1. Ung thư là gì?
Ung thư có thể xuất hiện ở gần như bất kỳ đâu trong một ngàn tỷ tế bào của cơ thể. Bình thường, các tế bào lớn lên và phân chia để hình thành tế bào mới, là cách thức mà cơ thể người sinh trưởng và phát triển. Tất yếu, các tế bào cũ sẽ dần già đi hoặc bị tổn hại, chết đi, và được thay thế bởi các tế bào mới.
Khi ung thư xuất hiện, quá trình tự nhiên bị phá vỡ. Các tế bào ngày càng trở nên bất thường, các tế bào già cũ không chết đi mà tiếp tục phát triển, liên tục sản sinh các tế bào mới. Chúng cứ thế nhân lên không kiểm soát, và cuối cùng tạo thành khối bất thường mà chúng ta gọi là khối u.
Rất nhiều loại ung thư hình thành khối u đặc, đa số có bản chất là các khối mô đặc. Các loại ung thư máu, ví dụ như leukemia, lại thường không xuất hiện dưới hình thức u đặc.
Các khối u trong ung thư có tính chất ác tính, có nghĩa là chúng có khả năng xâm lấn ra xung quanh. Trong quá trình phát triển lớn lên, các tế bào ung thư có thể đi xa tới các vùng khác của cơ thể thông qua hệ tuần hoàn hoặc hệ bạch huyết, hình thành khối u mới tách biệt hoàn toàn với khối u ban đầu, gọi là di căn.
Không giống các khối u ác tính, u lành tính không có tính xâm lấn, dù đôi khi u lành tính cũng có kích thước rất lớn. Khi loại bỏ u bằng phẫu thuật, u lành tính thường không tái phát (trong khi u ác tính rất hay tái phát). Tuy nhiên không phải lúc nào U lành tính cũng vô hại, ví dụ như trường hợp u Não lành tính có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân.
2. Sự khác nhau giữa tế bào bình thường và tế bào ung thư
Tế bào ung thư khác biệt hẳn so với tế bào bình thường ở nhiều phương diện, điều đó cho phép chúng có khả năng nhân lên vô hạn và xâm lấn ra xung quanh. Một điểm khác biệt rất quan trọng giữa tế bào ung thư và tế bào bình thường, là tế bào ung thư kém biệt hóa hơn. Trong khi các tế bào bình thường sinh ra, lớn lên, trưởng thành và biệt hóa thành các loại tế bào khác nhau đảm nhiệm các chức năng khác nhau, tế bào ung thư lại kém hoặc không biệt hóa. Và đó là lí do giải thích tại sao tế bào ung thư lại có thể phân chia, nhân lên vô độ - điều mà tế bào bình thường không có.
Thêm nữa, tế bào ung thư không bị ảnh hưởng bởi “hiệu lệnh” dừng phân chia của cơ thể, và chúng cũng thoát khỏi một quá trình gọi là “chết theo chương trình” (apoptosis) - vốn là cách cơ thể đào thải những tế bào không cần thiết.
Các tế bào ung thư có thể tác động vào vi môi trường xung quanh nó, bao gồm các tế bào bình thường, các phân tử và các mạch máu nuôi dưỡng xung quanh khối u. Nghĩa là, các tế bào ung thư có khả năng kích thích các tế bào bình thường hình thành các mạch máu nhằm cung cấp ô xy, chất dinh dưỡng và đào thải chất cặn bã để nuôi dưỡng, phát triển khối u.
Các tế bào ung thư cũng có khả năng qua mặt hệ miễn dịch của cơ thể. Bình thường hệ miễn dịch của cơ thể con người có nhiệm vụ chống lại sự viêm nhiễm, cũng như đào thải những tế bào bất thường hoặc những tế bào đã bị hư hại. Tuy nhiên tế bào ung thư lại có khả năng “ẩn mình” trước hệ miễn dịch của cơ thể, qua đó không bị tiêu diệt.
Không những qua mặt hệ miễn dịch, khối u còn có thể sử dụng hệ miễn dịch để tồn tại và phát triển. Ví dụ khối u có thể lợi dụng một số tế bào miễn dịch phát tín hiệu giả, nhờ đó mà hệ miễn dịch sẽ không tiến hành loại bỏ những tế bào ung thư.
4. Các loại ung thư phổ biến nhất hiện nay
4.1. Ung thư da không tế bào hắc tố
Ung thư da không tế bào hắc tố (tên tiếng anh là non-melanoma skin cancer) là bệnh ung thư phổ biến nhất, bao gồm ung thư biểu mô tế bào đáy và ung thư biểu mô tế bào vảy. Theo thống kê tại Mỹ, hơn 1 triệu người dân mắc Ung thư da không tế bào hắc tố.
