Phòng ngừa thiếu dinh dưỡng trong thai kỳ

1.000 ngày đầu đời (từ khi trẻ được mang thai đến 24 tháng tuổi và giai đoạn tuổi dậy thì) được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh là giai đoạn vàng phát triển chiều cao và thể chất. Thiếu dinh dưỡng càng sớm đặc biệt từ giai đoạn bào thai sẽ để lại hậu quả nặng nề cho sức khỏe và quá trình tăng trưởng của bé. Vậy phòng ngừa thiếu dinh dưỡng trong thai kỳ như thế nào?
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Hậu quả của thiếu dinh dưỡng trong thai kỳ

Thiếu dinh dưỡng trong thai kỳ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mô não, thần kinh và sẽ không bao giờ phục hồi hoàn chỉnh được. Hậu quả của việc thiếu dinh dưỡng trong thai kỳ sẽ tùy thuộc vào từng giai đoạn thai kỳ:

  • Giai đoạn sớm thai kỳ: có thể dẫn đến sảy thai.
  • Giai đoạn hình thành các cơ quan của cơ thể: có thể gây dị tật bẩm sinh.
  • Giai đoạn cuối thai kỳ: chậm phát triển bào thai dẫn đến trẻ sinh ra có cân nặng dưới 2500g.

Nếu lượng đạm ăn vào quá ít trong suốt thai kỳ thì số lượng tế bào của mô thai nhi sẽ giảm, trẻ sinh ra sẽ nhẹ cân và chiều dài không đạt mức tối đa theo tiềm năng di truyền cho phép.

  • Thiếu chất đạm đặc biệt nghiêm trọng đối với Não bộ vì sẽ gây nên sự chậm phát triển không hồi phục.
  • Thiếu folate trong những tuần đầu thai kỳ sẽ bị dị tật ống thần kinh như Nứt đốt sống và thiếu một phần não bẩm sinh. Ống thần kinh đóng không hoàn toàn là nguyên nhân dẫn đến bại liệt, Não úng thuỷ... Ống thần kinh thường đóng lại vào khoảng ngày 24-28 của thai kỳ, đây là thời điểm nhiều phụ nữ chưa nhận biết mình có thai nên chế độ ăn chưa được điều chỉnh hợp lý.
Phòng ngừa thiếu dinh dưỡng trong thai kỳ - ảnh 1
Thiếu dinh dưỡng trong thai kì không chỉ ảnh hưởng đến sản phụ mà còn gây dị tật bẩm sinh ở trẻ
  • Thiếu folate ở giai đoạn cuối thai kỳ sẽ dẫn đến thai nhi chậm tăng trưởng và bà mẹ Mang thai có thể bị chứng thiếu máu hồng cầu to và các biến chứng trong thai kỳ như nhau bong non, xuất huyết.
  • Thiếu iốt trước và trong quá trình mang thai sẽ sinh ra trẻ đần độn, nếu thiếu nhẹ thì có thể dẫn đến chậm phát triển khả năng nhận thức & vận động của trẻ.
  • Tình trạng thiếu vitamin A ở bà mẹ mang thai sẽ dẫn đến sinh non, thai chậm phát triển và sơ sinh nhẹ cân.
  • Thiếu sắt ở mẹ có thể làm tăng nguy cơ chết chu sinh ở trẻ, sanh non, hoặc trẻ sinh ra nhẹ cân, mẹ có thể bị băng huyết sau sinh, chậm phục hồi sức khỏe, giảm sức đề kháng.
  • Thiếu kẽm ở bà mẹ mang thai sẽ ảnh hưởng đến chiều dài tiềm năng của trẻ.
  • Thiếu vitamin D trong suốt thai kỳ sẽ gây rối loạn chuyển hoá canxi dẫn đến hạ canxi huyết, co giật do thiếu canxi, giảm sản men răng của trẻ và chứng nhuyễn xương ở mẹ.

