Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Thừa axit dạ dày và những điều cần biết

27/05/2021
Thừa axit dạ dày và những điều cần biết

Axit dạ dày đóng vai trò quan trọng đối với chức năng tiêu hóa. Mất cân bằng axit dạ dày, cụ thể là tình trạng thừa axit dạ dày có thể dẫn tới nhiều bệnh lý nguy hiểm như viêm loét dạ dày, xuất huyết dạ dày,... nếu không được phát hiện, điều trị sớm.

1. Vai trò của axit dạ dày

Thành phần chính của axit dạ dày là axit clohydric (công thức hóa học: HCl). Nồng độ HCl ở dạ dày của người khỏe mạnh dao động trong khoảng 0,0001 – 0,001 mol/l, độ pH khoảng 3 - 4.

Axit dạ dày đóng vai trò quan trọng đối với hệ tiêu hóa. Đó là:

  • Thúc đẩy quá trình tiêu hóa thức ăn và làm rỗng dạ dày;
  • Kích thích ruột non và tụy sản xuất ra các enzyme tiêu hóa để phá vỡ chất béo, protein,...;
  • Tiêu diệt các vi khuẩn có hại từ bên ngoài đi vào dạ dày, tránh gây ảnh hưởng xấu tới hệ tiêu hóa;
  • Có vai trò quan trọng đối với việc đóng - mở các van tâm vị và môn vị.

Axit dạ dày cần đảm bảo cân bằng để ổn định quá trình tiêu hóa trong dạ dày. Việc thiếu hoặc dư axit dạ dày đều gây ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng tiêu hóa của dạ dày nói riêng và sức khỏe nói chung.

2. Thừa axit dạ dày là gì? Nguyên nhân - triệu chứng của bệnh

2.1 Thừa axit dạ dày là gì?

Khi nồng độ axit dạ dày vượt mức 0,001 mol/l và độ pH dưới 3.5 thì sẽ dẫn tới tình trạng thừa axit dạ dày. Đây là tình trạng phổ biến, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới dạ dày, dẫn tới nhiều bệnh lý nguy hiểm.

Thừa axit dạ dày và những điều cần biết - ảnh 1
Axit dạ dày dư thừa có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh lý

2.2 Nguyên nhân thừa axit dạ dày

  • Lạm dụng rượu, bia: Rượu, bia ức chế sự tạo thành chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày, đồng thời kích thích tiết ra nhiều axit dịch vị nên dễ gây tổn thương niêm mạc dạ dày. Người uống quá nhiều rượu bia thường có lượng axit dạ dày cao, làm tổn thương nặng tại ổ viêm, có thể gây loét, thủng dạ dày, thậm chí dẫn tới ung thư dạ dày;
  • Ăn uống thất thường: Ăn uống không đúng bữa, bỏ bữa, thường xuyên ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ cũng là nguyên nhân gây tăng tiết axit dạ dày dẫn tới dư axit dạ dày;
  • Căng thẳng thần kinh: Khiến dạ dày phải co bóp, tiết axit nhiều, dẫn tới dư axit dạ dày, đau dạ dày;
  • Vi khuẩn Helicobacter Pylori: Sự tồn tại của vi khuẩn Helicobacter Pylori trong dạ dày làm tăng tiết axit, gây nhiều bệnh lý tại dạ dày;
  • Hút thuốc lá: Nicotin có trong thuốc lá có thể tiêu diệt các lợi khuẩn trong dạ dày, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn có hại phát triển, đặc biệt là vi khuẩn Helicobacter Pylori gây tăng tiết axit dạ dày;
  • Thiếu ngủ: Thức quá khuya, ngủ không đủ giấc là nguyên nhân tăng tiết axit dạ dày.

