Thuốc Hemetrex 2,5mg Herabiopharm chuyên dùng trong điều trị viêm khớp dạng thấp nặng, giúp giảm triệu chứng viêm và ngăn ngừa tổn thương khớp. Sản phẩm được đóng gói 10 vỉ, mỗi vỉ chứa 10 viên, tiện lợi cho việc sử dụng và bảo quản. Hemetrex 2,5mg có tác dụng hiệu quả, được khuyến cáo sử dụng dưới sự hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo an toàn và đạt kết quả tối ưu.
Thành phần của Thuốc Hemetrex 2,5mg
Thông tin thành phần | Hàm lượng |
Methotrexate | 2.5mg |
Công dụng của Thuốc Hemetrex 2,5mg
Chỉ định
Thuốc Hemetrex được chỉ định dùng trong các trường hợp sau:
Methotrexate là một chất đối kháng acid folic và được phân loại là chất gây độc tế bào chống chuyển hóa.
Methotrexate được chỉ định trong điều trị cho người lớn bị viêm khớp dạng thấp nặng, hoạt động, không đáp ứng hoặc không dung nạp với liệu pháp thông thường.
Methotrexate cũng được chỉ định điều trị bệnh vảy nến nặng, không kiểm soát được, không đáp ứng với các liệu pháp điều trị khác.
Methotrexate đã được chỉ định để điều trị nhiều loại bệnh ung thư bao gồm: Bệnh bạch cầu cấp tính, u lympho không Hodgkin, sarcoma mô mềm và sarcoma xương và các khối u rắn đặc biệt là vú, phổi, đầu và cổ, bàng quang, cổ tử cung, buồng trứng và ung thư tinh hoàn.
Dược lực học
Nhóm dược lý: Thuốc ức chế miễn dịch.
Mã ATC: L04AX03.
Cơ chế hoạt động
Methotrexate là một chất đối kháng acid folic và vị trí tác động chính của nó là enzym dihydrofolate reductase. Ngoài tác dụng chính là ức chế tổng hợp DNA, methotrexate cũng tác động trực tiếp lên cả sự tổng hợp RNA và protein. Tác động chính của methotrexate là ức chế đặc hiệu pha S của quá trình phân chia tế bào.
Sự ức chế enzym dihydrofolate reductase có được ngăn chặn bằng cách sử dụng leucovorin (acid folinic, yếu tố citrovorum) và có thể bảo vệ các mô bình thường bằng cách sử dụng leucovorin calci đúng thời điểm.
Dược động học
Sự hấp thu của methotrexate khi dùng đường uống dường như phụ thuộc vào liều lượng. Nồng độ đỉnh trong huyết thanh đạt được trong vòng 1 đến 2 giờ. Nói chung, với liều 30 mg/m2 hoặc ít hơn, methotrexate được hấp thu nhanh và hoàn toàn. Sinh khả dụng của methotrexate khi dùng đường uống cao (80 - 100%) với liều 30 mg/m2 hoặc thấp hơn. Sự bão hòa hấp thu ở liều trên 30 mg/m2 và hấp thu không hoàn toàn với liều vượt quá 80 mg/m2. Sau khi tiêm, nồng độ đỉnh methotrexate trong huyết thanh đạt được trong khoảng một nửa thời gian này. Sau khi tiêm bắp, nồng độ đỉnh trong huyết thanh đạt được trong vòng 30 đến 60 phút.
Khoảng 50% lượng methotrexate được hấp thu liên kết thuận nghịch với protein huyết thanh nhưng dễ dàng phân bố vào các mô. Quá trình bài tiết chủ yếu qua thận. Khoảng 41% liều dùng được đào thải dưới dạng không đổi qua nước tiểu trong vòng sáu giờ đầu tiên, 90% trong vòng 24 giờ. Một phần nhỏ được bài tiết qua mật - có tuần hoàn gan ruột rõ rệt.
