1. Bệnh Crohn là bệnh gì?
Bệnh Crohn là Tình trạng viêm hoặc loét ống tiêu hóa mãn tính, hay còn gọi là ruột/đại tràng. Đây là một trong những bệnh thuộc nhóm viêm loét đại tràng/ đường ruột (Inflammatory bowel disease - IBD).
Bệnh Crohn thường ảnh hưởng đến phần gần cuối của ruột non, được gọi là hồi tràng. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể xảy ra ở bất kỳ phần nào của ruột già, dạ dày hoặc thực quản, thậm chí có trường hợp còn xuất hiện trong miệng.
Bệnh Crohn có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất là những người trong độ tuổi từ 15 - 30. Bệnh có thể kìm hãm sự phát triển chung, làm suy yếu hệ xương và trì hoãn dậy thì.
Cơ chế của bệnh Crohn là phá vỡ chức năng bình thường của đường tiêu hóa, khiến các mô ruột trở nên:
- Sưng, dày lên, hoặc tạo thành mô sẹo, dẫn đến tắc nghẽn bên trong lòng ống ruột;
- Phát triển vết loét ở các lớp sâu của thành ruột;
- Mất khả năng hấp thụ chất Dinh dưỡng từ thực phẩm (kém hấp thu), đặc biệt là ở hồi tràng - nơi hấp thụ vitamin B12 và axit mật;
- Hình thành các lỗ rò bất thường từ phần này đến phần khác của ruột, hoặc từ ruột đến những mô lân cận khác.
2. Nguyên nhân của bệnh Crohn ở trẻ em
Nguyên nhân gây bệnh Crohn ở trẻ em và thanh thiếu niên đến nay vẫn chưa được xác định rõ. Nhiều khả năng là do một tình trạng di truyền, gây ra các phản ứng bất thường của hệ miễn dịch trong đường tiêu hóa.
Những người có thành viên trong gia đình mắc bệnh Crohn, hoặc các bệnh viêm ruột IBD khác, thường dễ phát bệnh hơn.
3. Triệu chứng của bệnh Crohn ở trẻ em
Các triệu chứng của bệnh Crohn ở trẻ em phụ thuộc vào phần ruột bị ảnh hưởng và mức độ nghiêm trọng. Nhìn chung, các biểu hiện đặc trưng thường gặp là:
- Tiêu chảy thường xuyên;
- Đôi khi có máu trong phân;
- Chảy máu trực tràng;
- Sụt cân;
- Sốt;
- Đau bụng;
- Cảm giác nặng, cứng hoặc đầy ở bụng dưới bên phải;
- Mệt mỏi, yếu ớt;
- Lở miệng;
- Không phát triển bình thường như bạn bè đồng trang lứa, Dậy thì muộn (ở trẻ em).
Trẻ em và thiếu niên mắc bệnh Crohn thường trải qua các giai đoạn triệu chứng nghiêm trọng, sau đó lại không còn biểu hiện lâm sàng. Thời kỳ không biểu hiện triệu chứng được gọi là thuyên giảm, có thể kéo dài vài tuần hoặc hàng năm. Dùng thuốc chống viêm hoặc điều chỉnh chế độ ăn uống sẽ giúp bệnh thuyên giảm, tuy nhiên các triệu chứng vẫn có thể quay trở lại bất cứ lúc nào mà không thể dự đoán trước.
4. Biến chứng của bệnh Crohn
Một số biến chứng khác của bệnh Crohn bao gồm:
- Viêm khớp;
- Sỏi mật;
- Sỏi thận;
- Viêm (sưng) mắt và miệng;
- Bệnh gan;
- Phát ban hoặc loét da;
- Thiếu máu.
5. Chẩn đoán bệnh Crohn ở trẻ em
Bác sĩ sẽ xem xét tiền sử y tế của bệnh nhân và gia đình. Các Xét nghiệm khác nhau sẽ được tiến hành để chẩn đoán bệnh Crohn ở trẻ em, bao gồm:
5.1 Nội soi (đại tràng hoặc đại tràng sigma)
Bác sĩ sẽ chèn vào trong trực tràng một ống nội soi mỏng, đầu gắn đèn chiếu sáng và camera. Hình ảnh bên trong trực tràng và đại tràng sẽ được theo dõi qua màn hình máy tính bên ngoài. Một mẫu mô nhỏ có thể được lấy ra để làm xét nghiệm hoặc sinh thiết.