2.3 Triệu chứng thừa axit dạ dày

  • Đau và nóng rát thượng vị;
  • Đầy hơi, ợ chua, chua miệng, hôi miệng;
  • Tiêu chảy hoặc táo bón, nước tiểu sẫm màu kéo dài;
  • Da khô, nổi nhiều mụn nhọt;
  • Thường xuyên mệt mỏi, mất ngủ;
  • Buồn nôn, khó tập trung và căng thẳng thần kinh.
Thừa axit dạ dày và những điều cần biết - ảnh 2
Người bệnh thường xuyên đau bụng vùng thượng vị do thừa axit dạ dày gây ra

3. Thừa axit dạ dày có nguy hiểm không?

Thừa axit dạ dày là tình trạng nguy hiểm. Nguyên nhân vì lượng axit vừa đủ sẽ giúp tiêu hóa thức ăn nhưng nếu dư thừa axit thì sẽ gây phá hủy, bào mòn thành dạ dày và các cơ quan trong hệ tiêu hóa. càng ngày, axit sẽ càng làm tổn thương sâu hơn ở niêm mạc dạ dày, gây các bệnh lý như:

  • Đau dạ dày: Dư axit dạ dày làm tổn thương niêm mạc, gây các vết loét trên niêm mạc dạ dày, làm xuất hiện các cơn đau dạ dày;
  • Trào ngược dạ dày thực quản: Axit dịch vị dư thừa có thể trào ngược lên thực quản, làm tổn thương cơ quan này;
  • Viêm loét dạ dày: Các vết Viêm dạ dày lâu ngày sẽ bị axit dư thừa tấn công, gây các ổ loét trên niêm mạc dạ dày;
  • Xuất huyết dạ dày: Axit dư thừa tiếp xúc với các vết loét có thể gây chảy máu dạ dày;
  • Thủng dạ dày và ung thư dạ dày: Là các biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh.

Ngoài ra, thừa axit dạ dày còn gây ăn mòn cơ thể, khiến cơ thể mất sức đề kháng, dễ mắc các bệnh mãn tính như gút, loãng xương, ung thư, sỏi thận, béo phì, bệnh về gan, mật,...

4. Biện pháp điều trị chứng thừa axit dạ dày

4.1 Sử dụng thuốc giảm tiết axit dạ dày

Các loại thuốc giảm tiết axit dạ dày, giảm tác động xấu của axit lên niêm mạc dạ dày đang được sử dụng phổ biến hiện nay là ranitidin, omeprazol, cimetidin, lansoprazol,... Các loại thuốc giúp trung hòa lượng axit dư thừa, làm tăng độ pH gồm alusi, maalox, gastropulgite,...

Khi thuốc được đưa vào cơ thể, các hoạt chất trong thuốc sẽ tan ra ở cơ quan tiêu hóa, đi vào máu. Chúng có thể gây ra một số tác dụng phụ như dị ứng, đau đầu, buồn nôn,... Vì vậy, người bệnh chú ý là không tùy tiện sử dụng thuốc giảm axit dạ dày mà cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để tránh những tác dụng phụ có thể xảy ra.

Thừa axit dạ dày và những điều cần biết - ảnh 3
Người bệnh được chỉ định sử dụng thuốc điều trị chứng thừa axit dạ dày

4.2 Duy trì thói quen sinh hoạt và ăn uống lành mạnh

  • Ăn tối đúng giờ, tốt nhất là ăn trước khi đi ngủ khoảng 3 - 4 tiếng;
  • Không ăn quá no trước khi đi ngủ vì việc này sẽ gây áp lực khiến dạ dày phải làm việc nhiều;
  • Tránh ăn những đồ chua, cay như: Ớt, giấm, các loại dưa chua,... để tránh bào mòn dạ dày;
  • Chia nhỏ bữa ăn trong ngày, ăn uống với lượng phù hợp;
  • Nên ăn chậm, nhai kỹ;
  • Tránh xa các loại đồ uống có chứa chất kích thích như bia rượu hoặc đồ uống có ga;
  • Bỏ thuốc lá;
  • Ngủ đủ giấc, tránh thức khuya;
  • Uống một ly nước lọc mỗi sáng để làm sạch đường ruột, đào thải bớt các chất có hại ra khỏi cơ thể;
  • Tránh căng thẳng, giữ Tâm lý thoải mái và lạc quan.