Ung thư biểu mô tế bào đáy thường xuất hiện ở đầu, mặt, cổ và thân mình với các biểu hiện sau:
- Tổn thương dạng loét trên da lâu lành và tái phát nhiều lần
- Mảng đỏ ngứa, có vảy và nổi gồ trên bề mặt da
- Nốt nhỏ nổi gồ trên da, mềm, có màu hồng, đỏ hoặc trắng
- Mảng da phẳng có màu sắc bất thường, nhìn giống các vết sẹo
- Xuất hiện nhiều mạch máu nhỏ ở đáy của các mảng tổn thương da
Dấu hiệu lâm sàng của ung thư biểu mô tế bào đáy bao gồm:
- Mảng đỏ có vảy, bờ không rõ
- Tổn thương da dễ chảy máu, khó lành
- Khối u nhỏ ngứa, kích ứng hoặc đau
Ung thư biểu mô tế bào vảy hình thành ở những khu vực tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời như mặt.
4.2. Ung thư vú
Đây là bệnh ung thư phổ biến hàng đầu ở nữ, ước tính số ca mắc mới trong năm 2018 tại Mỹ khoảng 266120 trường hợp.
Triệu chứng gợi ý ung thư vú bao gồm:
- Khối u mới xuất hiện ở vú, nách hoặc xương đòn, thường không đau hoặc chỉ sưng nhẹ
- Cảm giác căng tức hai vú
- Vú dạng da cam: dày, sưng đỏ và dễ kích ứng
- Đau tại vú hoặc núm vú
- Tiết dịch bất thường núm vú
- Tụt núm vú
Những dấu hiệu này không giúp chẩn đoán bệnh ung thư vú nhưng là các dấu hiệu gợi ý, vì vậy người bệnh cần đến khám ngay tại các cơ sở y tế khi có ít nhất một trong số những triệu chứng này.
4.3. Ung thư phổi
Ung thư phổi không thường xuyên biểu hiện các triệu chứng trên lâm sàng cho đến các giai đoạn muộn. Số lượng các đầu mút Thần kinh tại phổi không nhiều vì thế khối u có thể âm thầm tăng sinh mà người bệnh không hề thấy đau. Một số dấu hiệu gợi ý ung thư phổi là:
- Ho kéo dài và ngày càng diễn tiến nặng hơn
- Ho ra máu
- Khó thở hoặc thở rít
- Đau ngực
- Đau xương
- Thay đổi giọng nói
- Viêm phổi, viêm phế quản tái phát nhiều lần
- Sụt cân nhiều không rõ lý do
- Đau đầu
4.4. Ung thư đại tràng
Ung thư đại tràng là một trong những ung thư đường tiêu hóa thường gặp. Thống kê ở Mỹ có khoảng 140250 trường hợp mắc mới trong năm 2018.
Các dấu hiệu cảnh báo ung thư đại tràng bao gồm:
- Sụt cân
- Tổng trạng mệt mỏi
- Rối loạn tiêu hóa như táo bón, tiêu chảy, phân nhỏ dạng sợi, kéo dài trong khoảng vài ngày
- Đau bụng âm ỉ trong nhiều ngày
- Chướng bụng, khó tiêu
- Đại tiện phân có máu tươi
- Chảy máu trực tràng
Ung thư đại tràng chỉ có các biểu hiện trên lâm sàng vào giai đoạn muộn. Những triệu chứng của ung thư đại tràng không đặc hiệu và dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác như trĩ và hội chứng ruột kích thích.
4.5. Ung thư dạ dày
Cùng với ung thư đại tràng, Ung thư dạ dày là một trong những ung thư thường gặp của hệ tiêu hóa, chiếm khoảng 9% trong tổng số những ca mắc ung thư mới. Ung thư dạ dày xếp hàng thứ 4 sau ung thư phổi, ung thư vú và ung thư đại tràng.
Các dấu hiệu gợi ý ung thư dạ dày bao gồm:
- Khó tiêu
- Đau thượng vị và hạ sườn trái
- Mất cảm giác ngon miệng
- Đại tiện phân máu tươi hoặc phân đen
- Tổng trạng mệt mỏi
- Sụt cân nhanh không rõ lý do
4.6. Ung thư tuyến tiền liệt
Bệnh nhân mắc Ung thư tuyến tiền liệt biểu hiện các dấu hiệu sau:
- Rối loạn tiểu tiện như tiểu khó, tiểu lắt nhắt, tiểu không kiểm soát
- Cảm giác đau buốt khi đi tiểu
- Đau khi xuất tinh, giảm lượng tinh dịch
- Tiểu đêm thường xuyên
- Tiểu hoặc xuất tinh ra máu
- Đau ở vùng đùi, lưng dưới và hai hông
- Táo bón
Các chuyên gia khuyến cáo nam giới trên 55 tuổi nên tham khảo với bác sĩ về chương trình tầm soát ung thư tuyến tiền liệt khi chưa có bất kỳ triệu chứng nào. Khi có bất kỳ biểu hiện bất thường nào, người bệnh cần đến khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, mặc dù các triệu chứng của ung thư tuyến tiền liệt có nhiều điểm tương tư với các bệnh lý lành tính như viêm tuyến tiền liệt.
Sàng lọc ung thư sớm được coi là biện pháp hoàn hảo trong việc phát hiện và điều trị kịp thời các loại ung thư. Giảm chi phí điều trị và nhất là giảm tỷ lệ tử vong ở người bệnh.