Trẻ sinh ra từ phụ nữ có chế độ ăn Thiếu Vitamin B12 sẽ có nguy cơ cao bị chậm tăng trưởng.

Phòng ngừa thiếu dinh dưỡng trong thai kỳ - ảnh 2
Thiếu vitamin A trong thai kì có thể gây sinh non

2. Nhu cầu dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai

2.1. Năng lượng

Quan niệm bà mẹ mang thai phải ăn gấp đôi là không đúng vì ăn quá nhiều sẽ khiến bà mẹ tăng cân quá mức cần thiết.

Trong 3 tháng đầu thai kỳ, nhu cầu năng lượng tăng không đáng kể. Do đó, ăn đa dạng và đầy đủ các chất dinh dưỡng vẫn quan trọng hơn là ăn thật nhiều. Tuy nhiên, đối với bà mẹ trước khi mang thai bị suy dinh dưỡng thì sẽ cần tăng năng lượng ăn vào ít nhất là 150 kcal, tương đương với tăng 1-2 bữa phụ như uống thêm 1 ly sữa, ăn thêm trái cây.

Trong 6 tháng sau thai kỳ, bà mẹ mang thai cần tăng khoảng 300 kcal/ngày, tương đương ăn thêm 1 chén cơm cùng các loại thức ăn, uống thêm 1-2 ly sữa, hoặc ăn 1-2 bữa phụ.

2.2. Chất đạm

Chất đạm từ chế độ ăn của mẹ sẽ được chuyển đến thai để tổng hợp chất đạm của thai. Lượng đạm ăn vào của mẹ sẽ ảnh hưởng đến chiều dài tiềm năng có thể đạt được của thai nhi. Bà mẹ mang thai cần tăng hơn lúc chưa mang thai khoảng 15g chất đạm mỗi ngày (nghĩa là phải thêm vào chế độ ăn hàng ngày khoảng 80-100 thịt hoặc cá, 2 cái trứng, hoặc 1 ly sữa và 1 miếng phô mai). Theo đó, mẹ bầu nên chọn loại thực phẩm giàu đạm có giá trị sinh học cao như thịt, cá, trứng, sữa (hoặc các chế phẩm từ sữa), sản phẩm từ đậu nành... Thịt, cá, trứng còn là thực phẩm giàu chất sắt, kẽm, vitamin A. Sữa còn chứa nhiều canxi, photpho, vitamin A, vitamin nhóm B...

Phòng ngừa thiếu dinh dưỡng trong thai kỳ - ảnh 3
Chất đạm có thể tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm

2.3 Canxi

Canxi từ mẹ được chuyển cho thai để hình thành xương và răng. Trong 6 tháng đầu, bà mẹ dự trữ canxi trong xương. Một phụ nữ suy trì dinh dưỡng tốt trước mang thai sẽ dự trữ trên 1000g canxi để sử dụng. Khi hệ xương thai nhi phát triển làm nhu cầu canxi tăng cao trong 3 tháng cuối, thai nhi sẽ rút canxi từ kho dự trữ của mẹ. Do đó, nếu bà mẹ không nhận đủ canxi từ thức ăn thì sẽ có nguy cơ cao bị hư răng và loãng xương về sau này. Nhu cầu canxi của bà mẹ mang thai là 1000mg/ngày.

Một số thực phẩm giàu canxi mẹ bầu có thể thêm vào chế độ ăn hàng ngày như: sữa, chế phẩm từ sữa, rau xanh, đậu nành, cá nhỏ ăn luôn xương, tôm tép ăn cả vỏ. 1 ly sữa 200ml cung cấp khoảng 240 mg canxi.

2.4. Sắt

Bà mẹ mang thai cần lượng sắt rất cao để chuyển cho thai nhi, hình thành bánh nhau, lượng máu của mẹ tăng thêm khi mang thai, và bù đắp cho lượng sắt mất khi sinh nở. Tổng lượng sắt cần cho mẹ trong suốt thai kỳ là khoảng 840mg. Trên thực tế, hầu hết các bà mẹ khi mang thai đều không có đủ lượng sắt dự trữ cần thiết cho thai kỳ.

