Khi nào cần nội soi trực tràng?

Trực tràng là đoạn ruột già cuối cùng trước hậu môn, là cơ quan dễ mắc các bệnh lý. Để chẩn đoán và phát hiện bệnh kịp thời thì phương pháp nội soi trực tràng không thể không kể đến. Là thủ thuật đơn giản, nhanh chóng phát hiện bệnh chính xác nhất.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Nội soi trực tràng là gì?

Trực tràng phần cuối của ruột già, có độ dài khoảng 20 đến 30cm. Trực tràng chính là cầu nối giữa hậu môn và đại tràng. Chức năng chính của trực tràng chính là lưu giữ chất thải, cùng với nhu động ruột tống phân qua hậu môn thoát ra ngoài. Do nhiều nguyên nhân mà trực tràng thường xuyên mắc các bệnh lý như viêm loét, polyp trực tràng, ung thư trực tràng,....

Nội soi trực tràng lại là thủ thuật đưa ống soi mềm qua hậu môn vào trực tràng để phát hiện các tổn thương, chẩn đoán và điều trị bệnh. Phương pháp này được đánh giá cao trong việc phát hiện bệnh lý tại trực tràng nhờ độ chính xác và quy trình thực hiện khá đơn giản.

Có hai loại Nội soi trực tràng:

1.1 Nội soi trực tràng ống cứng

Dụng cụ soi là ống thẳng, cứng có đường kính từ 1 – 2cm dài từ 25 – 50 cm tùy độ tuổi và thể trạng có được lắp camera, ánh sáng và dụng cụ bơm hơi bằng tay để có thể làm nở lòng ruột. Trước đây khi chưa có nội soi ống mềm thì nội soi ống cứng được sử dụng phổ biến. Tuy nhiên, nội soi ống cứng có một số nhược điểm như khó thực hiện cắt polyp do ống cứng khi mở nắp kính để đưa dụng cụ vào ống sẽ hở làm hơi thoát ra ngoài, lòng ruột xẹp lại nên người soi khó quan sát tổn thương, không ghi được hình.

Khi nào cần nội soi trực tràng? - ảnh 1
Nội soi trực tràng

1.2 Nội soi trực tràng ống mềm

Ống soi mềm có đường kính nhỏ khoảng 1,3cm, dài khoảng 65cm, đầu ống soi được bọc nhựa trơn láng, thân ống soi mềm uốn được theo các chỗ gập của ruột. Nội soi ống mềm ít gây đau, bệnh nhân chỉ cần nằm nghiêng trái, người thầy thuốc đứng thẳng phía sau lưng bệnh nhân, điều khiển ống soi và quan sát hình ảnh trên màn hình, nếu cần có thể chụp hoặc ghi lại hình ảnh lúc soi.

Ngoài ra kỹ thuật điều trị qua nội soi được thực hiện dễ dàng nhờ kênh sinh thiết và hệ thống kín bơm hút bằng máy. Ưu điểm của nội soi ống mềm là ống thiết kế mềm nhỏ làm người bệnh dễ chịu, ống mềm được làm bằng chất liệu chuyên dụng nên không làm tổn thương niêm mạc trực tràng. Hình ảnh của quá trình nội soi sẽ được hiển thị trực tiếp trên màn hình.

2. Khi nào cần nội soi trực tràng?

Nội soi trực tràng được chỉ định để chẩn đoán trĩ, rò hậu môn, bệnh lý u, ung thư, viêm loét trực tràng, polyp,... và còn để theo dõi diễn tiến bệnh của các trường hợp đã phẫu thuật vùng hậu môn trực tràng trước đó. Đặc biệt rất có giá trị trong tầm soát, chẩn đoán sớm ung thư trực tràng giúp bệnh nhân được điều trị sớm, kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân ung thư.

Khi có các dấu hiệu sau cần thiết thực hiện nội soi trực tràng để chẩn đoán bệnh

  • Đau bụng. Đau bụng vùng dưới rốn, đau bụng hố chậu trái, đau bụng cơn theo co thắt của nhu động ruột.
  • Đi ngoài phân nhầy máu, máu đỏ tươi cần được nội soi nhằm phát hiện sớm bệnh lý.
  • Rối loạn đại tiện: Tình trạng đi ngoài tiêu chảy và Táo bón thất thường cũng cần được nội soi. Rối loạn phân, khó đại tiện.
  • Ngứa hậu môn.
  • Đau vùng hậu môn. Khi có cảm giác đau rát hậu môn, ống hậu môn hoặc ngoài ống hậu môn bị chảy dịch bất thường. Bởi đây rất có thể đây là những biểu hiện của những bệnh lý nguy hiểm tại trực tràng.
  • Chỉ định tầm soát ung thư trực tràng đối với những người có tiền sử gia đình có người bị mắc ung thư đại tràng
  • Trường hợp thiếu máu chưa rõ nguyên nhân
  • Test thấy hồng cầu trong phân dương tính
  • Kiểm tra thấy những bất thường trên phim X-Quang
  • Soi kiểm tra định kỳ người bệnh có polyp, ung thư đại trực tràng
  • Bệnh túi thừa
  • Các bệnh viêm đại trực tràng
  • Bệnh nhân bị viêm loét đại trực tràng chảy máu, Crohn, ung thư, polyp, rò hậu môn, nứt hậu môn cần nội soi để theo dõi
  • Ngoài ra trong lúc nội soi, bác sĩ có thể sinh thiết sang thương tìm tế bào ác tính
Khi nào cần nội soi trực tràng? - ảnh 2
Người bệnh bị viêm trực tràng cần nội soi trực tràng

Nội soi trực tràng để điều trị bệnh như:

  • Cắt polyp
  • Lấy dị vật
  • Cầm máu
  • Nong chỗ hẹp
  • Điều trị trĩ

Nội soi trực tràng để theo dõi bệnh:

  • Sau cắt polyp
  • Có loạn sản nặng

3. Chống chỉ định của nội soi trực tràng

  • Không có chống chỉ định tuyệt đối.
  • Thận trọng khi người bệnh già yếu, người bệnh có thai hoặc các trường hợp viêm cấp nặng, có cản trở không đưa ống soi vào được.
  • Không nội soi trực tràng nếu như bệnh nhân không đồng ý hoặc khi bệnh nhân bị: Suy tim cấp, loạn nhịp tim, viêm phúc mạc, rối loạn đông máu...
Khi nào cần nội soi trực tràng? - ảnh 3
Người bệnh suy tim, Loạn nhịp tim không nên nội soi trực tràng

4. Sau nội soi bệnh nhân cần theo dõi những gì?

  • Người bệnh trong và sau khi quá trình soi được theo dõi liên tục trên monitoring về tình trạng huyết động và độ bão hòa oxy
  • Nếu người bệnh có dùng thuốc tiền mê theo dõi cho tới lúc tỉnh hoàn toàn
  • Theo dõi mạch huyết áp và những triệu chứng như: đau bụng, chướng bụng, buồn nôn,
  • Người bệnh có làm thủ thuật cần được theo dõi các triệu chứng báo động: Đau bụng, ỉa ra máu

Mặc dù nội soi đại trực tràng là kỹ thuật khá phổ biến và thường quy trong chẩn đoán các bệnh lý đại trực tràng, song đây vẫn là là phương pháp can thiệp và có rủi ro nhất định. Vì thế, hãy cân nhắc lựa chọn thực hiện tại cơ sở y tế uy tín.

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung