Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Các bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ em thường gặp và Cách điều trị

18/10/2021
Các bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ em thường gặp và Cách điều trị

Do sức đề kháng còn yếu nên viêm đường hô hấp trên ở trẻ em rất dễ xảy ra. Các bệnh viêm đường hô hấp trên thường gặp là viêm mũi cấp, viêm họng cấp, viêm xoang cấp và viêm tai giữa cấp, trẻ cần được thăm khám và điều trị kịp thời.

1. Các bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ em thường gặp

Đường hô hấp trên là những cơ quan đầu của hệ hô hấp bao gồm mũi, hầu, họng, xoang, thanh quản. Do tiếp xúc trực tiếp với không khí nên khi môi trường có những thay đổi bất lợi bệnh viêm đường hô hấp trên rất dễ xảy ra. Các bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ em thường gặp là viêm mũi xoang cấp, Viêm họng cấp, viêm tai giữa cấp. Nguyên nhân gây bệnh thường do virus (Rhinovirus, Adenovirus, virus hô hấp hợp bào RSV,...); một số vi khuẩn như liên cầu tan máu nhóm A, phế cầu, Haemophilus influenzae,... và một số loại nấm.

Trẻ em rất dễ bị viêm đường hô hấp trên, ngoài thời tiết thay đổi thất thường, thì các yếu tố thuận lợi xảy ra viêm đường hô hấp trên ở trẻ em và viêm đường hô hấp trên ở trẻ sơ sinh là:

  • Trẻ sinh non, cân nặng thấp
  • Tuổi: trẻ càng nhỏ tuổi thì càng dễ mắc bệnh, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi
  • Trẻ suy dinh dưỡng, còi xương, thiếu vitamin A, trẻ bị suy giảm miễn dịch do mắc bệnh HIV, điều trị corticoid dài ngày,...
  • Trẻ sống trong môi trường ẩm thấp, chật hẹp, vệ sinh kém, thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá, than tổ ong,...
Các bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ em thường gặp và Cách điều trị - ảnh 1
Virus hô hấp hợp bào RSV gây Tình trạng viêm đường hô hấp trên ở trẻ

2. Điều trị viêm đường hô hấp trên ở trẻ

2.1. Viêm mũi cấp và biến chứng viêm xoang cấp

2.1.1. Nguyên nhân và biểu hiện bệnh

Nguyên nhân thông thường gây viêm mũi cấp là 6 nhóm virus gồm: Rhinovirus, Parainfluenza virus, Coronavirus, Influenza virus, Respiratory syncytial virus và Adenovirus.

Sau khi nhiễm virus, người bệnh thường ủ bệnh trong 2-3 ngày. Sau thời gian ủ bệnh, người bệnh sẽ có các triệu chứng như chảy mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, ho, đau họng, Sốt nhẹ 38-39 độ, niêm mạc mũi đỏ, niêm mạc họng đỏ. Nước mũi ban đầu trong, có thể chuyển sang đục nếu có nhiễm trùng thứ phát. Bệnh được chẩn đoán dựa vào tính chất theo mùa, lây lan nhanh, nhiều người mắc phải, tìm thấy virus trong nước mũi.

Chẩn đoán phân biệt viêm mũi cấp với các bệnh có triệu chứng tương tự như viêm mũi vận mạch và viêm mũi dị ứng. Viêm mũi dị ứng chỉ có triệu chứng Ngứa mũi, nhảy mũi kèm nghẹt mũi. Trong khi viêm mũi vận mạch, tuy có triệu chứng giống viêm mũi cấp nhưng lại không lây lan, không theo mùa, bệnh hay tái phát.

Các bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ em thường gặp và Cách điều trị - ảnh 2
Trẻ xuất hiện Sốt nhẹ 38-39 độ C
2.1.2. Điều trị viêm mũi cấp

Nếu chưa có bội nhiễm thì chỉ điều trị triệu chứng, không dùng kháng sinh:

  • Vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý, hút mũi thường xuyên để làm thông thoáng đường thở.
  • Với trẻ > 2 tuổi, có thể nhỏ mũi bằng dung dịch Phenylephrine 0.25% nhỏ mũi để giảm triệu chứng nghẹt mũi. Thường nhỏ 3 lần, mỗi lần cách nhau 1 phút, 4 giờ/lần trong 3-4 ngày liền.
  • Súc miệng bằng nước muối sinh lý thường xuyên để giảm triệu chứng đau họng.
  • Giảm Ho bằng thuốc Dextromethorphan.
2.1.3. Biến chứng viêm xoang cấp
2.1.3.1. Nguyên nhân và triệu chứng lâm sàng

Viêm xoang cấp thường hình thành trong giai đoạn bị viêm mũi cấp. Đây là biến chứng của viêm mũi cấp khi có nhiễm trùng thứ phát các vi khuẩn như tụ cầu, Haemophilus influenzae, Branhamella catarrhalis, vi khuẩn yếm khí,... Bệnh nhân có dịch viêm mũi do siêu vi càng nhiều thì nguy cơ viêm xoang cấp càng cao.