Sắt có trong thịt (đặc biệt là thịt đỏ như thịt heo, thịt bò), cá, lòng đỏ trứng, rau xanh, đậu đỗ. Sắt từ thực phẩm nguồn gốc động vật sẽ dễ hấp thu hơn sắt từ nguồn thực vật. Tuy nhiên, nếu dùng thực phẩm giàu vitamin C cùng bữa ăn sẽ giúp tăng hấp thu chất sắt nguồn gốc thực vật. Ngược lại, trà, cà phê, ca cao sẽ ức chế hấp thu sắt nguồn gốc thực vật nên cần dùng cách xa bữa ăn.

Mặc dù bà mẹ mang thai có thể ăn nhiều thực phẩm giàu chất sắt nhưng vẫn không thể đáp ứng nhu cầu chất sắt tăng rất cao trong thai kỳ. Do đó, để bảo đảm đủ lượng sắt dự trữ cho mẹ, cung cấp đủ nhu cầu cho thai và phòng ngừa thiếu sắt ở mẹ, Viện dinh dưỡng khuyến nghị bà mẹ mang thai nên uống thêm viên sắt bổ sung với liều 60mg sắt nguyên tố kết hợp 0,4mg acid folic mỗi ngày từ khi phát hiện có thai đến ít nhất 1 tháng sau sanh.

Phòng ngừa thiếu dinh dưỡng trong thai kỳ - ảnh 4
Chế độ ăn giàu sắt giúp mẹ bầu không bị thiếu máu

2.5. I-ốt

Bà mẹ cần nhận đủ i-ốt trong thai kỳ để tạo hormone tuyến giáp giúp phát triển hệ thần kinh trung ương của thai nhi. Iốt có thể được cung cấp cho cơ thể từ thức ăn chế biến từ vật nuôi, cây trồng trên đất giàu iốt. Tuy nhiên, nước ta là vùng bị thiếu iốt nên vật nuôi, cây trồng cũng đều bị thiếu. Do đó, để phòng ngừa thiếu iốt một cách hiệu quả thì bà mẹ mang thai nên sử dụng muối iốt hàng ngày (nêm lạt) trong ăn uống và chế biến thực phẩm.

2.6. Kẽm

Bà mẹ mang thai cần khoảng 15 mg kẽm từ chế độ ăn hàng ngày. Thiếu kẽm thường xảy ra ở những bà mẹ có chế độ ăn chủ yếu là ngũ cốc, ít thực phẩm nguồn gốc động vật, nhiều chất ức chế hấp thu kẽm (phytate có trong thực phẩm nguồn gốc thực vật), hoặc bà mẹ bị bệnh đường tiêu hoá (viêm tá tràng, hỗng hồi tràng, giảm tiết dịch vị) ảnh hưởng đến hấp thu kẽm hoặc đa thai. Do đó, những bà mẹ này cần được bổ sung kẽm.

Kẽm có nhiều trong thức ăn nguồn gốc động vật, có rất ít trong thức ăn từ thực vật (trừ mầm của các loại hạt).

Phòng ngừa thiếu dinh dưỡng trong thai kỳ - ảnh 5
Thực phẩm giàu kẽm nên được bổ sung vào chế độ ăn uống

2.7. Vitamin A

Chế độ ăn của bà mẹ cần có thực phẩm giàu tiền sinh tố A (rau xanh đậm, củ quả vàng cam đậm) và vitamin A (thịt, cá, trứng, sữa). Cần hết sức thận trọng khi dùng thuốc có chứa vitamin A cho bà mẹ mang thai vì vitamin A liều cao có thể gây dị tật ở thai nhi. Vitamin A cung cấp từ thực phẩm thường sẽ an toàn hơn và không đến mức gây hại. Tuy nhiên, bà mẹ mang thai không nên ăn quá nhiều gan vì gan rất giàu vitamin A.

2.8. Vitamin D

Vitamin D rất cần thiết để tăng hấp thu canxi vào cơ thể. Bà mẹ cần thường xuyên ra ánh nắng mặt trời (buổi sáng sớm hoặc chiều muộn) để da được tiếp xúc ánh nắng giúp chuyển tiền vitamin D dưới da thành vitamin D. Đối với những bà mẹ không tiếp xúc ánh nắng trong suốt thai kỳ thì cần được bổ sung vitamin D. Tuy nhiên, không nên sử dụng liều cao vitamin D trong suốt thai kỳ.

Phòng ngừa thiếu dinh dưỡng trong thai kỳ - ảnh 6
Vitamin D rất cần thiết để tăng hấp thu canxi vào cơ thể

2.9. Folate và vitamin B12

Folate cần thiết để tạo ống thần kinh của thai nhi trong những tuần đầu thai kỳ, giai đoạn sau folate cần cho quá trình phân bào, tăng trưởng và tạo hồng cầu. Nhu cầu folate trong suốt thai kỳ là 400μg/ngày. Cung cấp đủ folate đặc biệt quan trọng đối với người mang thai nhiều lần, thiếu máu mãn tính hoặc dùng thuốc chống co giật.

Điều khác biệt so với các dưỡng chất khác là hiệu quả hấp thu folate giảm và bài tiết lại gia tăng trong thai kỳ. Đây là yếu tố quan trọng khiến cho thiếu folate trong thai kỳ trở nên là vấn đề quan trọng đáng quan tâm.

Có thể tăng folate trong khẩu phần bằng cách: chọn ăn thực phẩm giàu folate (mầm lúa mì, gan, thận, đậu đỗ, các loại hạt, rau xanh, trái cây đặc biệt là cam, dâu tây, lê, dưa hấu), ăn thực phẩm bổ sung folate, hoặc bổ sung acid folic dưới dạng thuốc. Tuy nhiên, nếu chỉ ăn thực phẩm giàu folate sẽ rất khó đạt được nhu cầu. Do đó, bên cạnh chế độ ăn thực phẩm chứa nhiều folate thì bà mẹ mang thai cần được bổ sung khoảng 0,4mg acid folic mỗi ngày bằng thực phẩm được bổ sung acid folic hoặc thuốc bổ có acid folic.

Vitamin B12 cũng cần thiết cho quá trình phân bào và tạo hồng cầu. Đối với những phụ nữ mang thai ăn chay trường rất cần được bổ sung vitamin B12, bởi đây là một loại vitamin chỉ có ở thực phẩm nguồn gốc động vật.

2.10. Nước

Bà mẹ mang thai cần uống tối thiểu khoảng khoảng 2 lít nước mỗi ngày để đủ nước cho tiêu hoá, hấp thu, chuyển hóa các dưỡng chất, đào thải những sản phẩm chuyển hoá không cần cho cơ thể, và cũng để tránh táo bón. Bên cạnh nước chín, bà mẹ mang thai nên chọn các loại thức uống cung cấp dưỡng chất cần cho cơ thể để đạt nhu cầu khuyến nghị (nước trái cây tươi, sữa...).

Phòng ngừa thiếu dinh dưỡng trong thai kỳ - ảnh 7
Mẹ bầu đừng quên bổ sung nước mỗi ngày

2.11. Thuốc bổ

Những bà mẹ mang thai có chế độ ăn không đủ nhu cầu dinh dưỡng (như kém dung nạp lactose, ăn chay, ăn kiêng, hoặc đa thai) thì cần được bổ sung thuốc bổ đa sinh tố hoặc khoáng chất để giảm nguy cơ khiếm khuyết phát triển trí não, cải thiện chức năng miễn dịch.

3. Chế độ ăn cho bà bầu được khuyến nghị

Để đảm bảo sức khỏe của mẹ cũng như giúp thai nhi phát triển khỏe mạnh thì mẹ bầu cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng như sau:

  • Ăn đa dạng các loại thực phẩm.
  • Nên ăn nhiều bữa để đạt nhu cầu dinh dưỡng.
  • Để đạt nhu cầu năng lượng, mỗi bữa nên ăn thêm 1 chén cơm (cùng với thức ăn) so với khi chưa mang thai.
  • Nhóm bột đường: gạo, nếp, mì, khoai... Nên chọn gạo tốt, không xát kỹ vì sẽ mất vitamin B1. Các loại khoai củ có ít chất đạm nên chỉ ăn thêm chứ không ăn thay bữa chính.
  • Thức ăn giàu đạm như thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa và các loại đậu, cụ thể thịt cá: 120-150g mỗi ngày. Một tuần nên ăn 2-4 lần thịt, khoảng 3 lần cá, hạn chế ăn gan. Trứng: 2-3 quả trứng mỗi tuần. Sữa: 2-4 ly mỗi ngày (ly 200ml), có thể thay bằng phô mai, yaourt. Không nên dùng nhiều sữa, yaourt quá ngọt vì lượng đường quá nhiều sẽ không tốt.
  • Chất béo: nên sử dụng dầu thực vật và chỉ ăn vừa phải.
Phòng ngừa thiếu dinh dưỡng trong thai kỳ - ảnh 8
Trái cây chứa nhiều vitamin có lợi cho mẹ bầu
  • Nên ăn nhiều rau và trái cây tươi mỗi ngày, đặc biệt là rau lá xanh đậm và củ quả vàng cam đậm. Khoảng 300g rau (tương đương 3 chén rau chín) và 2-3 phần trái cây mỗi ngày (1 phần trái cây tương đương 1 trái chuối, 1 trái cam cỡ vừa, 1 miếng đu đủ...)
  • Chất ngọt cũng chỉ ăn vừa phải. Ăn nhiều thực phẩm ngọt sẽ khiến bà mẹ tăng cân nhiều nhưng vẫn có thể bị thiếu những dưỡng chất cần thiết như chất đạm và các vi chất.
  • Sử dụng muối iốt trong ăn uống và chế biến thực phẩm (nêm lạt).
  • Uống nhiều nước (1,5- 2 lít nước mỗi ngày).
  • Hạn chế tối đa thức uống có cồn (rượu, bia).
  • Caffeine qua nhau có thể làm tăng nhịp tim và nhịp thở của thai. Caffeine có trong cà phê, một số loại trà, nước ngọt có gaz, nước tăng lực, cacao... Bà mẹ mang thai không nên uống quá 2 ly cà phê mỗi ngày.
  • Không hút thuốc lá (kể cả hít khói thuốc lá từ môi trường xung quanh): nicotine từ khói thuốc lá sẽ vào hệ tuần hoàn của mẹ, qua nhau thai làm ảnh hưởng đến cung cấp oxy cho thai.

4. Những trường hợp đặc biệt

4.1 Nôn ói

Thường xảy ra vào những tháng đầu thai kỳ. Nếu trầm trọng sẽ dẫn đến thiếu chất đạm và năng lượng, chất khoáng, vitamin và điện giải. Khi đó cần chia nhỏ bữa ăn, chế độ ăn nên ít béo, ít gia vị và nhiều chất bột đường. Không nên uống nhiều cùng với bữa ăn. Nếu tình trạng này kéo dài thì nên nhập viện để được truyền dịch để tránh Mất nước và điện giải.

Phòng ngừa thiếu dinh dưỡng trong thai kỳ - ảnh 9
Mẹ bầu có thể phải truyền nước nếu tình trạng nôn ói xảy ra thường xuyên

4.2. Nóng rát ngực

Thường ở giai đoạn sau của thai kỳ do tử cung to tạo áp lực lên dạ dày cùng với sự nới lỏng cơ vòng thực quản nên dịch tiêu hoá dễ trào lên thực quản gây nóng rát. Triệu chứng này sẽ giảm bằng cách ăn ít mỗi bữa, tăng số bữa ăn và không nên nằm ngay sau khi ăn. Tránh thức ăn béo, cà phê và nước uống có gas.