5.2 Xét nghiệm máu
Bác sĩ sẽ tìm kiếm các dấu hiệu của tình trạng thiếu máu, hoặc số lượng bạch cầu cao. Kết quả này cho thấy một phần nào đó trong cơ thể đã bị viêm hoặc nhiễm trùng. Các xét nghiệm khác cũng sẽ thực hiện để phát hiện và xác định dấu hiệu viêm.
5.3 Chụp X-quang đại tràng cản quang
Bác sĩ sẽ dùng tia X để kiểm tra phần trên hoặc dưới của ống tiêu hóa. Thuốc cản quang có chứa một chất kim loại (barium) bao phủ lớp niêm mạc của ruột non và ruột già. Những hình ảnh màu trắng trên tia X giúp bác sĩ xem xét dấu hiệu bất thường.
6. Điều trị bệnh Crohn
Điều trị bệnh Crohn tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và vị trí bị ảnh hưởng. Đôi khi bệnh cũng có thể tự thuyên giảm. Vì vậy, không thể xác định mức độ hiệu quả của một lộ trình điều trị cụ thể. Khi bệnh Crohn đang hoạt động, việc điều trị nhằm mục đích kiểm soát tình trạng viêm, điều chỉnh sự thiếu hụt dinh dưỡng và làm giảm các triệu chứng, như đau, tiêu chảy và sốt.
6.1 Thuốc
Nhìn chung, thuốc là bước đầu tiên trong điều trị bệnh Crohn ở trẻ em và thanh thiếu niên. Một số loại thuốc thường được chỉ định là:
- Thuốc chống viêm;
- Thuốc kháng sinh;
- Thuốc chống suy nhược;
- Thuốc ức chế miễn dịch (bao gồm cả corticosteroid).
Tuy nhiên thuốc có thể làm suy khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể, vì vậy các chuyên gia y tế khuyến nghị trẻ phải được tiêm tất cả các loại vắc-xin trước khi bắt đầu điều trị.
6.2. Liệu pháp sinh học protein
Các biện pháp sinh học cũng được áp dụng để điều trị Crohn. Loại thuốc này được điều chế từ các protein trong hệ thống miễn dịch của cơ thể con người. Các protein sau đó được biến đổi gen và xử lý để đưa vào điều trị.
Thuốc sinh học thường được tiêm hoặc truyền tĩnh mạch IV. Liệu pháp này được thiết kế để can thiệp và ngăn cản các quá trình viêm
6.3. Dinh dưỡng
Những bệnh nhân bị thiếu hụt dinh dưỡng cần thường xuyên bổ sung canxi hoặc vitamin D, uống nhiều nước và nâng cao chất lượng thực đơn hàng ngày. Một số nghiên cứu nghiên cho rằng nên thay chế độ ăn uống hoàn toàn bằng chất lỏng. Liệu pháp dinh dưỡng phù hợp sẽ tạo cơ hội cho ruột nhanh lành lặn và phục hồi.
6.4. Phẫu thuật
Trong trường hợp thuốc không thể kiểm soát được bệnh Crohn, khiến ruột bị thủng, tắc nghẽn, rò rỉ hoặc chảy máu không ngừng, người bệnh cần phẫu thuật cắt bỏ một phần ruột. Tuy nhiên, căn bệnh này vẫn có nguy cơ tái phát tại khu vực gần nơi bị viêm trước đây.
Nhìn chung, một lối sống lành mạnh là rất quan trọng để quản lý bệnh Crohn ở trẻ em và thiếu niên. Người bệnh nên tập thể dục thường xuyên và tuân thủ một chế độ ăn uống cân bằng để có được cuộc sống khỏe mạnh và năng động. Nếu được điều trị và kiểm soát đúng cách, hầu hết trẻ em mắc bệnh Crohn vẫn có thể đến trường, cũng như tham gia vào các môn thể thao và sinh hoạt thông thường.
Bài viết tham khảo nguồn: Webmd.com, Kidshealth.org