Ngoài nhức đầu, nghẹt mũi, mất mùi, thì tùy vào xoang bị viêm mà sẽ có các triệu chứng khác nhau:

  • Viêm xoang hàm cấp: Mủ chảy ra khe giữa
  • Viêm xoang sàng: Bờ dưới hốc mắt cùng khóe trong mắt bị phù nề, hở kết mạc, di động mắt bị giới hạn, sau đó vùng dưới khóe mắt trong đỏ và vỡ mủ
  • Viêm xoang trán: Nhức đầu vùng trán vào buổi sáng
  • Viêm xoang bướm: Cảm giác nhức âm ỉ trong sâu vào ban đêm
Các bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ em thường gặp và Cách điều trị - ảnh 3
Biến chứng viêm xoang cấp ở trẻ
2.1.3.2. Điều trị viêm xoang cấp
  • Điều trị nhức đầu: Thuốc Paracetamol 10-15mg/kg
  • Nghẹt mũi: Dùng thuốc co mạch Phenylephedrine 0.25% để nhỏ mũi
  • Kháng sinh: Amoxicillin 80-100mg/kg/ngày, có thể thay thế bằng Amoxicillin + acid clavulanic, Cefaclor, Cefuroxim trong 3 tuần. Trong trường hợp dị ứng với beta lactam có thể thay bằng Erythromycin, Azithromycin, Clarithromycin.

Có thể chỉ định phẫu thuật nếu điều trị nội khoa thất bại, chỉ phẫu thuật xoang ở trẻ trên 6 tuổi.

2.2. Viêm họng cấp
2.2.1. Nguyên nhân gây bệnh và triệu chứng lâm sàng

Viêm họng cấp có thể do virus hoặc vi khuẩn gây ra. Khi nguyên nhân bệnh do virus, người bệnh sẽ có triệu chứng đau họng, Ngứa họng, rát họng, khó nuốt, ở trẻ thường kèm theo sốt. Viêm họng cấp thường kèm theo viêm mũi và ho.

Nếu viêm họng cấp do vi khuẩn, tùy theo loại vi khuẩn gây bệnh, người bệnh sẽ có các triệu chứng khác nhau:

  • Viêm họng do liên cầu: Trẻ em có triệu chứng sốt cao, có thể lên đến 40 độ, đau họng dữ dội, niêm mạc họng đỏ rực, có xuất tiết, bạch cầu máu tăng cao >12.000/mm3. Bệnh có thể lan ra vùng thành họng sau và vùng amidan.
  • Viêm họng do bạch hầu: Trẻ sốt, ho, cảm giác vướng họng, có giả mạc màu trắng vùng amidan, vùng họng. Giả mạc dễ chảy máu, nằm sát vùng niêm mạc. Kết quả nuôi cấy tìm ra vi khuẩn bạch hầu.
  • Viêm họng do vi khuẩn hiếm khí Spirochete: Trẻ sốt cao, đau họng, khó nuốt, kết quả phết họng cấy tìm ra vi khuẩn Spirochete.
2.2.2. Điều trị viêm họng cấp

Nếu viêm họng cấp do virus không có bội nhiễm thì chỉ điều trị triệu chứng, không dùng kháng sinh. Sử dụng thuốc Paracetamol để hạ sốt, giảm đau; giảm Ho bằng Dextromethorphan.

Viêm họng cấp do liên cầu: dùng Amoxicillin 50-70 mg/kg/ngày, chia 3-4 lần trong ngày, uống trong 7-10 ngày. Nếu dị ứng với Penicillin, có thể chuyển sang Erythromycin 30-50mg/kg /ngày, chia 2-3 lần/ngày, dùng trong 7 ngày.

Viêm họng cấp cho bạch hầu: Cách ly ngay bệnh nhân để tránh lây nhiễm cho người khác, điều trị bằng kháng độc tố bạch hầu, kết hợp kháng sinh để diệt vi khuẩn, ngưng giải phóng độc tố. Các kháng sinh có thể sử dụng là Penicillin G 300.000-500.000 UI/kg/ngày, tiêm tĩnh mạch từ 7-10 ngày. Nếu sau 2 ngày sử dụng kháng sinh, triệu chứng bệnh không thuyên giảm, có thể chuyển sang dùng Cefaclor 20-40 mg/kg /ngày hoặc Cefuroxim 20mg/kg/ngày. Nếu có điều kiện làm kháng sinh đồ, sử dụng kháng sinh theo kết quả kháng sinh đồ.

Các bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ em thường gặp và Cách điều trị - ảnh 4
Trẻ cần tuân thủ đúng phác đồ của bác sĩ chỉ định
2.2.3. Biến chứng viêm họng cấp

Nếu không được điều trị kịp thời hoặc điều trị không triệt để, viêm họng cấp có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Hai biến chứng thường gặp là áp xe quanh amidan và áp xe sau thành họng, nguyên nhân thường do bội nhiễm tụ cầu. Phương pháp điều trị các biến chứng này là rạch áp xe, chọc hút, dẫn lưu mủ, sau đó dùng kháng sinh nhạy cảm với tụ cầu.

2.3. Viêm tai giữa cấp

2.3.1. Nguyên nhân gây bệnh và triệu chứng

Viêm tai giữa cấp thường do phế cầu, H.influenzae, B.catarrhalis,... Các virus như Rhinovirus, Enterovirus,... cũng có thể là tác nhân gây bệnh.

Bệnh thường gặp ở trẻ từ 6 đến 24 tháng tuổi, tỷ lệ trẻ trai mắc bệnh cao hơn trẻ gái, trẻ bú mẹ thường ít mắc bệnh hơn. Dấu hiệu bệnh thường gặp là đau tai, chảy dịch tai, sốt, biếng ăn, nôn ói, tiêu chảy (thường gặp ở trẻ nhũ nhi),... Khi khám thấy màng nhĩ đỏ, xung huyết, kém di động, mất tam giác ánh sáng, các mốc giải phẫu không thấy rõ, có thể thấy mức khí dịch hoặc màng nhĩ bị hút lõm.

Các bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ em thường gặp và Cách điều trị - ảnh 5
Trẻ đau tai khó chịu có thể biếng ăn
2.3.2. Điều trị viêm tai giữa cấp

Nguyên tắc điều trị là sử dụng kháng sinh, các thuốc kháng viêm để giảm triệu chứng và giảm nguy cơ xuất hiện biến chứng.

Kháng sinh :

  • Amoxicillin 60-90 mg/kg chia thành 3 lần/ngày, nếu đáp ứng tốt thì dùng trong 7-14 ngày. Nếu không đáp ứng, chuyển sang Amoxicillin-Clavulanic hoặc Cefuroxim trong 14 ngày.
  • Nếu dị ứng với nhóm beta lactam, có thể dùng các thuốc nhóm Macrolid Erythromycin, Azithromycin hoặc Clarithromycin trong 14 ngày.

Giảm đau, hạ sốt: Paracetamol 10-15mg/kg mỗi 4-6 giờ.

Để giữ vòi nhĩ thông thoáng, có thể dùng thêm thuốc co mạch (ở trẻ lớn hơn 2 tuổi, có thể dùng phenylephrine 0.25% nhỏ vào mũi) và thuốc kháng histamin. Khi mủ đã vỡ, làm sạch ống tai bằng oxy già 3 lần/ngày, có thể nhỏ tai bằng Neomycin nhưng không quá 7 ngày.

2.3.3. Biến chứng viêm tai giữa

Viêm màng Não và viêm xương chũm cấp là hai biến chứng nguy hiểm của viêm tai giữa.

  • Khi bị viêm màng não, trẻ sốt cao, đau đầu, lừ đừ, sợ ánh sáng, dịch Não tủy có nhiều tế bào đa nhân. Đây là một bệnh rất nặng, cần được điều trị tích cực bằng kháng sinh.
  • Khi bị viêm xương chũm cấp: Trẻ sốt cao, vùng sau tai đỏ nóng, sưng nề, đau khi sờ vào, hình ảnh phim X quang xương chũm mờ. Viêm xương chũm cấp đến không điều trị sẽ dẫn đến viêm xương chũm mạn tính và các biến chứng hiểm nghèo như: viêm xương, liệt mặt ngoại biên, áp xe não, viêm tĩnh mạch bên,... Bệnh nhân cần được mổ cấp cứu và dùng kháng sinh liều cao toàn thân.