4.3 Sử dụng các loại thực phẩm giúp giảm axit dạ dày

Có một số loại thức ăn lành mạnh không kích thích sản xuất axit dạ dày, giảm viêm thực quản, dạ dày, đồng thời cung cấp đủ các dưỡng chất cho cơ thể. Các loại thực phẩm có thể kể đến như:

  • Rau lá xanh: Cải xoăn, Rau chân vịt có chứa nhiều chất chống oxy hóa và chất xơ thực vật rất tốt cho hệ tiêu hóa;
  • Atiso: Giúp hỗ trợ tiêu hóa;
  • Ớt chuông: Giàu vitamin C, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, chống lại các tác nhân nhiễm trùng;
  • Tỏi: Hoạt chất allicin trong Tỏi có khả năng tiêu diệt vi khuẩn và giảm sự hình thành của axit. Vì vậy, để giảm axit dạ dày, người bệnh có thể nhai 2 - 3 tép Tỏi mỗi bữa ăn;
Thừa axit dạ dày và những điều cần biết - ảnh 4
Sử dụng tỏi có thể giúp giảm tình trạng dư thừa axit trong dạ dày người bệnh
  • Ngũ cốc nguyên cám: Hạt kê, bột yến mạch, gạo lứt, hạt lanh,... có nhiều chất xơ, hỗ trợ tiêu hóa rất tốt;
  • Chuối: Có tính kiềm, giúp trung hòa axit dạ dày. Mỗi ngày mỗi người nên ăn 1 - 2 quả chuối chín vì nó rất có lợi cho hệ tiêu hóa và sức khỏe tổng quát;
  • Dưa hấu: Ăn vài lát dưa hấu hoặc uống 1 ly nước ép dưa hấu mỗi ngày sẽ giúp giảm tiết axit dạ dày, ngăn ngừa ợ nóng, trào ngược;
  • Dầu thực vật: Gồm dầu hạt lanh, hạt cải, đậu nành, hướng dương,... Chúng rất giàu Omega-3 và Omega-6, giúp kháng viêm, trung hòa axit và tạo ra hàng rào bảo vệ niêm mạc dạ dày;
  • Thực phẩm khác: Cá hồi, cá mòi, cá thu, cá ngừ, thịt gia cầm, hạt hạnh nhân, quả óc chó, bí xanh, táo, ổi,...

4.4 Một số mẹo giảm axit dạ dày bằng nguyên liệu thiên nhiên

  • Củ gừng: Gừng có tác dụng kháng viêm, giảm đau, trung hòa axit dạ dày, cải thiện tình trạng trào ngược, khó tiêu do dư axit. Để chữa thừa axit dạ dày, bệnh nhân nên ăn 2 - 3 lát Gừng tươi mỗi ngày hoặc uống trà Gừng đều được;
  • Củ nghệ: Nghệ chứa nhiều curcumin, giúp trung hòa axit dạ dày, bảo vệ các tế bào trong dạ dày khỏi bị ăn mòn, đồng thời ngăn ngừa viêm loét và trào ngược dạ dày - thực quản. Để giảm axit dạ dày, bệnh nhân nên trộn 120g bột Nghệ với 60g mật ong, vo thành viên nhỏ cỡ hạt ngô, mỗi lần uống 3 viên, 3 lần/ngày và dùng ít nhất 10 ngày liên tục;
  • Mật ong: có chứa hàm lượng cao vitamin C, E và các khoáng chất canxi, kẽm, kali có tác dụng cân bằng độ pH trong dạ dày, giảm sản xuất axit và ngăn ngừa những tác hại do thừa axit dạ dày gây ra. Để giảm axit dạ dày bằng mật ong, người bệnh nên uống 1 thìa mật ong vào các buổi sáng và buổi tối trước khi ăn 15 phút hoặc thêm 2 thìa mật ong vào trà hoa cúc, uống 3 cốc nhỏ mỗi ngày.

Axit dạ dày giúp tiêu hóa thức ăn, cho phép cơ thể hấp thu các chất dinh dưỡng cần thiết. Tuy nhiên, nếu dư thừa axit dạ dày thì sẽ gây ra những vấn đề không tốt cho sức khỏe. Vì vậy, mỗi người cần biết cách trung hòa axit dạ dày bằng cách duy trì một chế độ Dinh dưỡng và sinh hoạt lành mạnh.