, nhưng những tế bào này không có hình dạng bất thường. Tình trạng này có nguy cơ tăng nhẹ mắc ung thư vú. Bao gồm:

  • Tăng sản ống tuyến điển hình
  • U xơ tuyến
  • Bệnh tuyến xơ hóa
  • U nhú đa khối
  • Sẹo tỏa tia

Nhóm u tăng sản không điển hình: Trong trường hợp này các tế bào tăng sản, hình dạng của tế bào biến đổi, gồm có:

  • Tăng sản ống tuyến không điển hình
  • Tăng sản tiểu thùy không điển hình
  • Những phụ nữ có tổn thương này sẽ có nguy cơ bị ung thư vú cao hơn từ 4-5 lần so với bình thường. Đồng thời vừa có tổn thương này và có tiền sử gia đình thì thậm chí nguy cơ còn cao hơn nữa.

Ung thư biểu mô tiểu thùy tại chỗ (LCIS): Tế bào giống như là ung thư phát triển trong các tiểu thùy chế tiết sữa, nhưng không phát triển qua tường của các tiểu thùy. LCIS không được nghĩa là ung thư, vì nếu không được điều trị thì tổn thương này cũng không phát triển thành thể ung thư xâm nhập. Những phụ nữ có loại tổn thương này thì sẽ có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn so bình thường từ 7-12 lần.

3.10. Có kinh nguyệt sớm và hết kinh nguyệt muộn

Có kinh sớm hơn 12 tuổi và hết kinh muộn hơn 55 tuổi, do tăng thời gian có hormon Estrogen và progesterone nên có tăng nhẹ mắc ung thư vú.

3.11. Có chiếu xạ vùng ngực

Phụ nữ đã được điều trị bằng chiếu xạ tại vị trí lồng ngực do các loại ung thư khác như Hodgkin hay non Hodgkin có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn đáng kể so bình thường. Nguy cơ tăng phụ thuộc vào độ tuổi chiếu xạ, khi đang dậy thì và phát triển thì nguy cơ cao hơn, còn khi từ 40-45 thì không gây tăng ung thư vú.