Thời gian bán thải khoảng 3 - 10 giờ sau khi dùng liều thấp và 8 - 15 giờ sau liều cao. Nếu chức năng thận bị suy giảm, nồng độ methotrexate trong huyết thanh và mô có thể tăng nhanh.
Methotrexate không đi vào dịch não tủy ở liều điều trị bằng đường uống hoặc đường tiêm. Tuy nhiên, nồng độ gây độc tế bào (>10-7M) có thể đạt được trong dịch não tủy với liều cao (> 500 mg/m2). Khi chỉ định thuốc với nồng độ cao, nên tiêm trực tiếp vào nội tủy mạc.
Cách dùng Thuốc Hemetrex 2,5mg
Cách dùng
Thuốc dạng viên dùng đường uống.
Bất kỳ ai tiếp xúc với thuốc methotrexate đều phải rửa tay sau khi hoàn tất công việc. Để giảm nguy cơ phơi nhiễm, cha mẹ và người chăm sóc nên đeo găng tay dùng một lần khi tiếp xúc với thuốc.
Liều dùng
Methotrexate chỉ nên được kê đơn bởi các bác sĩ có kinh nghiệm sử dụng methotrexate và có hiểu biết một cách đầy đủ về các nguy cơ của liệu pháp methotrexate.
Các bác sĩ kê đơn phải chắc chắn rằng bệnh nhân hoặc người chăm sóc họ sẽ tuân thủ chế độ điều trị mỗi tuần một lần.
Liều chỉ định cho điều trị ung thư
Cảnh báo: Phải điều chỉnh thận trọng liều methotrexate dựa trên diện tích bề mặt cơ thể nếu methotrexate được sử dụng để điều trị các bệnh lý khối u.
Các trường hợp nhiễm độc gây tử vong đã được báo cáo sau khi sử dụng các liều methotrexate không được tính toán chính xác. Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe và bệnh nhân nên được thông tin đầy đủ về các độc tính của thuốc.
Dùng đường uống:
Khuyến cáo nên dùng liều thử nghiệm từ 5 - 10 mg ngoài đường tiêu hóa, một tuần trước khi điều trị để phát hiện các tác dụng ngoại ý đặc trưng. Các liều thấp không vượt quá 30 mg/m2 trong 5 ngày liên tục.
Sau đó, cần có thời gian nghỉ ít nhất hai tuần để tủy xương phục hồi lại bình thường.
Liều vượt quá 100 mg thường được dùng ngoài đường tiêu hóa, nên chỉ định đường tiêm. Không nên dùng liều vượt quá 70 mg/m2 mà không kết hợp với leucovorin (giải cứu acid folinic) hoặc xét nghiệm nồng độ methotrexate trong huyết thanh 24 - 48 giờ sau khi dùng thuốc.
Nếu sử dụng methotrexate kết hợp với các phác đồ hóa trị liệu thì nên giảm liều methotrexate, lưu ý đến bất kỳ độc tính chồng chéo nào của các thành phần thuốc khác.
Liều dùng cho bệnh vảy nến và viêm khớp dạng thấp
Cảnh báo quan trọng về liều methotrexate: Trong điều trị bệnh vảy nến và viêm khớp dạng thấp, chỉ sử dụng methotrexate mỗi tuần một lần. Sai sót về liều lượng khi sử dụng methotrexate có thể dẫn đến phản ứng phụ nghiêm trọng, bao gồm cả tử vong. Vui lòng đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của sản phẩm.
Người kê đơn cần ghi rõ ngày uống thuốc trên đơn thuốc.
Bệnh vảy nến
Trước khi bắt đầu điều trị, nên cho bệnh nhân dùng thử liều 2,5 - 5,0 mg để loại trừ các tác dụng độc tính không mong muốn. Nếu một tuần sau, các xét nghiệm cận lâm sàng liên quan có giá trị bình thường thì có thể bắt đầu điều trị.