4.3. Táo bón và bệnh trĩ

Thường ở giai đoạn cuối thai kỳ do giảm nhu động ruột, ít hoạt động thể lực và do tử cung to đè lên đại tràng. Những chứng này có thể giảm khi bà mẹ mang thai ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc không xát kỹ, rau và trái cây, uống nhiều nước. Nên uống 1 ly nước khi thức dậy vào buổi sáng.

4.4 Ngộ độc thực phẩm

Đôi khi tình trạng Ngộ độc thực phẩm xảy ra ảnh hưởng trầm trọng đến thai nhi. Bà mẹ có thể phòng tránh bằng cách chú ý vệ sinh ăn uống, rửa kỹ rau quả, gọt vỏ trước khi ăn, rửa tay kỹ, dùng nước chín, tránh ăn thức ăn chưa nấu chín (thịt tái, gỏi cá sống, trứng lòng đào hoặc trứng sống, hải sản nướng...), tránh xa vật nuôi như chó mèo vì có thể nhiễm giun sán từ những thú cưng này.

Phòng ngừa thiếu dinh dưỡng trong thai kỳ - ảnh 10
Nên ăn chín uống sôi để tránh Ngộ độc thực phẩm

4.5 Đái tháo đường thai kỳ

Đái tháo đường thai kỳ phần lớn xuất hiện sau 20 tuần và thường tự hết sau khi sinh. Bà mẹ mang thai cần ăn đủ nhu cầu, theo dõi đường huyết thường xuyên, giữ mức đường trong máu ổn định, phòng ngừa tình trạng cạn kiệt nguồn dinh dưỡng dự trữ. Thành phần các chất đạm : béo : chất bột đường trong chế độ ăn nên cân đối ở mức 15 : 30 : 55% năng lượng.

4.6. Tăng huyết áp thai kỳ

Tăng huyết áp thai kỳ là một hội chứng bao gồm tăng huyết áp, đạm niệu, và phù nề. Xảy ra khoảng 7-8% thai kỳ và thường ở 3 tháng cuối thai kỳ. Tình trạng này làm giảm lượng máu đến tử cung dẫn đến thai bị kém nuôi dưỡng. Bà mẹ mang thai cần được theo dõi sức khỏe thường xuyên để đảm bảo an toàn cho mẹ và thai.

Phụ lục

Năng lượng & dưỡng chấtPN trưởng thànhPNMT (3 tháng cuối)Cho con bú**
Năng lượng (kcal)220026502700
Protein (g)609183
Vitamin A (μg)6507301100
Vitamin D (μg)*152020
Vitamin E (TE, mg)*66.57
Vitamin C (mg)*100110145
Thiamin (mg)1.11.31.3
Riboflavin (mg)1.31.51.7
Niacin (NE, mg)14.516.818.2
Vitamin B6 (mg)*1.62.12.1
Folate (μg)400600500
Vitamin B12 (μg)*2.42.62.8
8Calcium (mg)80012001300
Phospho (mg)*700700700
Sắt (mg)a264140
Kẽm (mg)*162022
Iod (μg)*150220250
Selenium (μg)*263035

NE, Niacin equivalent; TE, tocopherol equivalent.

* Tham khảo nhu cầu khuyến nghị của Hoa Kỳ

** Suốt 6 tháng cho con bú mẹ

a Sự tăng nhu cầu sắt cho thai kỳ không thể đạt được bằng chế độ ăn hoặc từ dự trữ của cơ thể nên phải bổ sung 30-60mg sắt.

Dinh dưỡng cho mẹ mang thai trong thai kỳ là một trong những yếu tố quyết định sức khỏe của người mẹ và sự phát triển toàn diện của thai nhi ngay từ trong bụng mẹ. Vì thế, trong thai kỳ mẹ cần bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý, tránh tình trạng thiếu hụt làm ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung