1. Viêm gan A là bệnh gì?
Viêm gan A là bệnh gan cấp tính do virus HAV gây ra. Sau khi virus xâm nhập cơ thể, bệnh nhân thường không có biểu hiện gì nổi bật; đến khoảng 2 đến 6 tuần sau, người bệnh mới có các biểu hiện về bệnh. Virus Viêm gan A làm tổn thương tế bào biểu mô gan và suy giảm chức năng gan. Nếu không được phòng ngừa và phát hiện kịp thời, bệnh sẽ có thể dẫn đến Suy gan cấp và tử vong; đặc biệt ở những bệnh nhân trên 50 tuổi và có kèm theo một số bệnh gan khác như Viêm gan B hay viêm gan C; còn đa số bệnh nhân có thể điều trị khỏi sau 2-4 tuần.
Những triệu chứng thường gặp của bệnh viêm gan A bao gồm:
- Triệu chứng toàn thân: Sốt và thường Sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nôn.
- Vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu, phân nhạt màu hơn và thường có màu xám - màu đất sét.
- Đau bụng, tiêu chảy nghiêm trọng, triệu chứng này thường gặp ở trẻ em.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, có tới 90% trẻ em nhiễm HAV trước 10 tuổi và phổ biến ở những nước đang phát triển. Bệnh viêm gan A lây truyền từ người sang người chủ yếu qua đường tiêu hóa (đường phân- miệng), hầu như không lây truyền qua đường máu vì có rất ít virus trong máu. Khi chúng ta ăn thức ăn, thực phẩm bị nhiễm mầm bệnh, uống nước bị nhiễm bệnh, bơi lội trong ao hồ, bể bơi bị nhiễm bệnh hoặc ăn chung thức ăn, sử dụng chung đồ dùng sinh hoạt cá nhân như khăn mặt, khăn tắm, bàn chải đánh răng với người bệnh có thể gây lây truyền bệnh viêm gan A.
Để phòng tránh mắc bệnh viêm gan A ngoài thực hiện những biện pháp phòng ngừa như giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, nấu chín thức ăn - nước uống, không dùng chung đồ dùng sinh hoạt cá nhân (vật dụng ăn uống, khăn mặt, khăn tắm, bàn chải đánh răng, xô, chậu...) với người có bệnh thì chúng ta cần phải chủ động tiêm vắc-xin phòng viêm gan A nhằm giúp cơ thể tạo ra kháng thể chống lại virus gây bệnh.
2. Tại sao nên tiêm vắc-xin viêm gan A?
Vắc-xin phòng viêm gan A đã giúp giảm thiểu đáng kể số lượng ca mắc bệnh trên toàn thế giới. Ở Việt Nam chưa có thống kê cụ thể. Tuy nhiên, có thể tham khảo, tại Hoa Kỳ, lượng người nhiễm virus HAV đã giảm tới 95% kể từ khi vắc-xin phòng viêm gan A được đưa vào sử dụng năm 1995. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến tháng 6 năm 2016 đã có 16 quốc gia đưa vắc-xin viêm gan A vào chương trình tiêm chủng Quốc gia.
Vắc-xin phòng viêm gan A có chứa virus viêm gan A đã được phân lập và làm bất hoạt (ngừng hoạt động). Khi tiêm vào cơ thể, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ nhận biết và sinh ra các kháng thể. Sau khi đã có kháng thể, cơ thể chúng ta sẽ “ghi nhớ” loại virus này. Nếu trong quá trình sống, tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ lây nhiễm, Virus viêm gan A xâm nhập vào cơ thể, các tế bào sẽ có thể nhận biết và sản sinh nhanh chóng kháng thể chống lại virus viêm gan A, virus sẽ không có cơ hội để nhân lên và gây bệnh. Nhờ đó, người đã tiêm vắc-xin phòng viêm gan A trước đó sẽ không bị mắc bệnh.
Vắc-xin phòng viêm gan A cũng được ghi nhận là chế phẩm an toàn bởi tác dụng phụ nghiêm trọng là rất hiếm, tác dụng phụ nhẹ có thể tự hết sau vài ngày hoặc thậm chí không có. Các tác dụng phụ thường gặp có thể là: Đau, sưng hoặc đỏ tại chỗ tiêm; sốt, đau đầu, mệt mỏi, đau cơ, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy... thường rất hiếm gặp.
3. Những ai nên tiêm phòng Vắc-xin viêm gan A?
- Trẻ em
- Người trưởng thành có nguy cơ nhiễm HAV cao, như:
- Đi du lịch đến vùng có dịch bệnh lưu hành
- Trong gia đình có người mắc bệnh
- Làm việc trong phòng thí nghiệm có nghiên cứu virus viêm gan A
- Những đối tượng nghề nghiệp có nguy cơ phơi nhiễm: hộ lý, y tá, nhân viên làm công tác chăm sóc phục vụ trẻ em tàn tật, nhân viên xử lý nước thải và thực phẩm công nghiệp...
- Những người đặc biệt có nguy cơ lây nhiễm: bệnh nhân ưa chảy máu, truyền dịch nhiều lần, tiêm tĩnh mạch...
- Bị nhiễm virus viêm gan khác như viêm gan B, viêm gan C.
4. Những ai không nên tiêm vắc-xin viêm gan A?
- Những người có tiền sử hoặc có nguy cơ Dị ứng với bất kì thành phần nào của vắc-xin phòng viêm gan A
- Nên hoãn tiêm ở những người đang mắc các bệnh cấp tính, sốt cao
- Hoãn tiêm ở phụ nữ có thai: Chưa có nghiên cứu chính xác về tác dụng không mong muốn của vắc-xin phòng viêm gan A trên phụ nữ có thai. Tuy nhiên, giống như tất cả các chế phẩm dược học khác, nên cẩn trọng khi sử dụng vắc-xin phòng viêm gan A , đặc biệt chỉ nên dùng trên phụ nữ có thai nếu khả năng lây nhiễm là quá cao.
- Phụ nữ đang cho con bú vẫn có thể tiêm được vắc-xin phòng viêm gan A.
5. Một số chế phẩm vắc-xin viêm gan A
5.1. Vắc-xin AVAXIM
AVAXIM là vắc-xin do hãng Sanofi Pasteur của Pháp sản xuất, chứa virus viêm gan A bất hoạt chủng GBM được hấp phụ trên hydroxide nhôm hydrat hóa, bào chế dưới dạng hỗn dịch tiêm hộp 1 liều 0,5ml, bao gồm 2 loại là 80UI và 160UI. Trong đó:
- AVAXIM 80UI chứa 80 đơn vị kháng nguyên, chỉ định tiêm phòng cho trẻ em từ 12 tháng tuổi đến dưới 16 tuổi
- AVAXIM 160UI chứa 160 đơn vị kháng nguyên, chỉ định tiêm phòng cho trẻ em và người lớn từ 16 tuổi trở lên
- Phác đồ tiêm: 2 liều tiêm bắp cách nhau 6 tháng đến 36 tháng
- Hiệu quả bảo vệ có thể trên 10 năm.
5.2. Vắc-xin EPAXAL
- EPAXAL là vắc-xin do hãng Berna Biotech LTD của Thụy Sỹ sản xuất, chứa virus viêm gan A bất hoạt dòng RG-SB, bào chế dưới dạng dung dịch tiêm hộp 0,5ml. Mỗi liều chứa ít nhất 24UI (đơn vị kháng nguyên) và không có muối nhôm
- Phác đồ tiêm: 2 liều tiêm bắp. Tiêm cơ bản 1 mũi liều 0,5ml cho tất cả các đối tượng người lớn và trẻ em trên 1 tuổi, nhắc lại mũi 2 cách mũi 1 ít nhất 1 năm
- Vắc-xin có tác dụng sau tiêm 14 ngày. Hiệu quả bảo vệ sau mũi tiêm đầu là 1 năm, sau mũi tiêm nhắc lại thì có thể hiệu quả lên tới 20 năm
- EPAXAL có tác dụng tạo miễn dịch chủ động và thụ động đồng thời: trong trường hợp cần được bảo vệ ngay lập tức, có thể dùng đồng thời EPAXAL và Globulin miễn dịch viêm gan A. Cách tiêm phòng này sẽ tạo miễn dịch thụ động ngay lập tức kết hợp với miễn dịch chủ động, giúp tăng hiệu quả phòng bệnh.
Hiện nay, vắc-xin EPAXAL không còn tại Việt Nam.
5.3. Vắc-xin HAVAX
HAVAX là vắc-xin do hãng Vabiotech – Công ty TNHH MTV vắc-xin và sinh phẩm số 1 của Việt Nam sản xuất, chứa virus viêm gan A chủng HM 175 được bất hoạt, hấp phụ với hydroxide nhôm, bào chế dưới dạng hỗn dịch tiêm, bao gồm 2 loại là:
- HAVAX 0.5ml chứa 25-100 μg kháng nguyên virus viêm gan A tinh khiết, hydroxide nhôm (<250μg) và 2-phenoxyethanol; chỉ định tiêm phòng cho trẻ em từ 2 tuổi đến dưới 18 tuổi
- HAVAX 1ml chứa 50-200 μg kháng nguyên virus viêm gan A tinh khiết, hydroxide nhôm (<500μg) và 2-phenoxyethanol; chỉ định tiêm phòng cho người lớn từ 18 tuổi trở lên
- Phác đồ tiêm: 2 liều tiêm bắp cách nhau 6 tháng đến 12 tháng.
5.4. Vắc-xin TWINRIX - Vắc-xin phòng viêm gan A và viêm gan B
- TWINRIX là vắc-xin do hãng GSK của Bỉ sản xuất, đây là vắc-xin phối hợp được tạo thành từ bán thành phẩm của virus viêm gan A (HA) bất hoạt, tinh khiết và kháng nguyên bề mặt Viêm gan B (HBsAg) tinh khiết, được hấp thụ riêng biệt lên hydroxide nhôm và phosphat nhôm, bào chế dưới dạng hỗn dịch tiêm, liều 1,0ml.
- Vắc-xin TWINRIX được chỉ định tiêm bắp.
- Phác đồ tiêm:
- Trẻ em: Từ 12 tháng đến 15 tuổi, tiêm 2 mũi, mũi đầu ở thời điểm tự chọn, mũi 2 cách mũi đầu 6 - 12 tháng
- Người lớn và trẻ lớn từ 16 tuổi trở lên tiêm theo 1 trong 2 phác đồ sau:
- Phác đồ 0 - 1 – 6 bao gồm 3 mũi tiêm: Mũi 1 ở thời điểm tự chọn. Mũi 2 cách mũi 1 ít nhất 1 tháng. Mũi 3 cách mũi 2 ít nhất 5 tháng
- Phác đồ 0 - 7 - 21 ngày: bao gồm 4 mũi tiêm: Mũi 1 ở thời điểm tự chọn. Mũi 2 cách mũi 1 là 7 ngày. Mũi 3 cách mũi 1 là 21 ngày. Sau đó phải nhắc lại mũi 4 cách mũi đầu tiên 1 năm.
Bệnh viêm gan A có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Việt Nam là một trong những nước có nguy cơ cao người dân bị nhiễm HAV, đặc biệt là trẻ em. Với hiệu quả và độ an toàn đã được ghi nhận, chúng ta nên cân nhắc tiêm phòng vắc-xin phòng viêm gan A sớm và kịp thời để có hiệu giá kháng thể bảo vệ cơ thể tối ưu nhất.