Liều thông thường là 7,5 - 15 mg mỗi tuần một lần. Để điều trị bệnh vảy nến nặng, khi cần thiết tổng liều hàng tuần có thể được nâng lên 20 - 25 mg bằng đường uống. Nên điều chỉnh liều dùng theo đáp ứng của bệnh nhân và độc tính huyết học.
Bệnh viêm khớp dạng thấp
Ở người lớn viêm khớp dạng thấp nặng, hoạt động, không đáp ứng hoặc không dung nạp với các thuốc điều trị thông thường khác, nên dùng methotrexate với liều 7,5 - 15 mg mỗi tuần một lần. Tổng liều hàng tuần có thể lên đến 20 - 25 mg bằng đường uống nếu cần thiết.
Nên điều chỉnh liều dùng theo đáp ứng của bệnh nhân và độc tính huyết học.
Bệnh nhân nhi
Nên tuân theo các phác đồ điều trị hiệu lực hiện có cho trẻ em. Tính an toàn và hiệu quả của thuốc ở trẻ em vẫn chưa được thiết lập, ngoại trừ trong hóa trị liệu ung thư.
Người cao tuổi
Methotrexate nên được sử dụng hết sức thận trọng ở bệnh nhân cao tuổi, nên cân nhắc giảm liều ở người cao tuổi do giảm chức năng gan và thận cũng như dự trữ folate thấp hơn khi tuổi càng cao.
Bệnh nhân suy thận - điều chỉnh liều
Methotrexate được thải trừ đáng kể qua thận, do đó nên thận trọng khi sử dụng cho bệnh nhân suy giảm chức năng thận. Bác sĩ kê đơn có thể cần điều chỉnh liều dùng để ngăn ngừa sự tích lũy thuốc. Bảng dưới đây cung cấp liều khởi đầu được khuyến cáo ở bệnh nhân suy thận, có thể cần điều chỉnh thêm liều lượng do sự biến thiên của pK giữa các đối tượng.
Bảng 1a: Điều chỉnh liều methotrexate < 100mg/m2 cho bệnh nhân suy thận | |
Độ thanh thải creatinin (ml/phút) | % liều chỉ định |
> 60 | 100 |
30 - 59 | 50 |
< 30 | Không chỉ định methotrexate |
Bảng 1b: Điều chỉnh liều methotrexate > 100mg/m2 cho bệnh nhân suy thận | |
Độ thanh thải creatinin (ml/phút) | % liều chỉ định |
> 80 | 100 |
= ~ 80 | 75 |
= ~ 60 | 63 |
< 60 | không được chỉ định methotrexate |
Bệnh nhân suy gan
Nên sử dụng methotrexate hết sức thận trọng trên tất cả các bệnh nhân bị bệnh gan nặng hoặc có tiền sử bệnh gan nặng, đặc biệt nếu do rượu.
Bệnh nhân có bệnh lý ứ dịch khoang thứ ba của cơ thể (tràn dịch màng phổi, cổ trướng).
Vì thời gian bán thải của methotrexate có thể kéo dài gấp 4 lần so với bình thường ở những bệnh nhân có bệnh lý ứ dịch ở khoang thứ ba.
Do vậy có thể cần giảm liều, trong một số trường hợp, ngừng điều trị với methotrexate.
Đặc biệt lưu ý
Nếu thay đổi đường dùng từ uống sang tiêm, có thể phải giảm liều do sự thay đổi sinh khả dụng của methotrexate sau khi uống.
Lưu ý: Liều dùng trên chỉ mang tính chất tham khảo. Liều dùng cụ thể tùy thuộc vào thể trạng và mức độ diễn tiến của bệnh. Để có liều dùng phù hợp, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế.
Làm gì khi dùng quá liều?
Các trường hợp quá liều, đôi khi gây tử vong, do dùng sai liều lượng, thay vì uống methotrexate hàng tuần thì bệnh nhân uống hàng ngày đã được báo cáo. Trong những trường hợp này, các triệu chứng thường được báo cáo là các phản ứng trên hệ tiêu hóa và huyết học.
Độc tính của methotrexate tác động chủ yếu đến các cơ quan tạo máu.
Calci folinate có tác dụng trung hòa ngay tức thì độc tính của methotrexate. Nên bắt đầu truyền tĩnh mạch calci folinate ngay trong vòng một giờ sau khi dùng methotrexate. Liều dùng của calci folinate ít nhất phải bằng liều methotrexate mà bệnh nhân uống.
Các triệu chứng của quá liều chủ yếu giống như các tác dụng không mong muốn, nhưng nặng hơn.
Leucovorin là một thuốc giải độc đặc hiệu cho methotrexate. Leucovorin cần được sử dụng ngay trong vòng một giờ khi quá liều methotrexate với liều bằng hoặc cao hơn liều methotrexate đã dùng. Leucovorin có thể được tiêm tĩnh mạch nhanh hoặc truyền tĩnh mạch.
Các liều cao hơn có thể được chỉ định. Bệnh nhân cần được theo dõi cẩn thận và truyền máu, thẩm tách thận có thể cần thiết.
Theo kinh nghiệm, quá liều methotrexate thường xảy ra khi uống và tiêm trong da, mặc dù quá liều khi tiêm tĩnh mạch và tiêm bắp cũng đã được báo cáo.
Các trường hợp quá liều, đôi khi gây tử vong đã được báo cáo, do uống sai theo hàng ngày thay vì uống hàng tuần. Trong những trường hợp này, các triệu chứng thường được báo cáo là các phản ứng phụ trên hệ tiêu hóa và huyết học. Như giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, thiếu máu, giảm toàn thể huyết cầu, ức chế tủy xương, viêm niêm mạc, viêm miệng, loét miệng, buồn nôn, nôn, loét đường tiêu hóa, xuất huyết tiêu hóa. Một số trường hợp không các triệu chứng cũng được báo cáo. Đã có báo cáo về trường hợp tử vong sau khi dùng quá liều mạn tính do bệnh nhân tự điều chỉnh liều điều trị viêm khớp dạng thấp và bệnh vảy nến. Trong những trường hợp này, các dấu hiệu nhiễm trùng huyết hoặc sốc nhiễm trùng, suy thận và thiếu máu bất sản cũng được báo cáo.
Trong trường hợp quá liều lượng lớn, có thể cần bù nước và kiềm hóa nước tiểu để ngăn ngừa sự kết tủa của methotrexate và/hoặc các chất chuyển hóa của nó trong ống thận. Chạy thận nhân tạo và thẩm phân phúc mạc đều không được chứng minh cải thiện sự đào thải methotrexate. Sự thanh thải hiệu quả methotrexate đã được báo cáo khi thẩm tách máu ngắt quãng, tích cực bằng máy lọc máu lưu lượng cao. Theo dõi nồng độ methotrexate huyết thanh có liên quan đến việc xác định đúng liều calci folinate và thời gian điều trị.
Có thể ngừng các biện pháp điều trị quá liều methotrexate khi nồng độ methotrexate huyết thanh giảm dưới mức 5 x 10-8 M (10).
Trong trường hợp khẩn cấp, hãy gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.
Làm gì khi quên 1 liều?
Bổ sung liều ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu thời gian giãn cách với liều tiếp theo quá ngắn thì bỏ qua liều đã quên và tiếp tục lịch dùng thuốc. Không dùng liều gấp đôi để bù cho liều đã bị bỏ lỡ.
Tác dụng phụ
Khi sử dụng thuốc Hemetrex bạn có thể gặp các tác dụng không mong muốn (ADR):
Nhìn chung, tỷ lệ và mức độ nghiêm trọng của các tác dụng không mong muốn liên quan đến liều dùng, tần suất dùng thuốc, đường dùng và thời gian điều trị.
Hầu hết các phản ứng không mong muốn đều có thể hồi phục nếu được phát hiện sớm. Khi các phản ứng phụ xảy ra, nên giảm liều hoặc ngừng sử dụng thuốc đồng thời cần thực hiện các biện pháp khắc phục thích hợp, bao gồm sử dụng calci folinate. Liệu pháp methotrexate chỉ nên được tiếp tục một cách đặc biệt thận trọng, sau khi đã cẩn thận xem xét lợi ích của điều trị với khả năng tái phát độc tính.
Các phản ứng không mong muốn nghiêm trọng nhất của methotrexate gồm ức chế tủy xương, nhiễm độc phổi, nhiễm độc gan, nhiễm độc thận, nhiễm độc thần kinh, huyết khối tắc mạch, sốc phản vệ và hội chứng Stevens - Johnson.
Các phản ứng không mong muốn thường gặp nhất của methotrexate gồm rối loạn tiêu hóa (viêm miệng, khó tiêu, đau bụng, buồn nôn, chán ăn) và các xét nghiệm chức năng gan bất thường (tăng alanineaminotransferase (ALAT), aspartate (ALAT), aspartate aminotransferase (ASAT), bilirubin, phosphatase kiềm). Các tác dụng phụ xảy ra thường xuyên khác là giảm bạch cầu, thiếu máu, giảm tiểu cầu, nhức đầu, mệt mỏi, buồn ngủ, viêm phổi, viêm kẽ phế nang, viêm phổi kẽ thường liên quan với tăng bạch cầu ái toan, loét miệng, tiêu chảy, ngoại ban, ban đỏ và ngứa.
Hầu hết các phản ứng có hại liên quan là ức chế hệ thống tạo máu và rối loạn dạ dày ruột.
Trong điều trị chống ung thư, suy tủy và viêm niêm mạc là những tác dụng gây độc giới hạn liều điều trị của methotrexate. Mức độ nghiêm trọng của những phản ứng này phụ thuộc vào liều, phương pháp và thời gian dùng methotrexate. Viêm niêm mạc thường xuất hiện khoảng 3 đến 7 ngày sau khi sử dụng methotrexate, giảm bạch cầu và giảm tiểu cầu thường xuất hiện một vài ngày sau đó. Ở những bệnh nhân với các cơ chế thải trừ không bị ảnh hưởng, suy tủy và viêm niêm mạc thường có thể hồi phục trong vòng 14 đến 28 ngày.
Các phản ứng không mong muốn trên các cơ quan khác nhau như sau:
Rối loạn da và tổ chức dưới da:
Ngoại ban, hội chứng Stevens - Johnson, hoại tử biểu bì nhiễm độc, ban đỏ, ngứa, mày đay, nhạy cảm với ánh sáng, thay đổi sắc tố, hồng ban đa dạng, bong móng, tăng sắc tố, đốm xuất huyết, viêm mạch dị ứng, viêm tuyến mồ hôi, rụng lông tóc, mất sắc tố, bầm máu, giãn mao mạch, mụn trứng cá, nhọt, tăng cảm giác đau do tổn thương vảy nến, loét da, nổi mụn nước ở da, tăng sắc tố móng và viêm quanh móng cấp tính.
Bong tróc da và viêm da bong vảy (tần suất không xác định).
Sự phục hồi đã được ghi nhận khi tổn thương da do bức xạ và ánh nắng mặt trời. Tổn thương của bệnh vảy nến có thể trở nên nặng hơn khi kết hợp điều trị liệu pháp UV. Viêm da do bức xạ và cháy nắng có thể hồi phục.
Rối loạn máu và hệ bạch huyết:
Thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ, rối loạn tạo máu, tăng bạch cầu ái toan, rối loạn tăng sinh bạch huyết (có thể hồi phục một phần), bệnh hạch bạch huyết, suy tủy xương (đặc biệt khi dùng methotrexate liều cao) thường được biểu hiện bằng giảm tiểu cầu (thường có thể hồi phục), giảm bạch cầu trung tính, giảm bạch cầu, giảm toàn thể huyết cầu, mất bạch cầu hạt, thiếu máu, thiếu máu bất sản, suy giảm miễn dịch, rối loạn tăng sinh tế bào lympho (rất hiếm gặp) hoặc bất kỳ sự kết hợp nào có thể xảy ra. Nhiễm trùng hoặc hạ gammaglobulin máu, xuất huyết nhiều vị trí. Suy tủy xương có thể dẫn đến giảm khả năng chống nhiễm trùng và nhiễm trùng huyết.
Rối loạn tiêu hóa:
Viêm niêm mạc, viêm miệng, viêm lợi, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, viêm tụy, viêm ruột, loét đường tiêu hóa (bao gồm cả loét miệng) và chảy máu, kém hấp thu, nhiễm độc đại tràng, khó tiêu, đau bụng, chán ăn, buồn nôn, nôn, tiêu chảy.
Cần phải điều chỉnh liều khi xuất hiện các rối loạn dạ dày ruột. Gián đoạn điều trị nếu bệnh nhân có biểu hiện viêm loét miệng và tiêu chảy, nếu không có thể gây viêm ruột xuất huyết và tử vong do thủng ruột.
Rối loạn gan mật:
Nhiễm độc gan dẫn đến tăng transaminase (ASAT, ALAT), phosphatase kiềm và bilirubin, giảm albumin huyết thanh, viêm gan cấp tính, xơ hóa tĩnh mạch cửa, xơ gan, suy gan, thoái hóa mỡ ở gan, tái kích hoạt viêm gan mạn tính hoặc tử vong.
Rối loạn thận và tiết niệu:
Suy thận, tăng ure máu, loét bàng quang, rối loạn tiểu tiện, thiểu niệu, tiểu ra máu, tiểu tiện khó, vô niệu, protein niệu, rối loạn điện giải, bệnh thận.
Rối loạn hô hấp, lồng ngực và trung thất:
Viêm phổi, viêm kẽ phế nang/viêm phổi kẽ cấp tính hoặc mạn tính có thể gây tử vong và thường liên quan đến tăng bạch cầu ái toan, phù phổi cấp, xơ hóa mô kẽ phổi/phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm họng, viêm màng phổi, ho khan, đau ngực, khó thở, tràn dịch màng phổi, hen phế quản, liệt hô hấp.
Trong điều trị viêm khớp dạng thấp, các bệnh phổi do methotrexate là một tác dụng phụ nghiêm trọng có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào trong quá trình điều trị. Các biểu hiện này không phải lúc nào cũng hồi phục hoàn toàn.
Chảy máu cam (tần suất không xác định) đã được báo cáo. Có báo cáo về xuất huyết phế nang phổi (không rõ tần suất) khi sử dụng methotrexate điều trị viêm khớp dạng thấp và các chỉ định liên quan.
Rối loạn hệ thần kinh:
Nhức đầu, mệt mỏi, buồn ngủ, chóng mặt, hoa mắt, hôn mê, mất ngôn ngữ, khó chịu, liệt nhẹ nửa người, liệt nhẹ, co giật, bệnh não/bệnh chất trắng não.
Bệnh chất trắng não đã được báo cáo đặc biệt sau khi dùng methotrexate tiêm tĩnh mạch liều cao hoặc liều thấp sau chiếu xạ vùng sọ - cột sống.
Phù não, rối loạn chức năng nhận thức tinh tế thoáng qua, loạn cận ngôn, cảm giác sọ bất thường. Đau, suy nhược cơ, thay đổi vị giác (vị kim loại), viêm màng não, viêm màng não vô khuẩn cấp tính, bại liệt.
Dị cảm, giảm xúc giác (rất hiếm gặp).
Rối loạn tâm thần:
Trầm cảm, lú lẫn, thay đổi tâm trạng, mất ngủ, rối loạn tâm thần.
Rối loạn tim:
Tràn dịch màng ngoài tim, viêm màng ngoài tim, chèn ép màng ngoài tim.
Rối loạn mạch máu:
Huyết khối (huyết khối động mạch, huyết khối não, huyết khối tĩnh mạch sâu, huyết khối tĩnh mạch võng mạc, viêm tắc tĩnh mạch, thuyên tắc phổi), viêm mạch, hạ huyết áp.
Rối loạn mắt:
Viêm kết mạc, nhìn mờ/suy giảm thị lực, bệnh võng mạc.
Các khối u lành tính, ác tỉnh và không xác định (bao gồm cả u nang và polyp):
U lympho có thể hồi phục, methotrexate có thể gây ra hội chứng ly giải khối u ở những bệnh nhân có khối u phát triển nhanh.
Rối loạn hệ thống sinh sản và vú:
Chứng vú to ở đàn ông, giảm ham muốn tình dục/bất lực, quá trình sinh tinh hoặc sinh trứng bị khiếm khuyết, giảm tinh trùng thoáng qua, vô sinh, rối loạn kinh nguyệt, chảy máu âm đạo, loét âm đạo, viêm âm đạo, tiết dịch âm đạo.
Nhiễm trùng và nhiễm ký sinh trùng:
Nhiễm trùng đường hô hấp hoặc nhiễm trùng da, nhiễm trùng herpes zoster, nhiễm trùng cơ hội, viêm phổi do Pneumocystis carinii/jiroveci và nhiễm trùng phổi khác, tái kích hoạt nhiễm trùng mạn tính thể không hoạt động.
Rối loạn mô liên kết và cơ xương khớp:
Loãng xương, gãy xương do căng thẳng, đau khớp/đau cơ, tăng hạt thấp khớp.
U xương hàm (không rõ tần suất) (thứ phát sau rối loạn tăng sinh bạch huyết).
Rối loạn nội tiết:
Đái tháo đường.
Rối loạn hệ miễn dịch:
Dị ứng, phản ứng phản vệ, sốc phản vệ.
Rối loạn tai và mê đạo:
Ù tai.
Toàn thân và tại chỗ:
Sốt, ớn lạnh, chậm lành vết thương, suy nhược. Phù (không rõ tần suất).
Khác:
Tăng nguy cơ phản ứng độc hại trong xạ trị (hoại tử mô mềm, hoại tử xương).
Hướng dẫn cách xử trí ADR:
Thông báo cho thầy thuốc các tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.
Bảo quản
Để nơi mát, tránh ánh sáng, nhiệt độ dưới 30⁰C.
Để xa tầm tay trẻ em, đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.
Khi nào cần khám viêm khớp dạng thấp?
Bệnh nhân cần thăm khám bác sĩ chuyên khoa Cơ xương khớp khi nhận thấy các triệu chứng sau:
Đau, sưng tấy, hoặc cảm giác nóng tại các khớp.
Khớp bị cứng vào mỗi buổi sáng.
Xuất hiện biến dạng bất thường tại các khớp, đặc biệt là các khớp ngón tay.
Khám viêm khớp dạng thấp ở đâu?
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý phổ biến, đặc biệt ở phụ nữ. Vì vậy, khi có dấu hiệu bệnh, bệnh nhân nên tìm đến các bệnh viện chuyên khoa cơ xương khớp uy tín ở tuyến Tỉnh hoặc Trung ương. Tại đây, với hệ thống trang thiết bị hiện đại và đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, quá trình điều trị sẽ được rút ngắn và hiệu quả hơn.
Ở Hà Nội, bệnh nhân có thể đến các địa chỉ khám viêm khớp dạng thấp sau: Khoa Cơ xương khớp - Bệnh viện E, Khoa Cơ xương khớp - Bệnh viện Bạch Mai, Khoa Cơ xương khớp - Bệnh viện Hữu Nghị, Khoa khám xương khớp - Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Đa khoa Trí Đức, Bệnh viện Đa khoa An Việt, và nhiều bệnh viện khác.